Đối với nền tảng PC, mỗi game thủ sẽ có những tựa game khác nhau mà họ cho là ấn tượng nhất. TechRadar cũng vậy.
Nhằm hưởng ứng tuần lễ PC Gaming Week 2019, TechRadar đã lên một danh sách bao gồm những tựa game PC mà họ cho là ấn tượng nhất. Những tựa game này không chỉ có lượng fan hùng hậu mà còn mang tính “cách mạng”, thay đổi cả ngành công nghiệp game vào thời điểm ra mắt.
Sau đây là 10 tựa game PC ấn tượng nhất được TechRadar chọn lọc, cùng với lý do đằng sau sự lựa chọn đó.
Sid Meier’s Civilization (1991)
Rất khó để có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của Sid Meier’s Civilization đối với thể loại game chiến thuật nói riêng và PC gaming nói chung.
Bên cạnh SimCity và Populus, nhà phát triển MicroPose đã tạo ra một game chiến thuật mà trong đó người chơi sẽ phải tương tác bằng cách tạo và xây dựng các đế chế khác nhau xuyên suốt quá trình chơi game, và tất cả đều được gói gọn trong Civilization.
Mặc dù so với thời điểm hiện tại, phiên bản gốc (được xây dựng trên nền MS-DOS) đã quá lỗi thời, nhưng Civilization đã được làm lại (remake và remaster) khá nhiều lần qua từng năm, khiến tựa game này vẫn còn “hợp thời” cho đến tận ngày nay. Tuy các phiên bản tiếp theo đã có những nâng cấp đáng kể về hệ thống mô phỏng cũng như cơ chế game, phiên bản đầu tiên vẫn là tựa game có sức ảnh hưởng lớn hơn cả.
Doom (1993)
Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều tựa game bắn súng đình đám được ra mắt, nhưng hầu như không có nhà phát triển nào có thể tạo ra được tiếng vang với quy mô tầm cỡ như id Software đã làm với Doom 26 năm về trước.
Đã có kha khá tựa game bắn súng xuất hiện trước Doom (1993), nhưng có một số cơ chế game được Doom ứng dụng vào thời điểm đó vẫn còn được tiếp tục được sử dụng cho đến ngày nay, chẳng hạn: bắn súng với góc nhìn thứ nhất, màn chơi được thiết kế theo dạng “mở” và chứa nhiều bí mật, nội dung game “siêu” bạo lực và máu me.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy mô tuýp bắn súng tiêu diệt quái vật vẫn còn xuất hiện trong các tựa game gần đây, và thậm chí là trong những năm sắp tới.
Diablo (1996)
Blizzard đã thiết kế Diablo theo dạng game top-down (nhìn từ trên xuống) và xoáy mạnh vào yếu tố combat, action-RPG (hành động – nhập vai). Diablo đã loại bỏ rào cản về độ khó của thể loại game nhập vai, và thay vào đó là tập trung vào việc đa dạng hóa các dungeons (ngục tối).
Các nhiệm vụ và màn chơi được thiết kế theo dạng randomly-generated (tạo ra ngẫu nhiên), một cơ chế game vẫn còn được sử dụng cho đến tận hôm nay. Ngoài ra, Diablo cũng có thêm mục chơi mạng, giúp người chơi có thể liên minh với nhau hoặc đối đầu nhau với những pha combat nảy lửa.
Tomb Raider (1996)
Cũng trong năm 1996, Core Design đã định nghĩa lại thể loại game phiêu lưu 3D với tựa game Tomb Raider.
Với hai khẩu súng lục kinh điển và body “bốc lửa”, cuộc phiêu lưu đầu tiên của Lara Croft đã tạo ra một chấn động lớn trong thể loại 3D platforming. Để nhảy qua các chướng ngại vật, game thủ phải canh thời điểm nhảy cho thật chuẩn chứ không thể “bay bay” dễ dàng như lúc trước. Các câu đố cũng được thiết kế rất hóc búa và cần phải giải quyết từ nhiều hướng khác nhau. Thậm chí, trong game còn có cả khủng long T-Rex!
