Trước khi vào chơi một game nào đó thì thường bạn phải chọn mức độ khó, và tùy theo sở thích hoặc kỹ năng mà game thủ sẽ chọn 1 chế độ phù hợp với bản thân. Trong đó, mức dễ nhất sẽ phù hợp cho những ai chưa có nhiều kinh nghiệm chơi thể loại game đó, hoặc muốn chơi theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa là chính.

Tuy nhiên, một số nhà phát triển lại không nghĩ như thế và họ tìm mọi cách để trách móc, chế giễu, chọc quê game thủ vì đã chọn “việc nhẹ nhàng”. Trong một số tình huống thì việc chọn chế độ dễ còn khóa một số nội dung, buộc bạn phải chơi lại ở mức khó hơn để có thể trải nghiệm được hết nội dung. Sau đây là top 15 tựa game khiến bạn cảm thấy “gà” cũng là một cái tội.

Ninja Gaiden Black

Một trong những lý do khiến dòng game Ninja Gaiden nổi tiếng là vì nó rất khó, thậm chí là những phần đầu tiên còn không có chế độ dễ cho game thủ chọn là đằng khác. Tuy nhiên, trong Ninja Gaiden Black thì chế độ dễ đã được thêm vào nhằm thu hút thêm fan ở phương Tây vì những game thủ bên này được cho là không “giỏi” bằng game thủ Nhật.

Chế độ này có tên là Ninja Dog và ai mà chọn nó thì sẽ thấy game dễ hơn gấp bội phần, và đồng thời cũng thấy luôn nhân vật chính bị bắt phải đeo thêm một cái ruy-băng màu tím mộng mơ cực dễ thương từ đầu đến tận cuối game. Đồng thời, Ayane – nhân vật phụ trong game – cũng sẽ buông lời chế giễu người chơi xuyên suốt hành trình, thậm chí cho dù bạn có giành chiến thắng thì cũng bị chê là kẻ yếu đuối.

Wolfenstein: The New Order

Trên màn hình chọn độ khó của The New Order, bạn sẽ thấy có rất nhiều mục khác nhau. Trong đó, 2 chế độ dễ nhất có tên là “Please don’t hurt me” (tạm dịch: Làm ơn đừng làm tôi đau) và “Can I play, Daddy?” (tạm dịch: Con có thể chơi được không bố?). Trong đó, “Can I play, Daddy?” là chế độ dễ nhất và bạn sẽ thấy bên phải có một tấm hình nhân vật chính B.J. Blazkowicz đang mút núm vú giả và đeo một cái mũ cho em bé. Nhìn rất đáng yêu và đồng thời hàm ý nói người chơi nhát như một đứa con nít.

Hồi năm 1992 thì Wolfenstein 3D cũng đã làm trò tương tự như thế này một lần rồi, chứng tỏ rằng Wolfenstein đã chọc quê người chơi được hơn 20 năm rồi đấy.

Postal 2

Nếu bạn chọn chế độ dễ nhất trong Postal 2 thì tất cả kẻ địch sẽ được cầm… xẻng thay vì là cầm súng. Ban đầu thì thấy nó cũng không có vẻ gì là ghê gớm cả, cho đến khi bạn phát hiện ra rằng chẳng còn viên đạn nào để nhặt vì không có ai… cầm súng cả. Tệ hơn nữa là Postal 2 còn răn đe những ai chơi game này với cấp độ khó dưới mức “Average” bằng cách không cho họ truy cập chế độ “Enhanced” – một trong những yếu tố thú vị nhất trong Postal 2.

Ngoài ra thì cảnh sát cũng sẽ rượt đuổi bạn “dai” hơn, muốn cắt đuôi không phải là chuyện dễ. Cho nên cũng không loại trừ khả năng là bạn bị cảnh sát dí từ đầu buổi đến cuối buổi, xuyên suốt cả game.

Star Wars: Shadows Of The Empire

Thử tưởng tượng rằng bạn đã đi đến màn cuối trong Star Wars: Shadows Of The Empire, ngay lúc câu chuyện được đẩy lên cao trào thì bỗng dưng… hết phim. Và đó cũng chính là cảm giác mà bạn sẽ có được khi chơi game này ở chế độ dễ.

Khúc cuối game, bạn sẽ không biết được rằng nhân vật chính có còn sống sau khi trạm không gian Space Station của Big Bad bị phá hủy hay không. Lúc này thì game sẽ chuyển cảnh thẳng sang màn hình credit luôn, còn nếu bạn chơi ở chế độ Medium hoặc khó hơn thì sẽ có một cái kết thúc khác. Đó là bạn sẽ biết được kết cục của câu chuyện là nhân vật chính có sống sót qua con trăng hay không. Chứ còn mà chơi chế độ dễ là mù tịt về số phận của nhân vật chính luôn.

