Trong cộng đồng phát triển game đúng thật là không có quá nhiều bóng hồng. Dù vậy, chúng ta vẫn có những người phụ nữ rất tuyệt vời, tạo ra những tựa game xuất sắc gây tiếng vang lớn trong làng game, không thua gì đấng mày râu cả. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, GVN 360 sẽ giới thiệu đến các bạn top 10 tựa game cực hay được nhào nặn bởi bàn tay của những người phụ nữ tài hoa nhé.
Tomb Raider (2013) và Rise of the Tomb Raider (2016) – Rhianna Pratchett
Tomb Raider là tựa game sở hữu nhân vật nữ chính thuộc top những nhân vật ngầu nhất thế giới game. Vì vậy cũng không có gì quá bất ngờ khi tựa game này được nhào nặn từ bàn tay của một người phụ nữ. Rhianna Pratchett là nhà biên kịch chính của Tomb Raider và Rise of the Tomb Raider, với khả năng thượng thừa của mình được thể hiện thông qua 2 tựa game này, cô ấy đã nhận về rất nhiều giải thưởng lớn.
Cụ thể thì Rhianna Pratchett đã nhận được giải thưởng xuất sắc nhất trong lĩnh vực biên kịch game tại sự kiện trao giải hiệp hội nhà văn Hoa Kỳ lần thứ 68 vào năm 2016, và giải thưởng xuất sắc dành cho nhân vật Lara Croft tại lễ trao giải thường niên D.I.C.E trong cùng năm đó.
Child of Light (2014) – Mélissa Cazzaro và Aurélie Débant
Nhà thiết kế Mélissa Cazzaro và Aurélie Débant chính là 2 người đã tạo ra nền tảng game nhập vai phổ biến này. Game không chỉ nhận về nhiều lời hoan nghênh từ giới phê bình, mà đến cả người hâm mộ cũng phải tấm tắc khen và thể hiện sự yêu thích của họ đối với hình, nhạc và cốt truyện của Child of Light.
Tựa game sẽ xoay quanh câu chuyện của cô bé Aurora tỉnh dậy ở Lemuria. Nhiệm vụ của bạn là điều khiển Aurora vượt qua đám tay sai của Nữ Hoàng Bóng Đêm và đem về mặt trời, mặt trăng và các vì sao nhằm giúp bản thân quay về cuộc sống thực lại lẫn cứu lấy thế giới Lemuria.
Gameplay của Child of Light là khá đơn giản, các bạn được trải nghiệm góc nhìn đi ngang kiểu đi cảnh cổ điển, thêm vào đó là cơ chế nhập vai như lên cấp, tăng chỉ số,… cơ chế combat active-time cũng khá tương đồng với series game đình đám Final Fantasy, cùng với đó là khả năng thay đổi nhân vật (lên đến 2 nhân vật) thường thấy ở những tựa game đối kháng. Thế giới cổ tích của Child of Light được tô vẽ bằng những đường nét như tranh, như kiểu các bạn được trải nghiệm nhiều bức tranh nghệ thuật xuyên suốt chặng đường trải nghiệm Child of Light vậy, cực kỳ ấn tượng.
Cities Skylines (2015) – Karoliina Korppoo
Karoliina Korppoo từng là một trong những nhà thiết kế chính của Cities Skylines cùng với Henri Haimakainen và Miska Fredman. Cô cũng là người phụ nữ đầu tiên xuất bản một tựa game nhập vai. Hiện tại, Korppoo đang lãnh đạo một công ty của riêng mình có tên là 10th Muse. Đây chính là công ty đã xuất bản ứng dụng Sana Stories, dùng để tôn vinh sự bình đẳng và đa dạng thông qua một loạt các câu chuyện văn bản tương tác (interactive text-only stories).
Được lấy cảm hứng từ SimCity nổi tiếng, Cities Skylines là một tựa game vui nhộn, giao cho bạn nhiệm vụ xây dựng thành phố. Cities Skylines thành công rực rỡ từ lúc ra mắt, và đã bán được hơn 6 triệu bản trên toàn thế giới.
