Top 10 tựa game tưởng thất bại nhưng lại trở thành huyền thoại!
Không riêng gì phim ảnh, chương trình truyền hình, hay âm nhạc, game cũng có những trường hợp lúc mới ra mắt thì thất bại ê chề, bị chê bai vì quá kì quặc và bị game thủ ngó lơ luôn. Nhưng bẵng một thời gian sau đó, những tựa game này lại được “khai quật” trở lại và lúc này nó trở thành một huyền thoại, được rất nhiều game thủ quan tâm, săn đón. Sau đây là danh sách 10 tựa game tưởng thất bại nhưng lại trở thành huyền thoại.
Vanquish
Vanquish là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba, và là tựa game console thứ ba của Platinum Games. Tuy nhiên, lúc nó ra mắt thì lại không tạo được tiếng vang và nhanh chóng bị rơi vào quên lãng luôn. Lý do là vì thể loại này đã bắt đầu nhàm, và mối liên kết giữa game thủ và nhà phát triển Nhật Bản lúc đó cũng không thật sự khăng khít cho lắm. Tuy nhiên, đây vẫn là một luồng gió mới mà thể loại này đang tìm kiếm.
Cốt truyện game này khá là phi lý, nhưng may mắn là đây không phải là điều gì đó quá quan trọng. Mà điều quan trọng ở đây là cơ chế combat của Vanquish cực kì căng thẳng, lôi cuốn với nhịp độ và tiết tấu dồn dập. Anh em có thể trượt, kích hoạt hiệu ứng làm chậm thời gian để thực hiện những pha headshot, y nhưng là trong phim Hollywood. Qua năm tháng, những game thủ kì cựu đã tập hợp lại và thuyết phục nhà phát triển làm thêm một phiên bản cho PC. May mắn là nó đã đổ bộ cực kì ngon lành lên nền tảng này, thu hút được nhiều game thủ cả mới lẫn cũ.
Okami
Ban đầu đây là tựa game độc quyền trên PS2, được tạo ra để cạnh tranh với Zelda. Anh em sẽ không có cảm giác chơi game mà nó giống như đi xem tranh thì đúng hơn, vì đồ họa trong Okami cực kì độc đáo. Nhưng mặc dù được giới phê bình khen ngợi rất nhiều về mặt hình ảnh và gameplay, nó chỉ bán được 600.000 đĩa trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2006. Đây là một câu chuyện buồn anh em ạ. Tất nhiên là nó vẫn có những khuyết điểm, nhưng đây vẫn là một tựa game AAA cực kì táo bạo và chơi rất “bánh cuốn”. Nó kết hợp nhuần nhuyễn giữa phần chơi chiến dịch đầy chất phiêu lưu với phong cách đồ họa rất nghệ và cơ chế combat độc nhất vô nhị.
May mắn là sau đó nó được chuyển hệ lên nền tảng Wii và PS3, và sau đó là phiên bản remastered cho PS4. Đó là nhờ lượng fan kì cựu của game đã một phần giữ lửa cho tựa game này, giúp nó được đem lên những nền tảng mới với chất lượng tốt hơn, tiếp cận được nhiều game thủ hơn.
Fahrenheit/ Indigo Prophecy
Fahrenheit (Indigo Prophecy tại thị trường Mỹ) ra mắt vào năm 2005, và đây quả thật là một game vô cùng mới lạ vào thời điểm bấy giờ. Và vì nó chứa quá nhiều tham vọng nên các nhà phê bình cũng tỏ ra lúng túng khi đánh giá tựa game này. Đành là nó nhận được nhiều lời tán dương nhưng hầu hết game thủ đều tỏ ra bối rối với cơ chế trong game, và vì thế nên doanh số của Fahrenheit cũng không mấy khả quan.
