Ngày nay, việc tạo ra sự hứng khởi, mong đợi cho game thủ là một trong những chiến lược quảng bá của các hãng game. Nếu làm đúng được những gì đã hứa hẹn thì hiệu ứng sẽ rất tích cực, giúp tăng doanh số của game. Nhưng nếu sản phẩm cuối cùng không giống với những gì được hứa hẹn trước đó thì sẽ thành một thảm họa các bạn ạ. Để dễ hình dung hơn thì mời các bạn cùng GVN 360 bọn mình điểm qua top 10 tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất hứa thì nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu nhé.
Wolfenstein: Youngblood
Sự thật về việc Wolfenstein: Youngblood không phải là Wolfenstein 3 đã phần nào giúp cho fan hâm mộ không bị mất đi kỳ vọng lớn lao mà họ muốn phần 3 của series này có được, cũng như là giảm bớt được sự thất vọng của họ đối với phần Youngblood này. Tuy nhiên, đây chỉ là giảm bớt thôi chứ không hề xua tan đi được sự thất vọng của những người fan kỳ cựu.
Điểm thất vọng đầu tiên mà fan hâm mộ chỉ ra phần lớn nằm ở cốt truyện hơi nhạt, nó còn loại bỏ hầu như là hoàn toàn nhân vật BJ vốn được game thủ yêu thích ra khỏi game. Tiếp đó là cơ chế ép buộc loot đồ, cơ chế RPG, và cách tiếp cận thể loại thế giới bán mở của Youngblood gây ảnh hưởng tới nhịp độ game, cũng như là kéo trải nghiệm tổng thể của game xuống. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa Youngblood là một tựa game tệ.
Youngblood không hề tệ, nếu như bạn không phải là một fan cuồng của series này thì sẽ thấy game vẫn rất bình thường, chơi khá cuốn. Nhưng đối với những người fan hâm mộ đang mong muốn phần tiếp theo (Wolfenstein 3) ra mắt, thì Youngblood lại ra mắt trước, đã thế lại còn không đạt được những kỳ vọng mà họ mong muốn nữa nên Youngblood bị coi là một nỗi thất vọng trong lòng fan hâm mộ. Về phía Wolfenstein 3 thì vẫn chưa có ngày ra mắt cụ thể.
Killzone
Vào cái thời mà dòng game Halo xâm chiếm toàn ngành công nghiệp game và cách mạng hóa lại thể loại game FPS, hầu hết các nhà phát triển và nhà phát hành đều cố gắng chạy theo xu hướng để tạo ra một “tựa game Halo” thành công cho riêng mình. Với danh nghĩa là đối thủ cạnh tranh chính của Xbox, Sony đã yêu cầu nhà phát triển game Guerrilla Games tạo ra một tựa game có khả năng lật đổ được Halo với tên gọi là Killzone. Tuy nhiên, kết quả cho hành động chạy theo xu hướng này của Sony lại không vẻ vang gì cho lắm.
Từ phong cách nhạt nhẽo, cốt truyện nhàm chán, dính nhiều vấn đề kỹ thuật, cho tới các cảnh bắn nhau không nhất quán do bị chi phối bởi AI đã tạo nên một mớ hỗn độn đáng thất vọng có tên là Killzone. Về sau thì Guerrilla đã thành công trong việc tung ra Killzone 2 đủ làm thỏa mãn game thủ, tuy nhiên nhìn tổng thể thì Guerrilla lại không có một pha khởi màn mượt mà với thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất.
Homefront: The Revolution
Phần đầu tiên của Homefront được đánh giá là nỗi thất vọng cho một tựa game đầy tiềm năng, đáng buồn thay, phần tiếp theo của nó cũng không thoát ra được vòng luẩn quẩn này. Giống như phần đầu tiên, Homefront: The Revolution cũng có những điểm mạnh đặc trưng của nó, tuy nhiên những điểm mạnh này lại bị che lấp đi bởi những vấn đề mà tựa game này gặp phải.
Từ các vấn đề liên quan tới lỗi kỹ thuật cho đến cốt truyện nhạt nhẽo, từ thiết kế game lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người chơi mau chán cho tới các cơ chế game đáng lẽ ra phải là điểm nhấn mạnh của series thì lại bị thực hiện kém chất lượng. Homefront: The Revolution là điểm dừng chân của một series chỉ chứa toàn nỗi thất vọng của game thủ. Game không chỉ thất bại theo những cách cơ bản nhất, mà còn đánh dấu sự thất bại trong việc phung phí những tiềm năng vốn có của nó không chỉ 1 mà tới 2 lần.
