Top 7 tựa game thảm họa giúp làm sáng mắt cả cộng đồng game, liệu bạn có thuộc 1 trong số đó?

Bên cạnh những cái danh hiệu mỹ miều như bom tấn, hoành tráng, kịch tính thì ngành công nghiệp game cũng không thiếu những danh hiệu bom xịt, thảm họa. Đặc biệt, sau những năm 2010 thì game cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn; các bản vá lỗi, bản mở rộng (DLC) cũng nhiều hơn, thậm chí sau khi game ra mắt cả mấy tháng hoặc cả năm trời vẫn được nhận thêm cập nhật là điều hoàn toàn bình thường.

Và cũng chính vì có hằng hà sa số tựa game mới cũng như nội dung mới nên số lượng sản phẩm thất bại cũng ngày một nhiều hơn, khiến game thủ không ít lần bị ức chế, phẫn nộ vì đã đặt niềm tin sai chỗ. Tuy nhiên, nhờ có những pha té sấp mặt đó mà nhà sản xuất game mới có kinh nghiệm để mà rút, và game thủ cũng biết nên kì vọng vào một tựa game như thế nào là vừa đủ. Sau đây là danh sách 7 tựa game thảm họa giúp làm sáng mắt cả cộng đồng game.

No Man’s Sky – Quảng bá có chừng mực

Nhắc đến No Man’s Sky thì anh em hẳn cũng đã nghe nhiều về những lùm xùm xung quanh game này rồi. Lúc tung đoạn demo tại sự kiện E3 thì game thủ ai nấy cũng đều há hốc mồm vì gameplay quá tuyệt vời. Lúc đó mọi ánh mắt đều đổ dồn về tựa game này. Tuy nhiên, sự thật là thậm chí vào cái tuần mà game này chuẩn bị ra mắt, ngay cả Hello Games cũng chẳng biết chính xác No Man’s Sky là game gì và nó sẽ đi đâu về đâu. Kết quả là game đã có một màn ra mắt vô cùng thảm họa, và Sony phải giữ khoảng cách để không bị “vạ lây”, nói rằng những chiến dịch quảng cáo, marketing kia đều đã được trưởng nhóm sáng tạo Sean Murray thông qua chứ Sony không có lỗi gì trong chuyện này cả.

Tuy nhiên, dù ai sai ai đúng đi nữa thì các bên liên quan đều có bài học cho riêng mình. Kể từ vụ này thì game thủ cũng không còn “dám” kì vọng quá mức vào một tựa game nào cả, và cũng phân biệt rõ ràng giữa trailer concept (ý tưởng) và trailer gameplay để không bị hụt hẫng khi game ra mắt.

Battlefront 2 – Chấm dứt tệ nạn loot box “hút máu” game thủ

Cơ chế bán vật phẩm (microtransaction) trong game đã xuất hiện cũng khá lâu rồi, và game thủ vẫn ổn với chuyện này, nhất là khi một tựa game miễn phí mở cơ chế mua bán skin, quần áo bằng tiền thật. Nhưng đến khi cơ chế loot box ra đời, game thủ cứ đập hết hòm này đến hòm khác mà không biết đến khi nào mới có được thứ mình muốn thì mọi chuyện bắt đầu xấu dần đi. Đỉnh điểm là chèn ép game thủ, buộc họ hoặc là cày còng lưng, hoặc là xùy tiền ra để có thể sở hữu món đồ mà mình mong muốn. Bên cạnh For Honor, Middle-Earth: Shadow of War, thì Battlefront 2 (2017) cũng a dua theo “xu hướng” này và cũng là giọt nước làm tràn ly.

