Windows 10 và 11 có những khiếm khuyết của nó, nhưng đó vẫn chưa phải là lý do duy nhất khiến Microsoft có thể tiếp tục tung ra Windows 12.
Khi Microsoft giới thiệu Windows 10 vào năm 2015, có nhiều nguồn tin cho rằng đó cũng là phiên bản Windows “cuối cùng”. Thế nên mới có nhiều người tỏ ra khó hiểu khi Microsoft trình làng Windows 11 vào năm 2021. Hóa ra, vụ phiên bản Windows “cuối cùng” kia chỉ là 1 lời bình luận của 1 nhà phát triển tại Microsoft mà thôi, chứ đó không phải là phát ngôn chính thức của Microsoft. Vậy thì Windows 11 sẽ là Windows cuối cùng, hay là trong vài năm nữa chúng ta sẽ có Windows 12? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Những sai lầm của Microsoft với Windows 10
Trước khi Windows 10 ra đời, thông thường cứ mỗi 2-3 năm là chúng ta lại có 1 phiên bản Windows mới. Tuy nhiên, đến năm 2015, Microsoft cho rằng lộ trình này không còn khả thi nữa. Do xu hướng ứng dụng ngày càng phụ thuộc vào đám mây (cloud), Microsoft cho rằng việc bắt người dùng chờ nhiều năm để nhận bản cập nhật lớn là một điều không ổn chút nào. Thêm vào đó, Microsoft hẳn cũng không muốn bị tụt hậu khi các công nghệ đang ngày một phát triển rất nhanh chóng.
Thế nên họ đã đổi chiến thuật, tung ra nhiều bản cập nhật tính năng vào mỗi năm cho Windows 10, giúp hệ điều hành dần trở nên tối ưu tốt hơn cho các công nghệ hiện đại. Nghe cũng hay ho đó, nhưng nó lại phát sinh vài vấn đề. Một phần, người dùng vẫn chưa thật sự quen với việc cứ lâu lâu PC lại thông báo phải cập nhật máy tính, nhất là đối với những tập đoàn lớn phải quản lý số lượng lớn máy tính. Phần khác, các bản cập nhật thường được phát hành dưới dạng đóng gói thành nguyên 1 cục, tức là người dùng không có sự lựa chọn mà bắt buộc phải cài tất cả các tính năng có trong bản cập nhật đó. Đó là chưa kể nếu để lâu không cập nhật thì đến lúc cập nhật, bạn sẽ phải tải nguyên một cục bự chảng về PC.
Vậy nên Microsoft mới phải tung ra Windows 11
Những phiền toái ở trên cũng chính là lý do khiến Microsoft tiếp tục giới thiệu Windows 11 và chỉ tung ra bản cập nhất lớn (có chữ H trong cái tên) mỗi năm 1 lần mà thôi. Cơ bản thì Windows 11 còn mang đến những cải tiến về mặt bảo mật, chứ nó không chỉ đơn thuần là Windows 10 được phủ lên 1 lớp skin mới thôi đâu. Nhưng nếu Microsoft vẫn ổn với việc tung ra cập nhật lớn mỗi năm 1 lần, và người dùng cũng dần thích nghi với chuyện đó, vậy thì Microsoft có lý do gì để tiếp tục ra mắt Windows 12 hay không?
Những lý do cho thấy Microsoft có thể tung ra Windows 12 trong thời gian tới
Có nhiều nguồn tin cho rằng Microsoft đang quay lại lộ trình cũ, đó là tung ra phiên bản Windows mới sau mỗi 3 năm. Thêm nữa, việc không bám víu mãi vào 1 phiên bản Windows duy nhất tính ra cũng là điều hợp lý.
Yêu cầu phần cứng sẽ liên tục thay đổi
Khi Windows 11 ra đời, hẳn nhiều bạn còn nhớ vụ lộn xộn về yêu cầu PC phải tương thích với chip bảo mật TPM đúng không? Trong tương lai, yêu cầu phần cứng để chạy Windows cũng sẽ tiếp tục thay đổi như vậy đó. Đến một lúc nào đó, các chuẩn phần cứng mới sẽ trở thành yêu cầu cơ bản để bạn có thể chạy Windows. Thử tưởng tượng nếu bạn cập nhật Windows để có thêm tính năng mới, nhưng nó lại yêu cầu bạn nâng cấp cả phần cứng, thì lúc đó sẽ có rất nhiều người vừa bối rối vừa bực tức, không hiểu tại sao chỉ cập nhật thêm tính năng thôi mà PC giờ lại không chạy được luôn.
Người dùng có sự lựa chọn khi nâng cấp
Ngoài ra, việc quay lại lộ trình 3 năm ra mắt 1 bản Windows còn mang đến sự lựa chọn cho người dùng: hoặc là nâng cấp toàn diện PC để có trải nghiệm tốt hơn, hoặc là tiếp tục xài hệ điều hành hiện tại để tránh những phiền phức không đáng có khi nâng cấp lên Windows mới. Có thể bạn không để ý, chứ mặc dù Microsoft có thúc giục người dùng nâng cấp lên Windows 11 đó, tại thời điểm bài viết bạn vẫn có thể tiếp tục xài Windows 10 chứ không nhất thiết phải chuyển sang Windows 11.
Một vài chuyên gia trong ngành cho biết Windows 12 có thể xuất hiện trong năm 2024, nhưng tiếc rằng hiện giờ chúng ta vẫn chưa có thông tin gì cụ thể về nó cả. Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về Windows. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Hướng dẫn nhận diện lỗi hệ điều hành và lỗi ứng dụng bằng tính năng Clean Boot của Windows 10
- Điểm lại hành trình phát triển của Windows, từ con số không đến hệ điều hành được “yêu thích” nhất
- Ưu nhược điểm của việc cài nhiều hệ điều hành trên cùng một máy tính
- Vì sao USB cực tiện nhưng vẫn chưa thống trị hết các cổng kết nối, hoá ra lý do là đây
- 80% website trên thế giới xài tên miền “.com” hoá ra là vì lý do này
Nguồn: Techquickie
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!