Vừa rồi, Arm đã giới thiệu vi xử lý dành cho laptop với tên gọi Cortex-A78C. Con chip này được xây dựng dựa trên nền tảng của Cortex-A78 dành cho điện thoại thông minh (smartphone) và tablet, nhưng đã được tùy biến lại để mang đến hiệu năng cao hơn, phù hợp để xử lý các tác vụ trên laptop và máy tính cá nhân. Arm cho biết những chiếc laptop trang bị Cortex-A78C sẽ có thời lượng pin đủ dùng cho cả ngày, đồng thời nó vẫn đủ mạnh để chạy các tác vụ nặng, chẳng hạn như các phần mềm chuyên dụng hay chơi game chẳng hạn.
Cortex-A78C hỗ trợ lên đến 8 nhân (với bộ nhớ đệm L2 256 KB hoặc 512 KB cho mỗi nhân), chạy với xung nhịp lên đến 3,30 GHz và được trang bị bộ nhớ đệm L3 lên đến 8 MB để tối đa hóa hiệu năng đơn luồng. Bên cạnh đó thì con chip còn được tăng cường tính năng bảo mật, hạn chế thiệt hại từ các cuộc tấn công. Arm còn khuyến nghị kết hợp Cortex-A78C với cụm đồ họa Mali-G78 để mang lại hiệu năng chơi game ổn định.
Nhìn một cách rộng ra thì Cortex-A78C khá là giống với Qualcomm Snapdragon 8cx và 8cx Gen 2 cũng có 8 nhân Kryo 495 và đồ họa Adreno 680/690 xịn sò. Những con chip SoC đầu tiên được trang bị sức mạnh của Cortex-A78C sẽ ra mắt sớm nhất là vào năm 2021, vì thế nên cũng phải đến năm 2022 mới xuất hiện các mẫu laptop gắn chip Cortex-A78C.
Cortex-A78C sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Arm và giúp nhiều nhà phát triển SoC cạnh tranh với chip Qualcomm Snapdragon 8cx cũng như những thế hệ kế nhiệm trong mảng laptop. Đây là một tín hiệu rất tốt cho thị trường, cho thấy sau này sẽ có thêm chip SoC Arm cao cấp cho laptop để cạnh tranh với Qualcomm Snapdragon và những con chip x86 tiết kiệm điện.
Ngoài ra thì việc Arm mở rộng thị trường sang mảng PC cũng sẽ không hề dễ dàng vì còn có AMD và Intel. Tuy nhiên, có vẻ như Arm đã có một “hậu phương” khá là vững chắc, đó là Apple vì công ty này đang chuyển dần sang chip SoC dựa trên nền tảng Arm. Để tìm hiểu thêm thì anh em có thể tham khảo trong bài viết này nhé.
Nguồn: tom’s HARDWARE