Độ phân giải 4K thì phổ biến đó, nhưng thực chất 4K này có nghĩa là gì? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu nhé.

Hẳn sẽ có nhiều bạn bất ngờ sau khi đọc xong tiêu đề ở trên. Mặc dù hiện nay có rất nhiều hãng TV, game console, dịch vụ streaming ghi là hỗ trợ độ phân giải 4K, có một sự thật là chúng ta chẳng có tiêu chuẩn chính thức nào để định nghĩa cho chữ “4K” cả. Nhiều khi nó chỉ là một chữ do ai đó tự tạo ra, được sử dụng nhiều nên nó phổ biến mà thôi.

Độ phân giải 4K thực chất là bao nhiêu?

độ phân giải 4K

4K được gọi là 4K bởi vì nó được dùng để chỉ độ phân giải xấp xỉ 4000 pixel (chiều ngang). Độ phân giải phổ biến nhất được quảng bá là 4K trên thị trường hiện nay chính xác sẽ là 3840 x 2160 (ngang x dọc), và đây cũng sẽ là độ phân giải UHD (Ultra HD) mà bạn thường thấy giới thiệu trên TV, màn hình máy tính, vân vân.

                4K trong quay phim điện ảnh

độ phân giải 4K

Tuy nhiên, 4K trong ngành điện ảnh thì lại là một câu chuyện khác đó nha. Nó được gọi là DCI 4K và có độ phân giải 4096 x 2160, suy ra tỷ lệ màn hình (aspect ratio) sẽ rơi vào khoảng 1,9:1, tức là rộng hơn một chút so với tỷ lệ 1,78:1 (hoặc 16:9) mà chúng ta đã quá quen thuộc trên TV và màn hình PC hiện nay.

                4K trong rạp chiếu phim

Cũng cần lưu ý một điều là DCI 4K không phải là chuẩn 4K duy nhất trong ngành điện ảnh đâu nhé. DCI 4K chủ yếu được dùng khi quay phim, còn khi bạn ra rạp ngồi xem trên màn ảnh rộng thì khả năng trước mắt bạn lúc đó sẽ là chuẩn CinemaScope 4K nhé. Nghe thì cũng hào nhoáng đó, nhưng độ phân giải thực tế của nó chỉ có 4096 x 1716 (2,39:1) mà thôi, bù lại thì nó sẽ tạo ra hiệu ứng đậm chất “điện ảnh” hơn. Nhìn ở một hướng khác thì màn hình 4K ở nhà bạn sẽ có nhiều hơn 1 triệu pixel so với màn hình trong rạp; nôm na thì màn hình trong rạp phim sẽ là một chiếc TV 4K bị cắt mất khúc trên với khúc dưới.

              4K trên màn hình điện thoại

Một số sản phẩm trên thị trường còn cắt giảm độ phân giải nhiều hơn nữa để tạo ra hiệu ứng “màn ảnh rộng” như trong rạp cinê. Chẳng hạn, dòng điện thoại thông minh Xperia của Sony được quảng bá là sở hữu màn hình rộng “cinemawide” 4K (3840 x 1644) theo chuẩn điện ảnh. Tuy nhiên, “cinemawide” thực chất chỉ là phiên bản cắt giảm của độ phân giải UHD (3840 x 2160) để đạt tỷ lệ 2,39:1 (hoặc 21:9) giống như trong rạp phim và như những chiếc màn hình Ultrawide trên thị trường hiện nay.

Tất nhiên, những chiếc màn hình này vẫn có chất lượng hiển thị rất tốt, trang bị tấm nền OLED xịn sò với tính năng HDR giúp tăng độ trung thực cho hình ảnh. Chỉ là nếu xét về số lượng pixel thì nó sẽ kém kha khá so với những màn hình UHD khác mà thôi. Ngoài ra, ví dụ bên trên cũng cho thấy 2160p chưa hẳn đã đồng nghĩa với 4K đâu nhé.

                4K “trá hình”

độ phân giải 4K

Mặt khác, trên thị trường còn có một số sản phẩm, ví dụ như camera hành trình, được quảng cáo là quay được 4K do video sẽ có chiều dọc là 2160 pixel, nhưng chiều ngang thì lại thấp hơn 3000 pixel rất nhiều. Điều này khiến video nhìn vuông vắn hơn so với những video 4K khác mà chúng ta thường hay nghĩ đến.

Nguồn gốc của những chữ như “1080p”, “2160p” bắt đầu từ thời màn hình CRT

Tại sao chúng ta lại dùng những chữ như 2160p để gán cho sản phẩm, dù định nghĩa của chúng không rõ ràng chút nào cả? Thật ra, việc dùng những chữ này để miêu tả độ phân giải bắt nguồn từ thời màn hình CRT lận.

Màn hình CRT không có pixel, mà thay vào đó thì nó tạo ra những dòng nằm ngang chứa dữ liệu analog khác nhau trên màn hình. Nói một cách khác thì nó có độ phân giải theo chiều dọc, nhưng chiều ngang thì lại không có độ phân giải nào cả.

Đây là lý do vì sao mà các ngành điện tử đã dùng những chữ như 480i, 576i để mô tả tín hiệu TV vào thời màn hình CRT còn được sử dụng rộng rãi, với chữ “i” nghĩa là “interlaced” (xen kẽ). Giải thích rõ hơn một xíu thì màn hình CRT chỉ quét 1 nửa số dòng có trong một khung hình tại một thời điểm nhằm tiết kiệm băng thông, sau đó nó sẽ quét 1 nửa số dòng còn lại và mắt người sẽ tự động ghép nó thành một khung hình hoàn chỉnh. Ngược lại, chữ “p” trong “1080p” nghĩa là “progressive”, nghĩa là màn hình sẽ quét toàn bộ khung hình cùng 1 lúc luôn.

Mặc dù màn hình LCD hiện nay đã có độ phân giải theo chiều ngang lẫn chiều dọc, “thói quen” dùng con số có 3 hoặc 4 chữ số để miêu tả toàn bộ độ phân giải vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, ngay cả khi một sản phẩm nào đó có ghi cụ thể độ phân giải chiều ngang lẫn dọc thì bạn vẫn cần phải tham chiếu thêm kích thước màn hình để biết rõ xem màn hình đó có thể hiển thị được nội dung chi tiết đến mức nào. Dù gì thì độ phân giải 4K cũng không có ý nghĩa nhiều nếu bạn chỉ ngồi cách màn hình 200-inch có 0,5 mét. Điều này cũng giải thích cho nguyên nhân vì sao TV 8K hiện nay thường có kích thước rất là lớn.

PPI – thông số biểu thị cho độ chi tiết của màn hình

Bên cạnh những con số như 2160p, chúng ta vẫn có một con số khác để biểu thị cho lượng chi tiết mà một màn hình nào đó có thể hiển thị, và nó được gọi là thông số ppi (pixel per inch). Cơ bản thì đây là mật độ pixel xuất hiện trên 1-inch đường thẳng. Kết hợp với tỷ lệ màn hình, bạn sẽ có một cái nhìn chính xác hơn về trải nghiệm mà mình sẽ có được khi mua sản phẩm đó về sử dụng nhé.

Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Techquickie


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360