Ổ cứng không phải là thứ được nhiều người quan tâm như card đồ họa và CPU. Thế nên nhiều anh em không biết được công nghệ chống rung trên HDD cũng không có gì là lạ cả. Đó cũng sẽ là chủ đề của bài viết này. Hy vọng có thể chia sẻ được với anh em một công nghệ cực kỳ hữu ích.
Ổ cứng thì chống rung để làm gì nhỉ?
Mấy cái HDD truyền thống còn có một tên gọi dân dã là “ổ cứng cơ” anh em ạ. Nó là một thiết bị cơ học chứ không phải thuần điện tử như mấy cái SSD hay thẻ nhớ. Đĩa từ thì quay liên tục vài trăm vòng mỗi giây trong khi đầu đọc/ghi thì nhảy qua nhảy lại liên tục. Anh em cứ thử sờ vào vỏ một cái cổ cứng đang chạy là sẽ thấy nó rung nhè nhẹ ngay thôi. Mà ổ cứng thì lại rất nhạy cảm, mấy cái laptop hồi xưa xài ổ HDD nhiều khi va đập lúc nó đang chạy, đầu đọc cà nhẹ vào đĩa từ cũng toang cái ổ cứng như chơi, nhẹ thì cũng bad ổ. Thế nên hiện nay các hãng HDD đều có những dòng ổ cứng chuyên dụng cho NAS mà giá cả cũng phải chăng.
Tại sao rung động lại làm ổ cứng hư hỏng?
Vụ chống rung mới đầu nghe thì hợp lý nhưng suy nghĩ kỹ ra thì nó lại hơi kỳ kỳ. Tại sao mấy con Seagate Barracuda hay WD Blue không có chống rung vẫn chạy ầm ầm hàng năm trời mà mấy cái ổ cứng cao cấp hơn lại phải có chống rung? Đúng ra cao cấp hơn thì nó phải bền hơn chứ nhỉ?
Vấn đề là nằm ở chỗ mấy cái ổ cứng chuyên dụng thường không đi 1 mình mà nó ở chung cả một hội. Nói về NAS làm ví dụ đi. Một cụm NAS của người dùng nâng cao thường tầm 2 đến 5 ổ chứ không chơi 1,2 ổ như người người dùng phổ thông. Dàn NAS của doanh nghiệp hay trung tâm dữ liệu thì có thể lên đến 24 ổ, chúng có thể hoạt động với cường độ lớn liên tục 24/7, hơn nữa người ta còn có thể xếp chồng nhiều dàn như thế với tổng số lượng lên đến hàng trăm ổ cùng hoạt động. Và khi vài trăm cái HDD cùng cộng hưởng với nhau thì bọn nó rung ầm ầm không khác gì cái máy giặt cả. Nếu không có chống rung thì kiểu gì mấy cái ổ cứng cũng có chuyện, không ổ này thì cũng ổ kia và kết quả là cả dàn cùng banh xác.
Về HDD có chống rung thì điển hình có thể kể đến như dòng như IronWolf của Seagate. Dòng này có thêm công nghệ AgileArray, tập hợp cả phần cứng, phần sụn (firmware) và phần mềm để giúp cho hệ thống NAS hoạt động cường độ cao một cách ổn định hơn. Công nghệ này mang đến nhiều tính năng, và đương nhiên là có cả chống rung nữa.
Mỗi chiếc HDD được trang bị công nghệ AgileArray đều có các cảm biến rung động (Rotational Vibration Sensor) để nhận biết rung động khuếch tán từ các ổ HDD xung quanh. Khi đã phát hiện thì công nghệ Advanced AcuTrac sẽ giúp ngăn rung động ảnh hưởng từ các ổ cứng, quạt case xung quanh để đảm bảo hệ thống hoạt động mượt mà, không suy giảm hiệu năng.
Ngoài 2 công nghệ Rotational Vibration Sensor và Advanced AcuTrac đóng vai trò như một cơ chế chống rung chủ động thì còn một công nghệ nữa là Dual Plane Balance, nó sẽ giúp bản thân HDD chạy êm hơn, tin cậy hơn và ít tạo ra rung động ảnh hưởng đến các ổ HDD xung quanh hơn.
Tại sao chúng ta lại không thấy mấy hãng ổ cứng quảng cáo về nó?
Cái này chắc chắn cũng có nhiều anh em thắc mắc lắm nè. Mấy thứ công nghệ như thế này cực kỳ hữu ích nhưng lại chẳng thấy mấy ông hãng đi quảng cáo với người dùng phổ thông. Kết quả là công nghệ tuy hay ho thế mà chẳng mấy ai được biết cả. Nhưng nghĩ lại thì nó cũng hợp lý anh em ạ.
Như đã nói ở trên, người dùng phổ thông chủ yếu chơi tầm 1-2 ổ HDD thôi. Chúng nó có rung cũng cùng lắm là hơi ồn chứ hiệu năng thì cũng không ảnh hưởng. Đối với người dùng phổ thông thì HDD giá mềm, dung lượng to và hiệu năng tốt là được. Vì thế mấy hãng nhiều khi cũng chẳng muốn tốn tiền quảng cáo làm gì. Còn đối với người dùng nâng cao, doanh nghiệp này nọ thì đương nhiên họ sẽ tìm hiểu kỹ vụ này. Hoặc thậm chí là các hãng HDD còn có team đi tiếp thị giải pháp NAS luôn.
Trên đây là một số thông tin về công nghệ chống rung trên ổ HDD chuyên dụng cho NAS. Hy vọng anh em đã tìm thấy thứ mình đang cần trong bài biết, cảm ơn vì đã đọc!