HDMI và DisplayPort, đâu là sự lựa chọn tốt nhất dành cho game thủ?
Khi anh em build PC thì màn hình là một thứ vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm của chúng ta. Chính vì vậy, đa số anh em đều rất quan tâm các thông số như độ phân giải cao, tần quét, tấm nền, màu sắc và nhiều thứ khác nữa. Tuy nhiên, có một khía cạnh quan trọng mà anh em thường bỏ qua là nên chọn dây HDMI hay DisplayPort. Trong bài viết này, mời anh em game thủ cùng mình tìm hiểu loại kết nối nào “ngon” hơn.
Chuẩn kết nối HDMI lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2002, chuẩn DisplayPort thì xuất hiện vào năm 2006 để thay thế cho các chuẩn kết nối cũ kỹ như như VGA, DVI anh em ạ. Những công nghệ này vẫn còn được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau nhưng có khá là nhiều nhược điểm so với HDMI và DisplayPort, chẳng hạn như dễ bị nhiễu, không thể truyền âm thanh,… Vì vậy, nếu anh em là game thủ thời hiện đại thì chắc chắn là phải dùng HDMI hoặc DisplayPort, còn loại nào tốt hơn thì anh em xem tiếp nhé.
Thông số và độ phân giải
Chắc hẳn anh em đều đã biết cả HDMI và DisplayPort mỗi bên đều có nhiều tiêu chuẩn riêng được phát triển sau nhiều năm. Tuy nhiên, cả hai đều có khả năng tương thích ngược, có nghĩa là anh em cắm màn hình có cổng HDMI từ 10 năm trước vào card Nvidia RTX 3080 thì vẫn lên hình như bình thường. Tuy nhiên, hình ảnh sẽ hiện theo thông số của bên yếu hơn, chẳng hạn anh em có màn hình siêu xịn độ phân giải 4K, 144Hz, HDR các thứ mà card màn hình chỉ có thể xuất hình 4K, 24Hz thì hình ảnh vẫn chỉ là 4K, 24Hz thôi nhé.
Bên dưới là bảng tóm tắt thông số của các chuẩn HDMI và DisplayPort cho anh em tham khảo, nếu muốn tìm hiểu chi tiết hơn về công nghệ có trên từng chuẩn thì anh em có thể click vào đây để xem về HDMI và vào đây để xem về DisplayPort.
HDMI
DisplayPort
Lưu ý: Vì một chuẩn DisplayPort có hỗ trợ nhiều chế độ truyền dữ liệu khác nhau nên bảng thông số sẽ thống kê theo chế độ truyền dữ liệu chứ không theo tên của các chuẩn 1.2, 1.3 hay 1.4 anh em thường thấy nhé.
Trong hai bảng thông số trên, có lẽ hầu hết anh em cũng biết ý nghĩa của độ phân giải và tần số quét trên màn hình rồi nên mình không cần giải thích nữa. Chỉ có băng thông (số Gbit/s bên dưới mỗi chuẩn) là cần giải thích thêm để anh em có cái nhìn tổng quát hơn. Về cơ bản thì băng thông là thông số giúp chúng ta biết chuẩn kết nối nào đó có thể truyền đi bao nhiêu dữ liệu trong một giây, mà cụ thể hơn là dữ liệu về hình ảnh và âm thanh. Trong đó, về phần hình ảnh thì ngoài độ phân giải và tần số quét thì còn liên quan đến độ sâu màu. Nếu cần tìm hiểu thêm độ sâu màu thì anh em click vào đây để tìm hiểu thêm nhé.
Còn lúc so sánh thì anh em kiểm tra lại thông số màn hình đang dùng có độ sâu màu bao nhiêu bit, cộng thêm độ phân giải và tần số quét để biết băng thông cần thiết trong bảng bên dưới. Nếu băng thông cần thiết bé hơn băng thông trong bảng tiêu chuẩn ở trên thì mới truyền được trọn vẹn độ phân giải lên màn hình.
