Mục đích của game không chỉ để giúp bạn thư giãn giải trí mà đôi khi nó còn để kiểm tra xem bạn giỏi đến đâu. Thường thì nó sẽ có 2 cách để làm điều này: yêu cầu bạn giải đố, hoặc là có phản xạ nhanh. Tuy nhiên, có những game không đi theo 2 cách trên mà nó lại có một mục đích khác, đó là làm đầu óc bạn rối bời.
Không nhất thiết phải là máu me, nhạc rùng rợn, hay con trùm bự tổ chảng, nhiều khi chỉ cần một sự lặng thinh và một kẻ địch duy nhất chính giữa căn phòng cũng đủ khiến bạn cảm thấy vô cùng sợ hãi. Thậm chí có những game đồ họa nhìn vô cùng lỗi thời, nhưng khi chơi thì game thủ sẽ phải đổ mồ hôi hột.
Sau đây là danh sách 10 tựa game mà kẻ thù lớn nhất lại chính là trí tưởng tượng của bạn.
Slender: Eight Pages
Trong game này, bạn cần phải tìm cho ra 8 trang giấy trong một khu rừng rậm âm u, và tất nhiên là đang bị rượt đuổi bởi Slender Man bí ẩn. Nếu bạn tốn quá nhiều thời gian để tìm 8 trang giấy này hoặc chạm trán với Slender Man là coi như game over.
Nghe thì có vẻ đơn giản nhỉ? Đi tìm các mảnh giấy và né một hình nhân bị suy dinh dưỡng là xong. Tuy nhiên, cái khó ở đây là Slender Man mặc một bộ đồ màu đen nên rất khó để nhìn thấy hắn ta, khiến game thủ dễ bị đâm sầm vào hắn, và thế là xong phim. Bạn có thể nghĩ rằng vì mặt của hắn trắng bệch nên cũng dễ phát hiện. Nhưng cũng chính vì vậy mà bạn sẽ dễ bị nhầm lẫn nhiều thứ sáng bóng là đầu của Slender Man, khiến bản thân bị hoảng sợ không vì một lý do gì cả.
Đôi lúc, “mặt” của hắn cũng sẽ xuất hiện trên màn hình chỉ trong tích tắc, đồng thời tiếng đàn piano bị sập cũng vang lên, khiến bạn có một phen khiếp vía. Nếu bạn nhìn Slender Man trong vòng một giây thì màn hình sẽ bị mờ. Và khi nhìn thấy hắn ba bốn lần gì đó thì màn hình sẽ bị nhiễu hạt, và gần như là bạn sẽ chẳng thấy gì cả. Game tuy ngắn, nhưng ít ra thì nó còn đáng sợ hơn cả phiên bản trên phim nữa.
Clock Tower
Trong game point-and-click này, bạn sẽ vào vai Jennifer, một đứa trẻ mồ côi được nhận nuôi bởi một dật tên là Barrows. Khi Jen khám phá căn biệt thự của Barrow thì cô ta biết được rằng mình đang bị Scissorman – một đứa bé bị dị dạng, trên tay cầm cây kéo làm vườn – truy sát.
Mỗi khi mà bạn nghe tiếng nhạc của Scissorman cất lên là biết hắn đang ở xung quanh, và nhìn dáo dác xung quanh xem hắn sẽ đến từ hướng nào. Thường thì hắn sẽ xuất hiện từ hướng mà bạn ít nghĩ đến nhất. Khi Jen đang trong một căn phòng đầy man-nơ-canh (mannequin) thì bạn sẽ nghĩ rằng Scissorman sẽ nhảy ra, nhưng không. Đến khi bạn vào một căn phòng khác, khi đang di chuyển mấy cái thùng thì hắn đột nhiên xuất hiện khiến bạn có một phen hú hồn.
Khi hắn dồn bạn vào góc tường, bạn sẽ leo lên cầu thang và nghĩ rằng Scissorman đang cầm cây kéo bự chảng thế kia thì làm sao mà leo thang được. Đúng vậy, vì leo không được nên hắn sẽ rời khỏi khu vực đó, và bài nhạc dịu dần đi, ám chỉ rằng cơn nguy kịch đã qua. Và đùng một phát, hắn tự động “tốc biến” đến ngay vị trí của bạn đang đứng và vung cây kéo ra. Đây cũng chính là lúc mà bạn biết rằng phải luôn đề cao cảnh giác trong game này, chứ mà lơ là có khi mất mạng như chơi.
3D Monster Maze
Trò này có một tiền đề (premise) khá là đơn giản nhưng cũng rất dị: Bạn bị mắc kẹt trong một mê cung cùng với con khủng long Tyrannosaurus Rex, và bạn phải tìm đường thoát trước khi con khủng long đó ăn thịt bạn.
Bây giờ thì nghe nó chả có gì là sợ hãi, nhưng hồi lúc nó ra mắt vào năm 1982 thì là một câu chuyện khác hoàn toàn. Lúc đó nó là một trong những game đầu tiên thuộc thể loại kinh dịnh – sinh tồn. Ngay trong phần mở màn (intro) là nó đã cảnh báo người chơi rằng game này không dành cho những người bị yếu tim.
Mặc dù đồ họa trong game nhìn rất là cổ lỗ sĩ, nhưng bầu không khí mà nó tạo ra là vô cùng ghê rợn. Khi bạn đi lòng vòng mê cung thì sẽ nhận được những đoạn tin nhắn báo hiệu là bạn đang nghe được tiếng chân, hoặc là con T-Rex đã thấy được bạn.