Metal Gear Solid V: The Phantom Pain

Nếu bạn chết quá nhiều lần trong Metal Gear Solid V: The Phantom Pain thì game sẽ hiện ra thông báo, hỏi rằng bạn có muốn hạ độ khó xuống để chơi game dễ hơn hay không. Nếu đồng ý thì game sẽ kéo dài khoảng thời gian trước khi bạn bị kẻ địch phát hiện và báo động cho đồng bọn biết, nhưng bù lại thì nhân vật chính “Big Boss” sẽ phải đội chiếc nón hình con gà trứ danh cho đến cuối màn (thậm chí những đoạn cutscene cũng đội luôn), và điểm số cuối cùng của bạn cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Có thể bạn cho rằng việc đội nón con gà cũng không vấn đề gì mấy, vì đổi lại thì bạn sẽ qua được một đoạn khó mà nãy giờ chơi mãi chẳng xong. Nhưng nhiều lúc bạn sẽ thấy vô cùng bất ngờ và khó chịu vì nó sẽ trở thành kẻ phá bĩnh trong những đoạn cutscene đầy hào hùng và bi tráng, đậm chất điện ảnh. Kiểu như đoạn cutscene đang cao trào thì bỗng dưng có một thằng đội nón con gà xuất hiện, làm tụt hết cả mood chơi game. Tệ hơn nữa là có những khoảnh khắc vô cùng xúc động, nhưng có cái nón con gà vô là thấy cười ra nước mắt chứ chẳng thấy xúc động chỗ nào cả.

Crash Bandicoot 2: Wrath Of Cortex

Nếu bạn chết hơn năm lần trong Crash Bandicoot 2: Wrath of Cortex, con game này sẽ cho bạn Mặt nạ Aku Aku (tương đương với nấm đỏ trong Super Mario Bros) cho đến khi bạn tự lết cái thân già đến được checkpoint gần nhất. Nghe thì có vẻ cũng không có gì là chế nhạo phỉ báng, nhưng mà nếu bạn lại chết tiếp thì con game này sẽ biến cái hộp gần nhất thành checkpoint luôn, như thể nó đã hết kiên nhẫn với bạn vậy.

Mặc dù đây không phải là một chế độ hay một thiết lập mà bạn tự chọn cho mình, nhưng game sẽ làm bạn cảm thấy mình vô dụng khi chết liên tục bằng cách tạo mọi điều kiện để bạn hoàn thành màn chơi. Và nếu bạn vẫn chết thì đó là lỗi của không ai khác ngoài bạn.

Street Of Rage 3

Đôi khi cùng một tựa game nhưng phiên bản phát hành tại Nhật lại rất khác so với phiên bản phát hành tại Mỹ. Có những lúc nhà phát triển cố tình làm cho bản Mỹ dễ hơn bằng cách đổi tên chế độ, ví dụ như “Trung Bình” thành “Khó”, “Khó” thành “Siêu Khó”, để người chơi đỡ phải tủi thân khi chơi mấy con game như Ninja Gaiden và Devil May Cry.

Streets Of Rage 3

Tuy nhiên, đôi khi nhà phát triển cũng kỳ vọng người chơi phương Tây có thể hoàn thành thử thách của game một cách đàng hoàng, tử tế hơn. Ví dụ như trong Streets of Rage 3, nếu chọn chế độ dễ, bạn sẽ không thể chơi được 2 màn cuối cùng. Bạn chỉ có thể biết được kết cục của tựa game bằng cách… ngồi xem video mà thôi. Tệ hơn nữa, sau màn thứ 5 của tựa game, Robot X sẽ liên tục cà khịa người chơi mỗi khi phạm sai lầm rằng “You play this game like a beginner!” (tạm dịch: Bạn chơi dở như một con gà).

Civilization

Vào cuối màn chơi chiến dịch trong Civilization, sau nhiều tiếng đồng hồ chiến đấu, thao túng chính trị và lập chiến lược, bạn sẽ được trao một thứ hạng dựa trên thành tích của bạn trong game.

Tuy nhiên, nếu bạn chơi ở chế độ dễ, bất kể bạn chơi hay ra sao đi nữa thì game sẽ đều trao cho bạn thứ hạng Warren G. Harding. Ông này được biết đến là vị Tổng thống tồi tệ, tai tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Điều an ủi duy nhất là đa số người chơi sẽ không hiểu độ thâm của bậc xếp hạng này ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu chịu khó nghiên cứu một chút thì bạn sẽ thấy được rằng nhà phát triển đã khéo léo cười vào mặt bạn.

