Bên cạnh những tựa game hoành tráng được người chơi đón nhận nồng nhiệt thì chúng ta vẫn có một số tựa game cực hay, nhưng đồng thời nó lại dính những hạt sạn khá là chướng tai gai mắt khiến game thủ thích cũng không được mà ghét cũng không xong. Để giúp các bạn dễ hình dung hơn thì sau đây sẽ là top 10 tựa game vừa hay vừa dở khiến game thủ không biết đường đâu mà đỡ.

What Remains of Edith Finch

  • Điểm hay: Cốt truyện đầy huyền bí và hoài niệm
  • Điểm dở: Cơ chế điều khiển bất tiện và gameplay kéo dài lê thê

What Remains of Edith Finch một tựa game phiêu lưu ra mắt từ năm 2017. Cốt truyện của game xoay quanh nhân vật Edith, một thành viên của gia đình họ Finch bị ám bởi lời nguyền bí ẩn khiến cho mọi người đều lần lượt “ra đi” theo nhiều cách khác thường, và kỳ quặc trừ 1 thành viên của mỗi thế hệ của gia đình này. Cũng nhờ vào cốt truyện vô cùng bi thương và bí ẩn được gói gọn lại thành những mẩu chuyện được trình bày một cách đầy kịch tính và cuốn hút qua lời kể của Edith, What Remains of Edith Finch đã nhận được rất nhiều lời tán dương từ các nhà phê bình. Đồng thời, tựa game này cũng giành được giải thưởng game của Viện hàn lâm anh dành cho các tựa game hay nhất năm 2017.

Vậy điều gì đã khiến cho What Remains of Edith Finch bị chê dở? Vấn đề của tựa game này chính nằm ở cơ chế điều khiển. What Remains of Edith Finch yêu cầu người chơi phải điều khiển, và tương tác với mọi thứ một cách chính xác và hoàn hảo nếu như muốn kích hoạt yếu tố diễn ra tiếp theo của game. Điều này khiến cho người chơi phải tốn quá nhiều thời gian để giải quyết câu đố cho một màn chơi, từ đó tạo cảm giác chán nản. 

Chưa hết, What Remains of Edith Finch còn tạo ra những phân cảnh dư thừa trong game nhằm mục đích kéo dài thời lượng game ra nhiều hơn, và đương nhiên, những phân cảnh này đã khiến cho cốt truyện có những khúc nhìn rất giả tạo, làm phá vỡ sự nhập tâm mà game đã cố gắng gầy dựng từ ban đầu.

Soma

  • Điểm hay: Sự kết hợp ấn tượng giữa đại dương bí hiểm và công nghệ
  • Điểm dở: Quá nhiều địa điểm để khám phá, quá ít thứ để làm

Soma là một tựa game rất hay bởi vì nó biết kết hợp giữa sự đáng sợ và kinh dị với công nghệ và máy móc của tương lai, thứ mà không phải tựa game nào “pha chế” thành công được. Nó gợi cho chúng ta một chút cảm giác gì đó giống với BioShock những vẫn mang được cái chất riêng của mình đến với game thủ. Nói chung, từ cốt truyện cho tới đồ họa, Soma khiến cho người chơi khó mà rời mắt được khỏi màn hình một khi đã bật game lên chơi.

Đồng ý là cốt truyện game hay, nhưng đáng tiếc là nó lại bị kéo dài một cách không cần thiết giống như trường hợp của What Remains of Edith Finch bên trên. Trên thực tế, cốt truyện của Soma có thể được hoàn thành xong xuôi chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, nhưng game lại bắt chúng ta đi “lòng va lòng vòng” trong những khúc quanh co dưới đáy biển. Mặc dù công nhận rằng ý tưởng này thật sự rất thú vị vì nó giúp chúng ta khám phá thêm những điều thú vị của game, nhưng nếu lặp lại quá nhiều lần thì nó lại phản tác dụng. Bởi vì việc phải đi lòng vòng nhiều sớm muộn cũng sẽ khiến game thủ thấy chán. Đó là còn chưa kể nhiều địa điểm mà game bắt người chơi phải lòng vòng không thật sự có nhiều điều hay ho ở đó, kể ra thì sẽ có lác đác một vài kẻ địch và một số đồ sưu tầm, vân vân.

