Không riêng gì game, ngay cả những loại hình nghệ thuật khác như phim ảnh, âm nhạc nếu bám theo công thức sẵn có thì thường sẽ đạt được thành công, còn nếu làm tốt hơn thế nữa thì sẽ tạo được tiếng vang trong cộng đồng. Tuy nhiên, để thực sự trở thành một hiện tượng thì chúng cần phải là những thứ có một không hai, chưa từng xuất hiện trên thị trường.
Đối với mảng gaming thì điều này đặc biệt đúng, bởi vì công nghệ ngày nay tiến bộ như vũ bão anh em ạ. Tất nhiên, để làm một game độc nhất vô nhị thì không hề dễ chút nào. Làm game hay đã khó, làm game khác biệt với thế giới còn khó hơi bội phần.
Cảnh báo: Có Spoil
Sau đây là danh sách 10 game với tham vọng thay đổi cả ngành công nghiệp gaming nhưng lại thất bại thảm hại.
DayZ
Đã có rất nhiều game thủ kì vọng vào tựa game bắn zombie này. Ban đầu nó chỉ là bản mod của ARMA 2, nhưng sau đó nó phát triển thành một tựa game bắn súng sinh tồn với chế độ chơi mạng rất độc đáo, kết hợp với việc quăng một mớ người chơi vào một thế giới mở đầy rẫy lũ zombie càng khiến game trở nên hứa hẹn hơn bao giờ hết.
Trong game, người chơi sẽ nhặt vũ khí và tiêu diệt những đối thủ khác để sinh tồn. Chính yếu tố này đã giúp game càng trở nên căng thẳng tột độ, và fan cũng rất ngóng trông ngày DayZ chính thức ra mắt.
Nhưng đó cũng là nơi rắc rối bắt đầu. Lúc còn là bản thử nghiệm thì những lỗi trong game, kể cả những lỗi to như bánh xe bò đều có thể bỏ qua được. Còn khi game thủ đã bỏ tiền ra mua rồi thì họ sẽ kì vọng rằng game đã được hoàn chỉnh, nhưng sự thật thì không được như vậy.
Dù là phiên bản chính thức nhưng nó không khác gì một bản beta, và đến khi game được sửa lại xong xuôi thì những trò mới như H1Z1 và PUBG đã chiếm hết diễn đàn luôn rồi. Kể từ đó chúng ta không còn nghe gì đến cái tên DayZ nữa.
The Quiet Man
The Quiet Man xoay quanh câu chuyện về một người bị điếc, và để game thủ nhập tâm hơn thì phần lớn hội thoại trong game đều bị nghe ù ù và không có phụ đề, buộc người chơi phải “nhìn hình đoán chữ”.
Ý tưởng này nghe thì không tồi chút nào, nếu không muốn nói là nó rất độc đáo. Tuy nhiên, Square Enix lại đặt quá nhiều tham vọng vào cốt truyện, kết hợp với cơ chế gameplay rối rắm và những phân đoạn live-action nhìn rất nghiệp dư, The Quiet Man cuối cùng đã bị banh xác.
Cũng như Quantum Break, The Quiet Man chứng tỏ được một điều rằng live-action và game không đi chung với nhau được, và game thủ cũng chưa đủ sẵn sàng để hiểu hết được những gì mà cốt truyện trong game muốn truyền tải.
Watch Dogs
Trước khi ra mắt, Ubisoft đã hứa hẹn rằng Watch Dogs sẽ có chất lượng đồ họa đỉnh cao và cơ chế hacking có một không hai, dùng điện thoại điều khiển mọi loại thiết bị điện tử trong game.
Tuy nhiên, khi game ra mắt thì nó lại hoàn toàn trái ngược với những điều trên. Không những thế, chất lượng đồ họa còn bị giảm xuống, khiến rất nhiều game thủ bất bình. Nhưng cái mà khiến game thủ phẫn nộ nhiều nhất chính là cơ chế hacking kia. Nó không hề xịn sò và bá đạo như những gì đã được quảng bá trong trailer.