BioShock (2007) và BioShock 2 (2010) – Alyssa Finley
Alyssa Finley là người phụ nữ đã đóng góp rất nhiều cho game BioShock và Bioshock 2 dưới cương vị là trưởng nhóm dự án và là nhà sản xuất (executive producer). Theo trang mobygames.com, cô còn tham gia vào nhiều tựa game đình đám khác như The Walking Dead, Tales from the Borderlands, Minecraft: Story Mode.
Quay lại với BioShock thì đây hiển nhiên là một series được rất nhiều game thủ yêu thích. Khi bản BioShock đầu tiên được trình làng, trang IGN nổi tiếng đã chấm điểm game này đến 9,7/10. Có thể nói BioShock là một trong số những tựa game kết hợp hài hòa giữa yếu tố cốt truyện thu hút và cơ chế gameplay sáng tạo. Tất cả các chi tiết trong BioShock đều được tính toán và sắp đặt rất khéo léo, đưa người chơi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Journey (2012) – Robin Hunicke
Robin Hunicke ban đầu được Electronic Arts chiêu mộ về để phát triển các tựa game như MySims và Boom Blox. Sau này thì người phụ nữ ấy đã bén duyên với studio thatgamecompany và bắt tay vào dự án game Journey. Đây là một tựa game co-op chơi trực tuyến được phát triển lần đầu tiên cho hệ máy PS3, sau này thì được chuyển hệ lên các nền tảng PlayStation 4, PC, iOS.
Xuyên suốt Journey, những người chơi khác có thể tham gia với bạn và cùng nhau chinh phục hành trình trong game. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của trò này là game không hỗ trợ việc giao tiếp giữa các người chơi. Cả 2 sẽ đều không được biết danh tính của nhau cho đến khi credit chạy xong. Journey đã giành được nhiều giải thưởng danh giá và được giới phê bình đánh giá rất cao.
Niche – a genetics survival game (2016) – Philomena Schwab
Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều sinh vật dễ thương, đáng yêu trong Niche – a genetics survival game. Điều này cũng dễ hiểu, vì game được nhào nặn bởi đôi bàn tay của người phụ nữ tài hoa mang tên Philomena Schwab. Schwab còn sáng lập ra Playful Oasis – một nhóm gồm 25 nhà phát triển trên toàn thế giới với mục tiêu quảng bá những tựa game về thiên nhiên và sinh học.
Niche là một tựa game chiến thuật theo lượt về chủ đề tiến hóa và di truyền, giúp các sinh vật phát triển dựa trên những đoạn mã di truyền có thật. Mục tiêu của trò này là giúp các giống loài của bạn sinh tồn trước sự rình rập của loài động vật ăn thịt, thay đổi khí hậu, bệnh tật, vân vân. Nếu giống loài của bạn bị tuyệt chủng thì coi như là “game over”. Game có hơn 100 gen để bạn tạo ra giống loài cho riêng mình; 5 quần xã sinh vật khác nhau với thảm thực vật, động vật đa dạng; và thế giới xung quanh thì luôn sống động và thay đổi từng giây từng phút, tạo sự tươi mới cho game thủ.
Animal Crossing: New Horizons (2020) – Aya Kyogoku
Aya Kyogoku là người phụ nữ đầu tiên được làm đạo diễn game tại Nintendo Entertainment Analysis & Development, cụ thể là trò Animal Crossing: New Leaf. Sau khi phát hiện ra rằng Kyogoku là người phụ nữ duy nhất trong đội ngũ phát triển, cô đã cùng với Katsuya Eguchi – nhà sản xuất của Animal Crossing: New Leaf – đã thuê một nhóm người mà trong đó phân nửa là phụ nữ, và khích lệ mọi người đóng góp ý tưởng cho game, bất kể là họ đang giữ chức vụ gì đi chăng nữa.
Đến khi làm game Animal Crossing: New Horizons, Nintendo tiếp tục cho phép Kyogoku chỉ đạo một lần nữa, và kết quả là một tựa game mô phỏng hết sức dễ thương, mang lại giá trị giải trí cao đã được ra đời, thu hút sự chú ý từ vô vàn game thủ khắp nơi trên thế giới. Tính đến thời điểm bài viết thì đây vẫn là một trong những tựa game phổ biến nhất của Nintendo nói chung và Switch nói riêng.
