Top 10 tựa game thảm họa khiến fan cuồng cũng phải ngoảnh mặt!
Bên cạnh những tựa game bom tấn hoành tráng thì chúng ta cũng không thiếu những thảm họa, hứa thật nhiều rồi thất hứa cũng thật nhiều. Thậm chí, có game còn tệ đến mức ngay cả fan gạo cội cũng phải lắc đầu ngao ngán, thừa nhận rằng nó không thể cứu vãn được nữa. Sau đây là danh sách 10 tựa game thảm họa khiến fan cuồng cũng phải ngoảnh mặt.
Anthem
Anthem được EA và BioWare ấp ủ và nung nấu rất lâu, và nó được rất nhiều game thủ mong đợi sẽ là tựa game bom tấn AAA đối đầu với Destiny các kiểu. Tuy nhiên, màn chào sân của nó lại vô cùng thảm họa. Phần chơi chiến dịch thì cứ chung chung, không có chiều sâu, cứ lặp đi lặp lại; màn hình loading thì chờ dài cả cổ; chơi mạng thì tìm trận cũng không xong. Anthem bị báo chí dập tơi tả sau khi ra mắt. Tệ hơn nữa là sau đó đã có những bài viết cho thấy quá trình phát triển game đã gặp không ít trục trặc.
BioWare cũng đã có nhận trách nhiệm về mình và hứa hẹn game sẽ được hoàn thiện thông qua các bản vá. Do đó, nhiều fan đã tin vào lời này, cho rằng nó sẽ được tái sinh như Hello Games đã làm với No Man’s Sky. Họ tin rằng chỉ cần vài bản cập nhật thôi là Anthem lại ngon lành ngay. Tuy nhiên, sau 18 tháng trời kể từ ngày phát hành, lời hứa của BioWare vẫn chưa thể trở thành hiện thực, và cứ mỗi tháng trôi qua chúng ta lại càng nghĩ rằng EA đã âm thầm bỏ dự án này và tập trung làm game khác luôn. Mặc dù Anthem bây giờ cũng đã khá hơn trước nhiều rồi, nhưng nhìn chung thì game vẫn chưa thể ngoi đầu lên được anh em ạ.
Shenmue III
Tại sự kiện E3 năm 2015, fan của dòng game này đã mừng rớt nước mắt khi biết tin sẽ có phần 3. Mặc dù có nhiều người hoài nghi về mô hình gây quỹ cộng đồng của phần này, chưa kể ngân sách cũng thấp hơn 2 phần trước, nhiều game thủ vẫn rất vui vẻ “góp gạo thổi cơm chung” vì có phần 3 đã là vui lắm rồi. Đúng là Shenmue III vẫn được đón nhận đó, nhưng bên cạnh đó cũng không ít người cho rằng phần này chẳng khác gì một tựa game rẻ tiền, kì quặc, và chả giải quyết được nút thắt nào trong cốt truyện cả.
Cơ chế combat và điều khiển trong game khá là cổ lỗ sĩ. Có người cho rằng nhà phát triển cố tình làm vậy để cho nó giống với 2 phần trước; nhưng song song đó cũng có game thủ nghĩ rằng vì ngân sách có hạn nên mới thành ra nông nỗi như vậy, chứ không là sẽ có một tựa game Shenmue xịn sò hơn rồi. Cái kết trong phần này thuộc dạng mở, và người chơi không hề vui vẻ về điều này. Có người đã phản biện rằng trước khi ra mắt thì nhà phát triển có nói Shenmue III sẽ là một phần trong bộ truyện lớn, và sau này sẽ còn thêm nhiều phần tiếp theo nữa. Nhưng rồi họ cũng phải thừa nhận rằng xác suất phần 4 được phát triển là cực kì thấp. Thay vì kết thúc câu chuyện gọn đẹp trong phần này, nhà phát triển lại muốn vẽ tiếp trong khi đã… hết mực.
Resident Evil 6
Nếu phần 5 đánh dấu cho việc “đi xa bờ”, tách khỏi yếu tố kinh dị – sinh tồn trứ danh của dòng game này thì Resident Evil 6 có thể xem như là ở ngoài khơi luôn rồi. Phần này tập trung nhiều vào yếu tố hành động cháy nổ, y như phim Hollywood chứ chả thấy kinh dị ở đâu cả. Với 4 màn chơi chiến dịch đan xen với nhau, game thủ sẽ phải tốn rất nhiều công sức để “phá đảo” trò này. Đó là chưa kể thiết kế trong game cũng chẳng mới mẻ gì mấy, còn cách dẫn truyện thì khùng điên gì đâu. Tuy nhiên, fan của Resident Evil vẫn ráng bám víu, cho rằng đây là một trạng thái “bình thường mới” của series Resident Evil nên cứ học cách chấp nhận thôi. Tuy nhiên, đến khi phần 7 ra mắt và chứng minh điều ngược lại là đúng thì lúc đó fan mới xem phần 6 là tựa game “lạc loài”.
