Mình vừa có dịp được trải nghiệm màn hình gaming thuộc phân khúc tầm trung là ASUS TUF Gaming VG27AQ. Mình cũng như các bạn, khi mới nhìn vào màn hình này thì thấy nó không có vẻ gì là hầm hố, gaming như những con màn khác trên thị trường hiện nay, thậm chí là thiết kế nó có phần “văn phòng” là đằng khác. Nhưng đến khi mình ngồi xuống, cắm màn hình vào, và chơi thử vài game thì mới thấy VG27AQ là một minh chứng điển hình cho câu nói: “Đừng đánh giá một cuốn sách qua vẻ bề ngoài của nó” (“Don’t judge a book by its cover”).
Trước khi mình chia sẻ chi tiết hơn về con màn hình này thì mình sẽ nói một chút về dòng TUF Gaming của ASUS. Ngoài dòng ROG (Republic of Gamers) cao cấp đã quá phổ biến với anh em ra thì ASUS còn có thêm một dòng sản phẩm gaming khác ở phân khúc thấp hơn là TUF Gaming (The Ultimate Force). Đây là dòng sản phẩm gaming tập trung vào độ bền bỉ và ổn định, được tích hợp nhiều tính năng xịn sò mà giá cả lại rất là phải chăng.
Để mình lấy một ví dụ này cho anh em dễ hình dung hơn nhé. Hồi học trung học, trong lớp anh em thường hay có một đứa rất ít nói, nhìn rất là ù lì, nhưng cứ hễ đến khi xếp hạng học kỳ là nó toàn đứng nhất nhì trong lớp. Và ASUS TUF Gaming VG27AQ cũng là một “đứa” như vậy đó.
I/ Tổng quan:
Như mình cũng có chia sẻ phía trên, VG27AQ sở hữu một thiết kế khá hiền, không đèn đóm RGB lòe loẹt như những chiếc màn hình gaming khác. Nó chỉ có vài nét gọi là điểm xuyết liên quan đến gaming nên sẽ phù hợp với những góc chơi game thuộc dạng trung tính, hài hòa, không quá cầu kỳ.
Bù lại, bên trong chiếc màn hình này là hàng tá tính năng và công nghệ hiện đại mà bạn chỉ có thể tìm thấy ở những màn hình gaming với tầm giá cao hơn. Cụ thể, các thông số kỹ thuật của ASUS TUF Gaming VG27AQ gồm có:
- Kích thước màn hình: 27”
- Tỷ lệ màn hình: 16:9
- Độ phân giải: WQHD (2560×1440)
- Công nghệ màn hình: IPS
- Tần số quét: 165Hz (khi bật tính năng Overclock và kết nối bằng DisplayPort)
- Tốc độ đáp ứng: 1ms MPRT (4ms GtG)
- Độ tương phản: 1000:1
- Độ sáng: 350cd/m2 (nit)
- Độ phủ màu: 99% sRGB
- Loa tích hợp: 2W x 2 Stereo RMS
- Cổng kết nối: 2x HDMI 2.0, DisplayPort 1.2a, Headphone 3,5mm
- Trọng lượng: 5,8kg (bao gồm cả phần chân đế)
- Giá tham khảo: 11.590.000VNĐ
Theo mình tìm hiểu thì TUF Gaming VG27AQ cũng có thông số giống với dòng cao cấp hơn là ROG Swift PG279QE, đó là chưa kể thiết kế tổng thể cũng có nhiều nét tương đồng. Nhưng PG279QE thì được trang bị công nghệ G-Sync xịn sò, còn VG27AQ thì lại không có, và cũng nhờ vậy mà giá thành được giảm đi phân nửa. Mặt khác, VG27AQ vẫn được xác nhận là màn hình G-Sync Compatible.
Lợi thế rõ ràng nhất của G-Sync so với G-Sync Compatible là nó được kiểm tra kỹ lưỡng hơn, cân màu chuẩn chỉnh hơn, và hoạt động trong toàn dải tần số quét màn hình (G-Sync Compatible chỉ hoạt động trong một dải nhất định). Nhưng trong thực tế, với nhu cầu chơi game bình thường thì những ưu thế này không thực sự là cần thiết. Bản thân tấm nền IPS cũng đã cho ra màu sắc khá là bắt mắt rồi, và G-Sync Compatible của VG27AQ cũng hoạt động trong khoảng khá rộng là 48-165Hz, mà game thủ PC thì hầu hết cũng chơi game với mức 60fps trở lên. Vì vậy, mình thấy G-Sync Compatible là đủ để đa số anh em chiến game ngon lành cành đào mà không cần đến G-Sync đắt tiền.