Mặc dù Watch Dogs là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba nhưng thứ khiến game thủ hào hứng nhất là cơ chế hack trong game. Thay vì sử dụng súng để giải quyết vấn đề, bạn sẽ cần phải tập trung vào việc sử dụng công nghệ để đánh lừa kẻ địch, phá hủy những vật dụng khác, và tạo ra thời cơ bằng cách cúp điện toàn thành phố. Nghe rất là hứa hẹn, và nó có thể thay đổi cả cái cách mà game thủ tương tác với môi trường trong game.
Nhưng đến khi ra mắt thì cơ chế này đã bị “nerf” thậm tệ và không có tí gì gọi là đột phá cả.
Alone In The Dark
Đây là một tựa game rất quái dị, đến nỗi gần như chả ai nhớ là game này đã từng tồn tại. Nhưng trước đó cả nhà phát triển lẫn nhà phát hành đều đặt “ngôi sao hi vọng” cho Alone In The Dark, nghĩ rằng nó sẽ thành công rực rỡ trong năm 2008.
Thay vì có các màn chơi, game được chia ra thành nhiều tập như phim truyền hình nên bạn có thể chơi bất cứ tập nào mà bạn muốn, không cần phải theo thứ tự. Thậm chí bạn nhào vô chơi tập cuối luôn cũng được, và game sẽ tua lại một chút cho bạn hiểu những diễn biến đã xảy ra trước đó.
Nhiêu đây nghe đủ thấy mới lạ rồi. Không những thế, những câu đố và cơ chế gameplay đều được xoay quanh hiệu ứng lửa cháy nhìn rất chân thực, và yếu tố này đã xuất hiện trong trailer khiến game thủ rất hào hứng.
Nhưng vấn đề ở chỗ nhà phát triển đã quá tập trung tạo ra hiệu ứng lửa chân thực mà quên mất vẫn còn những yếu tố khác cần được chăm chút. Kết quả là tựa game đã thất bại, và series game này cũng mất tích sau bản reboot này luôn.
Crackdown 3
Crackdown 3, và những phần trước đó, không hẳn là một game tệ, nhưng nó bị đánh giá thấp là bởi vì Microsoft đã hứa hẹn đủ điều về tựa game này.
Ban đầu thì Crackdown 3 sẽ là một tựa game giúp phô diễn sức mạnh của nền tảng công nghệ đám mây (cloud) của Microsoft, cho phép game thủ đập phá thành phố thoải mái bằng vô số cách khác nhau. Trong những trailer đầu tiên thì Microsoft cho game thủ thấy cảnh nhân vật chính san bằng cả thành phố, điều mà những tựa game trước đây chưa làm được vì không đủ sức để xử lý.
Tuy nhiên, sau nhiều lần bị dời ngày phát hành và không thấy tăm hơi của công nghệ đám mây kia đâu thì game thủ đã dần ngộ ra được rằng “giấc mộng” Crackdown 3 của Microsoft khá là hão huyền. Thật vậy, khi game ra mắt, yếu tố phá hủy kia đã bị gói gọn lại trong một chế độ chơi mạng, và kích thước thành phố cũng bị thu nhỏ lại.
Không những thế, cơ chế gameplay thế giới mở cũng sử dụng lại công thức đã cũ mèm, càng khiến Crackdown 3 tẻ nhạt và không có gì đột phá.
Shenmue
Hai phần đầu của series Shenmue “flop” sấp mặt, và nó “flop” là bởi vì yếu tố mô phỏng trong game. Mặc dù trên giấy tờ thì Shenmue xoay quanh câu chuyện báo thù với những pha đấu võ hoành tráng, phần lớn thời gian trong game là bạn sẽ sống trong một thế giới vô cùng tươi đẹp, và cũng rất thực tế nữa.
