Âm nhạc là một nguồn năng lượng có khả năng đem đến mọi cung bậc cảm xúc cho người nghe. Nhưng có một câu hỏi khiến anh em ít nhiều bán tín bán nghi là liệu nó có giúp tăng hiệu quả công việc hay không. Theo Teresa Lesiuk, một phó giáo sư tại Đại học Miami (University of Miami), thì nhìn chung âm nhạc có giúp người nghe hoàn thành công việc nhanh hơn và sáng tạo ra những ý tưởng hay hơn so với người không nghe.

Classic Music – sbj.vision

Tuy nhiên, song song đó thì cũng có những loại bài nhạc gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc, chẳng hạn như nhiều bài nghiên cứu chỉ ra rằng nghe nhạc pop sẽ khiến quá trình đọc hiểu diễn ra lâu hơn và xử lý thông tin kém hơn. Vì thế, có thể tạm thời rút ra kết luận là âm nhạc có thể mang lại hiệu quả tốt hơn cho công việc, nhưng cũng còn tùy thuộc vào tình huống và thể loại nhạc.

Những loại nhạc ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc

Âm nhạc có thể được xem như là một dạng multi-tasking (đa tác vụ), khi mà người nghe liên tục chuyển đổi qua lại giữa công việc trước mắt và bài nhạc đang nghe. Tất nhiên, điều này cũng còn tùy vào loại nhạc và thói quen của người nghe. Tiến sĩ Haake đã làm một bài nghiên cứu và bà đã liệt kê ra một vài nhân tố giúp bạn xác định được liệu loại nhạc đó có khiến bạn bị phân tâm hay không:

  • Cấu trúc phức tạp: Những bài có giai điệu, tiết tấu phức tạp như Muffin Man của Frank Zappa dễ khiến người nghe mất tập trung hơn là những bài đơn giản như Leaving on a Jet Plane của John Denver.
  • Lời bài hát: Lời bài hát có thể khiến bạn phân tâm vì bạn có thể sẽ phải suy nghĩ về thông điệp mà bài hát muốn truyền tải, từ đó khiến dòng suy nghĩ của bạn bị gián đoạn.
  • Thói quen nghe nhạc: Nếu một người có thói quen nghe nhạc lúc làm việc thì nó sẽ có lợi nhiều hơn là có hại, và ngược lại cũng thế.
  • Độ khó của công việc: Nếu bạn đang làm một công việc đòi hỏi trí lực và sự tập trung cao độ thì âm nhạc có thể khiến bạn làm việc kém hiệu quả hơn.
  • Quyền kiểm soát: Nếu bạn bị bắt phải nghe nhạc thì sẽ thường khiến bạn bị phân tâm nhiều hơn là khi bạn có quyền tự chọn nghe hay không nghe, và nếu nghe thì được chọn thể loại bài hát yêu thích.

Những loại nhạc mang lại hiệu quả cho công việc

  • Nhạc cổ điển: Khi chúng ta nghĩ đến nhạc cổ điển thì những nhà soạn nhạc nổi tiếng như Bach, Vivaldi, và Handel sẽ là sự lựa chọn sáng suốt. Trong một bài nghiên cứu thì 7 trong số 8 bác sĩ X quang (radiologist) nhận định rằng nhạc baroque giúp tạo mood cho người nghe và giúp họ tập trung vào công việc hơn. Anh em có thể thử với bản Four Seasons của Vivaldi nhé.
  • Nhạc thiên nhiên: Nghe những âm thanh, tiếng động từ môi trường thiên nhiên có thể cải thiện chức năng nhận thức (cognitive function) và giúp người nghe tập trung hơn. Những âm thanh dịu nhẹ như dòng nước chảy, mưa rơi, lá rụng rất phù hợp cho mục đích này.
  • Nhạc hoành tráng: Nghe có vẻ hơi nghịch lý, nhưng những bản nhạc này sẽ giúp bạn có cảm giác là mình đang làm một cái gì đó rất là lớn lao và… hoành-tá-tràng, nếu không muốn nói là mang tính thay đổi cả thế giới. Nó “tiếp tế” một nguồn năng lượng dồi dào và nâng mood của bạn lên. Vì thế nên nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc “bí” ý tưởng thì có thể thử nghe những bản nhạc này để có thêm động lực nhé.
  • Nhạc game: Đây là một sự lựa chọn cũng khá hợp lý vì những bản nhạc game đều được hòa âm phối khí để nâng tầm trải nghiệm của người chơi, nhất là trong những pha combat kịch tính hoặc những lần “thả nổi” theo mạch truyện. Anh em có thể thử nghe OST của game Bastion hoặc SimCity xem sao.
  • Nhạc môi trường: Nếu bạn cảm thấy công việc quá stress, bí bách thì có thể thử nghe những bản nhạc về âm thanh môi trường xung quanh. Nó không bắt buộc bạn phải quá tập trung vào giai điệu nhưng đồng thời đây cũng là điều khiến nó trở nên thú vị, giúp người nghe cảm thấy phấn chấn.

Vẫn còn đó rất nhiều thể loại nhạc khác mà bạn có thể nghe lúc làm việc, chẳng hạn như nhạc thiền, blues, hoặc jazz. Nếu bạn muốn người bạn đồng nghiệp nói nhiều hay tiếng máy in xào xạc “biến mất” thì có thể nghe những bài có “tiếng ồn trắng” (white noise) nhé. Hãy thử nghiệm và tìm xem bạn thích hợp nghe nhạc thể loại nào khi làm việc để có thể tập trung tối đa, nâng cao hiệu suất làm việc nhé.

Nguồn: Medium