The Sims 4 (không có mod hay các bản mở rộng)

  • Điểm hay: Là tựa game mô phỏng cuộc sống hay nhất mọi thời đại
  • Điểm dở: Phiên bản gốc còn thiếu rất nhiều nội dung

Game mô phỏng cuộc sống vốn luôn tạo nên một sự lôi cuốn khó tả, nó giúp người chơi được sống một cuộc sống đúng theo ý thích của mình, nơi mà mọi thứ đều không có giới hạn và các bạn có thể thoải mái sáng tạo. Xây nhà theo ý thích, tạo mối quan hệ theo tính cách cá nhân, ăn mặc chuẩn gu, vân vân, mọi thứ đều hoàn hảo trong The Sims. Tóm lại, The Sims là một trong những series game giả lập cuộc sống hay nhất từng được tạo ra trong lịch sử ngành game, thế thì tại sao The Sims 4 lại lọt vào trong danh sách này? Đơn giản là vì bản gốc của The Sims 4 rất chán. Nếu như bạn chưa biết thì EA nổi tiếng với việc cắt xén các phiên bản gốc của game để khiến cho nó gần như không thể chơi được nếu như bạn không sở hữu 1 hoặc hàng tá các bản mở rộng của game. 

Các modder của The Sims 4 cũng rất tận tâm khi bổ sung thêm rất nhiều các nội dung mới cực kỳ bổ ích như màu da, kiểu tóc, các tùy chọn hội thoại, cơ chế mới, chủng tộc mới, hoặc thậm chí là một số hình ảnh 18+ và nội dung người lớn. Nếu như bạn đang chơi The Sims 4 mà không sử dụng bất kỳ bản mở rộng nào của nhà làm game hoặc của modder thì bạn sẽ không thể có được những trải nghiệm muôn màu muôn vẻ như những người chơi khác như chinh phục thế giới kinh doanh, theo đuổi sự nghiệp riêng hay đơn giản là nuôi thú cưng. Có khả năng là bạn sẽ cảm thấy chán ngấy The Sim 4s trước cả khi các nhân vật trong game của bạn gặp được Grim Reaper.

Alan Wake

  • Điểm hay: Cốt truyện trau chuốt, bối cảnh được đầu tư tỉ mỉ
  • Điểm dở: Cơ chế combat bị rập khuôn, mau chán

Alan Wake là tựa game hành động pha lẫn yếu tố hồi hộp, kịch tính. Nó không chỉ được lấy ý tưởng từ một số tác phẩm của nhà văn Stephen King trứ danh mà bản thân cốt truyện còn đáng sợ hơn cả những câu chuyện được Stephen King kể. Chính điều này đã thu hút vô số game thủ tìm đến Alan Wake. Về mặt bối cảnh và môi trường trong game thì nó đã góp phần tạo bầu không khí u ám, kết hợp với những đoạn nhạc nền khiến game thủ nhiều phen nổi hết cả da gà. Ngoài ra, nhân vật trong game cũng rất có hồn với tính cách rõ ràng, y như người thật vậy.

Cơ chế gameplay cũng khá là mới lạ, dùng ánh sáng làm vũ khí tiêu diệt kẻ địch. Sáng tạo thì có sáng tạo đó, nhưng tiếc là nhà phát triển lại lạm dụng cơ chế này hơi quá đà các bạn ạ. Sau khi xem xong những đoạn cutscene tạo “mood” cho màn chơi thì vài phút sau là bạn sẽ cảm thấy hơi chán chán. Những màn combat với lũ quái vật khá là rập khuôn, cứ lặp đi lặp lại công thức quen thuộc. Nó nhiều đến nỗi đánh nhau một hồi là bạn quên luôn vì sao chúng lại xuất hiện trong game. Nếu cơ chế combat sáng tạo hơn, tự do hơn, cho phép game thủ tùy biến nhiều hơn thì sẽ rất là tuyệt vời. Alan Wake vẫn nằm trong top game phiêu lưu cực hay, nhưng về mặt game hành động thì nó không được xuất sắc cho lắm.

