Sản xuất game là một việc không hề đơn giản, nếu không muốn nói là nó tốn rất nhiều thời gian và công sức. Ngay cả những studio lớn cũng phải “trầy da tróc vẩy” khi phát triển một tựa game nào đó. Có những game tốn thời gian vì nó cần được chăm chút kỹ lưỡng, và có những game tốn thời gian vì nó được truyền từ tay nhà phát triển này qua tay nhà phát triển nọ.

Sau đây là danh sách 8 tựa game có thời gian phát triển lâu nhất từ trước đến nay.

1. Duke Nukem Forever

Dự án làm game này bắt đầu vào năm 1997. Nhưng vì nhiều lý do như game engine bị thay đổi, bất đồng quan điểm với nhà phát hành, ít nhân sự. Phải đến 2011, tức 14 năm sau thì tựa game này mới được thấy ánh sáng ban ngày. Chưa hết, màn “chào sân” của Duke Nukem Forever cũng đầy thảm họa vì đồ họa thì xấu, chuyện cười thì cũ, và nhất là nó có cảm giác như tựa game này được làm từ… 2 thập kỷ trước vậy.

2. Prey

Có những tựa game sinh ra là để thất bại, và Prey là game như thế, cả phần đầu lẫn phần sau (cùng tên). Tựa game Prey đầu tiên ra mắt vào năm 2006, nhưng thực chất thì dự án game này đã bắt đầu từ 11 năm trước. Đến phần 2 thì khâu phát triển lại tiếp tục gặp nhiều vấn đề và phải chuyển sang cho Bethesda, rồi đến Human Head Studios, và cuối cùng là Arkane Studios (nổi tiếng với series Dishonored).

Khi đến tay Arkane Studios thì họ phát triển lại từ đầu, với cốt truyện tách biệt hẳn so với phần 1. Và đến năm 2017 thì tựa game này ra mắt, sau khi đã “thai nghén” được… 11 năm.

3. Spore

Việc tạo ra những tựa game mô phỏng thường rất khó nhằn, và Spore là một minh chứng điển hình cho điều này. Bắt đầu phát triển từ năm 2000, nhưng phải đến 8 năm sau, tức 2008, thì tựa game này mới được trình làng. Mọi người đã rất mong chờ ngày Spore ra mắt, nhưng khi nó ra mắt rồi thì… thất vọng ê chề. Đúng là kì vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu.

4. Team Fortress 2

May mắn cho Team Fortress 2 là nó chỉ tốn thời gian phát triển vì cần được chăm chút, chứ không phải là vì gặp “kiếp nạn” như những tựa game kia. Được công bố vào năm 1999, Team Fortress 2 được cho là “hậu duệ” của tựa game Quake huyền thoại, nhưng đến khi nó ra mắt vào năm 2007 thì nó là một game hoàn toàn khác hẳn với đồ họa đậm chất… phim hoạt hình. Cái may mắn thứ nhì của Team Fortress 2 là được rất nhiều game thủ khen ngợi, và hiện tại nó vẫn đang nằm trong top 10 tựa game có đông người chơi nhất trên Steam.

5. Beyond Good and Evil 2

Sau nhiều lần trì hoãn, hủy bỏ, lộ trailer, thì cuối cùng Beyond Good and Evil 2 cũng đã chính thức được công bố tại sự kiện E3 2017. Nhiều nguồn tin cho rằng game này được phát triển từ hồi 2007 (hoặc thậm chí có thể trước đó nữa), và game cũng đã trải qua nhiều lần làm lại, chỉnh sửa cốt truyện với bối cảnh tiền truyện Beyond Good and Evil thay vì tiếp nối nó. Hiện tại tựa game này vẫn chưa có ngày ra mắt chính thức.

6. Half-Life 3

Dòng game Half-Life thì quá nổi tiếng rồi, không chỉ 2 phần đầu nổi tiếng mà ngay cả phần 3, mặc dù chưa thấy tăm hơi đâu, cũng… nổi tiếng nốt. Không một ai trong chúng ta biết được liệu Half-Life 3 có thực sự tồn tại hay không, và câu chuyện của Gordon và Alyx sẽ đi đâu về đâu.

Những tưởng tựa game Half-Life: Alyx mới ra mắt sẽ tiếp nối câu chuyện còn dang dở, nhưng không. Nó là tựa game lấy bối cảnh diễn ra trước Half-Life 2. Nói chung, tất cả những gì game thủ chúng ta có thể làm bây giờ là đoán và… đợi.

7. The Last Guardian

Tựa game này được đưa vào phát triển trong năm 2007, nhưng sau khi chính thức công bố vào năm 2009 thì tiến độ của The Last Guardian bị trì trệ vì bất đồng quan điểm giữa nhà phát triển Team Ico và nhà phát hành Sony về vấn đề liên quan đến hướng phát triển tựa game này. Tréo ngoe thêm một điều nữa là ban đầu, The Last Guardian dự kiến sẽ ra mắt trên hệ máy PS3 để bổ sung vào bộ sưu tập của Ico và Shadow of The Colossus, nhưng đến phút thứ 89 thì lại chuyển sang hệ máy PS4. Bẵng đến năm 2015 thì cái tên này mới xuất hiện trở lại, và chính thức được bán ra vào tháng 12/2016. Dù sao thì đợi 9 năm cho một tựa game đỉnh cũng không đến nỗi quá tệ.

8. Final Fantasy XV

Final Fantasy XV nói riêng và dòng game này nói chung đều tốn khá nhiều thời gian để phát triển. Điều này cũng dễ hiểu vì Square Enix khá đầu tư về mặt nội dung cũng như cốt truyện cho các tựa game Final Fantasy. Nhưng với Final Fantasy XV thì là một trường hợp cá biệt vì nó “nghén” đến tận… 10 năm. Lý do là bởi vì game đã trải qua nhiều lần đổi ý tưởng (concept), đổi game engine, đổi hệ máy từ PS3 sang PS4, và phải tìm diễn viên khác cho nhân vật chính. May mắn là tựa game này đã thành công về mặt doanh số lẫn phản hồi từ giới phê bình khi ra mắt vào năm 2016.

Nguồn: EXP