Có những sự thật thú vị về gaming gear mà chỉ có dùng qua cả tấn gear mới thấm thía.

Mình thì cũng không phải giàu có gì nhưng được cái là công việc của mình cho phép mình trải nghiệm gaming gear từ bình dân đến cao cấp bất cứ khi nào mình thích nên mình cũng biết được kha khá thứ hay ho. Để mình kể cho anh em nghe nhé!

*Dự là nhiều bác sẽ sốc, còn mình thì sẽ có đủ gạch để xây chung cư!

Nếu bạn nghĩ mua gaming gear xịn hơn sẽ giúp bạn chơi tốt hơn – bạn đã lầm

Nhiều bạn cứ quan nhiệm chỉ có cầm gear thật tốt, thật xịn mới có thể tryhard được, không thì sẽ thua thiệt với người ta. Tuy nhiên nếu bạn có điều kiện được sờ qua hàng tấn gear xịn như mình thì bạn sẽ nghĩ khác. Một con G903 chưa chắc đã giúp bạn chiến thắng một anh cùng trình độ bạn cầm G102. Gear xịn không có nghĩa là nó sẽ giúp bạn chơi game hay hơn. Nhưng mà tiền nào thì của đó, những món gaming gear cao cấp hơn sẽ luôn có nhiều thứ hay ho hơn so với gear bình dân như hệ thống đèn đóm, công nghệ không dây, form cầm thoải mái, độ hoàn thiện cao hơn, thiết kế đẹp hơn…

Cầm G903 chưa chắc giúp bạn ăn được đối thủ cầm G102, nhưng chắc chắn dù thắng hay thua thì bạn vẫn sẽ sướng hơn nhiều. bạn bỏ tiền ra không phải để nâng cao chỉ số mà là để nâng tầm trải nghiệm. Bàn phím phím với tai nghe cũng vậy, mặc dù là giỏi hay dở thì cũng chỉ là do bản thân bạn thôi nhưng có gear xịn hơn thì kiểu gì cũng phê hơn.

Nếu bạn nghĩ thông số kỹ thuật của chuột sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm – Bạn đã bị dụ

Mình thấy có nhiều bạn cứ thích so thông số kỹ thuật của gear như tai nghe thì so trở kháng, chuột thì so DPI, phím thì so đèn đóm, so switch… No no no các bạn à, nghe mình nói này, mấy cái đó thật ra chẳng có tác dụng bao nhiêu đâu.

Công nghệ không bao giờ dừng lại và những sản phẩm công nghệ luôn tiến bộ từng ngày. Thông số kỹ thuật của chuột gaming bình dân giờ đây cũng đã tốt lắm rồi và chúng thường là đủ để cho bạn dùng một cách thoải mái. Trên thực tế sẽ chẳng ai cần đến 18000 DPI và 500 IPS với một con chuột cả, những thông số này cốt là chỉ để các hãng chạy đua vũ trang với nhau xem công nghệ của ai đỉnh hơn thôi. Nếu bạn mua chuột của hãng lớn như Corsair, Logitech, Razer… thì khỏi cần quan tâm thông số, con bét nhất của họ cũng thừa sức cho bạn quẩy rồi, còn nếu bạn mua chuột “Tàu” thì cũng khỏi coi luôn vì nó chỉ “mang tính chất tương đối” mà thôi. Coi thông số thì coi cho biết chứ đừng lấy nó để đánh giá gear nha anh em.

Nếu bạn tin vào chỉ số độ bền của switch – Bạn đã quá tin người

Hiện nay thì switch của Omron trên chuột gaming được công bố có độ bền ước tính khoảng 50 triệu lượt nhấn. Nếu cái này là đúng thì nếu như bạn nhấn chuột 10.000 lần 1 ngày thì sẽ mất đến khoảng hơn 13 năm để bạn nhấn hư được cái switch chuột đó đấy. Trên thực tế thì con chuột nào tồn tại được 3-4 năm mà không phải thay switch thì đã ngon lắm rồi. Switch Cherry trên bàn phím thì cũng tương tự. Mọi thứ chỉ mang tính tương đối và ước lượng mà thôi.

Tuy nhiên, switch của Cherry và Omron vẫn được đánh giá rất cao và sản phẩm của họ thì đang thống trị trên thị trường gaming gear. Tên của hãng sản xuất switch mới là thứ đảm bảo độ bền cho bạn, chứ mấy con số ghi trên vỏ hộp cũng chỉ là để tham khảo chơi thôi.

Nếu bạn nghĩ LED RGB sinh ra chỉ để biến góc gaming của bạn thành cái “bàn thờ 7 sắc cầu vồng” – Bạn đã hiểu sai mục đích của chúng

LED RGB hiện nay đang rất thịnh hành và chưa có dấu hiệu thoái trào, trên thực tế là chúng vẫn đang ngày một xuất hiện nhiều hơn, hoàn thiện hơn và tinh tế hơn trên các sản phẩm gaming gear. Nếu như bạn để ý thì tất cả các hãng lớn đều có bộ phần mềm tùy chỉnh LED của mình, và không phải tự nhiên mà họ phải làm thế.

LED RGB trên gaming gear vốn sinh ra là để làm đẹp gaming gear và cho phép bạn cá nhân hóa chúng theo ý thích của mình. Nó là cả một thú chơi cho những người sành sõi chứ không chỉ đơn thuần là chạy theo phong trào. LED RGB luôn là một sân chơi đầy thú vị cho những ai thích vọc vạch, khám phá. Nếu bạn thấy nó là lòe loẹt và không cần thiết thì chỉ đơn giản là vì bạn không hiểu nó hoặc nó không phù hợp sở thích của bạn mà thôi.

Nếu bạn đang nghĩ chỉ “hàng gaming” chơi game mới ngon – Bạn quá sai luôn

Cách đây không lâu mình có một bài viết về “Những lối tư duy sai lầm thường thấy của người mới khi mua gaming gear” mình có nhắc đến một ông anh của mình. Lão ấy chơi mỗi trò World of Tanks thôi, và cái đống đồ mà lão gọi là “gaming gear” thực chất chẳng có món nào được sản xuất cho mục đích chơi game cả. Đó là một bộ gaming gear siêu dị nhưng lại vô cùng chất lượng.

Lão ấy dùng phím của Leopold, dùng tai nghe Samsung (mới lên con tai nghe gì đó của Sennheiser) và chuột MX Master của Logitech. Và các bạn biết kết quả ra sao không? Phải nói bộ gear của lão giống như được sinh ra cho con game World of Tanks vậy. Do bản chất game chú trọng chính xác chứ không ưu tiên tốc độ nên con MX Master to, nặng, đầm phát huy được hết khả năng của nó, con lăn vô cực có chức năng tự động chốt của nó cũng rất tiện để zoom ra zoom vào. Tai nghe thì cho âm thanh ấm và lực, tiếng súng, tiếng bom rơi đạn nổ cực kỳ phê luôn. Còn bàn phím thì khỏi nói, hàng Leopold chưa bao giờ làm mình thất vọng.

Không phải cái gì có chữ “gaming” mới chơi game được đâu anh em ạ. Một khi đã đủ sành sỏi thì bạn sẽ tìm ra được nhiều món hay ho lắm đấy.


Trên đây là những điều mà mình thấy là anh em thường dễ lầm tưởng nhất về gaming gear. Mình thì còn nhiều chuyện hay lắm, để từ từ mình kể hết cho anh em nghe. Hy vọng đã mang đến được những thông tin hữu ích, cảm ơn anh em vì đã đọc.