Vệ sinh PC là chuyện mà dân công nghệ nào cũng phải làm. Biết tự vệ sinh PC không chỉ giúp linh kiện của bạn bền hơn, sạch đẹp như ý mà còn giúp bạn đỡ tốn tiền đưa máy đi vệ sinh định kỳ nữa. Tuy nhiên đi kèm với đó là một số những rủi ro có thể khiến bạn phải trả giá khi làm hỏng mớ linh kiện đắt tiền của mình. Sau đây là 10 lưu ý cho anh em khi vệ sinh PC dựa trên kinh nghiệm chơi ngu của mình. Hy vọng sẽ giúp được anh em.
Nếu có dùng bàn chải, hãy dùng lại có lông thật mềm
Một vật dụng phủi bụi luôn là cần thiết khi vệ sinh bất cứ thiết bị liên quan đến PC, từ phần cứng đến gaming gear. Thường thì người ta sẽ dùng cọ sơn, cọ vẽ để phủi bụi trên mainboard, trên bo mạch của card, trên heatsink và rad tản nhiệt…. Tuy nhiên nếu không có cọ thì bàn chải cũng không tệ, nhưng bạn cần nhớ là có dùng bàn chải thì tốt nhất bạn nên dùng bàn chải đánh răng loại siêu mềm ấy. Chống chỉ định với mấy cái bàn chải lông cứng để chà sàn nhà nhé. Mấy con tụ nhỏ nhỏ mà nó bị trầy hay văng đi mất thì chẳng có hãng nào bảo hành cho bạn đâu.
Tuyệt đối không động vào mấy con ốc có niêm phong nếu không muốn mất bảo hành
Một số linh kiện PC sẽ có ốc được niêm phong, điển hình là card đồ họa. Thường thì các mẫu card đồ họa sẽ có 4 con ốc ở mặt lưng để gắn mặt tiếp xúc của tản vào chip GPU, một trong 4 con ốc đó sẽ có tem niêm phong để tránh việc người dùng động đến phần cứng. Một khi đã chọc vít vào mấy con ốc này thì bạn đừng mong được hãng bảo hành.
Một số bạn sẽ thắc mắc là nếu card quá nhiệt thì sao? Vậy thì sẽ có hãng lo. Một khi đã bôi keo tản nhiệt vào đó thì họ đã tính đến chuyện để bạn dùng hết bảo hành mà không cần quan tâm rồi.
Đối với mainboard Intel, đừng có sờ vào chân socket
Nếu điểm mặt những nỗi ám ảnh lớn nhất của fan đội xanh thì chắc chắn chuyện cong chân socket sẽ luôn là một trong những thứ được nhắc đến đầu tiên. Tốt nhất khi vệ sinh mainboard thì các bạn hạn chế tối đa chuyện động vào chân socket cho mình. Mỗi khi tháo tản thay keo thì cứ để yên cpu đó mà làm. Mua main về đừng quăng cái nắp socket, thay CPU thì phải lấy cái nắp socket đậy vào. Mất nắp socket thì lấy giấy mà kẹp vô. Nếu bạn không phải là thợ thì tốt nhất đừng có động vào nó.
Có bạn sẽ hỏi lỡ bụi vô không phủi sao được? Vậy thì đừng để bụi vô cứ làm theo mình vừa viết trên là được, lỡ bụi có vô thật, nhìn thấy không ổn thì mang ra thợ cho người ta làm. Mấy cái chân này cực kỳ mong manh, và nó đã cong thì không còn là chuyện dân nghiệp dư có thể tự xử lý được.
Nhớ hồi đó mình mới đi làm, mua được con main ROG Strix B360 Gaming H mình thích lắm. Táy máy mở socket ra rồi lấy tua vít khều thử rồi vuột tay rớt luôn cái tua vít vào đó làm dập hơn chục chân. Thế là mình ngồi cả tiếng đồng hồ để nắn lại mấy cái chân đó, may là nó vẫn lên như một phép màu làm mình mừng rớt nước mắt.
Cẩn thận khi dùng bình xịt khí nén
So với cọ, bình xịt khí nén tiện và xử lý bụi nhanh hơn rất nhiều, khí cũng có thể chạm đến những nơi là cọ không thể quét tới. Tuy nhiên bạn cũng nên cẩn thận khi sử dụng món này vì đôi khi áp lực khí quá lớn sẽ có thể gây tổn hại đến các linh kiện mong manh. Ví dụ:
- Bạn kê cái vòi xịt vào chân socket, nhấn một phát là đảm bảo toang
- Bạn đè sát vòi xịt vào rad tản nhiệt, cong lá nhôm.
- Thậm chí là đôi khi nó còn thổi bay được cả mấy con linh kiện nhỏ nữa. Cái này thì mình chưa thấy nhưng cũng nghe một số anh em “trong ngành” nói qua rồi.
Tóm lại là khi dùng cái này bạn phải biết cách. Còn không thì cứ cọ sơn, cọ vẽ, bàn chải mềm các kiểu cho lành.
Khi gỡ tản CPU AMD, tốt nhất hãy xoay nó trước
Nếu như fan Intel phải cẩn thận vụ chân socket thì fan AMD lại phải để ý chuyện CPU bị dính vào tản nhiệt. Socket của CPU AMD không chốt dính luôn CPU vào mainboard như Intel mà chỉ siết các chân của CPU thôi. Có nhiều trường hợp người dùng tháo tản vô tình bứng luôn cả con CPU dính theo tản ra luôn. Thế nên khi dùng CPU AMD thì tốt nhất khi đã tháo hết chân tản thì bạn nên xoay nó một chút để chắc chắn nó sẽ tách ra khỏi CPU khi dở lên nhé.