Trong game, bạn phải cày thật nhiều để mở khóa thêm nhân vật, bằng không thì chỉ còn cách là móc hầu bao ra mà thôi. Theo một nhà chính trị gia thì Battlefront 2 chẳng khác gì một sòng bạc casino với chủ đề Star Wars được thiết kế để “hút máu” những game thủ trẻ tuổi. Nhưng may mắn là cuối cùng mọi thứ cũng đã được sửa đổi. Battlefront 2 sau đó được thiết kế lại hoàn toàn, For Honor và Shadow of War cũng thế. Tại một số quốc gia thì họ cũng yêu cầu nhà phát triển phải cho biết chính xác tỷ lệ “rớt đồ” trong hòm là bao nhiêu, và phải ghi rõ trên hộp đĩa là trong game có cơ chế bán vật phẩm. Ngoài ra thì game thủ cũng nhạy cảm hơn với nó, hễ thấy có mùi “hút máu” là đánh động trên diễn đàn ngay để mọi người chú ý.

Sonic Boom – Những gì thuộc về huyền thoại thì đừng có sửa

Việc “remaster” một nhân vật từng gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều game thủ là một việc là vô cùng khó khăn và cũng không kém phần nguy hiểm, và cũng đã có không ít pha “fail” sấp mặt. Nạn nhân của những đợt trùng tu có thể kể đến như Crash Bandicoot, Spyro, Dante, và người bị thương nặng nhất có lẽ là chú nhím xanh Sonic the Hedgehog trong phần Sonic Boom. Đến nỗi SEGA phải đăng lời cáo lỗi luôn là anh em biết nó nghiêm trọng đến mức nào rồi đó.

Cụ thể, sếp Haruki Satomi của SEGA đã có nhiều lời phản hồi chính thức, thừa nhận rằng họ đã làm tổn thương game thủ, khiến fan mất niềm tin, và hứa hẹn rằng từ đó về sau sẽ cố gắng thuyết phục người chơi quay lại với họ bằng những tựa game chất lượng. SEGA sau đó đã bỏ thiết kế mới của Sonic, và phát hành phần Sonic Mania được phát triển bởi những người yêu mến chú nhím huyền thoại này. Về phía Crash Bandicoot và Spyro thì Activision cũng ra mắt phiên bản dành cho PS4 và được game thủ ủng hộ nồng nhiệt. Capcom cũng đưa series Resident Evil quay trở về “nguồn cội” của nó với 2 bản remake của Resident 2 và 3; còn Devil May Cry thì sử dụng lại hình ảnh Dante chất lừ chứ không “trẩu” như bản reboot DmC: Devil May Cry (2013) nữa.

Custer’s Revenge – Xếp loại game theo từng hạng mục

Việc Ủy ban Đánh giá Phần mềm Giải trí (ESRB) được thành lập là một điều khá là thú vị. Trước khi có ESRB thì game được xem như là một loại “đồ chơi”, và chính phủ Hoa Kỳ không muốn tốn thời gian cho việc sàng lọc game dành cho người lớn nên những tựa game bạo lực máu me như Mortal Kombat, DOOM, Wolfenstein, Night Trap đều được xem như là “dành cho trẻ em”. Những game này đều có chất lượng rất tốt và cơ chế game cũng rất hấp dẫn, nhưng Custer’s Revenge (1982) là một tựa game vô cùng tệ và lẽ ra nó không xứng đáng để xếp chung thể loại với những game khác, vì nó xoay quanh câu chuyện hãm hiếp một tù nhân người Mỹ bản xứ. Phải đến tận năm 1994 thì ESRB mới được hình thành để ngăn không cho tình trạng này tái diễn. Với việc gắn nhãn báo hiệu cho người chơi biết game này phù hợp với độ tuổi nào, ngành game mới tiếp tục phát triển được như ngày hôm nay.

E.T. – Đừng nghĩ làm game ăn theo phim là dễ hốt bạc

E.T. là một tựa game được phát triển chỉ trong 5 tuần. Lý do là vì Atari muốn thu được nhiều lợi nhuận càng nhanh càng tốt vì phim E.T. là một bom tấn màn ảnh rộng thời bấy giờ, làm phim ăn theo thì rất dễ để hốt bạc đúng không? Rất tiếc, đời không như là mơ, và vụ này gần như là bóp chết cả ngành công nghiệp game luôn chứ chẳng đùa.