Aliens: Colonial Marines
Aliens: Colonial Marines là một trong những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất được mong đợi nhiều nhất kể từ khi nó được công bố và quảng bá. Tựa game không chỉ thuộc một series đình đám mà còn gây ấn tượng mạnh với game thủ ngay từ trailer đầu tiên. Cái người ta mong đợi là một tựa game không chỉ có gameplay thú vị mà còn có đồ họa đỉnh cao nữa. Tuy nhiên thực tế khi game ra mắt thì không được như vậy, nó là một lời nói dối trắng trợn của SEGA và là một mớ hỗn độn làm gấp cho xong để kịp bán
Game dính nhiều lỗi vặt đến mức gần như chẳng thể nào chơi một cách bình thường được. Game cũng bị chê về phần texture chất lượng thấp, model nhân vật hoàn thiện cẩu thả và chuyển động của nhân vật thì cực kỳ gượng gạo. Ngoài ra thì AI còn ngu ngốc đến mức khó chấp nhận khiến cho những trận chiến trở nên vô cùng tẻ nhạt. Mà cho dù không dính mấy thứ trên thì gameplay của game tựa game cũng chẳng ăn nhập gì với series Alien. Thậm chí SEGA còn bị game thủ kiện vì quảng cáo sai sự thật nữa cơ.
Cyberpunk 2077
Cyberpunk 2077 thì chắc mấy bạn cũng đã quá quen mặt trong thời gian gần đây rồi. Tựa game bắn súng, nhập vai góc nhìn thứ nhất này được phát triển trong tận 7 năm trời và là sản phẩm của CD Projekt Red – Cha đẻ của huyền thoại The Witcher 3: Wild Hunt. Nó đã làm cả cộng đồng game thủ trên toàn thế giới phải phát cuồng từ những trailer đầu tiên, tiết lộ bối cảnh độc đáo và một nền đồ họa ấn tượng.
Tuy nhiên khi ra mắt thì nó lại gây thất vọng toàn tập, game lỗi banh xác, cơ chế vật lý làm cẩu thả và AI thì ngớ ngẩn. Phần tối ưu hóa phần cứng thì tệ hại đến nỗi PS4 giật lag tung màn hình và PlayStation phải muối mặt xin lỗi người dùng. Trên PC cũng chẳng khá hơn khi game không quá đẹp mà sát phần cứng một cách khủng khiếp. Nếu bỏ qua tất cả mấy vấn đề trên thì đây cũng chỉ là một game khá hay thôi chứ cũng chẳng xuất sắc gì mấy. Điều khiến nó bán cực kỳ chạy và lấy lại vốn phát triển chỉ sau vài ngày chẳng qua là do sự trông đợi quá lớn từ game thủ mà thôi.
Fallout 76
Fallout là một trong những dòng game nhập vai thế giới mở đình đám nhất của Bethesda. Tuy nhiên, riêng phần Fallout 76 thì lại bị game thủ “ném đá” không thương tiếc. Lý do là vì màn chào sân của game vô cùng thất bại: người chơi cứ phải đối mặt với tình trạng glitch, crash máy chủ liên tục, và nhất là bản vá lỗi ngay hôm sau có dung lượng còn lớn hơn cả game gốc. Do đó, đã có không ít game thủ muốn hoàn tiền sau khi chứng kiến những cảnh tượng này. Tuy nhiên, Bethesda đã ngừng hoàn tiền trên Steam trong một khoảng thời gian vì có quá nhiều fan không hài lòng về Fallout 76.
Chưa hết, trong khi các phần Fallout trước đã làm nên thành công với một cốt truyện có chiều sâu, cho game thủ những cuộc phiêu lưu đáng nhớ trong bối cảnh hậu tận thế thì Fallout 76 là một con game bắn súng góc nhìn thứ nhất, không có NPC, nhiệm vụ tẻ nhạt và chỉ chơi online thôi. Đó là còn chưa kể đến vụ game lỗi lung tung beng cả lên nữa. Hiện nay thì game đã có phần đỡ hơn sau nhiều bản cập nhật của Bethesda, tuy nhiên nếu quay về lúc nó mới ra mắt thì đúng là thảm họa trong thảm họa.
Halo 5: Guardians
Sau bản Halo 4 thì fan hi vọng rằng 343 Industries sẽ biết rút kinh nghiệm, học hỏi từ sai lầm và làm tốt hơn với bản Halo 5: Guardians. Tuy nhiên, phần 5 này lại càng khiến game thủ mất niềm tin vào 343 Industries các bạn ạ. Mặc dù được quảng bá rầm rộ với câu chuyện xoay quanh Master Chief trứ danh đối đầu với Spartan Locke, phần lớn cốt truyện của tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất này lại… đẩy Master Chief qua một bên. Thậm chí, đến khi Master Chief chạm mặt với Locke, cứ tưởng cả 2 sẽ có màn giao tranh nảy lửa nhưng thực chất, khi chạm mặt nhau mới phút trước là phút sau 2 người bắt tay giảng hòa luôn rồi.
Ngoài ra, nhiều fan còn tỏ vẻ khó chịu với hình ảnh của nhân vật Cortana và cơ chế ngắm bắn bằng đầu ruồi (iron sight), vì nó chả đồng bộ gì với các phần trước. Đến phần chơi mạng – vốn là điểm mạnh của dòng game Halo – thì nó lại dính đến vấn đề mua bán vật phẩm trong game (microtransaction). Và chí mạng hơn là 343 Industries đã bỏ luôn chế độ chia đôi màn hình (split-screen) khi chơi co-op – tính năng được rất nhiều fan Halo yêu thích. Đồng ý rằng gameplay bắn súng vẫn rất ổn, nhưng tổng thể thì Halo 5 không để lại quá nhiều ấn tượng như những phiên bản trước.
