Siêu phẩm Valorant ra mắt đầu tháng 4 mà bạn vẫn chưa biết gì về tựa game này? Sau đây là tấn tần tật những gì bạn cần biết trước khi tham gia tựa game đình đám của Riot nhé.
Nếu bạn là một người từng chơi Overwatch nhưng lại thấy không phù hợp với lối chơi hành động nhịp độ cao, bay nhảy chóng mặt; hay đã thử qua CS:GO nhưng lại thấy phong cách bắn súng chiến thuật có phần gò bó, không được dùng chiêu để đa dạng hóa lối chơi; bạn muốn tìm kiếm một tựa game tổng hợp cả 2 yếu tố nói trên, thì Valorant chính là bến đỗ thích hợp nhất.
Giới thiệu về Valorant
Valorant là một tựa game eSports bắn súng góc nhìn thứ nhất kết hợp chiến thuật 5vs5. Bạn sẽ chọn một trong tổng số 16 đặc vụ, mỗi người có 4 kỹ năng khác nhau. Việc lựa chọn các đặc vụ không chỉ là “cho vui” hay “hợp cách chơi” mà bạn còn phải linh động và khéo léo để cân bằng thế mạnh của những lớp nhân vật này, giúp cả đội giành chiến thắng.
Có 2 phe tham chiến: Tấn Công và Phòng Thủ. Bạn sẽ bắt đầu vòng đấu với vũ khí phụ (súng lục), và một kỹ năng đặc biệt. Sau mỗi vòng thì bạn có quyền sử dụng tiền kiếm được từ việc hạ gục, đặt bom ‘SPIKE’, và chiến thắng, để mua thêm vũ khí, kỹ năng. Tất nhiên, khả năng bắn súng chuẩn xác cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp bạn có thể chơi trên cơ đối thủ đấy.
Cấu hình yêu cầu
Thông tin về cấu hình của Valorant đang làm cho giới game thủ phải ngạc nhiên và những bạn có PC cấu hình yếu vui sướng. Dù sở hữu đồ họa khá bắt mắt, Valorant vẫn có một mức cấu hình yêu cầu cực kỳ nhẹ nhàng, hứa hẹn những game thủ sở hữu những chiếc PC “đời Tống” sẽ vẫn có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm tựa game này đấy.
Cấu hình tối thiểu – 30fps
- CPU: Intel i3-370M
- GPU: Intel HD 3000
- Windows 7/8/10 64-bit
- 4GB RAM
- 1GB VRAM
Cấu hình đề nghị – 60fps
- CPU: Intel i3-4150
- GPU: Geforce GT730
- Windows 7/8/10 64-Bit
- 4GB RAM
- 1 GB VRAM
Cấu hinh tiêu chuẩn – trên 144fps
- CPU: Intel Core i5-4460 3.2GHz
- GPU: GTX 1050 Ti
- Windows 7/8/10 64-bit
- 4GB RAM
- 1GB VRAM
Bản thân người viết cũng rất ngạc nhiên khi xem cấu hình yêu cầu của tựa game đó. Quả là tin “đại hỷ” cho những ai có máy cấu hình thấp đang hóng tựa game này đúng không nào.
Valorant chơi như thế nào?
Nếu bạn đã từng chơi qua những tựa game FPS như CS:GO, Đột Kích, thì sẽ không mất quá nhiều thời gian để làm quen với cơ chế chính của Valorant. Tuy nhiên, nếu là game thủ Overwatch hoặc trước giờ chỉ chơi Liên Minh và nay muốn thử sức với tựa game bắn súng đầu tiên do Riot phát hành, thì dưới đây là một số điểm quan trọng trong cách chơi mà bạn cần chú ý để tránh bị “ném đá và ăn hành” ngập mặt những ngày đầu nhé.
Tổng quan về cách chơi
Điều quan trọng cần phải nhớ đầu tiên chính là bạn chỉ có 1 mạng/vòng đấu. Nếu phải “lên bảng” thì bạn chỉ được ngồi theo dõi đồng đội cho đến khi vòng đấu kết thúc. Bạn có thể trang bị tối đa 4 chiêu, 1 vũ khí chính, 1 phụ, 1 dao và giáp. Khi chết, bạn sẽ rớt vũ khí ra, và sang vòng tiếp theo nếu không đủ tiền, bạn phải chọn mua các vũ khí “con nhà nghèo” như súng lục, SMG.