Đặc biệt, ASUS còn cho biết VG27AQ là một trong những màn hình đầu tiên được trang bị công nghệ ELMB Sync (Extreme Low Motion Blur) độc quyền của ASUS, cho phép sử dụng đồng bộ cùng lúc 2 tính năng hạn chế nhòe hình (motion blur reduction) và VRR (Variable Refresh Rate – tần số quét biến thiên) để tạo trải nghiệm chơi game tốt hơn cho người dùng. Mình sẽ nói thêm về tính năng này ở phần dưới nhé.
Với những thông số và tính năng xịn sò như trên thì VG27AQ thật sự không hề lép vế so với những màn hình gaming khác một chút nào. Nói cách khác, đây là một màn hình thuộc tiêu chí “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, dù không có thiết kế hào nhoáng nhưng về tính năng thì nó không “ngán” bất kỳ màn hình nào trong cùng phân khúc.
II/ Thiết kế bên ngoài:
Mặc dù đây là một sản phẩm tầm trung, nhưng ASUS vẫn rất chăm chút cho chiếc màn hình này với thiết kế viền mỏng rất tinh tế. Mình đo phần viền 2 bên và phía trên thì nó chỉ dày khoảng 8mm. Ngoài ra thì phía trước chỉ có thêm logo ASUS màu bạc ở phần viền dưới.
Phần mặt sau của màn hình cũng không có gì quá nổi bật, chỉ có logo TUF Gaming ở phần thân trụ và 2 đường cắt xẻ dọc 2 bên, tạo thêm chút điểm nhấn cho chiếc màn hình gaming này.
Như những màn hình gaming khác, ở phía dưới thân trụ có chừa một lỗ để đi dây, được che lại bởi một miếng nhựa. Trước khi đi dây thì bạn hãy tháo nắp nhựa ra, xong rồi thì gắn vào lại vị trí cũ, tạo sự gọn gàng và thẩm mỹ cho góc gaming.
VG27AQ có các cổng kết nối cơ bản như 2x HDMI 2.0, DisplayPort 1.2, cổng tai nghe 3,5mm, và cổng nguồn. Mình tiếc rằng màn hình này không có cổng USB để kết nối thêm thiết bị ngoại vi, nhưng điều này cũng không thực sự quan trọng cho lắm đối với nhu cầu sử dụng bình thường.
Mình cứ nghĩ ở phân khúc này thì ASUS sẽ cắt giảm nhiều thứ, nhưng phần bên hông màn hình vẫn có đầy đủ cần analog điều chỉnh với cụm 4 nút bấm nằm ở ngay phía dưới, tương ứng với các chức năng đóng cửa sổ OSD, GamePlus hotkey (các chức năng hỗ trợ chơi game), GameVisual (các profile màn hình), và bật/tắt màn hình. Các nút bấm cũng được làm gờ nổi, giúp việc thao tác được dễ dàng hơn, không phải mò mẫm hoặc bị bấm lộn nút.
Người ta có câu “tốt khoe, xấu che”, và trên chiếc VG27AQ này ASUS đã khoe cho người dùng thấy đây là một chiếc màn hình có độ linh hoạt cao. Bằng chứng là các thông số đều được in rõ mồn một trên phần thân trụ với font chữ gaming màu đỏ nổi bật trên nền đen. VG27AQ có thể nâng lên / hạ xuống trong khoảng 130mm, điều chỉnh góc nghiêng trong khoảng -5o đến 33o, xoay dọc 90o (theo cả 2 chiều), và ấn tượng nhất là xoay ngang 180o. Đây là một trong số ít màn hình gaming trên thị trường có tính linh động cao như thế này.
Để nhấn mạnh cho tính năng xoay 180o, ASUS đã khắc hẳn một cây thước đo độ với các vạch chia lên trên phần chân đế màn hình, và không quên tô điểm cho nó với các họa tiết gaming cùng với một vòng đỏ bao quát phần chân trụ. Với cái thước này, mình có thể tự tin quay màn hình theo đúng góc mà mình muốn, và khi trả lại vị trí chính giữa thì chỉ cần canh 2 vạch khớp với nhau là xong. Đã xoay là bảo đảm đúng boong! Còn ở những màn hình khác không có thước đo, mỗi lần muốn xoay thẳng màn hình là chỉ có nước đo bằng… mắt, hoặc phải xài thước nếu muốn đo chính xác.
Nhắc đến chân đế, tuy không ngầu như những màn hình gaming khác với thiết kế hình chữ V hoặc “kiềng 3 chân”, nhưng trong quá trình sử dụng thì mình thấy nó vẫn rất vững chắc, không bị lung lay, và nhất là ít chiếm không gian hơn so với các loại kia.
