Địa ngục luôn là một trong những đề tài thú vị không chỉ trong phim ảnh, sách truyện, mà còn cả trong game nữa. Đối với các nhà phát triển game thì “địa ngục” mang nhiều ý nghĩa khác nhau, tùy theo nhân vật đó là ai. Nó có thể là một nơi khổ ải đầy những thứ kinh tởm đối với kẻ ác, hoặc là một nơi lưng chừng dành cho những linh hồn còn đang vất vưởng. Chính vì thế nên “địa ngục” trong game cực kỳ đa dạng: nó có thể là nơi mà bạn bắt đầu một cuộc hành trình đầy thú vị, hoặc là nơi mà bạn không bao giờ muốn bước chân đến lần thứ 2. Để minh họa rõ hơn cho điều này thì sau đây, mời các bạn cùng xem qua top 10 tựa game hay nhất cho bạn phiêu lưu đến “địa ngục” nhé.

Dante’s Inferno – The Seven Circles

Dante’s Inferno là một tựa game nhập vai hành động ra mắt vào năm 2010. Cốt truyện của game được làm dựa trên bộ sử thi Divine Comedy của nhà văn người Ý Dante Alighieri. Các bạn sẽ theo chân một chàng hiệp sĩ Thập Tự Chinh vượt qua các vòng tròn của địa ngục để cứu lấy Beatrice – người con gái anh yêu khỏi nanh vuốt của Lucifer. 

Game đã thành công trong việc mô tả lại khung cảnh địa ngục đầy tởm lợm qua từng vòng tròn. Mỗi một vòng tròn đại diện cho sự tà ác của nhân loại và đương nhiên chúng sẽ đi kèm theo những con trùm phù hợp với từng vòng tròn địa ngục cho bạn chiến đấu. Mọi thứ mà bạn được chiêm ngưỡng khi bước chân xuống địa ngục không có gì được gọi là đẹp đẽ hay hoa mỹ gì ở đây cả, tất cả chỉ gói gọn lại thành kinh tởm và chết chóc. Tuy nhiên, vì tình yêu bạn vẫn quyết tâm băng qua mọi gian nan thử thách ấy để đối đầu với Lucifer và dành người người con gái của đời mình.

God of War – Địa ngục (Hades)

Ba phần game đầu của God of War cho người chơi chiêm ngưỡng mức độ hoành tráng cũng như là ghê rợn của một địa ngục sẽ trông như thế nào. Từ những khung cảnh xác người rơi như mưa từ trên “trời” xuống, cho đến dòng sông linh hồn mà cứ hễ bơi nửa chừng là sẽ có một vài linh hồn xuất hiện, hù bạn rồi kéo bạn xuống nước. 

Chưa hết, bạn còn có cơ hội được diện kiến những sinh vật huyền thoại như chó ba đầu và được tận tay hạ sát Hades trong phần 3 để cướp lấy vũ khí và thoát khỏi địa ngục nữa cơ. Nếu như bạn hỏi mình rằng có tựa game nào cho bạn du lịch xuống địa ngục mà vẫn giữ được thần thái ngầu và bá đạo của nhân vật chính thì mình sẽ không ngần ngại giới thiệu ngay series God of War. Mặc dù địa ngục được mô tả là một nơi rất đáng sợ trong tựa game này, Kratos lại luôn trưng ra một cái mặt lạnh toát và sẵn sàng xé nát đối thủ trước mặt cho dù đó có là thần thánh đi chăng nữa nên các bạn sẽ cảm thấy đỡ sợ phần nào.

Minecraft – The Nether

Minecraft sở hữu một lượng quần xã sinh vật rất đa dạng, tuy nhiên lại không có quần xã sinh vật nào khiến cho người chơi cảm thấy thích thú và tò mò bằng quần xã sinh vật ở dưới địa ngục. Vùng đất chết chóc này chứa đựng một đại dương dung nham, một chủng loài chiến binh lợn và vùng cát sẵn sàng hút sạch linh hồn của những người “sa ngã”. 

