Những kiến thức về phím custom tuy hiện nay đã rất dễ dàng tiếp cận vì sự phát triển của internet. Tuy nhiên đối với đa phần những người mới bắt đầu thì mớ kiến thức này thường khá rộng và mông lung, nếu bạn cũng đang cảm thấy như vậy thì bài viết dưới đây sẽ có thể sẽ giúp được bạn đấy.
*Lưu ý: bài viết dành cho những người đã nắm được tác dụng căn bản của từng bộ phận cấu thành của một chiếc phím cơ, nếu vẫn còn “mịt mờ” về khoản này, bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây.
Sau đây là những điểm mà người mới cần lưu ý khi bắt đầu tìm hiểu về phím cơ để tránh lang phí thời gian và tiền bạc.
Layout
Khi chuẩn bị build một chiếc phím cơ, theo người viết thì layout là thứ mà bạn nên quan tâm đầu tiên vì nó là thứ ảnh hưởng rất nhiều đặc tính của một chiếc bàn phím. Từ cách thức bạn sử dụng phím cho đến giá cả khi mua linh kiện và độ thuận tiện khi chơi keycap… Tất cả đều do layout quyết định.
Nếu bạn là người mới chơi và muốn tiết kiệm chi phí nhất có thể cũng như dễ tìm linh kiện thay thế thì bạn có thể hướng đến layout 60%. Đây là chuẩn layout cực kỳ phổ biến ở phân khúc giá rẻ và tầm trung nên những linh kiện cho layout này thường không khó tìm, đồng thời giá cả cũng rất dễ chịu. Layout 60% cũng khá gọn gàng và tương đối dễ làm quen.
Tuy nhiên, nếu muốn có nhiều phím chức năng hơn để thuận tiện trong khi thao tác thì bạn có thể hướng đến những layout lớn hơn như, linh kiện cũng sẽ đắt hơn nếu cùng chất liệu. Nếu muốn gọn gàng hơn nữa thì bạn có thể hướng đến các layout nhỏ hơn, vì dụ như layout 40, tuy nhiên, những layout quá nhỏ thường sẽ khá khó sử dụng đối với người mới và không thuận tiện để chơi game.
Chất liệu case và plate
Case và Plate mặc dù không phải là thứ mà bạn trực tiếp chạm vào nhưng nó quyết định rất lớn đến cảm giác gõ. Đặc biệt là lúc gõ chạm đáy. Vì thế nên chất liệu của chúng sẽ là những linh kiện mà bạn nên đặc biệt quan tâm.
Case
Case càng cứng và càng nặng thì những nhát gõ chạm đáy của bạn sẽ càng chắc chắn và ổn định. Trong phân khúc tầm trung và giá rẻ thì case bằng nhôm nguyên khối rất phổ biến. Cao cấp hơn một chút sẽ có case bằng nhôm có kèm theo tạ bằng đồng để tăng khối lượng và độ ổn định cho case.
Ngoài ra, cũng có những chất liệu ít phổ biến hơn như acrylic (trong suốt giúp show led gầm), gỗ (độc, cá tính, loại bỏ khả năng rò điện), nhựa (siêu rẻ, phù hợp cho người tập chơi).
Plate
Cũng như case, plate cũng được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đồng, nhôm, mica, carbon… Trong đó, plate bằng nhôm và đồng khá phổ biến và dễ tìm, trong đó thì plate đồng thường đắt hơn plate nhôm khoảng 2,5-3 lần tuy nhiên lại cho cảm giác gõ được nhiều người đánh giá là tốt hơn. Chất liệu plate phi kim như nhựa, mica, carbon… Thì ít phổ biến hơn.
Switch
Một khi đã tiến đến cuộc chơi của phím custom thì cũng là lúc mà những chiếc bàn phím hãng đã không còn là đủ tốt đối với bạn nữa. Bạn có thể nghĩ đến những loại switch mới, ngoài những loại cơ bản như red, brown, blue để có được trải nghiệm thú vị hơn. Thay vì chỉ luẩn quẩn với switch quá quen thuộc của Cherry, biết đâu bạn sẽ có thể tìm được niềm vui mới đến từ Gateron, Kailh, Holy Panda… Thì sao?
Keycap
Đối với việc chơi phím cơ custom, keycap cũng là một mảng rất thú vị, chi phí cho việc mua keycap xịn và những chiếc keycap lẻ có thể dễ dàng vượt xa mức chi phí đầu tư mua phím ban đầu. Thật ra thì build phím cơ custom cũng không nhất thiết phải có đến vài bộ keycap và một đống keycap lẻ độc và lạ, tuy nhiên thì có chúng sẽ làm cho cuộc chơi của bạn trở nên kích thích hơn rất nhiều.
Ý kiến của người viết
Kiến thức và kinh nghiệm là của người khác, nhưng cái bàn phím và trải nghiệm là của bạn
Học hỏi từ những người đi trước luôn là điều nên làm khi bạn mới bắt đầu bước vào một con đường nào đó. Tuy nhiên bạn cũng cần nhớ rằng không phải cái gì người khác thấy tốt thì cũng có nghĩa là bạn cũng sẽ thấy như vậy.
Nếu bạn thích cái cảm giác gõ của switch clicky thì đừng vì ai đó chê nó ồn mà đổi thành switch tactile trong khi bản thân bạn không thấy phiền. Nếu bạn đã thích case bằng gỗ thì đừng vì ai đó nói rằng kim loại cao cấp hơn mà build theo họ. Nếu bạn muốn dùng keycap không xuyên led với mạch có led RGB thì cũng đừng vì ai cho rằng nó vô dụng mà thay đổi ý định, keycap không xuyên led đi cùng với ánh sáng RGB vẫn cho một vẻ đẹp rất riêng.
Tóm lại là chỉ có bản thân bạn mới biết bạn cần gì nhất và cũng chỉ có bạn mới dùng phím của bạn mà thôi. Vì thế, đừng để cho chiếc bàn phím của bạn được xây dựng theo sở thích của người khác. Thay vào đó, hãy học hỏi kinh nghiệm, kiến thức và lắng nghe ý kiến của họ để build một chiếc phím tốt nhất theo ý mình.
Tiền không bao giờ là đủ cả, vì cuộc chơi của bạn sẽ không dừng lại
Một chiếc phím cơ custom giống một món đồ chơi nhiều hơn là đồ dùng. Mang một chiếc phím cơ custom về cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải “nuôi” nó, cái bạn “nuôi” không chỉ là chiếc bàn phím mà còn là cả đam mê của bạn nữa. Chiếc phím cơ của bạn sẽ đẹp hơn, đỉnh hơn và đắt tiền hơn theo thời gian. Bây giờ thì có thể bạn sẽ nghĩ rằng một chiếc phím này là đủ, nhưng bạn hãy thử nhớ lại về lần đầu tiên bạn có một chiếc phím cơ xem, nếu bạn thật sự hài lòng với nó thì có lẽ bạn đã không xem bài viết này rồi.
Vì thế, nếu đã quyết định đến với phím cơ custom thì cũng gần như chắc chắn đó sẽ là một cuộc chơi dài hạn chứ không chỉ là một khoản đầu tư nhất thời. Bây giờ thì có thể bạn sẽ nghĩ rằng “một con phím này là đủ”, nhưng bạn hãy thử nhớ lại về lần đầu tiên bạn có một chiếc phím cơ mà xem, nếu bạn thật sự hài lòng với nó thì có lẽ bạn đã không bỏ thời gian xem bài viết này rồi.
GEARVN (Axium Fox)