Tại sự kiện Supercomputing 2019, Cerebras Systems đã công bố hệ thống máy tính CS-1 thế hệ mới sử dụng con chip siêu to khổng lồ.

Được sản xuất dựa trên tiến trình 16nm của TSMC, con chip này có tới 400.000 nhân, 1,2 ngàn tỉ bóng bán dẫn, và có diện tích bề mặt là 46.225mm2. Nói một cách khác, con chip này bự tương đương tấm wafer silicon dùng để sản xuất ra các con chip bé bé xinh xinh mà anh em vẫn hay thấy trong các bộ máy tính thường dùng. Tất nhiên, nó cũng ngốn điện không ít với mức điện năng tiêu thụ lên đến 15kW. Nói không ngoa thì đây là vi xử lý mạnh nhất dành cho các tác vụ AI (Artificial Intelligence – Trí thông minh nhân tạo).

Thiết kế ra con chip khổng lồ là một chuyện, còn thiết kế ra hệ thống để cấp điện và làm mát cho con chip là một chuyện khác nữa. Và rất may là Cerebras đã sản xuất được hệ thống như vậy. Hiện tại, nó đang được đưa vào sử dụng tại Argonne National Laboratory.

Về mặt hiệu năng, CS-1 có sức mạnh tương đương cụm 1.000 GPU, và cụm GPU này phải ngốn đâu đó tầm 0,5MW điện năng, cao hơn rất nhiều so với con số 15kW của CS-1. Hoặc trong một ví dụ khác, CS-1 mạnh hơn gấp 3 lần so với một pod chứa chip TPU v3 của Google, trong khi pod này ngốn đến tận 100kW điện năng. Nếu so ra thì con chip CS-1 cũng thuộc dạng “nhỏ mà có võ” đó chứ.

Khi tính mức điện năng tiêu thụ tổng thể của cả hệ thống Cerebras CS-1 thì nó tốn khoảng 20kW điện năng, với 15kW cho con chip (như bên trên mình đã chia sẻ), 4kW cho hệ thống tản nhiệt bằng nước, và 1kW… hao hụt do hiệu suất của cục nguồn.

Hệ thống này được thiết kế để hoạt động song song với các hệ thống siêu máy tính hiện tại. Những dữ liệu sau khi đi qua các hệ thống siêu máy xử lý xong thì sẽ được chuyển đến CS-1 để xử lý tiếp. Hệ thống máy tính CS-1 cũng có thể được mở rộng (scalable) để tăng hiệu năng, và nhiều linh kiện trong máy như nguồn, quạt, máy bơm, có thể “thay nóng” (how-swappable) được nhằm hạn chế tối đa nguy cơ hỏng hóc trong quá trình sử dụng.

Cerebras không công bố thêm về giá bán của hệ thống máy tính này, nhưng dự là sẽ nằm đâu đó trong khoảng vài triệu USD. Nó được cho là hướng đến đối tượng khách hàng trong ngành quân đội hoặc cơ quan tình báo là chính. Còn đối với khách hàng khác như Argonne National Laboratory thì họ sử dụng hệ thống này để nghiên cứu về ung thư và khoa học cơ bản như nghiên cứu lỗ đen vũ trụ chẳng hạn.

Những thông tin khác về CS-1 sẽ được Cerebras công bố thêm trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Tom’s Hardware