Có một thực tế mà mình tin là các bạn có thể nhìn thấy một cách rõ ràng trên các hội chơi phím cơ. Đó là các đàn anh đi trước thường chuộng các mẫu switch linear (switch không có khấc, không kêu) hoặc switch tactile (switch có khấc, không kêu) hơn là switch clicky (switch có khấc, có kêu). Hồi xưa lúc mới chơi phím cơ thì mình cũng không hiểu và cũng có thắc mắc như vậy đó. Nhưng mà đến giờ, sau nhiều năm chơi phím cơ thì mình cũng đã ngộ ra rồi. Sau đây mình sẽ chia sẻ cách giải thích của mình cho xu hướng này, hy vọng sẽ mang đến được cho các bạn những thông tin thú vị.
Switch clicky thì gõ nó vui đấy, nhưng nó che mờ đi cảm giác gõ mà chiếc bàn phím có thể mang lại
Switch clicky công nhận gõ vui thật mấy bạn ạ. Đang dùng một con phím cao su cho cảm giác gõ lụp xụp thì tự nhiên được nếm trải cái cảm giác bật tanh tách của blue switch thì ai mà không thích đúng đúng không mấy bạn? Mình ngày xưa cũng vậy, loại switch mà mình thích nhất hồi mới tập tành chơi phím cơ là blue switch. Mình thích tiếng click của nó, mình thích cái cảm giác bật nảy tê tái cõi lòng của nó, mình thích cái sự ồn ào lạo xạo của nó khi mình gõ content. Thực tế là đến bây giờ nếu ai đó hỏi mình mới chơi phím cơ thì nên chơi switch gì mình cũng khuyên là nên chơi blue switch trước thôi. Vì nó chính là loại switch cho cảm giác “cơ” nhất trong các loại switch cơ phổ thông.
Tuy nhiên chính ưu điểm lớn nhất của blue switch lại là một nhược điểm rất lớn của nó đối với dân chơi switch cơ. Tiếng động của nó phát ra và cái sự “lọc xọc” của nó sẽ gây “nhiễu” cảm giác gõ, khiến người gõ không thể cảm nhận được cảm giác gõ một cách rõ ràng. Đây cũng chính là lý do mà mình dùng bàn phím red switch để làm việc và cũng không dùng blue switch trên chiếc bàn phím custom nhà mình.
Chỉ có switch “câm” mới cho chúng ta cảm nhận rõ ràng nhất chất lượng của chiếc bàn phím, thứ mà càng chơi lâu thì dân chơi phím sẽ càng quan tâm
Độ chắc chắn của khung bàn phím, độ đặc của phím, độ dày và chất liệu keycap, độ mượt… là những thứ mà người mới rất khó cảm nhận ở phím cơ một cách rõ ràng. Tuy nhiên càng dùng phím cơ, đôi tay của bạn sẽ càng nhạy cảm, và những cảm giác về chiếc bàn phím mà bạn gõ sẽ càng trở nên rõ ràng. Mình cũng vậy, hồi xưa lúc mới bắt đầu thì mình thấy gõ một con phím HyperX Alloy Elite cũng chẳng khác gì mấy so với một con phím của Leopold.
Khoảng 1 năm sau mình so sánh lại thì mới thấy nó khác nhiều, con phím gaming full kim loại HyperX Alloy Elite thì đanh và vang, còn con Leopold thì êm dịu và chắc chắn. Mình đã tự tin so sánh được độ trơn mượt, độ khấc của các mẫu switch đến từ các hãng khác nhau. Và đến cái giai đoạn này thì mình bắt đầu cảm thấy thích phím cơ dùng mấy cái switch “câm” hơn blue switch, đặc biệt là red switch. Nó cho mình cảm nhận rõ ràng từng nấc trên hành trình phím, cho mình thấy được độ rơ của từng thanh stab. Và khi mình vệ sinh, tra dầu lube switch stab lại thì chiếc bàn phím cũng mượt hơn rõ ràng.