Qua những yếu tố trên chúng ta có thể thấy rằng The Nether không có chút gì gọi là lòng hiếu khách khi có người tới chơi cả. Ngoài ra, còn có những tòa lâu đài bí ẩn cao chót vót xuất hiện rải rác xung quanh nữa. Chẳng có ai lại muốn từ bỏ mảnh đất bình yên rồi di cư xuống khu vực này xây nhà để sinh sống cả, đơn giản là vì nó đáng sợ và quá nguy hiểm, nói chung là một môi trường không thân thiện. Trừ khi bạn đang tuyệt vọng vì một điều gì đó hay muốn làm video thử thách 24 giờ dưới địa ngục thì The Nether lại là một nơi không thể nào hợp lý hơn để ghé thăm trong tựa game Minecraft.

The Binding Of Isaac – Tầng hầm (The Basement)

The Binding Of Isaac đã tạo nên một cơn chấn động trong làng game khi ra mắt vào năm 2011, và cho đến bây giờ nó vẫn không hề mất đi giá trị các bạn ạ. Lý do là vì hệ thống “synergy” của nó được thiết kế rất tỉ mỉ, cho nên mỗi lần chơi là mỗi lần khác nhau, không lần nào giống lần nào cả. Ngoài ra, game này còn vẽ ra một thế giới “địa ngục” rất là kì để cho nhân vật chính Isaac khám phá.

Ban đầu, chúng ta cứ tưởng là Isaac chỉ trốn dưới tầng hầm để tránh xa người mẹ của mình. Tuy nhiên, tầng hầm này lại nối dài liên tiếp nhau, sau đó bạn sẽ gặp được một hệ thống hang động, rồi đến tử cung của người mẹ, đi tiếp lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, tùy theo sự lựa chọn của Isaac. Đến cuối cùng thì Isaac nằm trong thùng đồ chơi, và lúc này thì cốt truyện mới dần trở nên rõ ràng hơn. Isaac đã trốn khỏi người mẹ của mình trong một chiếc thùng đồ chơi nhưng lại bị khóa ngược từ bên ngoài. Trong lúc bị ngạt thở thì Isaac đã tự tưởng tượng ra mọi thứ trong đầu của mình trước khi lìa đời.

Pokémon – Thế giới bị bóp méo (The Distortion World)

Mặc dù Pokémon vẫn chưa thật sự cho chúng ta thấy “địa ngục” trong dòng game này là như thế nào, “Thế giới bị bóp méo” của Giratina nhìn cũng khá là giống với nơi mà chúng ta đang tìm. Lúc bạn đi qua nơi này thì không có bóng dáng của một con Pokémon nào cả, nhưng khả năgn cao đây sẽ là nơi mà những con Pokémon sẽ đến khi nó ngủm. Lý do là vì con Pokémon Giratina huyền thoại thường được gắn liền với sự mất mát, đói khổ, tàn phá, và bất hạnh.

Vẫn chưa rõ đây có thật sự là “địa ngục” hay không. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những nơi độc đáo nhất mà game thủ từng được ghé qua trong series Pokémon. Trong thế giới này, trọng lực và vật lý đều thay đổi ngẫu nhiên, tạo sự mới mẻ và thú vị cho người chơi.

Carly And The Reaperman – Thế giới ngầm (The Underworld)

Carly And The Reaperman là một trong những viên ngọc ít được game thủ biết đến, một phần vì đây là tựa game dành cho kính thực tế ảo VR. Bạn sẽ được tham gia vào hành trình của nhân vật chính Carly vừa mới qua đời. Điều khiến Carly And The Reaperman trở nên thu hút và nổi bật hơn hẳn là mối quan hệ của Carly với cái chết.