Half-Life (1998)
Nếu Doom (1993) đặt nền móng cho thể loại FPS, thì Half-Life (1998) là tựa game nâng thể loại này lên một tầm cao mới.
Half-Life là một trong những tựa game FPS đầu tiên có cốt truyện với bối cảnh tương lai đen tối. Đây cũng là một tựa game giúp phổ biến hóa cơ chế giải đố bằng cách tương tác với môi trường xung quanh.
Baldur’s Gate (1998)
Baldur’s Gate cũng là một tựa game kinh điển thuộc thể loại nhập vai (RPG). Được phát triển với Bioware, đây là tựa game đầu tiên sử dụng engine huyền thoại Infinity Engine, giúp hình ảnh trong game trở nên thân thuộc với nhiều game thủ.
Với bối cảnh Forgotten Realms và cơ chế giống với Advanced Dungeons & Dragons (một boardgame nổi tiếng), phải đến khi Star Wars: Knights of the Old Republic ra mắt vào năm 2003 thì Baldur’s Gate mới trở nên “lỗi mốt”.
Deus Ex (2000)
Ngày nay, việc game cho phép người chơi tùy ý lựa chọn hành động cho nhân vật trong game nghe có vẻ bình thường, nhưng vào thời điểm những năm đầu của thế kỉ 21 thì đây là một sự đột phá.
Trong Deus Ex (2000), người chơi có thể lựa chọn giữa việc lấy súng ra “xông pha” hoặc lặng lẽ rình mò qua chiến tuyến của địch, và sự lựa chọn này sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đến các màn chơi tiếp theo.
Game cũng cho phép người chơi tự do khám phá bản đồ và bắt chuyện với các nhân vật khác. Điều này khiến Deus Ex (2000) trở nên độc đáo và mới lạ ở thời điểm đó.
The Elder Scrolls III: Morrowind (2002)
Trong lúc những tựa game như Baldur’s Gate vẫn “bám víu” với cơ chế của Dungeons & Dragons thì Bethesda lại đi theo một hướng khác nhưng cũng hấp dẫn không kém.
Morrowind (2002) đã chuyển series The Elder Scrolls sang hướng game 3D cùng với engine đồ họa “xịn” hơn, tạo thành một tựa game “độc nhất vô nhị” vào thời điểm đó.
Với những nhà xưởng Dwemer được chôn vùi sâu trong long đất và những cây nấm cao chọc trời, ngay cả Oblivion hay Skyrim cũng không phải là đối thủ của Morrowind về khía cạnh sáng tạo.
World of Warcraft (2004)
World of Warcraft là tựa game đã đặt nền móng cho thể loại MMO (massively multiplayer online). Xuất phát từ cốt truyện của series Warcraft, WoW đã “bức phá” khỏi truyền thống rập khuôn của thể loại RTS (real-time strategy – chiến thuật theo thời gian thực) để chuyển sang thể loại action-RPG.
Với bối cảnh Azeroth, WoW đã thu hẹp khoảng cách giữa shared online space (tạm dịch: khu vực online chung) và trải nghiệm cá nhân. Do đó, vị thế của WoW trong cộng đồng MMO rất khó mà suy chuyển.
Minecraft (2009)
Giống với The Elder Scrolls V: Skyrim và Doom, Minecraft cũng đã được chuyển (port) lên nhiều nền tảng khác nhau, nhưng đối với riêng nền tảng PC thì tựa game này đã tạo được một ấn tượng vô cùng lớn.
Tựa game này của Mojang đã truyền cảm hứng cho hàng triệu game thủ chỉ với các khối hộp lập phương. Từ chế độ sinh tồn (survival mode) cho đến chế độ sáng tạo (creative mode), bao gồm cả những bản mod và bộ texture đến từ cộng đồng chơi Minecraft, tựa game này không còn đơn thuần là game nữa mà nó đã trở thành một hiện tượng trong giới gaming nói chung và cộng đồng PC nói riêng. Và nó sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến những tựa game ra mắt sau này.
Ngoài ra, Minecraft còn là tựa game PC bán chạy nhất từ trước đến nay.
Nguồn: TechRadar