Màn hình 60Hz hiện nay vẫn còn rất phổ biến. Đối với dân văn phòng, dân đồ họa thì con số 60Hz không phải là vấn đề. Tuy nhiên đối với anh em game thủ vốn cần một chiếc màn hình nhanh, “số” cao thì chắc chắn những chiếc màn hình như vậy lại không thực sự phù hợp với nhu cầu. Nhưng mà biết làm sao được, anh em game thủ vì nhiều lý do vẫn phải cầm cự với màn hình 60Hz trước khi có điều kiện để lên màn hình tần số quét cao. Và nếu anh em cũng là một game thủ như vậy thì đây sẽ là bài viết mà anh em nên đọc.
Sau đây là 5 lời khuyên của mình dành cho anh em nào còn xài màn 60Hz, đặc biệt là những ai đang chán con màn của mình. Hy vọng có thể giúp anh em sống tốt, ít nhất là cho đến khi có cơ hội mua màn hình xịn hơn.
Đừng có thử màn hình tần số quét cao nhiều quá, bị ghiền đấy
Muốn thấy vợ mình ngon thì đừng có ngắm mấy con bé khác quá nhiều, chân lý đấy anh em ạ. Nếu như hiện tại anh em chưa có điều kiện lên màn 144Hz, 240Hz hoặc cao hơn thì đừng có qua mấy cái showroom thử nhiều quá, tại vì thử riết là… bị ghiền đấy. Chẳng hạn như con màn ASUS TUF GAMING VG279QM có tần số quét lên đến 280Hz, anh em mà ngồi xuống trải nghiệm thử là sẽ thấy một trời một vực so với con màn 60Hz đang sử dụng. Lúc đó có quay lại 60Hz e là hơi khó đó.
Thế nên có thử thì xác định là thử cho nó biết thôi nha. Nhiều anh em tâm sự với mình là nhìn màn hình tần số quét cao xong nhìn lại con màn 60Hz của mình nó như ghẻ vậy, chán cực luôn. Bản thân mình cũng thấy vậy, lúc nhận màn hình tần số quét cao làm review thì quẩy cho đã đời, đến hồi trả hãng rồi về nhìn con màn 60Hz của mình nó chán thực sự.
Nói chung là miễn anh em chưa động vào màn hình tần số quét cao, chưa thấy được nó sướng như thế nào thì anh em sẽ con màn 60Hz dùng vẫn ổn
Hãy suy nghĩ tích cực
60FPS thực sự cũng không phải là một con số quá tệ. Ít nhất là nếu FPS không bị drop xuống dưới mức đó nữa thì anh em vẫn có những trải nghiệm mượt mà. May mắn thay là các dòng card bình dân cỡ GTX 1650, 1650 Super có thể dễ dàng cho được mức FPS luôn trên 60 với hầu hết mọi game eSport. Thế nên anh em có thể yên tâm là PC của mình vừa hoạt động mát mẻ, vừa cân được max tần số quét của màn hình để giữ cho anh em một mức FPS ổn định.
Và như đã nói bên trên, nếu anh em không dùng được FreeSync hay G-Sync thì V-Sync vẫn sẽ hoạt động ổn định mượt mà không thua gì G-Sync nếu như máy của anh em có thể xuất ra số FPS luôn trên tần số quét. Trên góc độ tích cực mà nói thì màn hình 60Hz cũng không quá tệ đâu, đặc biệt là với những cấu hình máy tính bình dân.
Chọn game cho đúng, đúng game là OK
Không phải game nào cũng là dạng “Hz càng cao chơi càng sướng”. Nếu chưa có màn hình tần số quét cao thì anh em có thể ưu tiên những thể loại không yêu cầu tần số quét quá cao như MOBA này, RPG này, mấy con game xây dựng – quản lý này, cờ nhân phẩm này… Nói chung là thế giới này còn quá nhiều lựa chọn cho anh em để sống tốt với mấy con màn 60Hz. Miễn anh em không phải là một game thủ bắn súng hardcore thì anh em sẽ thấy con màn 60Hz cũng không phải quá tệ đâu.
Hãy thử ép xung tần số quét
Nếu anh em vẫn thấy con màn nhà mình quá chậm thì có thể thử cách này
Màn hình 60Hz không nhất thiết là anh em phải dùng nó ở mức tần số quét 60Hz. Anh em cũng có thể thử bắt nó chạy nhanh hơn một chút. Điều này cũng tương tự như việc các hãng “ép xung” màn hình của họ để đạt tần số quét cao hơn. Chẳng hạn như chiếc ROG STRIX XG27WQ được ASUS đẩy lên đến 165Hz giúp hình ảnh chuyển động mượt mà hơn so với con số 144Hz mà anh em thường hay thấy trên thị trường.
Còn đối với người dùng bình thường, sử dụng màn hình tần số quét 60Hz thì anh em có thể tự tay ép lên đến tận 70-75Hz cơ đấy. Thật ra với mức chênh lệch ít ỏi đó thì nó cũng sẽ không làm cho màn hình của anh em mượt hơn quá nhiều đâu. Tuy nhiên nó vẫn mang một chút giá trị tinh thần, khiến anh em thêm thấu hiểu, thêm yêu con màn 60Hz của mình cũng như cảm thấy bản thân pro hơn. Chúng mình đã có làm một bài viết tương đối chi tiết về vụ ép xung màn hình này rồi. Anh em tham khảo thêm tại đây nhé.
Luôn bật tính năng giới hạn – đồng bộ khung hình
Mấy ông xài màn 60Hz thường rất thích tắt các tính năng đồng bộ khung hình (chống xé hình), thả FPS để nhìn số cho nó cao, tuy nhiên việc này chẳng đem lại lợi ích gì cho anh em đâu nhé. Mấy bác này hay có quan điểm là V-Sync và FreeSync là thừa thãi, họ cho rằng việc nó khóa mức FPS lại bằng với tần số quét màn hình là làm giảm hiệu năng máy tính, tăng độ trễ (Còn G-Sync mà mấy ông cũng xem là thừa thì tui thua). Thế nên họ thường tắt chống xé hình, để thả tự do số FPS nhảy càng cao càng tốt.
Tuy nhiên việc này không đem lại lợi ích gì cả, nó chẳng những bắt máy của anh em chạy quá sức cần thiết mà còn gây xé hình rất khó chịu nữa. Màn hình có FreeSync hay G-Sync thì anh em cứ bật lên mà dùng. Tắt chúng đi chỉ đơn giản là cách để anh em tự thẩm mà gây thiệt hại cho chính mình mà thôi. Riêng đối với anh em nào dùng màn hình “đời nhà Tống” chỉ có V-Sync thì hãy bật khi FPS luôn trên tần số quét, nó sẽ hoạt động ổn định, còn FPS dưới tần số quét thì tùy sở thích của anh em.
Mua màn tần số quét cao rồi cũng đừng vứt màn 60Hz
Nãy giờ mình đã nói qua làm cách nào để sống tốt với con màn 60Hz rồi. Giờ cũng phải bàn đến việc làm gì với con màn 60Hz cùi bắp khi anh em đã có thêm một con màn xịn sò tần số quét cao. Theo mình thì anh em nên giữ lại con màn 60Hz đó chứ đừng vứt hay bán rẻ đi. Có 2 lý do.
Thứ nhất là dù không còn là sự lựa chọn hàng đầu khi chơi game nữa nhưng con màn 60Hz vẫn có thể dùng được. Anh em có thể biến nó thành màn hình phụ đặt cạnh màn hình chính để tăng không gian hiển thị. Ví dụ khi chơi game với màn hình chính thì anh em có thể để màn hình phụ bật Facebook, Message, Zalo, Instagram, Youtube… để check inbox cho tiện, lâu lâu lên bảng đếm số thì mò ra lướt lướt. Đối với anh em nào làm việc trên máy tính thì 2 màn hình cũng sẽ tiện hơn rất nhiều so với chỉ 1 cái.
Lý do thứ 2 thì mình không biết nó có đúng với anh em không nhưng ít nhất là bản thân mình cảm thấy hợp lý. Dù sao thì con màn 60Hz đó cũng đã đồng hành cùng anh em trong một khoảng thời gian, cũng có kỉ niệm này nọ. Bán đi thì không được giá, vứt thì cũng tiếc. Thay vì thế thì hãy giữ lại để nó tạo ra giá trị cho anh em cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời nó.