Dù vậy, Fahrenheit vẫn là ngọn cờ đầu trong việc kể chuyện mang tính tương tác (interactive storytelling). Cốt truyện trong game chứa rất nhiều tình tiết đầy cung bậc cảm xúc, đặt ra một thước đo mới cho thể loại này. Sau này, càng ngày càng có nhiều người nói về Fahrenheit nhiều hơn, fan cũng ngày một đông hơn và họ tiếp tục ủng hộ những game tiếp theo của David Cage như Heavy Rain chẳng hạn. Sony cũng để ý đến chuyện này và họ đã quyết định hỗ trợ phát hành những tựa game của Quantic Dream cho đến giờ này.
Demon’s Souls
Đây là tiền thân của Dark Souls đình đám mà anh em đã từng chơi, nhưng vào lúc nó ra mắt thì lại bị… hắt hủi, đến nỗi Phó Giám đốc Sony Entertainment là Shuhei Yoshida còn nghĩ đây là một trò chơi rất tệ. Tuy thế, nó vẫn rất nổi bật nhờ có độ khó cực kì cao, không có cơ chế hướng dẫn chơi và cốt truyện cũng khó mà bám sát được. Ai mà không để tâm đến game này là sẽ rất dễ bỏ qua nhiều chi tiết thú vị trong game, trong đó có cả cơ chế combat cực kì đa dạng. Cơ bản thì chơi game này chẳng khác gì chơi game sinh tồn cả.
Chất lượng của Demon’s Souls được nhiều người truyền miệng, và nó dần dần lấy lại được tiếng tăm mà nó vốn có tại thị trường Mỹ và châu Âu. Hãng Namco đã nhanh chóng “đánh hơi” được điều này và quyết định phát hành game của From Software, cụ thể là với series Dark Souls ra mắt sau đó. Phần còn lại thì thuộc về lịch sử rồi anh em ạ. Sau này thì Sony và From Software có nối lại tình xưa, phát hành Bloodborne độc quyền trên PS4.
Beyond Good And Evil
Michel Ancel – người đã tạo ra Rayman – mong muốn làm một game mới mẻ với thế giới mở chứa đựng cốt truyện đầy chiều sâu. Sau 3 năm phát triển thì Beyond Good And Evil ra đời. Lúc nó ra mắt thì Ancel đã đạt được mục tiêu của mình. Thế giới trong game vô cùng rộng mở và hoành tráng đối với thời đó, còn cốt truyện thì đầy kịch tính và rất cuốn hút. Ngoài ra thì nó còn khiến game thủ cảm nhận được mối quan hệ khăng khít giữa nhân vật Jade và Pey’j.
Tuy nhiên người chơi lại bị choáng ngợp vì cơ chế trong game khá là cồng kềnh. Nó vừa là game khám phá thế giới mở, vừa là đi cảnh, vừa là hành động lén lút, vừa là hành động góc nhìn thứ ba, nói chung là đủ cả. Điều này khiến nhiều game thủ bị bối rối và không muốn mua game về chơi, dẫn đến doanh số khá là ảm đạm – một tin buồn đối với Ancel lẫn Ubisoft. Tuy nhiên, sau 14 năm, với tiếng nói từ cộng đồng fan, cộng với doanh số khả quan của phiên bản remaster HD cho PS3 và Xbox 360, Ubisoft đã quyết định làm tiếp phần 2 và đã tung ra đoạn teaser tại E3 2017.
Alpha Protocol
Alpha Protocol là một tựa game đầy tham vọng của Obsidian Studios, pha lẫn yếu tố cốt truyện rẽ nhánh của Mass Effect với yếu tố hành động của James Bond. Tuy nhiên, game lại bị “sinh non” và vì thế nên thành phẩm đến tay game thủ đã xuất hiện rất nhiều lỗi, đến nỗi khó mà chơi được. Thế là giới phê bình đã chê game này thậm tệ và nó cũng biến mất tăm một cách nhanh chóng.
