Những trò chơi phổ biến mà thế hệ cuối 8x đầu 9x nào cũng từng chơi qua khi công nghệ và game chưa phổ biến
Hôm bữa đứa cháu 2006 của mình vừa đề cập đến một chủ đề khá hay rằng “hồi xưa cậu và bố mẹ làm gì để giải trí khi chưa có điện thoại, internet và game, vì cháu mới có quên mang điện thoại lên lớp một ngày thôi mà đã chán không chịu được rồi.” Thế là mình lại có dịp phổng mũi và lên mặt thằng nhóc bằng cái meme “hãy ngồi xuống và nghe ta kể về một huyền thoại”.
Ngày trước khi những hệ máy NES gắn băng được tặng kèm khi mua đầu đĩa DVD hoặc các quán điện tử Playstation hay những máy nokia cục gạch trắng đen được phổ biến rộng rãi, thì tụi mình vẫn có tuổi thơ khá “dữ dội” chứ không phải nhàm chán ngồi ngắm mây bay cho qua ngày như thằng cháu nghĩ đâu. Và sau đây mình sẽ điểm lại một số “tựa game” mà mọi người thế hệ cuối 8x và đầu 9x đều đã từng chơi qua để các bạn trẻ cuối thế hệ Z cùng tìm hiểu nhé.
Đá bóng giấy
Ngày xưa không phải ai cũng có điều kiện hoặc có nơi bán để mua bóng nhựa hoặc bóng da để đá, nên mọi người thường phải lấy giấy báo vo tròn nhiều cuộn nhồi với nhau, rồi bọc ở ngoài bằng giấy cứng hơn và cuối cùng bọc lại bằng bao ni lông để giữ quả “bóng” tồn tại được một thời gian. Thế là chiến thôi! Môn thể thao vua mà bọn trẻ con cả trai lẫn gái đều đam mê mà.
Bắn bi
Ngày trước sân đất rất nhiều chứ không phải như bây giờ nơi nào cũng toàn là xi măng và bê tông cốt thép, và rõ ràng là đất chính là “sân nhà” của bộ môn bắn bi này rồi. Chỉ cần lấy tay vẽ một vòng tròn, ngoáy 1 cái lỗ trên đất, là có thể bắt đầu tham gia trò chơi rồi. Cứ thế dựa theo luật của cuộc bắn bi thì người nào bị ăn hết bi sẽ thua, và thời đấy ai mà có bộ sưu tập bi số lượng nhiều và đa dạng nhất thì phải nói là oai nhất xóm luôn nhé.
Đập bài
Ngày trước các quán tạp hóa bán đồ chơi thường hay có các bộ bài Yugioh, gọi dân dã là bài Magic, cùng với các tấm thẻ Pokemon TCG, cũng thường được gọi là bài Pokemon luôn. Các thẻ bài Yugioh và Pokémon TCG đều có luật và cách chơi riêng, nhưng ngày đó Internet còn chưa phổ biến rộng rãi, nên là mấy cái văn hóa nước ngoài mới lạ như thế trẻ con ít biết lắm, và thế là “nhập gia tùy tục”, trẻ con khắp xóm nghĩ ra trò chơi đập bài và hơn thua nhau dựa trên kết quả đập: mặt hình ngửa lên trên là ăn.
Cá Sấu Lên Bờ – Chọc chó
2 bộ môn nổi tiếng thử thách sức bền và tốc độ của tụi nhỏ chúng mình. Luật chơi thì đơn giản lắm, một đứa làm cá sấu sẽ đuổi và bắt giam bất kì ai đứng ở khu vực “nước”, thường là đất phẳng, và để thoát khỏi cá sấu bạn cần phải nhảy lên các mô đất cao hơn là “bờ”. Mục tiêu của trò chơi này cũng như trò Chọc Chó còn đơn giản hơn: muốn chọc một đứa nào đó nổi điên lên và xem cảm giác tức tối của tụi khi rượt mình chạy và không bắt được mình.
Tạt lon
Trò chơi rèn luyện sự chính xác và là sân chơi để các “xạ thủ” trong xóm trổ tài thi thố với nhau xem ai ném trúng lon chuẩn hơn. Ngày bé xưa đã làm gì các tựa game như Valorant hay CS:GO để mà thi đấu đâu nào.
Nhảy Dây
Nhảy dây là một trò chơi phổ biến rộng rãi vì không chỉ vui mà nó còn giúp cho người tham gia rèn luyện thể lực rất nhiều: sức bền, sức bật, chiều cao, sự khéo léo, tất cả đều được cải thiện khi tập luyện trò chơi nhảy dây. Nhảy dây có rất nhiều biến thể nhưng phổ biến nhất vẫn là nhảy bằng dây chun được tết lại với nhau, vì nó an toàn hơn và dễ làm, dễ bố trí dây nhảy.
Đá Cầu
Đá cầu thực sự là một trò chơi rất hay, giúp rèn luyện trí nhớ cơ bắp, sức bền và độ dẻo dai nhờ vào việc liên tục giữ quả cầu trên không theo từng nhịp tâng, có thể sử dụng chân và các bộ phận bất kì trên cơ thể trừ những nơi trên cánh tay. Mình cực kì thích đá cầu và đây cũng là cách mình dùng để vừa giết thời gian rảnh, vừa giúp cơ thể khỏe mạnh. Đá cầu có thể rất khó khi mới bắt đầu, nhưng nếu đã quen rồi thì gần như tất cả các bộ môn vận động thể chất khác bạn đều có thể bắt nhịp và làm quen cực kì tốt, chẳng hạn như cầu lông, hay tâng bóng, bóng bàn, nhờ vào việc rèn luyện trí nhớ cơ bắp.
