Đèn debug hữu ích hơn nhiều bạn vẫn nghĩ đấy, và trường hợp của mình là một minh chứng rõ ràng.
Lúc đi mua một con main có bao giờ bạn để ý xem cụm đèn báo lỗi (đèn debug) nó nằm ở đâu không? Bởi vì theo mình thì bạn nên tìm hiểu nó càng sớm càng tốt. Bạn không cần phải là thợ máy tính để hiểu nó, nhưng hiểu được nó rồi thì sẽ rất hữu ích trong một số trường hợp đấy.
Cụm đèn báo lỗi (đèn debug) thường là cụm 3-4 bóng LED nằm trên mainboard, dùng để báo hiệu linh kiện nào của PC đang gặp vấn đề.
Phòng mình có cửa sổ to và hướng ra đường lớn nên bụi bặm rất nhiều. Thế mà hồi trước mình còn hay mở toang case cho nó mát nữa chứ. Vậy là cứ tầm 1 tuần là mớ linh kiện trong case của mình lại bắt đầu đóng một lớp bụi mỏng, và cứ đều đặn tầm khoảng 1 tháng là nó dở chứng bật không chịu lên do bụi bám vào gây cản trở các chân tiếp xúc. Đó là lúc mà đèn báo lỗi phát huy tác dụng.
Con main của mình là ROG STRIX B360 H Gaming, đèn debug có 4 cái, bao gồm BOOT (xanh lá), VGA (trắng), DRAM (vàng) và CPU (đỏ). Đèn nào mà sáng thì cái đó có vấn đề. Đèn CPU với BOOT thì chẳng thấy sáng bao giờ, nhưng 2 cái còn lại thì sáng khá thường xuyên. Cứ mỗi lần máy bật không lên thì mình sẽ ngó xuống con main xem nó bật đèn màu gì. Nếu thấy trắng là mình tắt máy luôn rồi lôi con card ra, chùi chân card với khăn giấy khô, chùi khe PCIe bằng tăm bông em bé rồi cắm lại bật lên là xong. Nếu thấy đèn vàng thì cũng vậy, tắt máy rồi làm tương tự với khe RAM và chân RAM.
Trong khoảng 8 tháng dùng cái case đó thì đèn vàng và đèn trắng trên con main của mình sáng tầm hơn chục lần, mà lần nào mình lôi ra chùi cũng giải quyết được vấn đề ngay tại nhà cả. Nếu không có nó thì chắc chắn cứ mỗi lần máy bật không lên là mình sẽ phải đi mò rồi test tới test lui hoặc thậm chí là vác cả dàn ra thợ luôn.
Trên đây là những trải nghiệm thực tế của mình về sự hữu ích của cụm đèn debug, chủ yếu là báo cho mình biết chỗ nào bị bụi để đi chùi. Ngoài ra thì nó sẽ còn hữu ích hơn khi chỉ ra chính xác các linh kiện hư hỏng, trục trặc để bạn xác định nhanh vấn đề của PC. Ngoài ra, một số mẫu main cao cấp còn có cả đồng hồ 7 đoạn hoặc thậm chí là cả màn hình để báo mã lỗi luôn, chỉ cần tra trong sách hướng dẫn là biết đích danh tên lỗi.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 5 chiếc card đồ họa giá dưới 10 triệu đồng đáng mua nhất nửa đầu năm 2022
- VRAM trên card đồ họa cần thiết như thế nào và game thủ cần bao nhiêu VRAM trong thời buổi hiện nay?
- Quạt của card đồ họa không quay? Đây là cách giúp bạn xử lý
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!