Bạn sẽ phải lái xe nâng hàng, phải chờ đến khi cửa hàng mở cửa mới được tiếp tục cốt truyện, thậm chí thời tiết cũng được thiết kế giống y hệt như dự báo ngoài thực tế. Đơn giản mà nói thì đây không phải là game, mà nó là đời thực luôn rồi.
Đối với nhiều người thì đây là điểm mà họ rất thích ở tựa game này, và cũng chính vì vậy mà họ trở thành fan gạo cội của dòng game này luôn. Tuy nhiên, khi bạn đổ hơn 50 triệu đô vào trong một dự án thì bạn sẽ cần nhiều hơn là một lượng fan hardcore để nó có thể “sống qua ngày”. Và tiếc là ngoài lượng fan đó ra thì không còn ai hứng thú với tựa game này. Sau này thì cũng chỉ có series Yakuza là “nối gót” Shenmue mà thôi.
Spore
Ý tưởng cốt lõi của Spore phải nói là thiên tài. Bạn sẽ sống xuyên suốt cả cuộc đời của một loài vật, ngay từ lúc nó còn là một tế bào cho đến khi nó đủ khả năng để du hành không gian.
Như những game khác trong danh sách này, Spore không thất bại vì nó tệ mà là vì nhà phát triển đã “hứa thật nhiều, rồi thất hứa cũng thật nhiều”. Trước khi ra mắt thì nhà phát triển đã khiến game thủ rất hào hứng với quy mô và tầm nhìn vĩ đại của tựa game này.
Và chính bởi vì hứa hẹn như thế nên đã khiến game thủ đẩy mọi thứ đi quá xa với thực tế, và kết quả là Spore không đạt được kì vọng của người chơi, y như No Man’s Sky sau này.
Fallout 76
Fallout 76 ban đầu nhìn rất là hứa hẹn: khám phá thế giới Fallout mà không có đồng đội bên cạnh, và cũng không phải hi sinh bất kì thứ gì mà bạn yêu thích từ những tựa game nhập vai khác của Bethesda.
Đây đáng lẽ ra là một tựa game multiplayer có lối kể chuyện cuốn hút, có những pha đối đầu gay cấn với game thủ khác, và có thế giới rộng mở cho phép người chơi tự do khám phá, một điều mà trước đây chỉ thường thấy trong những tựa game RPG singleplayer. Nhưng cuối cùng thì nó lại không hoàn thành được mục tiêu đó.
Fable 2
Vấn đề của Fable có thể được gói gọn vào một câu hứa hẹn rằng xuyên suốt game, bạn sẽ được chứng kiến một quả sồi đâm chồi nảy lộc, vươn mình trở thành một cây sồi tuyệt đẹp, chứng tỏ game này rất có tiềm năng và thế giới trong game cũng rất đa dạng, phong phú.
Tất nhiên, những lời hứa đó đều không được hiện thực hóa, tương tự cho những tính năng hấp dẫn khác cũng không thấy đâu. Fable 2 không phải là một tựa game tệ, nhưng nó không giống với những gì đã được hứa hẹn trước khi ra mắt: một tựa game mang tính đột phá.
Defiance
Mặc dù ý tưởng của game rất là mới lạ và độc đáo nhưng Defiance lại không được nhiều người biết đến. Đây là một tựa game MMO góc nhìn thứ ba được phát hành bởi Trion Worlds và kênh truyền hình Syfy, với ý tưởng là một series game được phát hành song song với một series truyền hình. Những gì xảy ra trong phim sẽ được lặp lại trong game và ngược lại.
Tuy nhiên thì việc xuất bản song song dẫn đến nhiều vấn đề xảy ra giữa Trion Worlds và Syfy, khi cả hai đều đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu, cố gắng phát hành sản phẩm của mình nhanh nhất có thể, dẫn đến chất lượng không được đảm bảo.
Kết quả là cả series truyền hình lẫn tựa game đều thất bại thảm hại dù có kinh phí đến 70 triệu đô. Đây chắc chắn là một cú ngã đau đớn cho một ý tưởng không tồi nhưng lại được thực hiện một cách ẩu tả.
Nguồn: What Culture