Thả Diều
Ngày xưa, có rất nhiều khu đất trống và rộng lớn, chưa có nhiều nhà cao tầng và các cột điện cùng chằng chịt dây chăng trên trời. Mỗi khi hè về vào những buổi chiều đầy gió, trên những cánh đồng lũy tre làng là hàng loạt những bạn trẻ thi nhau thả diều chạy tung tăng trên những con đê làng, cảm giác thật thoải mái và bình yên.
Bầu trời diều là cả vùng ước mơ của trẻ con trên cánh đồng hay những dòng sông. Những cánh diều được làm bằng các nan tre làm sườn tựa như hình thoi, giấy tập hay giấy màu được phết keo (hồ) dán lên và nối đuôi dài bằng dây ni-lông hay giấy. Diều được mắc vào cuộn dây thật dài và thả ngược gió lên bầu trời nhờ sợ khéo léo của người chơi.
Chọi Dế – Chọi Cá – Chọi Cỏ Gà
Một thú vui khá “tao nhã” của bọn trẻ con. Nếu như người lớn thì chọi những con lớn hơn như gà, trâu,… thì trẻ con có thể chọi dế, cá đá hay nhẹ nhàng hơn là cỏ gà. Ngày trước dế và cỏ gà rất nhiều và thậm chí những thành phố lớn cũng sẽ có. Chọi Dế hoặc chọi Cá đá có thể vẫn phổ biến ngày nay, nhưng hiện tại thì cỏ gà gần như chỉ còn tồn tại ở một số khu vực nhất định hoặc những vùng thôn quê. Những cọng cỏ được “chọi” nốt sần vào nhau, nốt sần nào bị đứt rời ra thì coi như “gà” thua. Hoặc gập đôi lại rồi móc “gà” vào nhau và giật, cọng cỏ gà của ai đứt thì bị thua.
Để gia tăng độ bền cho “gà”, trẻ em thời đó thường cho cỏ gà vào miệng nhai cho chỗ gập đôi khô nước, bã ra thành xơ nhỏ rồi bện lại thành sợi thừng con chắc chắn.
Trốn tìm
Đây là trò chơi phổ biến trên toàn thế giới và cũng được du nhập về Việt Nam từ sớm. Luật chơi thì chắc cũng không còn ai xa lạ nữa, nhưng điều biến nó thành một trong những thú vui bậc nhất thời xưa chính là việc đèn điện vẫn chưa thắp sáng hết mọi nẻo đường, những thôn, xóm, hay các con hẻm vẫn tối thui khi đêm về, và đó sẽ những chỗ trốn cực kỳ thích hợp và bá đạo.
Cướp cờ
Trò chơi bao gồm 2 đội với nhiều người mỗi bên, và mục tiêu sẽ là sử dụng mọi cách để đoạt cờ hoặc ngăn không cho đối thủ đoạt được cờ và chạy về “nhà chính” của bên kia. Đây là trò chơi được yêu thích bởi một nhóm bạn đông người, đề cao tốc độ phản xạ và tinh thần đồng đội đầu tiên chứ ngày đó đã ai biết DotA với Liên Minh là gì đâu.
Nhảy ngựa (cừu)
Một đứa (hoặc nhiều) sẽ cúi xuống sao cho tay chạm chân hoặc đầu gối (tùy theo mức độ thử thách) để làm ngựa và người được thử thách sẽ phải nhảy qua lưng ngựa. Nếu bị té hoặc vướng lại giữa đường thì phải chịu phạt rất nặng đấy nhé.
Bắn bì/trùn giấy
Một trò chơi được ưa thích bởi các bạn nam. Cuộn, vo giấy lại nhỏ rồi mắc vào dây thun để bắn, mức độ sát thương thì miễn phải bàn: cực kì đau và nhiều khi trúng mắt sẽ gây nguy hiểm vì giấy khi vo lại sẽ rất dày và cứng. Gần như các buổi “đánh trận giả” của trẻ con trong xóm đều phải trang bị món này để có thể chiến hăng nhất.
Có vô số trò chơi mà tuổi thơ của thế hệ cuối 8x và đầu 9x như mình đều đã trải qua vào thời điểm mà công nghệ, kết nối mạng lẫn các trò chơi điện tử chưa xuất hiện tại Việt Nam. Đa số đều là các hoạt động thể chất nhằm nâng cao phát triển cơ thể, phản ứng nhanh nhạy và sự khéo léo.
Thật đáng buồn khi với cuộc sống tấp nập hiện tại thì sự giải trí của các bạn nhỏ ở cuối thế hệ Z đã bị giới hạn lại xung quanh các video trên youtube, chơi game, và các hình thức giải trí khác trên những thiết bị công nghệ. Việc cân bằng giữa thực tại và thế giới mạng sẽ giúp cuộc sống của chúng ta có thêm nhiều sắc màu khác nhau, đồng thời giúp cải thiện các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là khi chế độ dinh dưỡng hiện tại vẫn chưa thực sự được quan tâm lắm. Ngoài ra lớp trẻ biết cũng nên được duy trì và tìm hiểu những văn hóa truyền thống tốt đẹp – một phần của lịch sử và đất nước.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao chúng ta không thể gắn GPU lên bo mạch chủ như CPU? Đây là câu trả lời cho bạn
- Tìm hiểu về sự khác biệt bên trong CPU Intel và AMD
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!