Phần lớn chúng ta chỉ biết nguyên nhân chính gây ra sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng là sự va chạm của một tiểu hành tinh vào bề mặt trái đất mà thôi. Kiểu như “bùm” một phát là xong. Đó là do phần lớn sách báo phim ảnh không mô tả lại kỹ càng việc khối thiên thạch đó đã chấm dứt kỷ nguyên của khủng long như thế nào. Thật ra vụ va chạm chỉ mới là mở đầu cho câu chuyện mà thôi.

*Lưu ý: Thật ra việc một tiểu hành tinh đâm sầm vào trái đất chỉ là một trong các giả thuyết về nguyên nhân gây ra sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng mà thôi. Tuy nhiên nó vẫn là giả thuyết được giới nghiên cứu chấp nhận nhiều nhất. Thêm vào đó nữa là những nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng chỉ có một tiểu hành tinh mới có thể tạo ra tác động lớn và đột ngột đến thế.

Phần lớn các sinh vật đã không chết trong lúc thiên thạch rơi xuống

Vụ nổ do sự va chạm của một tiểu hành tinh có đường kính tầm 10km, đâm sầm vào bề mặt trái đất ở vận tốc gấp khoảng 200 lần vận tốc âm thanh có sức tàn phá cực kỳ khủng khiếp, tương đương với hàng triệu vũ khí hạt nhân phát nổ cùng lúc. Nó đủ mạnh để xuyên thủng lớp vỏ trái đất, khoét một cái hố sâu 40-50km, tạo ra những đợt sóng dung nham như khi bạn ném một hòn đá xuống mặt hồ vậy. Sự sống xung quanh điểm va chạm sẽ bốc hơi hoàn toàn, tiếp theo là sóng xung kích từ vụ nổ sẽ tiếp tục lan ra và tàn phá mọi thứ trên đường đi. Vụ va chạm này chính là thứ đã tạo nên hố Chicxulub ở Mexico, rộng 160km và sâu hơn 19km.

Năng lượng từ vụ nổ cũng tạo ra các cơn địa chấn kinh hoàng, kéo theo hàng loạt thảm họa khác như núi lửa phun trào và sóng thần. Các nhà khoa học đã ước tính một cơn sóng thần được tạo ra bởi vụ va chạm như thế có thể cao đến 1km và đi với vận tốc khoảng 900km/h, càn quét các bờ biển trên phạm vi toàn cầu.

Nhưng!…

Tiểu hành tinh đâm xuống trái đất đúng là nổ to thật đấy. Tuy nhiên bao nhiêu đó chắc chắn là nó vẫn chưa đủ để gây ra sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng, quét sạch phần lớn sinh vật sống trên trái đất. Chúng ta còn một khái niệm khác gọi là “mùa đông hạt nhân”.

Mùa đông hạt nhân

Ban đầu thì khái niệm “Mùa đông hạt nhân” được dùng để chỉ một kết quả giả định sau chiến tranh hạt nhân, khiến nhiệt độ trái đất giảm đột ngột và trong thời gian kéo dài. Tuy nhiên khái niệm này vẫn đúng với tình trạng của trái đất sau khi va chạm với tiểu hành tinh. Phần lớn các sinh vật bị xóa sổ trong sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng không chết lúc thiên thạch đâm xuống cũng như những hệ quả trực tiếp của nó gây ra mà chết trong “mùa đông hạt nhân” sau đó.

Khi tiểu hành tinh đâm xuống, nó không chỉ phát nổ một cú thật to mà mà còn thổi bay hàng tỉ tấn khói bụi, lưu huỳnh… vào trong bầu khí quyển và che lấp ánh sáng mặt trời. Hậu quả là nhiệt độ giảm xuống đột ngột và tạo ra một mùa đông hạt nhân. Cây cối không có đủ ánh sáng để quang hợp. Động vật thì không còn nhiệt độ thích hợp để sinh sống. Thời tiết cũng bị đảo lộn trên phạm vi toàn cầu. Thảm thực vật suy giảm mạnh khiến cho các sinh vật ăn thực vật không còn đủ thức ăn, và rồi chúng chết đói. Kế đến là động vật ăn thịt, khi không có đủ động vật ăn thực vật thì chúng cũng chết theo do thiếu thức ăn.