Bỏ qua cơ chế hành động lén lút trong game này thì yếu tố cốt truyện rẽ nhánh trong game được chăm chút rất tỉ mỉ và chi tiết với nội dung đầy chiều sâu và vô cùng phong phú. Game thủ sẽ phải đối mặt với rất nhiều sự lựa chọn, chẳng hạn như là giết hay tha, liên minh với phe khủng bố thay vì phe còn lại, và tất cả điều này đều dẫn đến những kết cục khác nhau. Tất cả điều này đều đúng với những gì được quảng bá – một điều khá là hiếm gặp từ trước đến nay. Sau nhiều năm thì đã có vài game thủ biết được rằng nếu chấp nhận bỏ qua những thiếu sót của game thì đây là một trong những tựa game có cốt truyện thuộc hàng đặc sắc nhất trong làng game. Cho dù anh em thích dùng miệng để thuyết phục hay dùng tay để cưỡng chế thì Obsidian cũng đã tính toán hết cả rồi, và một khi anh em biết được hệ quả của những hành động mình từng làm thì coi chừng bị nhói đau nơi lồng ngực nhé.
Jade Empire
Jade Empire là một dự án đầy tâm huyết của 2 nhà đồng sáng lập BioWare là Ray Muzyka và Greg Zeschuk, chưa kể đây là tựa game đầu tay của họ. Lúc này thì BioWare đang ở trên đỉnh cao với trò Star Wars: Knights of the Old Republic và Microsoft cũng rất hăng hái trong việc phát hành game này độc quyền trên Xbox. Game nhận được đánh giá cao nhưng không may là vì lúc này Xbox đã sắp “hết thời”, sắp sửa phải nhường ghế lại cho Xbox 360 (và game thủ cũng đang hóng hớt về chiếc máy này) nên lúc ra mắt là nó đã bị chết yểu ngay và luôn, chưa kịp trăn trối một lời nào.
Jade Empire đã lấy yếu tố cốt truyện phong phú và hệ thống combat trong Knights of the Old Republic và pha trộn nó với những yếu tố mang đậm nét Trung Hoa. Kết quả là một tựa game kết hợp hài hòa giữa yếu tố nhập vai truyền thống và cơ chế combat vô cùng xịn sò. Thế giới trong game vừa có đầy những truyền thuyết thú vị, vừa không thiếu những pha combat bốp chát đã tai đã mắt. Sau này nó đã được đem lên PC và game thủ cũng bắt đầu nhận ra được cái hay của game này. Sau đó thì game thủ đã rất mong muốn có thêm phần 2, nhưng vì Muzyka lẫn Zeschuk đều đã nghỉ hưu nên điều này chắc khó mà xảy ra được.
Enslaved: Odyssey To The West
Tựa game này được phát triển bởi Ninja Theory và nó được lấy cảm hứng từ truyện Tây Du Kí trứ danh, gắn liền với bao thế hệ game thủ Việt Nam. Bên cạnh đó, game còn được đầu tư rất nhiều về mặt kĩ xảo motion-capture và kịch bản. Nghe đến đây thôi là đủ thấy thành công vang vọng luôn rồi. Nhưng đời không như là mơ, doanh số game không đạt được như kì vọng và kết thúc game cũng là một cái kết bỏ lửng, không có câu trả lời. Ninja Theory từng thất bại với Heavenly Sword, nhưng với Enslaved thì họ đã rút kinh nghiệm, phát triển điểm mạnh của mình (cốt truyện lôi cuốn và diễn xuất thú vị) và cải thiện những mặt chưa tốt (hệ thống combat mượt mà hơn và hiệu năng chơi game ổn định hơn).
Cái đáng nhớ nhất của game này là bộ đôi nhân vật Monkey và Trip. Nhìn sơ qua thì thấy rất lạc quẻ nhưng càng về sau, khi cùng nhau trải qua nhiều “kiếp nạn” thì game thủ lại càng gắn bó với 2 nhân vật này hơn. Danh tiếng của Ninja Theory cũng được tăng lên từ từ trong giới game thủ lẫn giới phê bình khi game này được “khai quật” lại, và đây là một trong những chiến công hiển hách của Ninja Theory cho đến bây giờ. Chỉ tiếc là không có nhiều game thủ quan tâm đến nó khi game này ra mắt lần đầu mà thôi.
