Chắc hẳn anh em ai yêu công nghệ ai cũng đã từng mở ra chuột bi ra để lau chùi và đem bắn bi vài lần rồi. Không giống như các loại chuột quang học hiện nay, chuột bi sử dụng phương pháp đơn giản để theo dõi chuyển động tay của anh em. Trong bài viết này, mình sẽ giải thích cách hoạt động của loại chuột này.
Cấu tạo của chuột bi
Ngày trước, anh em chỉ thường tháo cái nắp tròn bên dưới chuột ra để lấy viên bi bọc cao su để vệ sinh là chính. Nếu anh em tháo toàn bộ vỏ ngoài thì sẽ thấy nội thất bên trong của con chuột như thế này:
- Switch chuột trái.
- Switch chuột giữa.
- Switch chuột phải.
- Cáp kết nối với cổng PS/2 trên máy tính.
- Chip xử lý tín hiệu di chuyển của chuột từ dạng analog thành tín hiệu dạng số (digital) mà PC hiểu.
- Trục X theo dõi chuyển động theo phương ngang của viên bi.
- Trục Y theo dõi chuyển động theo phương dọc của viên bi.
- Viên bi thép bọc cao su.
- Lò xo tạo lực đẩy.
- Tụ điện.
- Điện trở.
Cách chuột hoạt động
Khi các bạn di chuột trên bàn sẽ làm viên bi cao su lăn theo. Nhờ lực ép từ lò xo số 9 nên viên bi sẽ cọ xát và làm hai trục X, Y lăn theo. Trục X sẽ lăn khi chuột chuyển động lên xuống theo phương thẳng đứng, trục Y sẽ lăn khi chuột chuyển động sang trái, sang phải theo phương ngang. Còn nếu bạn di chuột theo phương chéo thì cả hai trục sẽ lăn cùng nhau.
Bên cạnh đó, ở phần đầu của mỗi trục có gắn một cái bánh xe nhỏ bị khoét rãnh cùng với một bộ thu, phát ánh sáng hồng ngoại. Khi hai cái trục lăn thì bánh xe này cũng sẽ lăn theo. Khi đó, ánh sáng hồng ngoại chiều xuyên qua phần rìa có rãnh của bánh xe sẽ liên tục chớp tắt. Tín hiệu chớp tắt này sẽ được con chip của chuột xử lý thành quãng đường và hướng chuột di chuyển rồi chuyển về cho PC hiển thị con trỏ lên màn hình.
Anh em có thể thấy loại chuột bi này biết được hướng và khoảng cách di chuyển chủ yếu là nhờ ma sát của viên bi với mặt bàn và với hai trục lăn nên gặp rất nhiều hạn chế. Nếu anh em dùng chuột trên bề mặt hơi trơn trượt thì viên vi sẽ không lăn được hoặc để bụi bẩn bám vào viên bi cùng với hai trục lăn là sẽ không dùng được.
Nguồn: Explainthatstuff, HowStuffWork