Các loài động vật càng lớn thì càng dễ chết do chúng cần rất nhiều thức ăn, ở biển hay trong đất liền đều như vậy. Những động vật nhỏ ăn tạp, các loài gặm nhấm thì lại chiếm ưu thế do chúng có thể tận dụng được nhiều nguồn thức ít ỏi còn sót lại. Tuy không có số liệu chính xác nhưng các nhà cổ sinh vật học đã ước lượng rằng hầu như mọi sinh vật lớn hơn một con chuột đều bị tuyệt chủng.

Khoảng vài chục năm sau, mùa đông hạt nhân qua đi, kéo theo 3/4 số loài sinh vật sống trên trái đất lúc đó. Thế giới đã suy giảm trầm trọng về sự đa dạng sinh học. Mùa đông hạt nhân này mới chính là thứ giết chết nhiều sinh vật nhất trong sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng.

Cái rủi của khủng long lại là cái may của loài người

Trước sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng thì tổ tiên của con người chỉ là những loài sinh vật bé nhỏ sống dưới sự thống trị của khủng long. Tuy nhiên sau khi phần lớn bọn khủng long, đặc biệt là mấy con to đầu và nguy hiểm không còn nữa thì thế giới lại mở ra một cánh cửa mới cho loài người. Cơ thể linh trưởng của tổ tiên chúng ta bắt đầu dần lớn hơn do vắng bóng kẻ thù tự nhiên, không còn sống trên cây mà bắt đầu tìm đến mặt đất. Chúng phát triển khả năng đứng bằng 2 chân, cùng với đó là 2 chi trước với bàn tay linh hoạt có khả năng lao động. Chúng ta bắt đầu biết ăn thịt và phát triển não bộ. Vùng vận động ngôn ngữ trong não người bắt đầu xuất hiện, và cho chúng ta khả năng giao tiếp phức tạp bằng âm thanh…

66 triệu năm sau sự kiện tuyệt chủng kinh hoàng, loài người đã trỗi dậy và thống trị địa cầu. Thế nên theo lý mà nói thì chúng ta cũng nợ tiểu hành tinh năm ấy một lời cảm ơn.

Thật ra khủng long không tuyệt chủng hoàn toàn

Như vừa nói bên trên, phần lớn khủng long đã “bay màu” trong sự kiện đại tuyệt chủng 66 triệu năm trước. Nhưng mà phần lớn thôi nhé, không có nghĩa là khủng long nào cũng tuyệt chủng. Thật ra chim hiện đại là hậu duệ trực tiếp của một nhóm các loài khủng long cỡ nhỏ thuộc nhánh Coelurosauria (thằn lằn đuôi rỗng), nằm trong nhóm Theropoda (khủng long chân thú).

Sống sót sau mùa đông hạt nhân năm ấy, bọn này đã tiếp tục phát triển hệ thống cơ, xương, cơ quan hô hấp, lông vũ… để cuối cùng trở thành chim. Hiện nay thế giới có khoảng 10000 loài chim còn tồn tại và bọn chúng đều là hậu duệ của khủng long, bao gồm cả mấy con gà, vịt, ngỗng, bồ câu… hay bất cứ loài gia cầm nào từng nằm trên bàn ăn của bạn nữa. Và nếu để ý phần xương khi ăn thịt chúng rồi so với mấy hình ảnh về hóa thạch xương khủng long thì chắc chắn bạn sẽ thấy nhiều đặc điểm giải phẫu tương đồng đấy.


OK, vậy là mình đã chia sẻ được với các bạn một số điều thú vị mà mình biết về sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng – đầu kỷ Cổ Cận. Hy vọng có ích đối với các bạn, đặc biệt là những bạn đang cần thông tin gì đó hay ho để mang đi chém gió!

Tham khảo:

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360