Duke Nukem Forever
Khi một tựa game mất 15 năm để phát triển thì nhiều người kì vọng là nó sẽ trở thành tuyệt phẩm, nhưng với trường hợp của tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất Duke Nukem Forever thì ngược lại các bạn ạ. Fan đã vui mừng khi thấy tựa game này được hoàn thành, buồn là nó vô cùng dở tệ. Lẽ ra gameplay của Duke Nukem Forever phải giống với Doom (2016) – một tựa game FPS được làm rất ngon lành, biết cách biến những giá trị cốt lõi cũ thành những giá trị mới cho phù hợp với thời đại – nhưng Duke Nukem Forever đã không giữ được lời hứa của mình, và ngay cả fan cứng của series này cũng thừa nhận game chẳng hề đáng chơi một chút nào.
Cơ chế gameplay thì cũ kỹ, thiết kế nhàm chán, và tệ nhất là những câu đùa quái gở khiến người chơi cũng phải thấy ngượng giùm. Ngoài ra, game có cốt truyện cực tệ, câu thoại cực chán, tục tĩu, đùa cợt nhảm nhí nói chung là rất thiếu chuyên nghiệp. Duke trông rất ngầu, tiêu diệt hàng loạt lũ quái vật để giải cứu thế giới, thế mà sau mỗi lúc ngầu lòi như thế lại thốt ra những câu nói thật sự lố bịch thì thật sự không thể hiểu nổi.
Daikatana
John Romero là một trong những nhà làm game có sức ảnh hưởng nhất trong thể loại FPS trong những năm 90. Ông là người đứng sau sự thành công của Doom, Doom II, Wolfenstein và Quake. Thế nên khi Daikatana của ông được công bố, tựa game này ngay lập tức có ngay một lượng fan khá là hùng hậu. Game này sử dụng engine chung với Quake đình đám, và Romero cũng được toàn quyền sáng tạo với Daikatana thế nên fan hầu hết đều nghĩ đây sẽ là một kiệt tác game bắn súng góc nhìn thứ nhất.
Tuy nhiên, những gì mà người chơi nhận được lại không như kỳ vọng. Mặc dù bắt người chơi chờ đợi 30 tháng do thay đổi engine, Daikatana vẫn bắt chờ thêm 11 tháng nữa do nhà phát triển không thèm động tay đến game. Cuối cùng thì sau ngần ấy thời gian, tựa game này vẫn là một nỗi thất vọng. Chuyển động nhân vật thì cứng đờ, cơ chế va chạm thì ngáo ngơ dở người, nhạc nền thì lặp đi lặp lại và video cắt cảnh thì dài và tẻ nhạt (riêng cái đoạn mở đầu đã dài 11 phút rồi). Ngay cả ngữ pháp và chính tả trong game cũng tầm bậy tầm bạ luôn. Đó là chưa kể đồ họa trong game cũng xấu đau xấu đớn và nhìn rất lỗi thời. Ban đầu dự kiến Daikatana sẽ bán được hơn 2 triệu bản nhưng thực tế thì chưa được 5% con số kia nữa. Nói chung là thất bại trên mọi phương diện các bạn ạ.
Call Of Duty: Ghosts
Ban đầu, Call Of Duty: Ghosts được giới chuyên môn kỳ vọng rằng sẽ đạt được kỷ lục doanh thu với những gì mà tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất này hứa hẹn, nhưng những gì mà nó mang lại chỉ là sự thất vọng mà thôi. Thất vọng ở đây không phải về mặt tài chính, vì doanh số game tuy không nhiều nhưng vẫn đủ để mang về lợi nhuận cho Activision.
Thất vọng ở đây là về gameplay, bởi vì trước đó game được quảng bá là sẽ trở nên “lén lút” hơn, giống như cái tên Ghost (bóng ma), nhưng thực chất thì tựa game vẫn bám theo motif cũ mèm “vừa chạy vừa bắn” (run and gun) chẳng khác gì những tựa game bắn súng FPS khác đang xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Đúng là cơ chế gameplay này vẫn ổn, vẫn chấp nhận được, nhưng những phiên bản CoD trước đó như Modern Warfare hay Black Ops đều mang đến cho fan luồng gió mới, giúp series Call of Duty giữ vững vị thế của mình. Lẽ ra phần Ghost phải được đầu tư hơn nữa để tạo tiếng vang, gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng chứ không phải là chìm nghỉm như bây giờ.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game bắn súng FPS ấn tượng nhất trên Steam 2021
- Top 10 tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất gắn liền với game thủ Việt thế hệ 8x, 9x
- Top 10 tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất có chế độ chơi đơn hay nhất mọi thời đại
- Top 10 tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất có cốt truyện cảm động
- Top 10 tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba với thế giới mở bao la để bạn khám phá
Nguồn: Gaming Bolt
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!