Ăn chơi hơn mình thì có nhiều dân chơi phím cơ có thể gỡ từng cái switch ra để tra dầu mỡ để nó mượt mà hơn, hợp ý họ hơn. Và đa phần những dân chơi phím cơ mà mình biết đều không còn nhiều hứng thú với mấy con switch clicky. Có thể họ sẽ để trong nhà vài con phím dùng các loại switch clicky như Cherry MX Blue, Kailh Box Jade nhưng họ thường sẽ không dùng mấy con này để làm bàn phím gõ chính trong nhà, lâu lâu lôi ra đổi gió thôi thì được.
Switch clicky khá là ồn ào, và đây cũng là một lý do để nhiều người chuyển sang dùng switch câm
Riêng vụ tiếng ồn kinh khủng của blue switch mỗi khi đêm về hoặc trong không gian chung cũng là một lý do để người chơi phím cơ lâu năm chuyển sang dùng các loại switch câm. Tất nhiên nó sẽ không đúng với tất cả mọi người. Ví dụ như một người có phòng cách âm và một người dùng phím trên công ty thì độ ồn của một con phím cơ blue switch đối với họ cũng có sự ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên chắc chắn vụ độ ồn cũng là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến người ta dần thích switch câm hơn trong quá trình chơi phím. Để mình lấy một ví dụ ra cho mấy bạn dễ hình dung nha.
Mình có một ông anh tập chơi phím cơ trước mình vài tháng. Ban đầu ổng rất là thích red switch của Cherry. Tuy nhiên đến khi mua phím thì ổng mua red switch vì vợ ổng mới sinh và ổng sợ đêm khuya làm con tỉnh giấc. Thế mà tầm hơn tháng sau ổng lại bán con phím đó cho mình và mua một con phím khác còn êm hơn nữa, dùng switch silent red luôn. Lý do là vì red switch vẫn làm bé con nhà ổng tỉnh giấc như thường.
Mình cũng nghe nhiều bạn đọc nói về vụ độ ồn của phím cơ dùng switch clicky có thể làm họ bị phụ huynh hoặc vợ gank giữa đêm. Có người còn than thở về vụ bạn chơi game gõ phím blue switch át cả tiếng voice chat cơ. Thế mới thấy độ ồn của phím cơ clicky nó ghê gớm cỡ nào. Mình thì không ngại do nhà mình chẳng ai thấy khó chịu với tiếng bàn phím cả. Tuy nhiên sau vài năm dùng phím cơ thì mình thích cảm giác gõ của đám linear như red, black hơn. Lý do thì như đã trình bày, rằng chỉ có switch linear mới giúp mình cảm nhận chiếc bàn phím một cách rõ ràng nhất.
Trên đây là kiến giải của mình, là cách giải thích của mình theo những gì mình biết về việc vì sao các dân chơi phím cơ lâu năm thường có xu hướng chuộng switch câm hơn là mấy con switch biết kêu. Hy vọng đã chia sẻ được cho các bạn một góc nhìn thú vị. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn có những trải nghiệm tuyệt vời trên con đường theo đuổi đam mê với phím cơ nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Có một nỗi sợ khi đi làm mang tên “đồng nghiệp gõ phím cơ”
- Một vài lý do mình nghĩ các dân chơi phím cơ nên “buông bỏ chấp niệm” khi dùng laptop
- Phím cơ không đơn giản là bàn phím, nó là thứ “chấp niệm” của những ai đã từng trải nghiệm
- Top 5 mẹo nhỏ nhưng hiệu quả để làm bàn phím cơ của bạn đỡ ồn hơn
- Tiếng ồn của phím cơ blue switch – Chỉ khi là “nạn nhân” thì mình mới thấy nó mệt óc như thế nào
- Đi mua bàn phím cơ có nhất thiết phải nhất định là switch Cherry?
- Tổng hợp các sự cố kinh điển trên bàn phím cơ và cách phòng tránh chúng
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!