Phần thân trụ được cố định với chân đế bằng một con ốc ở mặt đáy, khi lắp ráp thì chỉ cần siết con ốc này lại là xong. Mình rất hoan nghênh ASUS ở điểm này vì họ đã thiết kế ngàm gắn theo kiểu tool-less (không cần dụng cụ). Thường thì loại ốc này cần phải sử dụng đồng xu hoặc tournevis để siết lại, nhưng với con ốc của VG27AQ thì mình có thể dùng tay siết một cách dễ dàng. Ngoài phần này ra, chỗ kết nối giữa thân trụ và màn hình cũng được cố định bằng 4 con ốc, giúp tăng độ ổn định, độ chắc chắn, và độ bền so với kiểu kết nối bằng ngàm trên những màn hình gaming khác, đúng theo triết lý thiết kế của dòng TUF Gaming.
III/ Trải nghiệm sử dụng:
Khi kết nối bằng DisplayPort và bật tính năng Overclock thì VG27AQ chạy được ở tần số quét 165Hz, đúng như mình mong đợi.
Về công nghệ ELMB Sync thì cơ bản tính năng này cũng giống với các tính năng giảm nhòe hình ảnh như trên những màn hình gaming khác. Nhưng ASUS đã nâng cấp tính năng này thêm một bậc, cho phép nó hoạt động song song với công nghệ tần số quét biến thiên (VRR). Đối với các màn hình gaming khác thì motion blur reduction chỉ sử dụng được khi tần số quét bị khóa cố định mà thôi.
Có một điều lưu ý là khi bật ELMB Sync thì độ sáng tối đa của màn hình sẽ bị hạn chế so với khi không bật. Theo mình cảm nhận thì độ sáng có bị giảm đi rõ rệt, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến trải nghiệm chơi game.
Mình có mở CS:GO lên để test thử tính năng này thì thấy khi chuyển động nhanh, kẻ địch có phần “rõ nét” hơn một chút nên dễ lia hồng tâm theo hơn. Nhưng nhìn chung thì việc bật/tắt tính năng này cũng không thật sự là quá khác biệt như ban ngày và ban đêm. Nếu bạn nào nhạy hơn, tinh mắt hơn thì sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn lợi ích mà tính năng này mang lại. Tuy nhiên, khi mình bật kèm với Adaptive Sync (tức công nghệ VRR) thì màn hình bị tình trạng chớp sáng tối liên tục, kiểu như bóng đèn sắp bị hư ấy.
Do đó, mình chuyển sang Far Cry: New Dawn và Assassin’s Creed: Odyssey để kiểm tra xem trường hợp tương tự có xảy ra hay không. Rất may là với 2 game này, cả 2 công nghệ ELMB Sync lẫn AdaptiveSync đều hoạt động song song và mượt mà với nhau, không bị nhấp nháy như CS:GO. Mình nghĩ đây có thể là do tính chất của game mà 2 tính năng này sẽ hoạt động tốt hoặc chưa tốt. Hi vọng rằng trong những phiên bản sau của ELMB thì trình trạng này sẽ được khắc phục triệt để.
Ngoài ra thì mình cũng có chơi thử Shadow of the Tomb Raider với tính năng HDR được bật (lưu ý là khi bật HDR thì ELMB Sync sẽ bị vô hiệu hóa nhé). Nhờ sử dụng tấm nền IPS với độ phủ màu lên đến 99% sRGB nên hình ảnh cho ra là cực kỳ bắt mắt và thuyết phục đối với một chiếc màn hình thuộc phân khúc tầm trung. Và dù chỉ đạt chuẩn HDR10 nhưng độ tương phản vẫn có sự cải thiện nhất định khi so với chế độ SDR bình thường.
Chưa dừng lại ở đó, ASUS còn tích hợp thêm cho VG27AQ một số công cụ cơ bản thường thấy trên một chiếc màn hình gaming như Crosshair (hiện hồng tâm ảo với 6 kiểu có sẵn), Timer (bộ đếm thời gian), FPS Counter (hiện thông số FPS), và Sniper (hiện hồng tâm với phần giữa màn hình được phóng to theo hình vuông).
Về loa màn hình, nếu bạn có thể sử dụng thêm loa ngoài thì mình khuyên là nên gắn, vì cặp loa tích hợp có âm lượng khá nhỏ và chỉ vừa đủ để lướt web xem YouTube mà thôi. Chứ sử dụng loa này mà vô game chơi thì… có lỗi với lỗ tai lắm.
Chung quy lại thì ASUS TUF Gaming VG27AQ là một chiếc màn hình “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Với thiết kế chắc chắn, bền bỉ, kết hợp nhiều công nghệ xịn sò cùng với mức giá vô cùng phải chăng và hợp lý (11.590.000VNĐ), đây là một chiếc màn hình phù hợp với những bạn mới “nhập môn” gaming, hoặc với những ai không đòi hỏi thiết kế quá cầu kỳ nhưng vẫn muốn đảm bảo có đầy đủ tính năng hiện đại trên một chiếc màn hình gaming.
Link tham khảo sản phẩm:
https://gearvn.com/products/ips-27-144hz-asus-tuf-gaming-vg27aq-2k-165hz