Bên cạnh những game bom tấn đình đám như Resident Evil 2 Remake, Sekiro: Shadows Die Twice, Death Stranding, Call of Duty: Modern Warfare, thì năm 2019 còn có những game… không nên tồn tại.
Sau đây là top 15 tựa game có số điểm review thấp nhất trên Metacritic trong năm 2019.
15. Leisure Suit Larry: Wet Dreams Don’t Dry
Điểm Metacritic: 50
Leisure Suit Larry là dòng game phiêu lưu đã tồn tại hơn 3 thập kỷ, và người chơi sẽ tương tác theo dạng “point-and-click” (nhấn chuột). Điểm nhấn của nó nằm ở các câu nói đùa “bẩn bựa” và các nội dung khiêu gợi khác. Giữ vững “truyền thống” này, phần mới nhất trong series vẫn có đầy đủ các yếu tố đó nhưng do câu chuyện không có chiều sâu, phần giải đố thì vô nghĩa, và nhất là những câu nói đùa kia lại không còn “bẩn bựa” như các phần trước.
14. Wolfenstein: Cyberpilot
Điểm Metacritic: 50
Dòng game Wolfenstein trước giờ nổi tiếng với cốt truyện cuốn hút và những pha đấu súng đạn bay rợp trời. Nhưng phiên bản thực tế ảo VR lần này đã làm người chơi thất vọng bởi vì nó không hề có bất kỳ yếu tố nào giống với các phần Wolfenstein trước. Ngoài ra, dân tình còn chỉ trích game này vì nó có thời lượng chơi ngắn, combat thì không sướng, còn nội dung thì thiếu sót đủ thứ.
13. Decay of Logos
Điểm Metacritic: 49
Được lấy cảm hứng từ tựa game bom tấn The Legend of Zelda: Breath of the Wild và Dark Souls, Decay of Logos nhìn có vẻ cũng khá là hứa hẹn. Nhưng điều đó chỉ dừng lại trên lý thuyết, còn trên thực tế thì game này dính rất nhiều lỗi về mặt kỹ thuật cũng như hệ thống lên cấp level khá là cồng kềnh và quái thú cũng lặp đi lặp lại, khiến game thủ mau chán nản và tụt mood.
12. Vane
Điểm Metacritic: 49
Lấy cảm hứng từ tựa game Journey, Vane cũng đưa người chơi băng qua sa mạc nhưng lại không có nhiều yếu tố hấp dẫn như Journey. Giới phê bình chỉ trích Vane không có mục tiêu rõ ràng và cốt truyện thì lại rỗng tuếch, không có sức sống, y như là sa mạc trong game vậy. Nó chỉ có duy nhất một điểm sáng đó là có thời lượng ngắn nên game thủ có thể xử trò này nhanh gọn lẹ để còn… qua chơi game khác.
11. Devil’s Hunt
Điểm Metacritic: 48
Devil’s Hunt là một tựa game phiêu lưu – hành động góc nhìn thứ ba. Nhìn thoáng qua bề ngoài thì cũng không tệ, nhưng nội dung bên trong thì lại… không có gì đáng giá cả. Nhân vật chính thì không có điểm nhấn, cốt truyện thì cũng “nhạt” y như nhân vật chính. Nói chung là “nước sơn” thì ổn nhưng “gỗ” thì lại bị mục rữa.
10. Monster Jam Steel Titans
Điểm Metacritic: 47
Mặc dù được game thủ khá là mong đợi, nhưng khi ra mắt thì nó lại khiến họ cảm thấy hụt hẫng. Game thuộc thể loại thế giới mở với rất nhiều chế độ chơi như khám phá, đua xe, phá hủy và nhiều hơn nữa. Nhưng khi vào chơi thì không có cái nào ra hồn cả. Điểm đáng khen ngợi duy nhất là nó mô phỏng chính xác những chiếc xe tải monster truck mà thôi.
9. Generation Zero
Điểm Metacritic: 45
Avalanche Studios nổi tiếng với các tựa game thế giới mở hoành tráng như series Just Cause, Mad Max, và gần đây nhất là Rage 2. Tuy nhiên, với Generation Zero, họ lại quăng người chơi vào một thế giới mở với cốt truyện vô cùng nhạt nhẽo, còn những pha combat thì lặp đi lặp lại, thiếu sáng tạo. Ngoài ra, game cũng không được chăm chút kỹ lưỡng, khiến game thủ có cảm giác như đây là một tựa game bị “sinh non”.