ARX Fatalis

  • Điểm hay: Có những ý tưởng mới lạ về việc xây dựng thế giới trong game
  • Điểm dở: Nhiệm vụ rối rắm, dính nhiều lỗi nghiêm trọng

Vào thời điểm 2002 lúc game này ra mắt, thể loại nhập vai theo góc nhìn isometric vẫn còn đang rất thịnh hành, nhưng ARX Fatalis đã rẽ lối đi riêng và mang đến cho game thủ một tựa game 3D đầy tính đột phá. Game hành động – nhập vai góc nhìn thứ nhất này có bối cảnh tại một thế giới không có ánh mặt trời, buộc những sinh vật tại đây phải chui vào trong hang động để sinh sống. Lúc này, con người sẽ phải chung sống với các tộc như trolls, goblins, người lùn. Nhờ vậy mà Arkane Studios đã tạo ra được một thế giới rộng lớn và kì dị, cho phép người chơi làm rất nhiều thứ theo bất kì trình tự nào mà mình mong muốn. Đồng thời, bối cảnh, hệ thống ma pháp, các câu đố, chất lượng lồng tiếng, cốt truyện đều rất cuốn hút, tạo ấn tượng sâu đậm trong tâm trí game thủ.

Tuy nhiên, game lại có những hạt sạn làm ảnh hưởng đến trải nghiệm mà đáng lẽ ra Arkane Studios đã có thể làm tốt hơn. Chẳng hạn, các khu hành lang tăm tối trong game đều được thiết kế na ná nhau nên rất dễ bị lạc, bản đồ tuy rộng nhưng không có quá nhiều chi tiết để khám phá, và nhất là sau khi hoàn thành xong 1 nhiệm vụ thì bạn dễ bị lúng túng, không biết phải làm nhiệm vụ gì tiếp theo. Ngoài ra, ARX Fatalis còn dính một số lỗi nghiêm trọng, có thể biến việc “phá đảo” trò này trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Nếu Arkane Studios chịu chăm chút hơn xíu nữa thì có lẽ ARX Fatalis đã trở thành một trong những top game nhập vai xuất sắc nhất trong những năm đầu của thế kỷ 21 rồi.

Pathologic (phiên bản gốc)

  • Điểm hay: Môi trường được đầu tư kỹ lưỡng, cốt truyện có nhiều tầng lớp, nhiều lựa chọn rất “cân não”
  • Điểm dở: Nhân vật di chuyển cực kì chậm, phải đi đi lại lại nhiều lần trên cùng 1 con đường

Bản thân Pathologic là một tựa game tuyệt cú mèo. Dù được làm dưới dạng vở kịch, tiểu thuyết, bộ phim đi chăng nữa thì Pathologic vẫn sẽ tỏa sáng. Nó kể về cuộc chiến chống lại bệnh dịch và bạn sẽ phải đưa ra những sự lựa chọn cực kỳ “cân não”. Cân não ở đây không phải là vì nó đòi hỏi phải suy luận hay có nhiều kiến thức, mà cân não ở đây là do nó liên quan đến vấn đề đạo đức và lương tâm của một người làm nghề y – và đây cũng là vai trò của nhân vật chính trong game. Game có các cuộc hội thoại được trau chuốt từng câu từng chữ, giúp dẫn dắt và phát triển câu chuyện theo cách cực kỳ thuyết phục. Có thể nói Pathologic nằm trong top những game thuộc thể loại nhập vai – sinh tồn các bạn ạ.