Centipede (1980) – Dona Bailey
Centipede là một tựa game thủ thành, bạn sẽ được điều khiển một khẩu súng và nhiệm vụ của bạn là tiêu diệt mọi thứ muốn băng qua màn hình như rết, nhện, bọ cạp và bọ chét. Tất nhiên, như tên gọi của tựa game thì kẻ thù chính của bạn là một con rết dài, có thể tách ra khi bị bắn ngang thân để di chuyển theo nhiều hướng khác nhau. Kể từ khi ra mắt vào năm 1980, Centipede đã trở thành một trong những tựa game nổi tiếng nhất hệ máy Atari và là một trong những tựa game arcade thành công nhất mọi thời đại.
Tựa game này là thành quả hợp tác giữa và Dona Bailey và ông Ed Logg hồi và là tác phẩm khiến tên tuổi của họ được nhiều người biết đến. Các nhà làm game hiếm khi trở nên nổi tiếng vào những năm 80, nhà làm game là phụ nữ thì lại còn hiếm hơn nữa. Tuy nhiên chính Donna Bailey đã khiến việc nhà làm game là nữ trở nên bình thường, và đó còn là chuyện của hơn 40 năm trước cơ.
Portal (2007) – Kim Swift
Nếu như thể loại giải đố pha trộn khoa học viễn tưởng là gu của bạn thì Portal là tựa game mà bạn không nên bỏ qua. Các câu đố trong Portal sẽ đẩy giới hạn suy luận của bạn lên rất cao, bắt buộc phải làm quen môi trường 3D một cách thuần thục, đồng thời cải thiện nhận thức về không gian, cũng như là giúp bạn tăng thêm khả năng chú ý đến các chi tiết dù là nhỏ nhất. Và đương nhiên, yếu tố thúc đẩy khả năng quan sát và suy luận này đã giúp cho Portal trở thành một viên ngọc sáng của Valve. Ít ai biết được rằng nhà thiết kế chính của tựa game này lại là một người phụ nữ tài hoa – nhà làm game Kim Swift.
Ban đầu thì Valve biết đến cô khi cô cùng nhóm của mình làm tựa game Narbacular Drop. “Thánh Gaben” cảm thấy hứng thú và quyết định thuê cả nhóm để phát triển Portal luôn. Sau đó thì cô Swift còn tiếp tục tham gia phát triển những siêu phẩm như Left 4 Dead, Half-Life 2 và Star Wars Battlefront II nữa. Quay lại với series Portal, game đã ra được 2 phần nhưng chưa biết khi nào sẽ ra được đến phần 3. Mà có một chuyện mà quá nhiều người đã biết là “Valve không biết đếm đến 3” nên tương lai của nó cũng khá mờ mịt.
Dòng game Uncharted (2007) – Amy Hennig
Không chỉ đơn giản là một người phụ nữ, bà Amy Hennig còn là một nhà làm game đại tài với một danh sách dài thành tích trong ngành công nghiệp game. Bà đã làm trong ngành này từ năm 1980, cho ra đời những tác phẩm nổi bật như Legacy of Kain, Jak and Daxter và dòng game Uncharted.
Trong dòng game Uncharted, bạn sẽ vào vai Nathan Drake – một nhà thám hiểm bị ám ảnh bởi ham muốn được khám phá. Nỗi ám ảnh này lớn tới mức mà người chơi còn ví anh như nhà thám hiểm huyền thoại Indiana Jones. Theo một số nguồn tin cho biết thì gameplay của phần Uncharted đầu tiên được lấy cảm hứng mạnh mẽ từ tựa game Gears of War. Dòng game này cũng góp phần quan trọng trong sự thành công của hệ máy PlayStation của Sony.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 vũ công với sức mạnh vô song trong làng game
- Top 10 nữ chính mạnh mẽ và đầy quyến rũ trong thế giới game
- Top 10 nữ thần trong game khiến bạn tin vào tình yêu đích thực
Nguồn: Nerd Street
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!