Còn âm thanh cũng ăn thêm một phần băng thông, nhưng thường sẽ không cần nhiều như phần hình ảnh. Các chuẩn HDMI và DisplayPort hiện nay sử dụng tối đa 36,86 Mbit/s (bằng 0,037 Gbit/s) thôi. Ngoài ra, các chuẩn kết nối này còn cần thêm một số thứ như mã hóa dữ liệu, đồng bộ các thứ nhưng sau một hồi giải thích dài dòng thì anh em cứ nhớ rằng chuẩn nào có băng thông lớn hơn thì sẽ tốt hơn.
DisplayPort có gì hay?
Hiện nay, chuẩn DisplayPort 1.4 là thứ “xịn” nhất và dễ tìm nhất trong dòng họ của mình. Dù DisplayPort 2.0 đã ra mắt vào tháng 6/2019 nhưng tính đến thời điểm viết bài vẫn chưa có card màn hình nào hỗ trợ hết nha anh em ạ. Dòng GPU Ampere của Nvidia mới ra mắt vẫn đang gắn bó với chuẩn 1.4a, còn Big Navi của AMD chuẩn bị ra mắt thì chưa có thông tin gì cả. Dù chuẩn DisplayPort 1.4a có băng thông không cao như HDMI 2.1 nhưng thực tế thì phần cứng hỗ trợ HDMI 2.1 vẫn chưa phổ biến.
Một số lợi thế khác của DisplayPort là có tần số quét biến thiên (variable refresh rates), có móc trên cổng kết nối làm tăng độ chắc chắn, an toàn, có thể kết nối nhiều màn hình thông qua một cổng kết nối duy nhất và tín hiệu DisplayPort có thể truyền qua cả cổng USB Type C có hỗ trợ MST.
Bên cạnh đó, DisplayPort không đánh phí bản quyền như HDMI, nên giảm chi phí sản xuất và các công nghệ kết nối xịn sò như DSC, G-Sync và FreeSync đều xuất hiện trên DisplayPort trước. Còn về thông số thì anh em có thể thấy băng thông của các chế độ truyền dữ liệu bên DisplayPort cao hơn HDMI rất nhiều nên có thể truyền hình ảnh có độ phân giải, tần số quét cao và màu thì cũng đẹp nữa anh em ạ.
Với tốc độ truyền dữ liệu tối đa lên đến 25,92 Gbit/s, chuẩn DisplayPort 1.4 có thể dễ dàng xử lý hình ảnh có độ phân giải 4K@98Hz và độ sâu màu là 24-bit, nếu dữ liệu theo kiểu 4:2:2 YCbCr thì anh em có thể đẩy tần số quét lên 144Hz bật HDR luôn. Tuy nhiên, phần đông anh em game thủ sẽ dùng màn hình 2K 144Hz thôi, nếu hình ảnh có độ sâu màu 24 bit thì chỉ cần 14,08 Gbit/s, còn 30 bit HDR thì cũng chỉ đến 17,6 Gbit/s nên chuẩn DisplayPort 1.4 có thể cân dễ dàng.
Còn nếu trong tương lai, anh em muốn xem nội dung có độ 8K thì DisplayPort 1.4 vẫn cân được thông qua công nghệ DSC. Ngắn gọn thì anh em có thể hiểu đây là một công nghệ nén dữ liệu, giúp hiển thị hình ảnh cần nhiều băng thông hơn băng thông của chuẩn kết nối. Nhưng tương lai vẫn còn xa lắm anh em, ít nhất vài thế hệ card màn hình nữa chúng ta mới được chơi game 8K.
Mà DisplayPort có một nhược điểm không lớn lắm là bị giới hạn chiều dài dây cáp ở mức 3 mét nha anh em.
Thế còn HDMI?
Dù chuẩn HDMI mới nhất có thông số về độ phân giải, tần số quét và băng thông không tốt như DisplayPort nhưng đa số người dùng phổ thông như chúng ta thì sẽ không thấy được sự khác biệt khi nhìn vào màn hình đâu. Băng thông của chuẩn HDMI 2.0 có thể truyền hình ảnh 4k@60Hz với độ sâu màu 24b bit và có thể tăng tần số quét lên nếu nén dữ liệu theo chuẩn 4:2:0 YCbCr.
