Chắc hẳn những anh em từng xem bộ phim The Matrix đều từng hoài nghi liệu thế giới chúng ta đang sống có phải giống như thế giới giả lập như trong phim không. Dù chỉ là một tính huống đặt ra trong phim nhưng có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu vấn đề vô cùng nghiêm túc và đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau. Vậy thì liệu rằng chúng sống có đang sống trong một thế giới toàn lừa dối hay không và các nhà khoa học giải thích ra sao, mời anh em cùng mình tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Giả thuyết về triết học
Trước đây, có rất nhiều triết gia đưa ra nhiều khái niệm cho rằng thực tế chúng ta đang sống chỉ là một ảo ảnh. Hồi năm 2003, nhà triết học Nick Bostrom từ Đại học Oxford đã đưa ra một phiên bản thú vị hơn cả vụ ảo ảnh: Điều gì sẽ xảy ra nếu thực tại chúng ta đang sống là một thế giới tạo nên từ một máy tính của một thực tại khác. Lúc đầu, nhiều người cho rằng ý nghĩ này thật điên rồ nhưng lập luận của Bostrom thì lại vô cùng hấp dẫn.
Đầu tiên, giả sử trong một tương lai không xa, công nghệ và khoa học đủ phát triển để con người tạo ra một phiên bản mô phỏng lại toàn bộ vũ trụ. Trong vũ trụ mô phỏng đó sẽ có bản sao của từng người trên thế giới. Nếu con người có đủ khả năng để tạo ra thế giới mô phỏng thì chắc chắn chúng ta sẽ làm luôn mà không chần chừ. Thậm chí, con người sẽ tạo ra rất nhiều mô phỏng để tìm hiểu về vũ trụ vận hành và còn nhiều mục đích khác nhau nữa.
Tiếp theo, con người sẽ sao chép tất cả mọi thứ, bao gồm cả suy nghĩ và ý thức rồi chuyển sang cho cư dân ở thế giới mô phỏng nhưng không cho cư dân ảo đó biết họ đang ở trong thế giới “lừa dối”. Như vậy, nếu chúng ta có thể làm ra công nghệ mô phỏng này thì khả năng chính chúng ta đang sống trong một công nghệ mô phỏng của giống loài khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chúng ta không thể biết có một giống loài thông minh nào đó đã phát triển được công nghệ hay chưa và chúng ta cũng không thể biết liệu họ có đang thử nghiệm lên chính loài người hay không. Mọi thứ chúng ta quan sát, kiểm soát được trong thế giới này chỉ tồn tại trong giới hạn của chương trình mô phỏng, và thực tại chúng ta đang sống chỉ toàn là những dòng code 0 và 1.
Thậm chí, có thể thế giới chúng ta đang sống chỉ là một thế giới mô phỏng trong một thế giới được mô phỏng. Chỉ là công nghệ của chúng ta vừa đủ để tiếp tục làm ra thế giới mô phỏng nhỏ hơn ở bên trong. Giả thuyết này tạo ra một dây chuyền các thế giới mô phỏng, mỗi vũ trụ lại chứa thêm một vũ trụ bên trong nó.
Tuy nhiên, Bostrom nói rằng giả thuyết của ông không khẳng định chúng ta đang sống trong một thế giới mô phỏng. Sự thật có thể là một bức tranh đen tối và tàn khốc hơn rất nhiều. Có thể con người không bao giờ đạt đến trình độ có thể tạo ra cả một vũ trụ rộng lớn ngay bên trong vì hạn chế về công nghệ hoặc loài người sẽ tuyệt diệt trước khi chúng ta có thể làm như vậy.
Giả thuyết của các nhà khoa học
Nếu giả thuyết theo kiểu giả định mông lung của tiết học không đủ làm anh em xoắn não thì mời anh em chuyển sang giả thuyết mang tính khoa học hơn. Hồi trước có 3 nhà khoa học là Silas R. Beane, Zohreh Davoudi và Martin J. Savage hứng thú với khái niệm mô phỏng vũ trụ và bắt đầu nghĩ cách xác định thế giới chúng ta đang sống có phải là mô phỏng hay không. Tất cả lý thuyết của họ đều bắt đầu với phương pháp mắt lưới của thuyết gauge (lattice gauge theory) và thuyết sắc động lực học lượng tử (quantum chromodynamics – QCD).
Trong vũ trụ chúng ta đang sống có bốn lực cơ bản: là lực tương tác mạnh, lực điện từ, lực tương tác yếu và trọng lực. Hai phương pháp có tên dài lê thê ở phía trên tập trung nghiên cứu lực tương tác mạnh, đây là lực giúp giữ các hạt hạ nguyên tử kết dính với nhau. Nó là lực mạnh nhất trong bốn lực cơ bản nhưng cũng là lực có tầm tác dụng ngắn nhất.
