Bạn nghĩ sao về một chiếc bàn phím có thể thay đổi điểm nhận phím để phù hợp hơn với các nhu cầu đa dạng của người dùng?
Điểm nhận phím là chính là điểm nhận tín hiệu của một chiếc switch, ví dụ: một chiếc Cherry MX Red Switch có hành trình phím là 4mm và điểm nhận phím bằng 2mm. Tức là khi bạn nhấn xuống 4mm thì chiếc switch sẽ chạm đáy nhưng tại điểm 2mm thì chiếc switch đã nhận tín hiệu rồi. Đối với các loại switch cơ truyền thống sử dụng cơ cấu tạo tín hiệu là sự tiếp xúc giữa các lá đồng thì điểm nhận phím là cố định và không thể thay đổi. Đây cũng là điểm chung của tất cả mọi chiếc bàn phím hiện có trên thị trường.
Tùy vào loại switch được trang bị mà những chiếc bàn phím khác nhau sẽ cho điểm nhận phím khác nhau, phù hợp cho từng nhu cầu sử dụng. Ví dụ như nếu bạn là một người thường gõ văn bản nhiều thì bạn sẽ cần một chiếc bàn phím có điểm nhận phím trung bình, khoảng 2mm là đủ, vừa hạn chế gõ nhầm, vừa không tốn sức khi gõ văn bản. Còn nếu bạn là một game thủ eSport thì bạn sẽ cần một chiếc bàn phím có điểm nhận phím càng ngắn càng tốt (với điều kiện không quá ngắn đến nỗi dễ gây nhấn nhầm).
Tuy nhiên gần đây thì điều này đã không còn đúng nữa với sự ra đời của dòng bàn phím Apex Pro gồm 2 mẫu là Apex Pro và Apex Pro TKL. Đây là những chiếc bàn phím đầu tiên trên thế giới có khả năng tùy chỉnh điểm nhận phím, cho phép người dùng có thể thay đổi điểm nhận phím từ 0.4 đến 3,6mm để phù hợp hơn với từng nhu cầu sử dụng khác nhau.
Bí mật là nằm ở loại switch được Steelseries sử dụng trên những chiếc bàn phím này – OmniPoint. Đây là một loại switch đặc biệt có cơ cấu tạo tín hiệu dựa trên nguyên lý là sự biến thiên của từ thông. Chiếc switch này không sử dụng các lá đồng như switch cơ học truyền thống, chúng có một cơ cấu tạo tín hiệu đặc biệt là sử dụng một chiếc nam châm dưới chân stem và một cảm biến từ thông trên PCB (mạch). Tùy vào độ xa gần của nam châm với cảm biến mà cảm biến có thể thu nhận được các mức từ thông khác nhau. Và người dùng có thể tùy chỉnh độ nhạy của các cảm biến này thông qua phần mềm để thiết lập điểm nhận phím của chiếc bàn phím. Thiết kế này đã được cấp bằng sáng chế độc quyền.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện một loại switch có thể khả năng thay đổi hành trình phím xuất hiện, switch quang học sử dụng nguyên lý khúc xạ của Flaretech và switch sử dụng lò xo cảm ứng của Topre cũng có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, việc xây dựng phần mềm để phát huy được tối đa lợi thế của những loại switch có thể thay đổi điểm nhận phím thì hiện nay chỉ có Steelseries làm được. Đó là kết quả sau 5 năm dày công nghiên cứu của họ.
Bên cạnh khả năng thay đổi hành trình phím dòng bàn phím Apex Pro còn được trang bị những tính năng đặc biệt khác, ví dụ như màn hình OLED để có thể hiển thị những thông tin quan trọng và con lăn điều chỉnh âm lượng cực kỳ tiện lợi. Bàn phím cũng được trang bị bộ nhớ on-board để có người dùng có thể tùy chỉnh profile và lưu vào tối đa 5 profile thông qua phần mềm Steelseries Engine. Với tính năng này, bạn có thể mang chiếc bàn phím của mình đi bất cứ đâu, kết nối với bất kỳ thiết bị nào mà không cần phải tùy chỉnh lại các profile quen thuộc của mình.
Chiếc bàn phím cũng đi kèm sẵn một chiếc kê tay, giúp người dùng có thể sử dụng bàn phím một cách thoải mái nhất. Độ bền cũng là điểm mạnh của dòng bàn phím này, Apex Pro có phần khung vỏ làm bằng nhôm máy bay cho độ bền cực kỳ ưu việt, đồng thời bảo vệ tốt các linh kiện bên trong. Và nếu bạn không thích cảm giác gõ trơn tuột như red switch của OmniPoint switch nhưng vẫn thích dòng bàn phím này vì những điều đặc biệt khác thì bạn vẫn có thể lựa chọn những phiên bản sử dụng cherry Switch thông thường.
Dòng bàn phím Apex Pro hiện tại đã có mặt tại Mỹ với mức giá 199.99 USD cho bản full size và 179.99 USD cho bản TKL. Dự kiến dòng bàn phím này sẽ cập bến các đơn vị bán hàng trên toàn Châu Á vào cuối mùa thu năm nay (tức là khoảng 2 tháng nữa). Apex Pro là một bước tiến lớn trong ngành sản xuất switch trên bàn phím, và sau phát súng đầu tiên này, chúng ta sẽ bước vào một thời kì mới, nơi mà những giới hạn của những chiếc switch cơ học truyền thống bị phá vỡ để những chiếc bàn phím ngày càng ưu việt hơn.
GEARVN (Axium Fox)