Nhiều TV cố tình làm hỏng hết cả ý đồ của nhà sản xuất khi bạn chơi game hoặc xem phim, vậy mà không phải ai cũng nhận ra điều đó.

Đôi lúc, khi chơi game hoặc xem phim trên TV, bạn để ý sẽ thấy hình ảnh hơi bị rực màu, hoặc khi nhân vật di chuyển là ngay phía sau đó sẽ có 1 cái bóng mờ bám theo sau. Lý do là vì trong tùy chỉnh của TV thường có những thiệt lập khiến màu sắc, chuyển động, độ tương phản khiến hình ảnh trở nên sai lệch so với ý đồ của nhà phát triển. Mỗi hãng TV sẽ có tên gọi khác nhau cho các chế độ hình ảnh, và chúng thường được các hãng quảng bá rất nhiều. Tuy nhiên, ít ai ngờ được rằng chính những chế độ này là thứ làm sai lệch hình ảnh theo nhiều cách khác nhau. Mời các bạn cùng GVN 360 đi chi tiết hơn về vấn đề này nhé.

TV giờ được tích hợp hàng tá tính năng “cải thiện” chất lượng hình ảnh – thứ không hẳn là cần thiết khi chơi game và xem phim

xem phim TV

UHD Alliance – một nhóm hội tụ rất nhiều hãng TV và thương hiệu trong ngành phim ảnh để quyết định xem TV nên hiển thị hình ảnh như thế nào. Nhóm này được thành lập vào năm 2015, và vấn đề nảy sinh từ đó. Khi HDTV được biến thành màn hình 4K với một đống tính năng bổ trợ, các hãng bắt đầu đua nhau phát triển những tính năng giúp tinh chỉnh hình ảnh nhìn bắt mắt nhất có thể. Chuyện cạnh tranh nhau là tốt, nhưng có một sự thật là điều này không hẳn là cần thiết khi bạn chơi game hoặc xem phim trên TV.

xem phim TV

Chẳng hạn, trang Vox có tiến hành thử nghiệm với một số bộ phim trong 2 tình huống: bật và tắt tính năng cải thiện hình ảnh của TV. Qua đó, có thể thấy độ bão hòa màu sắc của 2 tình huống đều khác nhau hoàn toàn, chưa kể độ sáng trong trường hợp bật tính năng “cải thiện” chất lượng hình ảnh khá là… chói lóa. Chính những tính năng này đã khiến hình ảnh trở nên sai lệch so với ý đồ của nhà sản xuất, và chúng mặc định đều được tích hợp sẵn trong TV nhà bạn.

Tên của các chế độ hình ảnh trong TV cũng rất là “lừa tình”

xem phim TV

Đúng là bạn vẫn có thể chỉnh lại các thông số màu sắc, cân bằng trắng,… theo cách thủ công, nhưng chúng thường sẽ phức tạp và menu trong TV lại càng khiến nó trở nên loạn xà ngầu. Thậm chí, ngay cả cái tên của các chế độ hình ảnh trong TV cũng rất là rối não. Ví dụ, chúng ta nghĩ chế độ “Standard” sẽ cho ra hình ảnh bình thường, chả có thay đổi gì cả, nhưng thông thường bản thân nó vẫn có chỉnh một vài thiết lập đó nha, và đáng lo ngại nhất đó chính là hiệu ứng làm mượt chuyển động (motion smoothing).

Sơ lược về tính năng “motion smoothing” trên TV

xem phim TV

Lấy ví dụ phim điện ảnh đi. Thường thì phim sẽ được quay với tốc độ 24 khung hình/giây (fps). Con số này càng cao, hình ảnh sẽ càng chuyển động mượt mà, và ngược lại. Đối với TV, tính năng làm mượt chuyển động sẽ lấy thông tin từ 24 fps đó, đưa nó qua thuật toán để giả lập thành 60 fps, từ đó cho ra hình ảnh nhìn mượt mà hơn. Vấn đề là 60 fps kia là giả chứ không phải là 60 fps thật (chỉ có 24 khung hình là thật, 36 khung hình còn lại là TV tự chế cháo để chèn vào cho đủ 60 khung hình). Hầu hết chúng ta đều đã quen với việc xem phim 24 fps rồi, cho nên nếu không đúng 24 fps thì mắt chúng ta sẽ thấy nó kì kì liền.

xem phim TV

Tương tự với gaming, ví dụ như khi chơi game 30 fps hoặc 60 fps, TV sẽ tự tìm cách để bù đắp số khung hình lên thành 60 fps hoặc 120 fps cho nó mượt, nhưng game lúc này sẽ mất đi chất “cinematic” của nó, hoặc là khiến hình ảnh xuất hiện thêm một số chi tiết kì lạ (gọi là artifact), làm ảnh hưởng đến trải nghiệm khi chơi (chẳng hạn như xuất hiện thêm bóng mờ như phần đầu bài mình có nói).

Chuẩn Filmmaker Mode sẽ giúp chúng ta thưởng thức nội dung đúng với ý đồ của nhà sản xuất

Tin vui là UHD Alliance đã và đang cật lực làm việc để thiết lập thêm nhiều chuẩn cho TV, trong đó có 1 chuẩn khá mới mang tên Filmmaker Mode. Chế độ này sẽ được giữ nguyên tên gọi trên các hãng TV khác nhau, và nó có tác dụng tắt hết các tính năng cải thiện hình ảnh trên TV, kể cả tốc độ khung hình cũng sẽ được giữ nguyên luôn. Một số TV đời mới hiện nay đã có chế độ này rồi, cho nên bạn có thể thử vào trong mục thiết lập hình ảnh để xem xem có không nhé.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về chiếc TV trong nhà. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Vox


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360