Trên các CPU, đặc biệt là dòng Core-i của Intel, chúng ta sẽ rất dễ bắt gặp những ký tự đuôi như K, M, F, H, X… Vậy, ý nghĩa của chúng là gì?

Những ký tự đuôi hay còn gọi là các “hậu tố” của các CPU nhà Intel là một yếu tố trong tên gọi nhằm thể hiện một số đặc tính của CPU đó. Sau đây những hậu tố thường thấy trên các dòng CPU dành cho người dùng phổ thông cùng với ý nghĩa của chúng.

*Người viết sẽ không đề cập đến những hậu tố quá đặc biệt và quá hiếm.

Các CPU không có hậu tố

Đây là những CPU được thiết kế dành cho thị trường desktop, những CPU cơ bản nhất. Chúng có đầy đủ, không thừa và cũng không thiếu những đặc tính mà người dùng phổ thông cần. Trong một số trường hợp, chúng thường được gọi là “CPU Non-K” để phân biệt với dòng “K” có khả năng ép xung.

K

Đây là những CPU được mở khóa xung nhịp và có hỗ trợ ép xung để tăng hiệu suất. Ngoài điểm này ra thì chúng gần như không có gì khác biệt so với CPU “non-K”.

F

Định nghĩa về CPU dòng “F” rất dễ hiểu, chúng chỉ đơn giản là các CPU bình thường nhưng không được trang bị iGPU mà thôi. Vì bỏ đi iGPU nên giá của các CPU này sẽ rẻ hơn một chút so với CPU thường. Đối với dòng này thì chắn PC của bạn phải được trang bị VGA mới có thể xuất hình.

KF

Đây là những CPU lai giữa “K” và “F” có thể ép xung và không được trang bị iGPU.

H

Hiện nay thì hậu tố này rất dễ bắt gặp với những CPU Intel dành cho laptop, đặc biệt là các dòng laptop gaming và workstation. Những con chip mang hậu tố này có hiệu năng khá cao so với mặt bằng chung của những CPU trên các nền tảng di động.

HQ

Hậu tố “H” thì bạn biết rồi đấy, còn chữ “Q” ở đây có nghĩa là “quad core” tức là 4 nhân. Trước đây thì việc có 4 nhân (có hậu tố Q) cũng giống như một tiêu chuẩn về sức mạnh của CPU vậy, vì chỉ có những CPU tương đối cao cấp trở lên mới có đủ 4 nhân thực mà thôi. Tuy nhiên, từ khi thế hệ thứ 8 – Coffee Lake – xuất hiện thì những CPU Core i3 dòng H cũng đã có đủ 4 nhân thực rồi. Vậy nên hậu tố “Q” cũng dần mất đi ý nghĩa “khẳng định đẳng cấp” của nó.

HK

Có lẽ đọc đến đây thì bạn cũng đã biết “HK” có ý nghĩa là gì rồi đúng không nào? Hiểu đơn giản thì những con chip này mang đầy đủ những yếu tố của hậu tố “H” và “K”, đây là những con chip được thiết kế tối ưu để hoạt động trên laptop và được mở khóa xung nhịp để hỗ trợ ép xung. Chỉ những dòng laptop cực kỳ cao cấp mới được trang bị CPU “HK”.

U

Những CPU mang hậu tố “U” thường được sử dụng trên các dòng laptop mỏng nhẹ có hệ thống tản nhiệt khiêm tốn. Dòng CPU này tuy không không có hiệu năng mạnh như dòng “H” nhưng bù lại chúng tiết kiệm điện năng hơn đáng kể và cũng tỏa nhiệt rất ít.

Y

Tương tự như dòng “U”, CPU dòng “Y” cũng thường được sử dụng trên các thiết bị mỏng nhẹ. Điểm khác biệt lớn nhất so với dòng “U” là nó còn tiết kiệm điện hơn và ít tỏa nhiệt hơn nữa.

X

CPU nào có chữ X ở đuôi thì chắc chắn là nó rất đắt, rất mạnh và sử dụng chuẩn socket riêng. Chúng là những CPU có nhiều nhân, xung nhịp cao, có tính năng siêu phân luồng và đều có khả năng ép xung. Chúng được dùng để đáp ứng những yêu cầu mà các CPU Core i bình thường không thể nào làm nổi. Người dùng phổ thông sẽ không bao giờ cần đến những CPU quá mạnh như thế này cả, chỉ trừ khi họ đang có quá nhiều tiền mà chẳng biết làm sau tiêu bớt thôi. Các CPU này được bán chỉ yếu cho người dùng chuyên nghiệp.

XE

Thật ra thì giữa X và XE cũng không có sự phân biệt quá rõ ràng về khái niệm. Để cho đơn giản thì bạn có thể hiểu như thế này: Nếu như các dòng CPU của Intel là những học sinh trong một ngôi trường thì CPU dòng X chính là cái bọn học lớp tuyển. Và dòng XE chính là những đứa giỏi nhất trong cái lớp đó.


Tóm tắt

Các dòng CPU định hướng dành cho desktop (máy bàn)

  • K: Có thể ép xung.
  • F: Không có iGPU.
  • KF: Có thể ép xung và không có GPU.

Các dòng CPU định hướng dành cho HEDT (High-End Desktop: Máy bàn cao cấp)

  • X: Những con chip siêu xịn và siêu đắt tiền, sử dụng chuẩn socket riêng.
  • XE: Những con chip đỉnh nhất trong dòng X.

Các dòng CPU định hướng dành cho Laptop và các thiết bị di động

  • H: Hiệu năng cao.
  • HQ: Hiệu năng cao, 4 nhân thực.
  • HK: Hiệu năng cao, có thể ép xung.
  • U: Tiết kiệm điện.
  • Y: Siêu tiết kiệm điện.

Hy vọng đã cung cấp được cho các bạn những thông tin thú vị. Thật ra thì vẫn còn có rất nhiều dòng CPU mang hậu tố “dị” mà bạn sẽ không thể bắt gặp trên các sản phẩm dành cho người dùng phổ thông, nhưng vì đây là bài viết mang nội dung cơ bản nên người viết sẽ nhắc đến chúng trong một bài viết khác sau.