Cách thời điểm viết bài này vài tuần mình có làm một bài viết giải thích cơ chế di chuyển đặc biệt của loài mực và vì sao chúng có thể được xem là những động cơ phản lực của lòng đại dương. Lần này mời các bạn cùng mình khám phá thêm một điều thú vị nữa về loài thân mềm vừa thú vị dưới biển, vừa ngon miệng trên bàn ăn này nhé.

Mực có thể bay là là trên mặt nước

Không phải loài mực nào cũng có thể bay, cho đến nay thì các nhà khoa học chỉ ghi nhận duy nhất một loài mực có khả năng này. Chúng có tên khoa học là Todarodes pacificus, tên thường gọi là mực bay Thái Bình Dương (Pacific flying squid) hoặc mực bay Nhật Bản (Japanese flying squid). Bọn này cũng có phân bố ở vùng biển miền Trung Việt Nam nữa đấy.

Ảnh và video về những chuyến bay của mực bay Thái Bình Dương tuy không nhiều, rất hiếm là đằng khác nhưng vẫn vừa đủ để làm nhân loại ngạc nhiên về khả năng kỳ diệu của chúng. Những đàn mực bay có thể phóng vọt lên trên mặt biển và lướt đi xa hơn 30m để trốn thoát khỏi sự truy đuổi những loài cá săn mồi. Một số người may mắn đã được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục khi cả đàn mực bay đồng loạt “cất cánh”, lướt đi là là trên mặt biển hay thậm chí phóng ngược lên trên thuyền của họ. Do những chuyến bay của mực bay thường rất ngắn, chỉ kéo dài vài giây nên tư liệu về chung mới hiếm đến như vậy.

Vậy chúng bay như thế nào?

Bay không phải là chuyện đơn giản, nếu không thì chúng ta sẽ không chỉ có một loài mực biết bay. Muốn cất cánh được trong không khí thì mực phải có cánh để tạo lực nâng và một tốc độ đủ cao để không khí tạo lực nâng lên “đôi cánh” đó.

Nói về tốc độ trước đi, mảng này thì mực bay có thể tự hào. Mực là nhóm động vật thân mềm nhanh nhất thế giới và mực ống là một trong những loài nhanh nhất vương quốc mực, chúng có thể đạt tốc độ khoảng 40km/h khi vọt lên khỏi mặt nước.

Bí quyết của chúng nằm ở cách di chuyển như một động cơ phản lực. Chúng hút nước vào các khe mang rồi bóp toàn bộ cơ thể để tống nước với tốc độ rất cao ra phía sau theo một cái ống siphon bên dưới đầu. Nước bị ép phụt về phía sau giúp con mực vọt về phía trước theo nguyên lý phản lực. Nhờ đó mà mực bay có thể bứt tốc cực nhanh và đạt tốc độ đáng nể đến như vậy.

Con này không phải mực bay đâu nhé, mình chỉ muốn chỉ cho mấy bạn thấy cái ống siphon thôi

Giờ thì có tốc độ rồi nhưng bao nhiêu đó là chưa đủ, chúng còn cần có cánh nữa. 2 chiếc vây của mực bay khá mỏng và có diện tích lớn. Khi lướt trên mặt nước thì chúng sẽ xòe vây ra và những chiếc vây đóng vai trò như một đôi cánh. Chưa hết, mực bay còn có thể tạo ra thêm một “đôi cánh” khác bằng cách xòe những chiếc tua trên đầu ra để căng một lớp màng mỏng. Ngoài ra thì mực bay còn có cơ thể thuôn dài ít cản khí nữa.

Với 2 đôi cánh cùng tốc độ 40km/s khi vọt lên mặt nước, mực bay có thể dễ dàng cưỡi trên những dòng khí mà cất cánh bay lên. Chúng có thể lướt qua quãng đường 30m chỉ trong 3s, cắt đuôi những kẻ săn mồi và tạo nên một chiến thuật sinh tồn hiệu quả.

Do không thể duy trì sức đẩy trong không khí nên mực bay không thể bay một cách chủ động như chim được. Thay vào đó, chúng sẽ lượn trong không khí đến khi nào hết đà thì sẽ tự rơi xuống mặt biển. Tuy nhiên chỉ riêng cái cách mà chúng làm được điều đó đã khiến các nhà khoa học trên toàn thế giới trầm trồ rồi.


Trên đây là bài viết về mực bay Thái Bình Dương và cách mà chúng bay lên khỏi mặt nước. Mong rằng đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị. Mẹ thiên nhiên quả là nhà phát minh vĩ đại nhất mà con người từng biết đến.

À với lại những thông tin, kiến thức mình biết về mực bay Thái Bình Dương đều là tìm hiểu trên mạng cả chứ chưa được thấy chúng tận mắt bao giờ. Bạn nào đã từng ra vùng biển miền Trung và thấy chúng thì kể cho mình nghe với nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Tham khảo: TED-ed, Wikipedia – Japanese flying squid, Wikipedia – Aerodynamics


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360