Đối với những anh em sử dụng FreeSync của AMD thì chuẩn HDMI cũng có hỗ trợ tần số quét biến thiên thông qua một bản mở rộng của AMD từ hồi HDMI 2.0b xuất hiện. Có lẽ phải đến lúc chuẩn HDMI 2.1 ra mắt thì mới chính thức hỗ trợ nha anh em. Cho đến thời điểm hiện tại, Nvidia chỉ hỗ trợ tần số quét biến thiên HDMI 2.1 trên các dòng card dùng kiến trúc Turing và Ampere mới ra mắt.
Ưu điểm chính của HDMI là nó phổ biến và có mặt trên nhiều loại thiết bị. Hầu hết TV và màn hình đều có hai, ba cổng HDMI và nhiều loại phần cứng đã tích hợp HDMI 2.1 rồi dù card màn hình thì chưa có (những theo thông tin từ Nvidia thì card RTX 3070 và các dòng mạnh hơn sẽ có ít nhất 1 cổng kết nối HDMI 2.1).
Ngoài ra, dây cáp HDMI có chiều dài tối đa lên đến 15m, anh em có thể mua màn hình siêu to về rồi đặt ra xa dùng cho sướng, thậm chí làm rạp phim tại gia luôn cũng được. Mà nói về cáp HDMI thì ngày xưa có 2 loại cáp HDMI, một loại thường dùng để truyền hình ảnh có độ phân giải thấp và một loại High Speed – tốc độ cao có thể truyền hình ảnh có độ phân giải FullHD@60Hz và 4K@30Hz. Đến gần đây thì HDMI 2.0 có thêm một chuẩn cáp Premium High Speed – siêu tốc vối băng thông 18 Gbit/s và HDMI 2.1 thì có Ultra High Speed – tốc độ cực cao với băng thông 48 Gbit/s.
Còn vấn đề bản quyền thì HDMI phải trả phí nha anh em. Mỗi sợi dây cáp chúng ta dùng đều có thêm một khoản phí nhỏ nên giá thành sẽ phải đắt hơn DisplayPort.
Vậy nên chọn loại kết nối nào?
Đối với anh em đang dùng card Nvidia, lựa chọn tốt nhất vẫn là DisplayPort 1.4 để dùng với màn hình có G-Sync. Khả năng cao là các công nghệ giống với G-Sync vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện bên DisplayPort trước (vì miễn phí).
Anh em dùng card AMD thì có thể chọn DisplayPort hay HDMI đều được vì có màn hình giá mềm hỗ trợ FreeSync và dùng HDMI. Tuy nhiên, anh em nên ưu tiên DisplayPort hơn vì nhiều màn hình HDMI FreeSync chỉ hoạt động ở độ phân giải hoặc tần số quét thấp mà thôi.
Còn nếu anh em dùng màn hình bình dân, không có G-Sync hoặc FreeSync, tần số quét không cao, độ phân giải không cao và có cả hai loại HDMI và DisplayPort thì dùng loại nào cũng được anh em ạ. Chỉ lưu ý là nếu anh em dùng màn có độ phân giải từ 2560 x 1440 ở tần số quét 144Hz và 24bit màu trở lên thì nên dùng DisplayPort 1.2 hoặc HDMI 2.0 trở lên nhé.
Nếu anh em lười đọc thì có có thể chọn DisplayPort khi:
- Dùng card màn hình của Nvidia hoặc AMD.
- Dùng màn hình có độ phân giải, tần số quét cao, có G-Sync, FreeSync.
- Kết nối nhiều màn hình cùng lúc.
Chọn HDMI khi:
- Dùng màn hình có độ phân giải thấp, không có G-Sync, FreeSync.
- Dùng card AMD có thể cân nhắc.
- Màn hình và PC cách xa hơn 3 mét.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tổng hợp thủ thuật giúp trình duyệt Chrome bớt ngốn RAM
- Đánh giá PNY DDR4 XLR8 Low Profile – RAM tản nhiệt cao chỉ 32 mm, hiệu năng tốt, giá mềm
- RAM DDR5 có thể giảm giá vào Quý 1/2022, nhưng chưa chắc đã dễ tiếp cận
- RAM DDR5 có thể sẽ cần đến tản nhiệt nước
Nguồn: Tom’s Hardware
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!