Duke Nukem Forever
Khi một tựa game mất 15 năm để phát triển thì hoặc là nó sẽ trở thành tuyệt phẩm, hoặc là nó sẽ trở thành thảm họa, và thường thì sẽ là trường hợp thứ nhì. Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Duke Nukem Forever là một thảm họa, fan vẫn rất vui mừng khi thấy tựa game này được hoàn thành. Tất nhiên là nó vô cùng dở tệ anh em ạ, và 3D Realms đã không hoàn thành được nhiệm vụ phát triển dòng game này. Lẽ ra gameplay của Duke Nukem Forever phải giống với Doom (2016) – một tựa game reboot được làm rất ngon lành, biết cách biến những giá trị cốt lõi cũ thành những giá trị mới cho phù hợp với thời đại. Nhưng Duke Nukem Forever đã không giữ được lời hứa của mình, và ngay cả fan cứng của series này cũng thừa nhận rằng game chẳng hề đáng chơi một chút nào.
Star Wars Battlefront
Đây là phiên bản reboot của dòng game Star Wars Battlefront và nó bị chê tơi tả anh em ạ. Bản Battlefront (2015) này được ca ngợi vì có hình ảnh bắt mắt và gameplay hoành tráng, tuy nhiên lại bị chỉ trích vì không có nhiều nội dung, nhất là việc thiếu hẳn mục hơi đơn, không cho game thủ tùy biến nhiều, và gói Season Pass thì quá mắc. Nhưng vì gameplay quá hấp dẫn, cộng thêm việc đây là một game Star Wars “ổn áp” sau nhiều năm, nhiều người đã chấp nhận nhắm mắt cho game này “qua môn”, và tin rằng phần tiếp theo nó sẽ làm tốt hơn.
Tuy nhiên, khi phần tiếp theo ra mắt 2 năm sau đó thì nó đã phải nhận lấy rất nhiều gạch đá từ cộng đồng. Bên cạnh chế độ chơi đơn thiếu chiều sâu thì game còn bị gắn mác là hút máu game thủ. EA sau đó có tiếp thu và sửa lỗi, nhưng những gì đã xảy ra thì cũng đã xảy ra rồi. Và game thủ thường sẽ nhớ rất dai chứ không mau quên đâu.
Mighty No. 9
Đây là một bài học về việc nên cẩn thận với những game gây quỹ từ cộng đồng. Được xem như là hậu duệ của dòng game Mega Man huyền thoại, Mighty No. 9 đã thu về số tiền quyên góp hơn 4 triệu USD trên Kickstarter chỉ trong vòng 1 tháng sau khi được công bố. Fan rất háo hức, ngóng trông được chơi một tựa game gắn liền với tuổi thơ của mình. Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, và game cứ bị dời ngày phát hành hết lần này đến lần khác. Với số tiền vượt 400% dự định ban đầu, nhà phát triển đã đặt ra rất nhiều tham vọng khác nhau, nhưng đến khi ra mắt vào năm 2016 thì Mighty No. 9 chỉ là một tựa game nhạt nhẽo, đồ họa cũng chẳng có gì ấn tượng cả.
Đối với fan thì khoảng thời gian cận kề ngày ra mắt cứ như là một thước phim đụng xe được quay chậm vậy. Họ dần nhận ra rằng số tiền mà mình quyên góp cho game này đã đổ sông đổ bể hết rồi. Tệ hơn nữa, trailer cuối cùng của game đã khiến những ai ủng hộ trước đó đều cảm thấy bị xúc phạm. Không có gì khó tả bằng việc bỏ tiền ra cho một tựa game chưa từng tồn tại, để rồi đến khi cầm nó trên tay thì đành phải ngậm đắng nuốt cay mà không làm được gì cả.
Fallout 76
Cộng đồng fan của Bethesda thường rất dễ xí xóa. Cứ mỗi khi có một tựa game The Elder Scrolls hay Fallout bị phản ánh có lỗi đầy nhóc là thế nào cũng có người bình luận rằng: “Đây là game của Bethesda mà, bạn hi vọng điều chi?”. Thường thì gameplay của những game này tuyệt cú mèo nên những lỗi kia có thể châm chước được, có khi còn chấp nhận nó là một phần của game luôn. Tuy nhiên, Fallout 76 là một câu chuyện khác hoàn toàn. Fallout 76 được game thủ háo hức mong chờ vì đây là tựa game Fallout đầu tiên có chế độ chơi mạng, cho phép anh em cùng đồng đội đi khám phá vùng đất Wasteland. Dĩ nhiên có rất nhiều fan tin vào lời hứa hẹn này, nhưng sự thật thì Fallout 76 là một thảm họa anh em ạ.