Anh em có thể tìm hiểu thêm về vụ này trên mạng, nhưng mấu chốt ở đây là Atari đã xem người chơi như những kẻ ngốc, cụ thể ở đây là những fan của E.T., những người sẵn sàng mua bất cứ thứ gì có logo E.T. trên đó. Doanh số game rất thảm hại, và Nintendo phải ra mắt cả Mario và Zelda tại thị trường phương Tây mới thuyết phục được họ quay trở lại với trò chơi điện tử.

Mighty No.9 – Đừng quá kì vọng vào dự án gọi vốn cộng đồng

Đã từng có một khoảng thời gian mà game thủ tin rằng việc gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) là cách để hiện thực hóa một tựa game, khi mà các hãng game lớn không làm thỏa mãn được họ. Tuy nhiên, đã có không ít pha gọi vốn hứa thật nhiều mà thất hứa cũng thật nhiều. Chẳng hạn như Godus của Peter Molyneux đã được game thủ quyên góp đến hơn 500.000 đô, nhưng thành phẩm cuối cùng lại chẳng bằng một góc những gì được hứa hẹn trước đó. Rồi Mighty No.9 của Keiji Inafune, dự định sẽ là một tựa game Mega Man theo kiểu truyền thống mà Capcom không chịu làm nữa, nhưng khi ra mắt thì nó đã thất bại thảm hại, đã thế còn đổ tiền vào những tính năng mà game thủ không hề yêu cầu nữa chứ.

Hay như Star Citizen, lẽ ra phải lên kệ hồi năm 2015 rồi mà đến giờ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển; nhận được hơn 228 triệu đô để rồi không trả lại cho game thủ được bất cứ thứ gì cả. Sau những pha này thì game thủ cũng hiểu được một điều rằng crowdfunding không phải là câu trả lời mà họ đang tìm, và không phải cứ góp thật nhiều tiền là sẽ có được thứ mà mình mong muốn.

Ghost Recon Breakpoint – Làm game bom tấn AAA thì phải làm cho tới nơi tới chốn

Lẽ ra Ubisoft phải học được bài học này từ hồi Assassin’s Creed Unity rồi, nhưng phải đến Ghost Recon Breakpoint thì họ mới thực sự thức tỉnh. Ban đầu thì game thủ rất hào hứng, mong chờ ngày game này ra mắt. Nhưng kết quả cuối cùng là doanh số game cực kì thê thảm vì game quá “hút máu”, cơ chế vật lý thì cồng kềnh, nói chung là chả có gì thú vị. Sau khi Ubisoft công bố thu nhập giảm thê thảm thì lúc đó mới thấy rõ được rằng việc xào đi xào lại một công thức để làm ra game mới nhanh nhất có thể là một ý nghĩ vô cùng tệ hại. May mắn là Ubisoft đã giác ngộ được điều này và thay đổi đường lối phát triển game của mình.

Ubisoft đã xin lỗi fan và hứa hẹn sẽ đập đi xây lại Breakpoint cho hoàn chỉnh, và dời lại Watch Dogs: Legion, Gods & Monsters, Rainbow Six: Quarantine để có nhiều thời gian tập trung cho Breakpoint hơn. Bên cạnh đó, Nintendo, Sony, Bethesda và một số hãng game khác cũng hoãn ngày ra mắt những game lớn (vì dụ như The Last of Us 2, DOOM Eternal, Dreams, Animal Crossing) vào cuối năm 2019 để có thêm thời gian chăm chút cho game. Và kết quả là DOOM Eternal, Animal Crossing: New Horizons, Dreams nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng game thủ lẫn giới phê bình. Thậm chí Ghost Recon Breakpoint cũng có màn lội ngược dòng khá ngoạn mục với bản mở rộng Deep State.

Nguồn: What Culture

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360