Xem qua nhiều loại bàn phím, nhưng kiểu cổ điển đầy hoài niệm như chiếc bàn phím Vortex PC66 thì đúng là khó kiếm cực kỳ các bạn ạ.
Không biết các bạn có còn nhớ không, cái thời mà bàn phím vẫn chưa nháy LED đùng đùng như bây giờ ấy. Khi đó, hình ảnh quen thuộc nhất với mình là những bộ vi tính có màn hình lồi, kèm theo là một chiếc bàn phím màu trắng ngà và một con chuột màu be. Cái “trend” này thậm chí còn nhiều tuổi hơn cả mình các bạn ạ, nhưng thật may là mình vẫn còn được chiêm ngưỡng nó trong phòng tin học trường mình. Qua bao năm, tưởng như mình sẽ chẳng còn được gặp lại cái “mốt” ngày ấy nữa, thế mà tựa như cái duyên, mình gặp được Vortex PC66.
Vortex PC66 đã giúp mình trở về những ngày tháng tuổi thơ ngay từ cái chạm mắt đầu tiên, và đó là lý do mình thật sự muốn được trải nghiệm, cầm chiếc bàn phím này trên tay. Có lẽ cũng đã vài năm rồi mới có một chiếc bàn phím khiến mình háo hức đến thế.
Vortex PC66 khoác lên mình lớp bụi mờ của thời gian nhưng vẫn không mất đi dáng vẻ thanh lịch hiện đại
Đi học rồi đi làm, cuốn vào những lo toan của người trưởng thành. Ở cái tuổi còn mông lung lại phải học làm người lớn, vốn mình đã chẳng còn hơi sức đâu để nhớ về những ngày tháng tuổi thơ. Cho đến khi mình bắt gặp Vortex PC66, chiếc bàn phím đã giúp mình nhớ lại những ký ức đẹp vốn đã mờ đi tự thuở nào.
Ngay từ khi nhìn thấy Vortex PC66 mình đã biết em nó theo phong cách cổ điển rồi, vẻ ngoài màu trắng ngà pha xám này thì còn chạy đi đâu được. Nhìn em nó làm mình nhớ đến chiếc bàn phím Model M xưa xửa xừa xưa. Bạn biết không, thậm chí trước khi viết này mình có chưa biết tên chiếc bàn phím huyền thoại này nữa, vì khi đó mình còn quá nhỏ, thứ mình nhớ được là mỗi lần vào phòng tin học của trường đều sẽ được gõ chiếc bàn phím đó thôi. Nhìn Vortex PC66, cảm giác như mình được quay ngược thời gian, trở lại những ngày đầu cắp sách đến trường, cứ thấy phòng tin học là hí hửng lắm.
Mang màu sắc hoài cổ có chút trầm lặng của tháng năm, Vortex PC66 vẫn có cho mình sức sống của tuổi trẻ, cất đi hàng phím số để tìm kiếm sự gọn gàng, trẻ trung và năng động hơn. Không chỉ giữ nguyên màu sắc cổ điển, Vortex PC66 còn đi kèm keycap màu xanh lá và hồng đào cho một vài phím đặc biệt như phím ESC, Enter, phím cách để bạn tùy ý thay đổi. Thật sự, em nó đã thổi vào bức tranh cũ kỹ một làn gió mới bằng cách điểm thêm chút màu sắc ngọt ngào nên thơ.
Vortex PC66 sở hữu kích cỡ ngộ ngộ, không thường gặp trên những chiếc bàn phím cơ khác, thuộc kiểu bàn phím TKL nhưng lại vuông vuông và to hơn một chút. Tuy nhiên, em nó vẫn tiện để mình mang đi đây đi đó các bạn ạ. Đế tăng độ hoài cổ thì Vortex PC66 sẽ không có LED RGB, nhưng bù lại thì em nó có LED trắng bên dưới nút Capslock, kiểu đã cổ thì cổ cho tới các bạn ạ, mình khá thích chi tiết này của ẻm luôn đó.
Vortex PC66 tựa như sứ giả thời không, mang mình trở về những năm 2000 vàng son của những chiếc bàn phím không LED RGB
Kết nối
Sứ giả thời không là người dạo bước giữa quá khứ và hiện đại, băng qua thời gian chỉ để tìm chút hứng thú dừng chân, chắt lọc tinh hoa của nhân loại trong dòng chảy lịch sử. Mang trên mình nét đẹp hoài cổ nhưng Vortex PC66 vẫn trang bị “quyền năng” lợi hại, mà cái đầu tiên cần kể đến là khả năng kết nối đa dạng của em nó.
Vortex PC66 có 3 kiểu kết nối, thứ nhất là kết nối dây USB Type-C có thể tháo rời như nhiều chiếc bàn phím khác, sử dụng cũng như chiếc bàn phím có dây thông thường. Kiểu thư hai là sử dụng bằng Bluetooth, nếu bạn hay làm việc ngoài trời thì dùng kiểu này tiện lắm luôn, kết nối qua laptop hay điện thoại gì cũng đều ổn áp hết. Tuy nhiên kiểu Bluetooth thì sẽ không chơi game mượt được vì đôi lúc tín hiệu sẽ bị chậm, bởi thế mà Vortex PC66 có cả receiver luôn, cho phép bạn chiến game thả ga mà không sợ đi dây vướng víu, cùng không sợ bị trễ tín hiệu.
Cấu tạo và tính năng
Vortex PC66 là một chiếc bàn phím rất dễ làm quen, mình chỉ mất đâu đó tầm 30 phút là đã gõ quen em nó rồi, khó mà bị lệch phím lắm. Đổi lại như mọi lần, nếu mình muốn gõ thành thạo một chiếc bàn phím mới sẽ mất tới vài ba tiếng lận. Mình nghĩ một phần do profile keycap của em này là dạng OEM Profile tiêu chuẩn, kiểu này thì dễ quen tay và cũng dễ dùng nữa các bạn ạ. Bề mặt keycap được đúc dày dặn, sắc nét, là loại PBT Dye-sub. Dù chưa được trải nghiệm lâu nhưng theo kinh nghiệm của mình, qua thời thời gian dài thì loại keycap này vẫn sẽ bền đẹp như vậy, không bị mờ chữ đâu nên các bạn có thể yên tâm nha.
Switch mà Vortex PC66 trang bị là loại Switch Gateron G Pro, nhìn trong suốt đẹp mắt, ngồi ngắm thế thôi cũng thấy phê nữa các bạn ạ. Nhấn thử chơi chơi thì mình thấy switch rất nhẹ, mượt và êm tay. Thêm nữa là em bàn phím này còn trang bị cả tính năng Hotswap, có thể thay switch nóng tại nhà luôn. Nếu trong quá trình sử dụng mà có chiếc switch nào “dở chứng” thì mình cũng có thể tự thay tại nhà mà không phải đem đi bảo hành. Với cá nhân mình, chiếc bàn phím nào mà có Hotswap là mình thích rồi, huống chi em này lại còn có ngoại hình cổ cổ thế nữa, nên mình hơi bị ưng luôn đó.
Đã đặc biệt thì đặc biệt cho trót, đến cái dây cắm mà Vortex PC66 cũng “ngựa bà” nữa, phải chơi dây xoắn mới chịu, mới nhìn mình còn nhớ đến mấy cái dây xoắn trên những chiếc điện thoại bàn ngày xưa á. Mình thấy kiểu thiết kế này vừa tăng tính thẩm mỹ, vừa tiết kiệm không gian và nhìn cũng rất gọn gàng, không bị nếp gấp như những dây cắm thông thường. Mà kiểu dây này mình chỉ từng thấy qua trên những chiếc bàn phím cơ custom thôi các bạn ạ, đây là kiểu dây “độ” đó, chứ bình thường sẽ hiếm gặp lắm luôn.
Cảm giác gõ
Càng gõ mình càng thấy thích, Vortex PC66 cho mình cảm giác gõ rất chắc chắn và có độ nẩy, không hề có một chút lọc xọc nào đâu nha. Gỡ ra mới thấy bên dưới plate bàn phím hãng có lót đệm silicon luôn, hèn gì mình gõ thấy cuốn là đúng rồi. Đây là cảm giác mà mình chỉ có được khi thử gõ những chiếc bàn phím custom của mấy ông anh trong công ty thôi. Tóm lại mình thấy hãng làm hơi bị đỉnh đó, nhất là với một chiếc bàn phím được bán với số lượng nhiều thế này các bạn ạ.
Nếu có chỗ nào mình thấy Vortex PC66 chưa hoàn hảo thì có lẽ phím của chiếc bàn phím này khá nặng, thế nên khi gõ xuống plate sẽ có tiếng vang. Theo nhận xét của ông anh phòng mình, bạn hoàn toàn có thể khắc phục điểm này bằng cách thay cho từng chiếc switch loại lò xo nặng hơn. Cơ mà với mình thì mình lại thích cái tiếng vang vang thế này, do vậy mà nếu có một em Vortex PC66 trong góc làm việc thì mình cũng chẳng “độ” thêm gì cả, cứ để vậy xài thôi.
Không kiêu kỳ, không “đao to búa lớn”, Vortex PC66 nhẹ nhàng đồng hành cùng mình trong chuyến du hành từ quá khứ đến hiện tại
Dạo một vòng ở nút giao thời đại, Vortex PC66 cho mình thấy được vẻ đẹp xưa cũ nhưng vẫn điểm xuyết nét công nghệ hiện đại. Có thể Vortex PC66 không hầm hố, không ngầu đời, không “LED lủng” xập xình, nhưng nó mang một nét đẹp nhẹ nhàng, chín chắn và đầy sức hút. Tựa như một tiểu thư thần bí canh giữ thời không, sẵn sàng đưa bạn quay về với ký ức của những ngày thơ bé. Tính ra thì, trưng chiếc bàn phím này trong góc PC cũng có giá trị sưu tầm lắm đó nghen. Vậy nên, nếu bạn là một người yêu thích nét đẹp hoài cổ, Vortex PC66 sẽ là lựa chọn rất đáng cân nhắc dành cho bạn đấy.
Với mức giá 3.200.000 VND, mình biết đây không phải là mức giá dễ tiếp cận. Thế nhưng, đối với những người đã chơi phím cơ custom nhiều năm, sẽ rất khó để bạn có thể tìm ra một chiếc bàn phím với chất lượng ngang với một em bàn phím custom như Vortex PC66, và chỉ trong tầm giá hơn 3 triệu. Đây sẽ là một sự lựa chọn cực kỳ hợp lý, phù hợp với “kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm” của bạn. Nếu bạn đang muốn tìm một chiếc bàn phím chỉn chu, có chất lượng như bàn phím custom thì em này rất đáng để bạn “móc hầu bao” đó.
Vậy thì, bạn đã sẵn sàng để cầm trên tay chiếc vé du hành thời gian cùng Vortex PC66 chưa? Hãy cùng tham khảo chiếc bàn phím đặc biệt này qua đường link mua sắm tại cửa hàng của GearVN nhé.
Ngồi đếm sương sương thì Vortex PC66 có 68 phím, nhưng để mình bật mí thêm cho các bạn là chiếc bàn phím này còn có phiên bản 66 phím nữa nha. Nếu bạn thích layout bàn phím độc lạ hơn thì có thể tham khảo luôn phiên bản 66 phím này của Vortex PC66 với tên Vortex PC 66 (66 keys) nha.
Dưới đây là một số hình ảnh của Vortex PC66, mới các bạn cùng xem:
Cảm ơn bản đã đọc bài viết này, hẹn gặp lại bạn lần tới và chúc bạn có một ngày thật tuyệt vời nhé!
Mời các bạn tham khảo thêm một số bài viết liên quan tại GVN 360:
- Review bàn phím cơ Vortex Tab 90 – giản lược, chắc chắn và đáng tin cậy
- Top 5 mẫu bàn phím đáng mua cho người thích sự tối giản
- Đơn giản mà vẫn ấn tượng, mời bạn chu du trên chín tầng trời cùng dòng bàn phím Newmen Hạc Vũ Ánh Trăng
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!