Vì sao cỡ nòng của súng lục thường có xu hướng lớn hơn súng trường? Đây là câu trả lời cho bạn.

Cho dù không phải là dân đam mê súng đạn đi nữa, chỉ cần là game thủ thôi là anh em đã biết cỡ nòng súng lục thường có xu hướng lớn hơn cỡ nòng của súng trường rồi. Mấy cây súng họ M4 thường có cỡ nòng 5.56 ly, còn đám con cháu của AK-47 thì cỡ nòng cũng đến 7.62 li là đã lớn lắm rồi. Trong khi đó thì mấy cây súng lục dùng cỡ nòng 9 li cực nhiều luôn, M1911 này M92 này, dòng họ Glock này, đến khẩu K54 có cỡ nòng 7.62 cũng đã thuộc dạng nhỏ rồi.

Tại sao vậy nhỉ? Chẳng phải súng to hơn, dài hơn thì cỡ nòng cũng phải bự hơn mới hợp lý sao? Chúng ta cùng tìm hiểu để lý giải nhé.

Đạn súng trường không cần quá to

Nếu anh em để ý chỉ số tầm bắn hiệu quả của súng trường tấn công thường cao hơn súng lục rất nhiều lần. Ví dụ M16 có chỉ số tầm bắn hiệu quả xa gấp 10 lần M1911 (550m vs 55m), AK-47 thì gấp 7 lần K54 (350m vs 50m).

Mặc dù những con số trên cũng chỉ mang tính tham khảo thôi (cách 1000m mà anh em ăn phải viên đạn 7.62 li của AK cũng chết như thường) nhưng nó cũng chứng minh được rằng đạn súng trường có thể giữ được sức sát thương (động năng) và độ chính xác tốt hơn nhiều so với đạn súng lục. Để làm được điều này thì đầu đạn của súng trường phải có quán tính lớn (nặng), cỡ nhỏ và thuôn dài để tối ưu hóa khí động học, nói nôm na là “xé gió” tốt hơn. Viên đạn sẽ bay xa hơn và chính xác hơn. Cỡ đạn nhỏ cũng giúp người lính mang được nhiều đạn hơn.

Đó là lý do mà súng trường thường không cần cỡ nòng quá to, đủ xa và đủ xuyên phá là được. Chỉ trừ một số dòng súng trường bắn tỉa chuyên dụng để bắn tầm siêu xa hoặc đục phương tiện bọc giáp mới có cỡ nòng to thôi.

Đạn súng lục không to thì hơi khó

Đạn súng lục thì khác. Do súng lục phải gọn gàng nên không thể trang bị nòng dài như súng trường. Mà nòng càng ngắn thì quãng đường viên đạn được gia tốc, được thuốc phóng đẩy bên trong nòng súng càng ngắn. Điều này dẫn đến một vấn đề là viên đạn sẽ có sơ tốc đầu nòng rất thấp (tốc độ ra khỏi nòng súng) và bị giảm sức sát thương, xuyên phá.

Để tăng sơ tốc đầu nòng lên thì các kỹ sư chọn cách tăng cỡ nòng và làm cho viên đạn ngắn lại. Điều này sẽ làm tăng diện tích phần đuôi viên đạn, giúp thuốc phóng tạo nhiều lực đẩy hơn. Đồng thời việc rút ngắn viên đạn cũng sẽ làm cho viên đạn nhẹ lại và có quán tính thấp hơn. Kết quả là viên đạn to, ngắn của súng lục sẽ dễ dàng tăng tốc trong nòng súng và đạt sơ tốc đầu nòng cao hơn.

Mặc dù hình dạng to và ngắn của đầu đạn súng lục sẽ làm cho nó cản gió nhiều, kém chính xác và mất tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên súng lục cũng không cần bắn xa quá làm gì, bắn gần đủ chết là được.

Mục đích khác nhau nên cỡ đạn cũng khác

Súng trường tấn công được thiết kế để gây sát thương cho những mục tiêu cách vài trăm m, còn súng lục thì chủ yếu dùng để ứng phó cho những tình huống tầm gần. Súng lục có cỡ đạn lớn và viên đạn ngắn để viên đạn được gia tốc tốt hơn trong nòng ngắn. Súng trường có cỡ đạn nhỏ và viên đạn thuôn dài để bắn chính xác hơn và giữ được sức sát thương ở tầm bắn xa hơn. Đương nhiên là trên thực tế thì không phải lúc nào cũng thế, điển hình là khẩu FN Five-seven sử dụng loại đạn 5,7×28mm trông không khác gì đạn súng trường. Tuy nhiên nhìn trên mặt bằng chung thì cỡ nòng của súng lục vẫn có xu hướng lớn hơn súng trường.

Hy vọng anh em cảm thấy thú vị với những thông tin mà mình chia sẻ!

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360