Psychonauts
Tim Schafer là một nhà phát triển sáng chói trong thời kì ở LucasArts, nhưng khi ông tách ra làm riêng với Double Fine Productions thì lại gặp nhiều khó khăn vì dính nhiều “drama” và game thì không có mấy ai thèm chơi. Sản phẩm đầu tay của studio này là Psychonauts, một tựa game đi cảnh 3D đầy sắc màu, hướng đến mọi đối tượng game thủ. Mặc dù game nhận được kha khá đánh giá tích cực, nó chỉ bán được 100.000 bản, khiến nhà phát hành Majesco Entertainment phải tán gia bại sản luôn.
Điều này đồng nghĩa với việc có rất nhiều game thủ chưa có cơ hội được trải nghiệm tựa game vui tươi này. Game có các nhân vật rất dễ mến và có chiều sâu, thế giới trong game nhìn một phát là thích mê luôn, pha lẫn trong đó là một vài yếu tố ma mị, u ám, xen lẫn nguy hiểm. Vào thời điểm đó thì đây là một trong những game đi cảnh hay nhất, và là luồng gió mới khi làng game đang bị chìm đắm trong những tựa game ăn theo GTA: San Andreas. Cũng như những tựa game khác của Schafer, nó dần tìm đến đúng đối tượng game thủ và dần dần được nhiều người ủng hộ. Psychonauts sau đó được chuyển hệ lên các nền tảng khác nhau, giúp game được hồi sinh và tiếp cận được nhiều game thủ hơn ngày trước, đặc biệt nó còn tạo ra lợi nhuận là đằng khác. Series này vẫn đang phát triển mạnh mẽ với bản spin-off dành cho VR ra mắt vào năm 2017, và Psychonauts 2 thì hiện đang trong giai đoạn sản xuất sau khi gọi vốn thành công.
Spec Ops: The Line
Game này được ra mắt vào lúc làng game đang đầy rẫy những game bắn súng góc nhìn thứ ba với bối cảnh quân sự. Đây là một phiên bản reboot của series Spec Ops nhưng lúc quảng bá thì nó lại khá là mờ nhạt, cho nên game thủ chẳng biết được rằng bên trong game này còn ẩn giấu một điều vô cùng bất ngờ. Kết quả là khi game ra mắt thì doanh số chẳng khá khẩm gì mấy, game thủ cũng tỏ ra thờ ơ với nó.
Bề nổi thì đây vẫn là một game bắn súng hay, với cơ chế squad và A.I. có thể nói là được đầu tư đàng hoàng. Nó không tái định nghĩa lại thể loại game này, nhưng vẫn chơi ngon lành. Nhưng cái ăn tiền của game này lại chính là cốt truyện của nó. Khi nhóm 3 người tiến vào thành phố Dubai bị tàn phá bởi chiến tranh, Spec Ops: The Line đã chuyển từ một game hành động bình thường sang một game khác hoàn toàn. Nhà phát triển đã cho game thủ thấy được sức tàn phá thực sự của chiến tranh và những gì nó đã gây ra đối với những binh sĩ sau cuộc chiến. Cụ thể thì trong game nó đã khiến nhân vật chính bị ảo giác, và chính anh là người đã gây ra cuộc thảm sát chứ chẳng có tên trùm nào ở đây cả. Đây là một tựa game “lạc loài” với công thức khác hẳn với những game cùng thời, nhưng may mắn thay là danh tiếng của nó đã được truyền miệng và cả game thủ lẫn giới phê bình đều ca tụng đây là một trong những tựa game có lối kể chuyện đặc sắc nhất.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!