The Dishwasher: Vampire Smile

Giống như nhiều tựa game khác trong danh sách này, The Dishwasher: Vampire Smile sẽ cho phép bạn thay đổi thiết lập độ khó sau một số lần chết nhất định.

Tuy nhiên, nếu bạn chọn chế độ dễ nhất “Pretty Princess Difficulty” (tạm dịch: độ khó của công chúa xinh đẹp) thì con game này sẽ chọc quê bạn đấy. Lúc này sát thương từ kẻ địch trong game sẽ gần như bị vô hiệu hóa, chúng không thể gây mất máu trực tiếp cho bạn nữa. Và thay vì máu, thứ chảy ra trong suốt tựa game sẽ là mấy trái tim hoạt hình to bự. Cả chuyến hành trình trong game sẽ dễ như đi dạo công viên vậy.

Dishwasher: Vampire Smile

Đối với một con game tự hào về độ máu me bạo lực như The Dishwasher: Vampire Smile thì đây là sự sỉ nhục cực kỳ rõ ràng. Khi bạn chọn ít thử thách hơn thì thử thách sẽ chối bỏ bạn luôn, khiến bạn cảm thấy mình như kiểu một kẻ hèn nhát bị bỏ rơi vậy.

Spider-Man (PS1)

Được phát hành trên hệ máy PS1 vào 2001, Spider-Man là một tựa game nhận được nhiều đánh giá tích cực, cả về lối chơi lẫn cốt truyện của nó.

Như các bạn cũng đã biết, có một số mức độ khó làm cho toàn bộ tựa game trở nên vô nghĩa. “Kid Mode” của Spider-Man là một chế độ như vậy đấy. Nó làm cho game hầu như là tự chơi, thậm chí một số phần của game còn bị cắt hẳn luôn. Nó sẽ bỏ qua một số câu đố và con trùm nhất định, thậm chí game đôi khi còn chiếm luôn quyền điều khiển của người chơi để hoàn thành một số màn dùm họ.

Kinh điển nhất phải kể đến một nhiệm vụ trong phần đầu của game, lúc này Spider-Man được giao nhiệm vụ gỡ bom một cách an toàn sau khi xảy ra một vụ cướp ngân hàng. Nếu bạn chơi “Kid Mode”, anh ta sẽ nói “I should find a safe place to put this” (tôi nên tìm một chỗ an toàn để đặt thứ này), cứ như là bạn không thể tự tìm thấy nó vậy.

Spider-Man (PS1)

Nếu bạn là một đứa trẻ mới bắt đầu tập tành chơi game và không có khả năng chơi đúng cách thì Kid Mode có lẽ là một chế độ tuyệt vời để bạn cảm thấy như mình đang thực sự làm được điều gì đó. Nếu không thì chẳng có lý do gì khiến chế độ này nên tồn tại. 

Dòng game Devil May Cry

Trong suốt series Devil May Cry, người chơi sẽ được quyền giảm độ khó sau mỗi lần chết. Ví dụ như trong Devil May Cry 3, các bạn có thể chuyển sang chế độ dễ để giảm độ khó xuống, chẳng hạn như giảm một số lượng kẻ địch nhất định, hoặc là tần suất mà chúng xuất hiện.

Trong phần Devil May Cry đầu tiên, chế độ dễ còn làm được nhiều thứ hơn nữa. Một khi bạn đã bật chế độ “Automatic” lên thì nó không chỉ giảm độ khó của game xuống mà còn giảm luôn cả mức độ phức tạp của các combo khó thực hiện nhất. Điều này có nghĩa là bạn có thể thực hiện những combo phức tạp chỉ bằng vài phím bấm đơn giản.

Đối với một dòng game mà combo đóng một vài trò quan trọng như Devil May Cry thì việc đơn giản hóa cách triển khai các combo này nói thật là không còn gì vui nữa. Ngoài ra thì game cũng sẽ khóa bạn lại trong chế độ này và bắt bạn phải phá đảo game thì mới cho bạn cơ hội để chỉnh lại độ khó, hoặc đơn giản là… chơi lại từ đầu.

Dòng game Doom

Series Doom được biết đến như một dòng game thường hay sử dụng những cái tên dí dỏm để đặt cho các mức độ khó trong game. Và một trong những cái tên phổ biến nhất đó là “Hurt me plenty” và “ Thou Art a Smitemeister”. Tuy nhiên, cái tên ít được biết tới nhất lại chính là chế độ hay nhất của series Doom, và đó chính là chế độ dễ.