Như những game khác, Carly cố gắng trốn thoát khỏi “địa ngục” Underworld, nhưng Carly And The Reaperman đã thay đổi công thức rập khuôn bằng cách cho phép thêm người chơi thứ 2 điều khiển tử thần “Reaperman” và thay đổi môi trường xung quanh để tương tác với Carly. “Địa ngục” trong tựa game indie này hoàn toàn khác biệt so với những tựa game còn lại, cho nên muốn so sánh nó cũng khá là khó.

Spiritfarer – Dòng sông Styx (The River Styx)

Spiritfarer ẩn chứa rất nhiều điều mới mẻ cho game thủ khám phá. Chủ đề về cái chết và đi đến “địa ngục” đã được các game khác khai thác gần như là triệt để luôn rồi, thế nên Spiritfarer đã quyết định là sẽ biến tấu chủ đề này và lái nó theo một hướng khác, không còn tập trung vào việc chạy trốn khỏi cái chết nữa.

Nhân vật chính Stella sẽ chấp nhận số phận của mình, trở thành người lái đò trên dòng sông Styx. Toàn bộ game đều diễn ra trên dòng sông này và tập trung vào kiếp sau của Stella, cũng như là cách mà cô ta giúp đỡ những linh hồn khác được siêu thoát. Spiritfarer đặc biệt cả về bối cảnh lẫn chủ đề mà nó khai thác, vì thế nên nếu có dịp thì bạn nên chơi thử tựa game này nhé.

Super Paper Mario – Underwhere

Không phải địa ngục nào cũng ghê rợn và chết chóc, Underwhere trong tựa game Super Paper Mario là một ngoại lệ điển hình. Nhìn chung thì nó khá là yên bình so với định nghĩa “địa ngục” trong tâm trí nhiều người, mặc dù nơi đây không chào đón người phàm cho lắm.

Có vẻ như phần lớn cư dân của Underwhere sống rất vui vẻ, chỉ là họ đều đã chết nên hóa thành hồn ma thôi. Trong vũ trụ Mario, đây chỉ đơn giản là một nơi để về, sau khi kết thúc cuộc sống ở trần gian chứ không phải là chỗ để trừng phạt những linh hồn tội lỗi.

Doom – The Dark Realm

Bất kỳ fan ruột dòng game Doom nào cũng đều biết trước The Dark Realm sẽ được nhắc đến trong danh sách game có địa ngục này. Cốt truyện của Doom xoay quanh việc mấy con quỷ đi phá phách trên thế giới loài người. Thế nên việc Doom Guy (nhân vật chính) thường xuyên ghé thăm nhà của chúng cũng là chuyện dễ hiểu.

The Dark Realm là kiểu địa ngục điển hình luôn, nó nóng, nhuốm màu đỏ cam, đầy xác chết và những ngọn tháp cao chót vót. Mà cái địa ngục này cũng rất thú vị và rất có chiều sâu, nó cứ như một thế giới hoàn chỉnh vậy. Bạn sẽ có thể đi lòng vòng để khám phá và tương tác với những cư dân ở đây. Vì thế nên tuy giống kiểu địa ngục điển hình, nó lại có nhiều cái để khám phá hơn thế.

Agony – Địa ngục (Hell)

Tựa game Agony tuy vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng riêng cái địa ngục của nó thì phải gọi là cực kỳ ấn tượng. Chưa bao giờ trong văn hóa đại chúng lại có một tác phẩm mang đến cái nhìn sâu sắc về địa ngục đến thế. Mà cũng phải thôi, vì không như những tựa game khác, Agony lấy hẳn chủ đề địa ngục luôn.

Nó là một thế giới méo mó, điêu tàn, đẫm máu, tội lỗi và… bệnh hoạn. Cái cách mà đội ngũ làm game xây dựng địa ngục sẽ dẫn đưa bạn hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Càng hiểu nhiều về thế giới này, bạn sẽ càng sợ hãi nó hơn. Đã vậy đồ họa lại chân thực nữa chứ. Nếu bạn hứng thú với việc khám phá địa ngục thì chắc hẳn đây là tựa game mà bạn không nên bỏ qua.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: The Gamer


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN360