Russell Kirsch – một nhà khoa học máy tính – đã qua đời ở tuổi 91. Kirsch được xem như là người đã phát minh ra pixel (điểm ảnh) vào năm 1957 và là người phát triển ra máy scan hình kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Với công nghệ này, ông đã tạo ra được hình ảnh của người con trai của ông – Walden Kirsch – lúc còn là trẻ sơ sinh dưới dạng điểm ảnh. Và đây đồng thời cũng là bức ảnh kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới.
Ông sinh năm 1929 và theo học tại trường Harvard và MIT trước khi làm việc tại National Bureau of Standards (bây giờ là National Institute of Standards and Technology – Viện tiêu chuẩn và công nghệ). Đến năm 1957 thì ông đã tạo ra được một tấm hình kỹ thuật số trắng đen nhỏ in hình con trai của mình, được tạo ra từ mảng 176 pixel x 176 pixel (kích thước 2-inch x 2-inch). Kirsch cho rằng máy tính cần một loại thiết bị đầu vào (input device) để chuyển hình ảnh thành một thứ phù hợp hơn để lưu trữ.
Máy scan sử dụng một cái trống (drum) và nhân quang (photomultiplier) để nhận biết ánh sáng phản chiếu từ một bức hình nhỏ được gắn trên cái trống. Sau đó có một tấm mặt nạ (mask) nằm giữa tấm hình và nhân quang chuyển hình ảnh thành các pixel riêng biệt.
Tuy nhiên, ngay cả đối với người đã sáng tạo ra pixel – một phát minh phải nói là cực kì quan trọng trong ngành máy tính – cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ về công nghệ do chính mình phát triển nên. Russell Kirsch từng phát biểu cảm nghĩ rằng pixel hình vuông là một ý tưởng tồi tệ, nhưng cái “ý tưởng tồi tệ” này không những không chết đi mà còn sống khỏe đến bây giờ là đằng khác.
Nguồn: PC Gamer