Thuyết sắc động lượng tử là một lý thuyết giải thích bản chất cơ bản của lực tương tác mạnh trong không-thời gian bốn chiều. Các nhà khoa học sử dụng các loại máy tính có hiệu suất cao để mô phỏng một vũ trụ có kích thước siêu nhỏ, kích thước này còn nhỏ hơn cả 1 nanomet nữa anh em. Sau khi mô phỏng vũ trụ bé xíu ấy xong thì các nhà khoa học tiếp tục dùng phương pháp mắt lưới của thuyết gauge để nghiên cứu tính liên tục của không-thời gian bên trong đó. Nếu bằng một cách nào đó, chúng ta có thể thu nhỏ rồi chui lọt vào vũ trụ mô phỏng thì có thể quan sát những tia năng lượng xuất phát từ bên trong.
Và nếu những tia năng lượng này giống với những tia năng lượng xuất hiện trong vũ trụ của chúng ta đang sống thì có thể kết luận chúng ta đang ngồi trong thế giới mô phỏng. Tuy nhiên, giả thuyết này cần nhiều điều kiện và cần phải giải quyết vấn đề thì mới trở thành hiện thực, chẳng hạn như:
- Các thực thể thiết kế ra chương trình mô phỏng có dùng phương pháp QCD như cách chúng ta mô phỏng vũ trụ nhỏ xíu không.
- Các thực thể thiết kế ra vũ trụ cũng giống như chúng ta, bị hạn chế nguồn lực mô phỏng nên chúng ta cũng sẽ bị giới hạn.
- Các thực thể tạo ra vũ trụ này có ngăn cản chúng ta khám phá ra sự thật rằng mọi thứ chỉ là mô phỏng không.
Vậy thì chúng ta có đang sống trong thế giới mô phỏng hay không?
Sau khi đọc xong hai loại giả thuyết trên thì chúng ta càng không thể khẳng định chúng ta có đang sống trong thế giới mô phỏng hay không anh em ạ. Vì sao ư? Anh em chuẩn bị xoắn não thêm một lần nữa nhé.
Một giả thuyết hoặc lập luận không thể tự mình xác định sự đúng đắn của nó. Khoa học và các phương pháp mang tính khoa học đều dựa trên bằng chứng cụ thể. Nếu không có bằng chứng cụ thể thì lập luận, giả thuyết đó đều được xem là vô căn cứ và phản khoa học. Ví dụ, mình có thể nói phía sau lưng anh em cũng có một em gái xinh như hoa hậu nhưng lúc nào tàng hình, đi không thấy hình, nhìn không thấy bóng. Tuy nhiên, chỉ có mình nói vậy thôi chứ không ai chứng minh được nên giả thuyết của mình là phản khoa học.
Nếu lập luận theo kiểu này thì giả thuyết của 3 nhà khoa học cũng chưa chắc là đúng. Lỡ đâu chương trình mô phỏng ngăn chúng ta tìm ra sự thật thì sao. Thế thì lập luận mang tính triết học mông lung ở phần đầu lại mang tính “khoa học” hơn cả những giả thuyết khoa học (?!).
Rồi anh em hãy tưởng tượng tự nhiên có người khám phá ra chúng ta đang sống trong thế giới ảo thì chuyện gì sẽ xảy ra. Giống loài tạo ra chúng ta có thực sự bằng lòng với trí thông minh của những đứa con hay là nhấn nút để tắt chương trình mô phỏng. Rồi cả xã hội sẽ phải sống trong sự hoài nghi và chia rẽ, còn tâm lý của từng người sẽ có nhiều biến đổi không lường trước được và liệu chúng ta có thể thay đổi bản thân chỉ bằng cách sửa code hay không?
Dù có thực tế có thể không thay đổi nhiều. Ngay cả khi mọi thứ chúng ta biết và có thể biết là mô phỏng thì chúng ta vẫn tồn tại trong vũ trụ đó. Chúng ta vẫn ăn, thở, sống và chết. Môi trường chúng ta không thay đổi cho dù chúng ta đang ở trong thực tế hay thế giới ảo của một số thực tế khác.
Cuối cùng, anh em vẫn không thể chứng minh chúng ta có đang sống trong thế giới ảo hay không. Điều thành công và sự thật duy nhất là sau khi đọc bài anh em sẽ ngồi suy nghĩ thêm về cuộc đời …
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Liệu phần mềm có thể khiến PC trở thành “cục gạch”? Đây là câu trả lời cho bạn
- Tìm hiểu cách DDR hoạt động – “Ma thuật” của một thanh RAM
- Tản mạn về card đồ họa ASRock – Sự lựa chọn đáng cân nhắc cho game thủ
Nguồn: How Stuff Work
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!