Cẩn thận khi tháo lắp mặt kính của case
Các mẫu case gaming hiện nay hầu hết đều được trang bị ít nhất một mặt kính để show ra dàn linh kiện bên trong. Đối với anh em dùng case giá rẻ dùng tấm mica thì không cần lo, nó tuy hơi “phèn” chút nhưng được cái khó vỡ sảng. Còn đối với anh em có case dùng kính thì nên lưu ý mỗi khi tháo lắp. Siết ốc trên kính thì siết vừa tới thôi, không đè, không ép.
Khi bắt ốc cũng nên tuân theo trình tự sau:
- Đầu tiên, gắn hờ 2 con ốc chéo nhau để cố định tấm kính.
- Gắn đủ 4 con ốc.
- Bắt đầu siết 2 con ốc chéo nhau, vừa đủ dính là ngưng, không được siết chặt.
- Siết tiếp 2 con ốc còn lại.
- Xong.
Tuyệt đối không táy máy với công tắc chuyển điện thế của nguồn
Mộ số bộ nguồn ngoài công tắc chính ra sẽ còn có công tắc chuyển điện thế. Nguyên nhân là các nước Châu Âu, Nhật Bản… sẽ dùng điện 110V, còn Việt Nam chúng ta thì dùng 220V. Thông thường khi vệ sinh máy chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ phải động đến cái này đâu. nhưng mình vẫn phải nhắc vì mình biết có rất nhiều anh em sẽ táy máy khi thấy nó rồi động vào và phải trả giá đắt (đắt bằng cục nguồn mới đấy).
Để mình kể kinh nghiệm cho anh em nghe luôn để khỏi thắc mắc nhé. Hồi đó máy mình đang chạy, mình mò ra đằng sau case để cắm USB thì thấy cái công tắc này. Thế là mình lấy đầu tua vít gạt nó qua sang nấc khác. Ngay khi mình vừa gạt qua được thì nó nổ một cái bùm rõ to, kết quả là mình đi mua nguồn mới. May là nó chỉ đi mỗi cục nguồn thôi chứ dàn linh kiện thì vẫn còn y nguyên.
Cẩn thận với mồ hôi
Như chúng ta đều đã biết trong chương trình phổ thông thì nước muối có khả năng dẫn điện. Tháo máy vệ sinh là một công việc khá mất thời gian. Nếu môi trường mát mẻ thì không sao chứ nếu nóng nực thì sẽ dễ đổ mồ hôi. Mà mồ hôi của chúng ta lại chính là nước muối. Nếu để mồ hôi văng vào linh kiện thì có thể sẽ gây ra chập mạch, hậu quả khó lường.
Bản thân mình là người rất dễ đổ mồ hôi mà nhà mình lại không có điều hòa. Thế nên mỗi khi vệ sinh máy, mình sẽ chĩa thẳng quạt máy vào người, để mồ hôi có ra thì sẽ nhanh bốc hơi, không nhỏ thành giọt. Mình cũng thủ sẵn một cái khăn tắm vắt trên cổ để lau mồ hôi trên mặt liên tục, tránh để nó tụ lại ở cằm, chóp mũi, chân mày rồi nhỏ vào linh kiện. Bạn nào cẩn thận hơn mình thì có thể đeo găng tay cao su để ngăn mồ hôi tay luôn.
Lau bằng cồn chứ đừng dùng nước
Cồn bay hơi nhanh hơn nước nhiều, khả năng tẩy rửa cũng tốt hơn. Đối với những chỗ không có linh kiện điện tử như bề mặt tản nhiệt của RAM, quạt case, tản chipset, mặt nạ và backplate của card đồ họa… thì bạn có thể lau bằng khăn giấy tẩm cồn. Thứ nhất là nó khô rất nhanh, có văng vài giọt vào linh kiện cũng không vấn đề. Thứ hai là nó hiệu quả với mấy vết bẩn, ố lâu ngày hơn so với nước.
Ngắt nguồn điện khi tháo linh kiện
Linh kiện điện tử nhạy cảm với dòng điện, thế nên khi tháo linh kiện thì ít nhất bạn cũng nên ngắt nguồn. Bạn nào cẩn thận hơn thì rút cả dây tín hiệu màn hình nữa. Những dòng điện dù nhỏ vẫn có thể tạo thành tia lửa điện, gây chập mạch hoặc mấy thứ tương tự, gây hại cho dàn linh kiện của bạn. Thế nên tốt nhất là hãy đảm bảo bạn ngắt nguồn trước khi tháo dỡ cái gì đó khỏi PC. Mặc dù khả năng xảy ra sự cố là khá hy hữu nhưng cẩn thận vẫn hơn.
Bạn cũng nên biết rằng linh kiện máy tính có thể trữ điện, kể cả khi ngắt nguồn. Thế nên sau khi ngắt nguồn, bạn hãy nhấn nút nguồn thêm một phát nữa để nó tiêu hết điện. Trong nhiều trường hợp thì bạn sẽ thấy quạt nó quay được vài vòng nữa đấy. Lúc này thì điện nó mới tắt hẳn. Mình thì mỗi khi tháo RAM và ổ cứng, mình sẽ ngắt nguồn. Khi phải tháo bung nguyên dàn luôn thì mình sẽ rút toàn bộ dây và đè nút nguồn vài giây trước khi làm tiếp.