Bên cạnh một đống lỗi lớn nhỏ, trải nghiệm trong game cũng chẳng hề tốt lành gì: cảnh vật thì khô cằn, nhiệm vụ thì chẳng có gì đặc sắc, và khi mới ra mắt game còn chẳng có nhân vật NPC để người chơi tương tác. Ngoài ra, Bethesda còn dính vụ lùm xùm khi gửi các món vật phẩm chất lượng kém cho những ai đã đặt hàng phiên bản đặc biệt. Phải là fan nào mù quáng lắm mới chấp nhận bỏ qua cho Bethesda trong chuyện này. Nhưng dĩ nhiên là vẫn có chứ không phải là không, và những người này cũng tin rằng game sẽ vực dậy như là trường hợp của No Man’s Sky. Sự thật là mặc dù bản cập nhật Wastelanders gần đây cũng đã cải thiện được phần nào tình hình, nó cũng chỉ là một miếng băng keo cá nhân trong khi vết thương của Fallout 76 toàn là chí mạng.
Mass Effect: Andromeda
Khi Andromeda được công bố thì đã có rất nhiều fan lên tiếng bảo vệ phần này, mặc dù trước đó Mass Effect 3 đã khiến rất nhiều fan cảm thấy chán nản với cái kết không thể lãng xẹt hơn. Vì đội ngũ phát triển game tại BioWare có sự thay đổi nên Andromeda vướng phải nhiều lời chỉ trích vì các lỗi kỹ thuật, cốt truyện và nhân vật không cuốn hút, và nhìn chung thì chất lượng của nó không tương xứng với những phiên bản tiền nhiệm. Tuy nhiên, fan vẫn khăng khăng khẳng định rằng so với phần 3 thì phần này vẫn còn tốt chán, viện cớ là kết thúc của Andromeda khá hơn nhiều so với phần 3, trong khi về những mặt khác thì Mass Effect 3 lại vượt trội hơn hẳn so với phần này.
Đúng là ấn tượng cuối cùng cũng quan trọng không kém, nhưng thành thật mà nói thì có ai nhớ kết thúc của Andromeda là gì đâu. Trừ khúc cuối ra thì những phần còn lại của Mass Effect 3 vẫn rất tuyệt vời, trong khi Andromeda thì từ đầu chí cuối đều chẳng đọng lại được điều gì cả.
Metal Gear Solid V: The Phantom Pain
Metal Gear Solid V có lẽ là một trong những nỗi thất vọng lớn nhất trong làng game vì có cốt truyện không được hoàn thiện. Vì xung đột giữa Hideo Kojima và nhà phát hành Konami mà game này không được hoàn thiện như mong đợi. Chính xác là Kojima không có cơ hội để hoàn thành chương 3 để kết thúc câu chuyện. Tuy nhiên, những năm sau đó, fan đã tự nhủ rằng chẳng qua đây chỉ là một phần trong kế hoạch lớn của Kojima mà thôi, và chương 3 sẽ được mở ra sau khi người chơi vô hiệu hóa tất cả vũ khí hạt nhân (nằm trong sự kiện Nuclear Disarmament Event) trong game.
Nhưng điều này đã được chứng minh là sai vào năm 2018, khi sự kiện này được kích hoạt thì nó chỉ là một đoạn cutscene mà thôi, chứ chẳng phải là kế hoạch sâu xa gì của Kojima cả. Đáng lẽ ra game sẽ còn hoành tráng hơn nữa chứ không bèo bọt như thế này, nếu không phải là do vụ rùm beng giữa Kojima và Konami kia.
The Last Guardian
The Last Guardian không hẳn là game dở, nhưng bạn phải chấp nhận bỏ qua rất nhiều lỗi thì mới có thể tận hưởng trọn vẹn được game này. Nó được phát triển trong gần 10 năm, thay vì phát hành trên PS3 như dự tính ban đầu thì cuối cùng nó đã được phát hành trên PS4 luôn. Trong những năm im hơi lặng tiếng đó, nhiều fan đã suy nghĩ rằng có khi game bị hủy luôn không chừng. Nhưng The Last Guardian cũng đã ra mắt vào tháng 12/2016, được tung hô nhờ có đồ họa mãn nhãn và cốt truyện đầy cảm động; nhưng bên cạnh đó cũng bị chỉ trích vì gameplay cũ mèm, AI kém thông minh, và cơ chế điều khiển thì cồng kềnh.
Nhiều người chày cối rằng đó là do nhà phát triển muốn làm vậy để cho người chơi thấy rằng cậu bé nhân vật chính phải giao tiếp với con sinh vật khổng lồ khó khăn đến mức nào; nhưng ai cũng biết được một điều rằng vì game được phát triển từ PS3 sang đến đời PS4 nên mới sinh ra nhiều lỗi như vậy. Ngay cả fan cũng thấy được rằng khâu phát triển game đã gặp không ít vấn đề và bản thân game cũng bị dời ngày ra mắt nhiều lần rồi.
Nguồn: What Culture
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game cho bạn phiêu lưu giữa mùa đông tuyết trắng
- Top 10 nhân vật AI nổi tiếng nhất thế giới game
- Top 10 nữ thần trong game khiến bạn tin vào tình yêu đích thực
- Vì ai cũng cần desktop ấn tượng, mời tải bộ hình nền “thứ anh cần là nụ cười của em”
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!