Muốn chiến thắng cả trận đấu, bạn cần phải đạt tổng số vòng chiến thắng là 13, với thời gian mỗi vòng là 1 phút 40 giây. Ngoài ra trong 1 số chế độ đặc biệt, chẳng hạn như chế độ “đấu giải”, game sẽ xuất hiện cơ chế Overtime (hiệp phụ) khi các đội cách biệt nhau quá sát nút (12-12) và phải chiến đấu đến khi có 1 team dẫn trước hơn 2 ván thắng.
Để chiến thắng mỗi vòng đấu với team Tấn Công, bạn cần phải hạ hết team địch, hoặc đặt bom và đợi đủ thời gian để bom SPIKE phát nổ. Còn về phía Phòng Thủ, để win 1 round, bạn cũng có thể tiêu diệt team Công; ngăn cản họ đặt SPIKE cho đến khi vòng đấu kết thúc, hoặc gỡ SPIKE nếu đối phương có đặt.
Một số vòng đấu được hệ thống tính là “quan trọng”, khi chiến thắng, bạn sẽ được rất nhiều tiền, vì thế cần sắp xếp để mua súng sao cho hợp lý. Sẽ không hay lắm nếu như bạn hết tiền vào những vòng chơi đấy và chỉ cầm súng lục, giáp cấp 1, đối đầu với cả đội địch trang bị tận răng, súng lớn và giáp cấp 2. Để rồi khi chiến thắng round đó, địch sẽ càng giàu lên, còn bạn sẽ “nghèo mắc thêm eo” (bạn không bị trừ tiền, nhưng tiền cộng vào nếu thua sẽ thậm chí ít hơn cả tiền mua giáp 2).
Sau 12 vòng đấu, 2 bên sẽ đổi phe. Bản đồ của Valorant sẽ có những vị trí khác nhau được hiển thị trên minimap, hãy đọc tên vị trí để kịp thời thông báo cho đồng đội.
Các đặc vụ và kỹ năng
Các đặc vụ được chia làm : Đối Đầu (Duelists), Khởi tranh (Initiator), Hộ Vệ (Sentinels), Kiểm Soát (Controller) như hình bên dưới. Tuy nhiên không phải ai cũng sẽ chơi tốt vai trò của họ, nên hãy bình tĩnh giao tiếp cùng đồng đội, hoặc linh động chuyển vai trò trước khi vào game để trận đấu diễn ra suôn sẻ.
Ngoài yêu cầu về ngắm bắn chuẩn và ghìm tâm, bạn cũng cần học thuộc các kỹ năng của từng đặc vụ. Mỗi nhân vật game Valorant đều có 4 kỹ năng đặc biệt và bạn sẽ khởi đầu trận với 1 kỹ năng tùy chọn, các kỹ năng còn lại phải mua bằng tiền (có được sau mỗi ván) và chiêu cuối chỉ khả dụng khi bạn đã tiêu diệt một ai đó rồi. 15 nhân vật sẽ là 60 kỹ năng khác nhau mà bạn cần phải sử dụng và phối hợp trong trận đấu.
Nhân vật được chọn sẽ theo người chơi suốt cả game, không thể thay đổi. Vậy nên bạn cần cân nhắc kỹ sẽ chọn đặc vụ nào khi vào trận để đạt được lợi thế tốt nhất.
Những loại súng trong Valorant và những điều cần lưu ý
Mỗi loại súng sẽ có cơ chế và độ giật khác nhau, vì thế nên bạn sẽ cần thời gian để làm quen vũ khí trong game nhé (trong phòng tập hoặc đấu thường). Các loại súng có trong Valorant bao gồm:
Súng “nhà nghèo”, giá rẻ, thích hợp khi thua liên tục, hoặc chết quá nhiều
– Súng lục – bắn từng viên, ổn định, chính xác cao, sát thương trung bình thấp, giá rẻ nên luôn là lựa chọn hợp lý mỗi khi “hết tiền” vì chết và thua quá nhiều.
– SMG: bắn liên thanh, hoặc bắn theo loạt, tùy vào loại SMG bạn chọn, sát thương bé nhưng tốc độ ra đạn cực kỳ nhanh và ổn định.
