Chỉ trong vòng 8 năm, từ một nhà sản xuất các thiết bị console Neo Geo, Analogue đã trở thành một công ty khổng lồ trong lĩnh vực retro gaming. Trước đây, Analogue cũng đã từng rất thành công với các thiết bị console được thiết kế lại với chất lượng tốt hơn dựa trên hệ máy NES, SNES, và Genesis. Và vừa mới hôm qua (17/10), công ty này đã công bố một dự án mới nhất và cũng đầy tham vọng nhất: chiếc máy Analogue Pocket.

Pocket có kích thước tương đương với chiếc máy Game Boy ngày trước, và có thể chơi được các băng game của Game Boy, Game Boy Color, và Game Boy Advance; những game thuộc hệ máy Game Gear, Neo Geo Pocket Color, và Atari Lynx cũng sẽ được hỗ trợ thông qua cục adapter.

Chiếc máy sở hữu cụm nút D-pad 4 hướng, 4 nút bấm mặt trước, 2 nút bấm bên hông khe đút băng, và 3 nút hệ thống nằm ở phía dưới góc phải. Đặc biệt, tất cả các nút này đều có thể được lập trình lại tùy theo nhu cầu game thủ. Pocket cũng được tích hợp loa stereo, cổng tai nghe, và cục pin li-ion được sạc thông qua cổng USB-C.

Phần màn hình hiển thị cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Christopher Taber, đồng sáng lập và cũng là Giám đốc Điều hành (CEO – Chief Executive Officer) của Analogue, chia sẻ với trang tin Engadget rằng Pocket sẽ sử dụng tấm nền hiện đại và phức tạp hơn so với những thiết bị retro gaming cầm tay khác.

Cụ thể, màn hình này có kích thước 3,5”, độ phân giải 1.600 x 1.440 (màn hình Game Boy chỉ có 160 x 140), mật độ điểm ảnh 615ppi (pixels per inch), và sử dụng tấm nền LTPS (Low Temperature Poly-silicon) LCD. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có được trải nghiệm tối ưu nhất, “fullscreen” nhất khi chơi những tựa game thuộc hệ máy Game Boy và Game Boy Color; còn Game Boy Advance thì Analogue sẽ cung cấp một vài lựa chọn hiển thị khác nhau tùy vào ý muốn của người chơi, bởi vì tỷ lệ màn hình của Game Boy Advance không vừa vặn với Pocket.

Chi tiết hơn, Analogue chia sẻ rằng màn hình của chiếc máy này sẽ độ chính xác màu (color accuracy), dải động (dynamic range), và độ sáng (brightness) nằm ở mức tốt nhất, giúp hiển thị nội dung game đúng với ý đồ của nhà sản xuất.

Cuối cùng là cái dock đi kèm, sử dụng công nghệ “cây nhà lá vườn” của Analogue để xuất hình ra TV với chất lượng hình ảnh không bị hao hụt dù chỉ một chút. Các cổng kết nối bao gồm HDMI, 2 cổng USB đầu vào (input) dùng để kết nối tay cầm, và Bluetooth dùng để kết nối tay cầm không dây đến từ các hãng như 8BitDo.

Điểm khác biệt của Pocket nằm ở chỗ trong khi đa số các máy gaming retro all-in-one cầm tay khác phụ thuộc vào giả lập phần mềm để chạy game, thì “vũ khí bí mật” của Analogue Pocket nằm ở chỗ vi mạch bán dẫn FPGA (Field-programmable gate array – mạch tích hợp cỡ lớn mà người dùng có thể lập trình được).

Công ty đã nghiên cứu phần cứng và mạch điện gốc của một hệ máy console, rồi lập trình cho một nhân FPGA để “bắt chước” hệ máy console đó. Kết quả là Analogue tạo ra được một chiếc máy có thể chơi trực tiếp nhiều loại băng game không khác gì so với hệ máy gốc.

Thú vị hơn, Analogue sử dụng đến 2 con chip FPGA. Một con dùng để vận hành hệ thống và chạy game cho Pocket, con còn lại thì… để trống cho người khác lập trình. Taber cho biết công ty sẽ cung cấp các gói công cụ hỗ trợ cho cộng đồng “vọc sĩ” để họ có thể lập trình con chip FPGA còn lại cho những mục đích khác, mở ra vô vàn “option” tùy biến khác cho Pocket.

Máy Analogue Pocket sẽ ra mắt vào 2020 với giá là 199.99USD (khoảng 4.700.000VNĐ), nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức gì về thời điểm cho phép đặt mua trước (pre-order). Còn chiếc dock thì cũng sẽ được bán ra song song với Pocket, nhưng giá thành vẫn chưa được tiết lộ. Taber cho biết công ty sẽ cố gắng hết mức để kịp ra mắt ít nhất một adapter vào cùng thời điểm, những adapter còn lại sẽ ra mắt vào quý tiếp theo. Giá thành của adapter cũng chưa được công bố.

Nguồn: Engadget