Đồng ý rằng mạng không dây (Wifi) đem đến rất nhiều sự tiện lợi, giúp giải quyết được nhiều vấn đề trong thời đại ngày nay. Nhưng song song với đó là không ít thứ phiền hà như tốc độ chậm, sóng yếu, và những lỗi lặt vặt khác.
Sau đây là 5 cách giúp bạn có thể khắc phục những điều trên và cải thiện chất lượng Wifi trong nhà.
1. “Lên đời” router
Nếu bạn vẫn còn đang sử dụng router với chuẩn Wifi cũ 802.11g (Wireless G) hoặc 802.11n (Wireless N) thì một cách đơn giản để cải thiện Wifi đó chính là tậu một con router mới.
Các bạn có thể chọn mua router hỗ trợ Wifi chuẩn 802.11ac (Wireless AC). Hầu hết những thiết bị điện tử như laptop, điện thoại thông minh nếu bạn mua trong vài năm trở lại đây thì khả năng cao là chúng cũng hỗ trợ chuẩn Wifi này, cho nên bạn cứ yên tâm là chúng sẽ có khả năng khai thác sức mạnh của router Wireless AC nhé.
Tuy sóng của router Wireless AC có thể sẽ không phát xa hơn so với những con router cũ nhà bạn, nhưng sóng của nó sẽ mạnh hơn trong cùng một khoảng cách. Bên cạnh đó, khi bạn mua router mới thì sẽ có thêm dịch vụ hậu mãi chăm sóc khách hàng, nên nếu bạn có gặp vấn đề trong quá trình sử dụng thì sẽ được hỗ trợ “tận răng”.
Ngoài ra, mình thêm thông tin một xíu với các bạn là hiện tại, chuẩn Wifi mới nhất là 802.11ax (Wifi 6) vừa ra mắt hồi đầu năm nay, còn 802.11ac bên trên thì gọi là Wifi 5. Hiện tại đã có một vài thiết bị hỗ trợ chuẩn Wifi “mới keng xà beng” này như Samsung Galaxy Note10 hay iPhone 11. Tuy Wifi 6 chưa thực sự phổ biến cho lắm, nhưng theo lý thuyết thì nó sẽ có tốc độ nhanh hơn và chịu tải tốt hơn Wifi 5, nên nếu có thể thì bạn hãy đầu tư một con router hỗ trợ chuẩn này để về sau đỡ phải lăn tăn nhé.
2. Sử dụng hệ thống Wifi mesh
Nếu nhà bạn có nhiều tầng, hoặc có diện tích lớn, nhiều gian phòng và nhiều thiết bị kết nối cùng một lúc thì ngoài cách mua thêm router, mua thêm bộ kích sóng Wifi (Wifi range extender) thì bạn có thể đầu tư hẳn một hệ thống Wifi mesh cho ngôi nhà của mình. Những quán cà phê bạn thường hay ghé uống khả năng cao cũng đang sử dụng hệ thống Wifi mesh đó, chẳng hạn như mình để ý Phúc Long đang sử dụng Wifi mesh của hãng Ubiquiti.
Wifi mesh có lợi thế là chất lượng phủ sóng đồng đều, vùng phủ sóng cũng rộng hơn, “sóng sánh” cũng ổn định hơn, tốc độ truyền dữ liệu tốt hơn, chịu tải nhiều thiết bị hơn. Và nhất là những thiết bị Wifi mesh thường đi kèm phần mềm quản lý trên smartphone, rất chi là tiện lợi.
Nhà mình hiện đang sử dụng 3 cục Wifi mesh của Google, đặt ở 3 tầng lầu. Một điểm mà mình rất thích đó là Wifi mesh “thông minh” ở chỗ nó chỉ sử dụng một tên mạng, một mật khẩu duy nhất cho toàn bộ hệ thống nên các router kết nối với nhau rất “liền lạc”. Khi mình di chuyển giữa các lầu thì không bị tình trạng mạng chập chờn, ngắt kết nối (disconnect), hoặc phải bấm chuyển mạng Wifi theo cách thủ công. Cứ xài Wifi một cách thoải mái, việc kết nối với router nào cứ để hệ thống mesh tự lo.
Việc cài đặt cũng hết sức đơn giản, chỉ cần cài phần mềm vào điện thoại, làm theo hướng dẫn trực quan trên màn hình là xong. Sau này mình có mua thêm cục Wifi mesh nữa thì cũng chỉ cần cắm điện vào rồi kêu phần mềm tự xử lý hết là được. Khỏi phải cắm thêm cọng dây nào, khỏi phải thiết lập thông số phức tạp.
3. Đem router ra vị trí thông thoáng
Cho dù router nhà bạn nhìn có quê mùa, cục mịch đi chăng nữa thì cũng đừng giấu nó vào góc nhà hoặc gầm bàn bạn nhé. Để tối ưu tầm phủ sóng Wifi thì router cần được đặt ở nơi thông thoáng, tránh xa những vật cản ra. Phía sau router thường có vị trí để bắt ốc gắn lên tường, nên bạn có thể cân nhắc option này để đưa router ra vị trí phù hợp hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên hướng ăng-ten theo kiểu vuông góc (hình trên), và đưa router lên vị trí càng cao càng tốt. Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng router nằm ở giữa ngôi nhà để tầm phủ sóng được tối ưu nhất có thể.
4. Chuyển kênh Wifi nhà bạn
Nếu hàng xóm nhà bạn cũng sử dụng Wifi thì khả năng khá cao là router của họ sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng Wifi nhà bạn. Router Wifi có khả năng hoạt động ở nhiều kênh khác nhau, và bạn cần chọn kênh nào ít người xài nhất.
Mặc dù router của bạn có thể đã tự chọn kênh Wifi phù hợp nhất rồi, nhưng bạn vẫn nên kiểm tra lại cho chắc cú. Bạn có thể dùng phần mềm Network Analyzer Lite hoặc WiFi Analyzer để xem xem tình hình sóng Wifi trong khu vực như thế nào, vào chuyển sang kênh phù hợp nếu cần thiết.
5. Tìm thủ phạm đang “bóp” Wifi
Ngoài khả năng Wifi bị yếu do router, cũng không loại trừ trường hợp đang có kẻ “xài ké” Wifi nhà bạn mà không xin phép. Người ấy là ai, vị khách không mời mà đến là người nào, và cách để “đá đít” những người này ra khỏi Wifi nhà bạn, mình có hướng dẫn cụ thể trong bài viết sau.
Với những cách trên, chúc các bạn cải thiện chất lượng Wifi trong nhà thành công nhé. Các bạn có thể tham khảo thêm các mẫu router mới trên thị trường tại đây.
Nguồn: Lifehacker