– Shotgun: Bắn đạn chùm, 1 viên đạn của cây súng này tỏa rất nhiều viên đạn nhỏ khác, và sẽ bắn “nát người” bất kỳ ai đứng gần chỉ với 1 viên. Và cũng vì các viên đạn đi theo hướng tỏa ra nên bắn tầm xa sẽ không gây được nhiều sát thương.
Súng “sang, xịn, mịn”, và bạn sẽ muốn sắm ngay khi đang có đà chiến thắng, hoặc cố để dành tiền mà mua khi cần lật kèo những vòng đấu “quan trọng”.
– Rifles: bắn liên thanh, sát thương cao, tốc độ ra đạn chỉ chậm hơn SMG 1 tý, lựa chọn số 1 để game thủ tung hoành trên sân đấu, tuy nhiên mức giá cũng tương đối cao và bạn sẽ không muốn vừa mua xong 1 khẩu rifles thì lại phải chết rồi mất súng đâu.
– Sniper: Súng ngắm bắn tỉa, bắn một viên rồi lại phải lên đạn mới bắn tiếp được. Có 2 loại súng ngắm: 1 viên 1 mạng – giá đắt nhất game, và 1 viên… nửa mạng với giá rẻ như các loại SMG (đùa thôi, 1 viên tầm 75 80% máu, nhưng vẫn khá là bất lợi vì đối thủ có thể bắn trả bạn trong lúc đang lên đạn), bù lại khẩu súng này có tốc độ lên đạn lại khá nhanh và vẫn có thể đảm bảo một cú headshot dù đối phương có mũ giáp.
– MG: Súng máy, bắn rất nhanh, sát thương cao, nhưng bù lại độ giật rất lớn và khó kiểm soát đường đạn và cần phải có thời gian chờ trước khi ra đạn. Gần như chỉ thích hợp với lối chơi phòng thủ.
Các chế độ chơi trong Valorant
Hiện tại, Valorant sẽ cho phép người chơi tham gia vào 4 chế độ: Competitive (Đấu xếp hạng), Unrated (Đấu thường), Spike Rush (Tốc chiến), Deathmatch (Đấu đơn, hồi sinh ngẫu nhiên, người đạt 40 mạng đầu tiên sẽ giành chiến thắng) và cuối cùng là Practice Range (Luyện tập).
Ngoại hình vũ khí và đặc vụ
Valorant cho bạn trải nghiệm rất nhiều các skin vũ khí cực kỳ đẹp mắt và hầm hố, có thể phù hợp với bất kì đôi mắt khó chiều nào. Cũng như Liên Minh Huyền Thoại, skin hay các hiệu ứng đặc biệt không mang lại bất cứ lợi thế nào trong game vì Riot cũng đề cao tính sáng tạo và chiến thuật của người chơi để mang đến chiến thắng cho đội của mình. Valorant hướng đến kỹ năng cá nhân của người chơi và khả năng phối hợp với đồng đội nhiều hơn. Hiện các đặc vụ vẫn chưa có skin, nhưng khả năng cao trong tương lai họ sẽ khoác lên rất nhiều bộ phục trang tuyệt đẹp và tất nhiên, chỉ là đẹp thôi nhé.
Tất nhiên, khi tham gia một tựa game eSports, bạn cũng cần đề cao tinh thần thể thao. Việc chửi bới, spam ping, voice chat, afk, thoát game giữa trận và đặc biệt là hack sẽ bị trừng trị triệt để và Valorant sẽ nặng tay hơn Liên Minh rất nhiều. Sau khi thoát game giữa trận và không kết nối lại, bạn sẽ bị cấm một khoản thời gian khá lâu trước khi có thể tìm trận mới được, và hình phạt lẫn thời gian cấm sẽ ngày càng nặng hơn và nếu cứ tiếp tục có thái độ xấu, hậu quả sẽ là cấm chơi vĩnh viễn.
Riot đã giới thiệu trên trang web của mình rằng “Vũ khí tối thượng chính là trí tưởng tượng của bạn”, và đây cũng chính là những gì mà bạn cần có và phát huy để chơi tốt Valorant. Hẹn gặp các bạn trong game nhé.
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!