Tản khí thì đặt sao cũng được nhưng lắp tản nước AIO nó phải có phương pháp đó nha anh em. Chỉ cần đặt sai vị trí thôi là đã có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu năng rồi. Còn cụ thể nó như thế nào thì mời anh em cùng xem nhé.

*Để hiểu rõ vấn đề thì anh em cần biết cơ bản trong bộ tản AIO nó có cái gì đã. Anh em có thể kéo xuống cuối bài để xem thêm nhé.

Tản AIO và những chiếc bong bóng khí “kỳ diệu”

Cho anh em nào chưa biết thì không có tản AIO nào chứa đầy ắp nước trong đó cả, các nhà thiết kế sẽ luôn chừa 1 khoảng không khí nhất định trong bộ tản để trừ hao cho việc giãn nở nhiệt. Phần không khí này sẽ luôn chạy đến vị trí cao nhất trong dàn tản của anh em. Và đây chính là lý do mà anh em phải lưu ý đến vị trí đặt block và radiator (két nước) cho tản AIO của mình.

Nếu anh em để block ở vị trí cao nhất trong dàn tản AIO thì không khí sẽ lọt vào block tản nhiệt. Nếu chỉ có vài cái bong bóng khí thôi thì không sao, nhưng nếu nó đủ chiếm 1/3 hay 1/2 cái block thì sẽ có chuyện đấy.

Cái đầu tiên phải nói đến là giảm hiệu suất. Khi phần không khí lọt vô được block thì nó sẽ cản trở sự tiếp xúc giữa nước tản nhiệt và tấm heatsink của block tản nhiệt, từ đó mà hiệu suất truyền nhiệt sẽ kém đi. Cho dù tản của anh em xịn đến cỡ nào đi nữa mà để trường hợp này xảy ra thì cũng bằng thừa, và con CPU của anh em cũng sẽ vẫn nóng mà thôi. Đấy, thấy “kỳ diệu” chưa?

Cái thứ 2 là bơm sẽ hoạt động ồn hơn. Nếu nước chỉ ngập được một phần trong cái block thì cánh quạt của bơm sẽ cứ đập phèn phẹt vào nước trong block, tạo ra tiếng ồn rào rạo, tạo độ rung và làm cho máy bơm nhanh hỏng hơn.

Trường hợp tệ nhất là khi có quá nhiều không khí lọt vào block thì bơm sẽ không có đủ nước để bơm luôn. Có nhiều trường hợp người dùng tưởng rằng cái bơm đã chết ngắc rồi nhưng thật ra chỉ cần lật qua lật lại cho bọt khí đi chỗ khác là nó lại chạy ầm ầm thôi.

Không khí lọt vào két nước thì sao?

Thì bình thường chứ sao. Thể tích của két lớn hơn block rất nhiều nên có lọt tí không khí cũng chẳng sao, nước vẫn có thể lưu chuyển bình thường. Hơn nữa thì trong két cũng không có bơm nên nó cũng không cần đầy nước 100%, không như block.

Tóm lại

Vì thế nên nếu có lắp tản nước AIO thì anh em cũng nên nhớ rằng hãy luôn để két cao hơn block. Block nó sẽ dính luôn với con CPU rồi nên không nói đến nữa, quan trọng là cái két. Tối ưu nhất thì anh em nên để két theo phương ngang, dính trên nóc case, sẵn để cho nó thổi khí nóng ra khỏi case luôn là ngon nhất. Tuy nhiên nếu không được thì anh em cũng có thể để két dọc ở mặt trước case, miễn là có chỗ cao hơn block để khí tụ vào block là được.


*Cấu tạo cơ bản của tản nhiệt AIO

Về cơ bản thì tản AIO sẽ được chi làm 2 phần chính là block và két nước:

Phần block sẽ chứa 2 phần chính là heatsink và bơm. Heatsink chính là cái miếng kim loại để áp vào CPU. Miếng này có 2 mặt, 1 mặt láng để lấy nhiệt từ CPU, mặt còn lại có nhiều rãnh để truyền lượng nhiệt đó vào nước tản nhiệt. Bơm sẽ chịu trách nhiệm đẩy nước lưu thông khắp bộ tản.

Phần két sẽ chứa rad tản nhiệt và dàn quạt. Rad sẽ giúp giải nhiệt cho nước tản nhiệt còn quạt sẽ thổi khí qua rad để làm mát nước tản nhiệt trước khi quay về block.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Theo Gamers Nexus


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360