Một số cái tên nổi bật của chế độ dễ có thể kể đến như “Hey, Not so Rough!”, “I’m too young to die” cho tới “Thou Needeth a Wet-Nurse”, “Yellowbelies-R-Us” và đỉnh nhất là “Be Gentle”. Tất cả những cái tên dí dỏm trên không chỉ phân loại các mức độ dễ với nhau mà còn khiến cho game thủ khi chọn chế độ này có phần… ngứa người. 

Cách đặt tên hài hước này cũng được các dòng game khác học hỏi theo, ví dụ như Wolfenstein cho tới Ratchet & Clank cũng mượn ý tưởng và cho ra những cái tên như “Can I play Daddy?” và “Coach-potatoe”.

King’s Quest VI: Heir Today, Gone Tomorrow

Kể từ những phần game đầu của series thì những cuộc phiêu lưu vẫn luôn là một trong những điểm hấp dẫn chính của game King’s Quest. Từ những phần game gốc cho tới những phần được remake vào năm 2020, series này đã giới thiệu thêm nhiều loại môi trường, kẻ thủ và quái vật khác nhau. Đồng thời nhấn mạnh vào yếu tố tương tác của người chơi với những người xung quanh.

Tuy nhiên, trong phần King’s Quest VI, người chơi lại có 2 lựa chọn khác biệt so với những phần game trước đó: bạn có thể chọn hoàn thành game nhanh chóng hoặc là đi phiêu lưu lâu dài. Theo như nhà phát triển thì lựa chọn đúng nhất chính là chọn đi đường dài, bởi vì khi bạn chọn đi nhanh thì game sẽ bỏ qua kha khá các nhiệm vụ phụ lẫn một phần lớn các nhiệm vụ chính. 

Nếu như bạn chọn đi nhanh thì Cassima sẽ than thở về những cơ hội được trải nghiệm những thứ mới lạ mà nhân vật chính đã bỏ lỡ. Điều này sẽ khiến cho người chơi cảm thấy rằng dù bạn đã hoàn thành game nhưng bạn lại bỏ sót rất nhiều yếu tố hay và quan trọng trong King’s Quest VI, hay nói cách khác là Cassima muốn bạn hãy chơi lại từ đầu và tận hưởng hết những cái hay của game.

Monkey Island 2: Le Chuck’s Revenge

Là một tựa game thuộc thể loại “point-and-click”, Monkey Island và yếu tố giải đố có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, do có nhiều người chơi phàn nàn rằng họ phải “vật lộn” mệt mỏi với một số câu đố khó, khiến họ có một trải nghiệm không được tốt cho lắm, nên từ đó sinh ra thêm một chế độ mới có tên là “Lite”. 

Chế độ “Lite” được giới thiệu là dành cho những người mới bắt đầu, hay nói cách khác là chế độ “Lite” sẽ giúp các bạn giải được nhiều câu đố của trò chơi hơn. Tuy nhiên, chế độ “Lite” sẽ giễu cợt người chơi bởi vì bạn sẽ không được game gợi ý hay đề xuất hướng giải quyết, mà sẽ giải thẳng câu đố ra cho bạn luôn. Và đương nhiên, điều này đã khiến cho tựa game trở nên không còn hấp dẫn và ly kỳ như bạn đầu nữa.

Twisted Metal 2

Twisted Metal 2 được cải thiện gần như hoàn toàn so với phần game đầu tiên, đặc biệt là lối chơi được làm khó đoán hơn rất nhiều. Chính vì thế nên game cũng cung cấp cho người chơi một chế độ dễ dành cho những ai chưa quen cường độ nhanh và mức độ căng thẳng của game. 

Tuy nhiên, có một điều mà game không cho bạn biết đó là một khi đã chọn chế độ dễ thì game sẽ kết thúc ngay khi bạn vừa đánh bại được con trùm đầu tiên. Điều này như muốn nói rằng nếu bạn đã muốn chơi dễ thì đây sẽ là điểm dừng thích hợp trước khi bước qua những con đường chông gai hơn.

Do game kết thúc ngay khi bạn đánh bại trùm đầu tiên nên tính ra bạn cũng không phải chơi lại quá nhiều, bởi vì bạn chỉ cần bắt đầu lại từ phần đầu của game mà thôi. Nói chung thì chế độ dễ giống như là một màn tập luyện cho bạn trước khi đi vào phần chính của game, nhưng bạn sẽ không được cảnh báo gì khi chọn chế độ này đâu nhé.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

·         Top 10 tựa game vui chơi cùng hội bạn nhân dịp Tết 2022

·         Top 10 tựa game nhập vai có đồ họa đẹp mãn nhãn trên PC

·         Top 10 tựa game cực hay đưa bạn vào những chuyến phiêu lưu kỳ thú

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360