Tuy nhiên, Pathologic được hiện thực hóa dưới dạng game, và trong trường hợp này thì nó lại bị dính những vấn đề khá là khó chịu các bạn ạ. Game có nói rõ là tình hình đang nguy cấp, và bạn không còn nhiều thời gian nữa, nhưng tréo ngoe ở chỗ là nhân vật chính lại di chuyển còn chậm hơn cả rùa bò các bạn ạ. Người chơi sẽ đi dọc những khu phố, con đường, từ nơi này đến nơi kia với tốc độ như một con ốc sên. Và chính vì thế nên phần lớn thời gian trong game là để bạn… đi bộ. Chưa hết, có những con đường mà bạn phải đi đi lại lại nhiều lần, băng qua những con phố quen thuộc đến mức “chai mặt” luôn. Không ít game thủ nản quá nên đã bỏ ngang, nhưng may mắn là phần 2 đã được rút kinh nghiệm nên nếu có muốn thử thì bạn nên chơi luôn phần 2 để đỡ phải rước bực vào thân nhé.

Lionheart: Legacy of The Crusader

  • Điểm hay: Có yếu tố ma thuật mang cảm hứng của da Vinci, Barcelona, Phục hưng
  • Điểm dở: Cơ chế combat rất tệ, kẻ địch nhiều vô tận, cốt truyện nhiều sạn, gameplay kéo dài

Black Isle là một trong những top studio đứng sau các tựa game cực hay như Baldur’s Gate, Fallouts, Planescape: Torment, nhưng không may đến game Lionheart: Legacy of The Crusader thì nó lại không được hoàn hảo cho lắm. Về mặt đồ họa thì game làm rất ổn. Bối cảnh trong game được lấy ý tưởng từ thế kỷ 16, và Black Isle đã vẽ ra một thời đại mà ma thuật sẽ song hành cùng với công nghệ. Nhiều fan tin rằng Lionheart sẽ là một trong những game nhập vai isometric cuối cùng để tạo nền tảng vững chắc cho Black Isle phát triển những dự án tiếp theo một cách hoành tráng hơn.

Thành phố Barcelona trong game nhìn cực kỳ bắt mắt, con người ở đây cũng rất hợp tác. Tuy nhiên, game lại mắc những lỗi cực kỳ khó chịu. Chẳng hạn, bạn không để đánh dấu (marker) trên bản đồ nên nhiều khi sẽ tốn rất nhiều thời gian hoàn thành nhiệm vụ. Thêm vào đó, game còn yêu cầu người chơi phải đi lại đúng 1 con đường nhiều lần, đã vậy nhân vật chính còn đi chậm nữa, cho nên Barcelona dù đẹp cách mấy cũng mau chóng phai nhạt trong mắt người chơi. Đó chỉ là 1 phần thôi, phần khác thì cơ chế game chưa thật sự được tối ưu cho lắm, HP hồi cực kỳ chậm nên cảm giác thời gian trong game kéo dài lê thê các bạn ạ. Một số lỗi khác có thể kể đến như phần combat rất tệ, hay cốt truyện nhấn nhá không đúng nơi đúng lúc.

Septerra Core: Legacy of the Creator

  • Điểm hay: Thiết kế nhân vật độc nhất vô nhị, cốt truyện cuốn hút
  • Điểm dở: Kẻ địch giết hoài không hết, bản đồ cứ đi đi lại lại những con đường cũ

Septerra Core: Legacy of the Creator là một tựa game nhập vai với lối chơi chiến thuật theo lượt, lấy bối cảnh viễn tưởng. Về căn bản thì game vẫn đáng chơi, hồi 1999 khi mới ra mắt thì đồ họa nó phải nói là thuộc hàng top luôn, đẹp dã man, thậm chí đến bây giờ vẫn còn đẹp hơn cả mớ game. Nó cũng được đầu tư vào thiết kế nhân vật độc đáo, cốt truyện hấp dẫn và một thế giới rộng mở để người chơi tha hồ khám phá.