8. Submersed
Điểm Metacritic: 44
Thể loại sinh tồn – kinh dị khá là kén người chơi, đã thế Submersed còn không có gì độc đáo để thu hút game thủ. Tựa game khai thác đề tài về nỗi sợ cá mập, và bị giới phê bình đánh giá rằng game có cốt truyện ngắn, nửa vời, cộng với kẻ địch thì lại quá bá đạo khiến game đã chán nay lại còn nản. Bên cạnh đó, Submersed còn bị dính nhiều lỗi vụn vặt khác, khiến game không thể tỏa sáng dù vẫn có tiềm năng.
7. FIFA 20 Legacy Edition (Nintendo Switch)
Điểm Metacritic: 43
Nói một cách đơn giản thì phiên bản này là FIFA 19 với dàn cầu thủ được cập nhật mới, ngoài ra không có thêm thứ gì khác hay ho cả. EA dường như không mặn mà lắm với Nintendo Switch nên mới đối xử với hệ máy này như vậy: bán “DLC” với giá bằng tựa game full.
6. WWE 2K20
Điểm Metacritic: 42
WWE 2K19 hay biết bao nhiêu thì 2K20 lại dở bấy nhiêu, thậm chí nó còn bị dính nhiều lỗi ngớ ngẩn lớn bé khác nhau, khiến game thủ phải tạo hẳn một chiến dịch #FixWWE2K20 trên Twitter. Hơn nữa, nhiều yếu tố độc đáo trong phần trước cũng bị loại bỏ trong phần này, bao gồm nhiều chế độ chơi online và chế độ thi đấu custom arena.
5. Dollhouse
Điểm Metacritic: 41
Dollhouse là tựa game phiêu lưu góc nhìn thứ nhất, và bạn sẽ vào vai một nữ thám tử trẻ đẹp cố gắng xâu chuỗi lại quá khứ của mình bằng cách hồi tưởng lại ký ức của mình. Nghe thì cũng hấp dẫn đó, nhưng nó bị đánh giá là có màn chơi và cơ chế gameplay trùng lắp thiếu sự đa dạng. Hơn hết là nó dính nhiều lỗi kỹ thuật khiến game thủ không tài nào tận hưởng được Dollhouse một cách trọn vẹn.
4. Contra: Rogue Corps
Điểm Metacritic: 40
Nhắc đến huyền thoại Contra thì chắc anh em cũng đã quá quen thuộc rồi. Nhưng với phần mới nhất là Rogue Corp thì nó lại trở thành bom xịt. Thay vì giữ nguyên phong cách shoot ‘em up 2D như truyền thống, phần này lại chuyển sang thể loại bắn súng bằng 2 cần analog (twin-stick shooter) và nó đã thất bại ngay tại khoản này. Bên cạnh đó, game cũng bị mắc lỗi kỹ thuật, đồ họa mờ mờ đục đục, gameplay thì cụt hứng, nên bị người chơi lẫn fan gạo cội quay mặt là đúng.
3. Blades of Time
Điểm Metacritic: 38
Ra mắt lần đầu trên PC, PS3, và Xbox 360, Blades of Time vừa được chuyển lên Nintendo Switch vào đầu năm 2019. Tuy về mặt hình ảnh thì nó vẫn rất ổn, nhưng cơ chế gameplay chặt chém hack ‘n’ slack của Blades of Time đã có dấu hiệu lỗi thời so với các tựa game đình đám hiện nay như Astral Chain hay Bayonetta 2. Vì vậy, Blades of Time tốt nhất là nên để nó ngủ yên trong quá khứ.
2. Left Alive
Điểm Metacritic: 37
Lại một tựa game khác đã lỗi thời so với năm 2019. Thay vì là một bom tấn hành động đỉnh cao pha trộn yếu tố lén lút, Left Alive lại là một trái bom xịt bởi vì kẻ địch quá siêu phàm, hệ thống tùy biến quá rối rắm, và màn chơi thì có thiết kế quá tệ. Thêm vào đó là phần lồng tiếng thảm họa, âm thanh bị lỗi, và những yếu tố vô giá trị khác khiến Left Alive nên… chết đi cho xong.
1. Eternity: The Last Unicorn
Điểm Metacritic: 36
Eternity lấy cảm hứng từ tựa game thập niên 90 như Onimusha và Resident Evil, nhưng ngặt nỗi là nó lại thất bại thảm hại. Combat thì quá nhạt, cứ spam một nút là auto thắng; trong khi các con trùm thì gần như là bất bại, buộc game thủ phải sử dụng nhiều mánh khóe mới có thể thoát nạn. Điều này khiến người chơi phải cày mệt bở hơi tai mới có thể qua được màn tiếp theo. Đã thế, việc cày game cũng không có gì thú vị, nếu không muốn nói là tẻ nhạt; và camera trong game cũng thường xuyên bị “mắc kẹt”, khiến những pha combat đã khó nay lại càng bất khả thi.
Nguồn: IGN