Cái đó là phần hay, còn phần dở thì có nhiều lúc nó cho người trải nghiệm lặp đi lặp lại, dài dòng và rất chán chán đời. Cốt truyện nhiều khi câu giờ đến mức phá hỏng cả cảm xúc của người chơi. Kẻ địch thì chỗ nào cũng giống nhau và hồi sinh mỗi khi bạn quay lại địa điểm cũ. Khổ nỗi là càng về cuối game, muốn khám phá cốt truyện thì bạn lại càng phải đi lòng vòng mấy địa điểm cũ và liên tục gặp lại cái bọn nhàm chán này cản đường, đã vậy lối chơi còn là chiến thuật theo lượt nữa chứ. Mà cay hơn là ở chỗ bạn đánh bọn chúng cũng chẳng được tích sự gì cả, chỉ đơn giản là câu giờ thôi. Thế nên game này dù hay nhưng muốn hoàn thành nó thì bạn phải thuộc top người chơi kiên nhẫn nhất.

Death Stranding

  • Điểm hay: Ý tưởng điên rồ của Kojima
  • Điểm dở: Vì ý tưởng quá quái dị nên kén người chơi

Death Stranding – Siêu phẩm mới nhất của Hideo Kojima – người đã khai sinh ra thể loại game hành động lén lút với series Metal Gear. Tựa game lấy bối viễn tưởng ở một nước Mỹ hậu tận thế, khi thế giới mà chúng ta từng biết đã thay đổi hoàn toàn, các sinh vật hoang dã đã gần như bị tuyệt diệt và những thực thể hắc ám và bí ẩn bắt đầu xuất hiện ở khắp nơi. Người chơi sẽ vào vai anh chàng “shipper” Sam Bridges trên những chặng hành trình đầy khắc nghiệt, băng qua sông suối núi đồi trên khắp nước Mỹ, đương đầu với thế lực siêu hình để kết nối những người còn sống lại với nhau. Và chính vì phần lớn thời lượng game bạn sẽ dùng để di chuyển nên game cũng phải có cái map rộng dã man (1362 km vuông) cho bạn tung hoành.

Nghe thì có vẻ rất thú vị nhưng vấn đề là game này phải hợp thì mới chơi được. Phần lớn thời gian bạn chơi chủ yếu là dùng để trèo đèo lội suối, đi từ chỗ này đến chỗ kia. Đôi khi bạn sẽ phải băng qua cả một vùng hoang tàn sỏi đá, trống rỗng không một bóng người để hoàn thành nhiệm vụ. Thế nên dù được đánh giá là một tựa game hay hàng top hiện nay nhưng chắc chắn là Death Stranding không thích hợp cho tất cả mọi người.

Passage

  • Điểm hay: Được thiết kế theo kiểu độc đáo, khác lạ
  • Điểm dở: Hầu như game thủ chẳng làm được gì

Chẳng biết có nên gọi đây là game không nữa, vì có lẽ đúng hơn thì nó nên được gọi là một tác phẩm nghệ thuật. Đây là một tựa game 8-bit mà trong đó, bạn điều khiển một thanh niên đi bộ, chỉ đi bộ thôi và không thể làm gì khác cả. Bạn sẽ đi từ bên này sang bên kia bản đồ, thu thập kho báu. Ở đầu game thì bạn sẽ thấy một cô gái và có thể đưa cô ấy theo. Khi đi cùng cô ấy thì bạn sẽ được tăng điểm khi đi về phía trước nhưng kho báu sẽ khó tìm hơn. Bạn cũng có thể lựa chọn bơ cô ấy luôn để tìm được nhiều kho báu hơn. Và bất kể bạn lựa chọn như thế nào, sau 5 phút cô gái đều sẽ chết.

Passage đưa ra những phép ẩn dụ đơn giản về cuộc sống trong không khí của nhạc nền 8-bit hoài cổ, nó mang đến một trải nghiệm đầy thú vị, tuy nhiên đó là trong lần đầu tiên, còn đến lần thứ 2, thứ 3 thì sẽ nhàm chán đi rất nhiều. Passage có thể không thú vị với tư cách là một tựa game, tuy nhiên nếu bạn đang tìm kiếm một trải nghiệm độc đáo thì chắc chắn nó thuộc hàng top.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: Game Pressure


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360