Một điều buồn cười là chính nhờ những đoạn tin nhắn này mà game mới đáng sợ đến như vậy. Việc biết được con khủng long đang ở đâu sẽ khiến bạn suy nghĩ nhiều, và có xu hướng hoảng sợ, làm mọi thứ rối tung lên và đi lộn đường, tiếp tục mắc kẹt trong cái mê cung đó. Đây là một tựa game dù đã 38 năm tuổi nhưng vẫn có thể khiến người chơi cảm thấy trun sợ trước dòng chữ: “CON T-REX ĐANG TRUY SÁT BẠN”.
Enemy Zero
Điểm mấy chốt của game này rất là đơn giản: Kẻ địch sẽ hoàn toàn vô hình. Bạn sẽ phải đoán xem kẻ địch đang ở gần hay ở xa nhân vật chính – Laura – dựa trên tiếng động phát ra khi chúng tiến đến gần.
Enemy Zero sẽ làm mọi thứ để khiến bạn cảm thấy lo sợ. Cây súng của bạn cứ bắn một viên là phải chờ nạp lại đạn, và cần phải tốn một khoảng thời gian nhất định để nạp đạn chứ không là súng sẽ không bắn được. Ngoài ra thì cây súng đó có tầm bắn rất hạn chế. Nếu bạn tinh toán sai khoảng cách giữa mình và kẻ địch thì coi như là tiêu đời rồi đó.
Đã thế, một số âm thanh mà bạn nghe được là phát ra từ con tàu, chứ không phải là từ kẻ địch. Nghĩa là mỗi khi mà bạn nghe tiếng động thì phải xác định xem đó có phải là kẻ địch hay không, nếu đúng là vậy thì phải ước lượng nó đang ở vị trí nào, có rơi vào tầm bắn chưa. Đoán đúng thì sống, đoán sai thì game over.
Ngoài ra thì việc trốn chạy, nạp đạn cũng tốn rất nhiều thời gian nên người chơi cần phải quyết định xem lúc nào nên bắn, lúc nào thì phải chạy trốn. Bạn cũng có một lượng đạn nhất định mà thôi, cho nên đừng nghĩ cứ xả đạn giết hết kẻ địch trong game là xong nhé. Bạn chỉ có thể thắng khi kết hợp giữa tay vào não, chứ nếu chỉ xài tay thôi thì khó mà sống qua con trăng lắm.
Resident Evil
Phiên bản Resident Evil gốc có một yếu tố rất là khó chịu: góc camera. Vì camera trong game sẽ “chết dí” một chỗ luôn nên rất khó để mà nhìn xem đằng sau góc tường kia là gì. Do đó, khi bạn nghe tiếng con zombie đang khuất đằng sau góc tường kia, nhưng không biết là nó xa gần như thế nào thì sẽ khiến bạn cảm thấy rất là hoang mang. Tất nhiên, đây là dụng ý của Capcom để tăng tính kinh dị, hồi hộp cho game này.
Ngay cả khi bạn đi qua hành lang mà bạn đã đi đi lại lại cả chục lần, chắc mẩm là chẳng có con zombie nào, thì đùng một phát, có con zombie Rottweiler nhảy qua cửa sổ khiến bạn một phen hết hồn. Đây cũng chính là lúc mà bạn biết rằng mình không bao giờ an toàn.
Trong phần reboot – Resident Evil Remake – có một loại zombie mới tên là Crimson Head. Nếu một con zombie không bị chặt đầu hay bị đốt thì nó sẽ tự hồi sinh thành Crimson Head về sau game. Vì thế nên mỗi khi đi ngang qua một cái xác zombie mà bạn đã giết, bạn sẽ không biết được rằng nó có sống dậy và nhảy bổ vào người của bạn hay không.
Đây có thể nói là phần Resident Evil đáng sợ nhất vì nó phụ thuộc vào yếu tố hồi hộp và bầu không khí u ám, thay vì là những trận đấu với mấy con quái vật.
I Have No Mouth And I Must Scream
I Have No Mouth And I Must Scream là một trong những tựa game đầu tiên được cho là “cơn ác mộng”. Cũng đúng thôi, tại trong game có yếu tố bạo dâm, diệt chủng, và điên rồ mà. Game có bối cảnh trong tương lai, sau khi một siêu máy tính tên là AM đã quét sạch loài người. Do AM cực kì căm phẫn loài người nên nó đã tha mạng cho 5 người, và biến họ trở thành nhân vật bất tử để nó có thể tra tấn những người này suốt kiếp.
Thứ khiến bạn rùng mình nhất trong game không phải là thứ hiện diện trước mặt bạn, mà là thứ mà game đang “ngụ ý” bên trong. Mỗi hình phạt với 5 con người kia là đúng với những tội lỗi mà họ đã tạo ra. Chẳng hạn như một người thì đang chết đói và luôn miệng nói rằng hắn ta sẽ ăn bất cứ thứ gì để sống, hàm ý rằng trước đây hắn là một kẻ ăn thịt người.
Mặc dù AM đã chọc tức những tù nhân bằng cách miêu tả những đớn đau mà họ sẽ phải chịu đựng, hầu hết nội dung bạo lực trong game đều không xảy ra trước mặt game thủ. Tuy nhiên, điều này lại khiến bạn suy nghĩ nhiều và cảm thấy game này còn ghê sợ hơn rất là nhiều, bởi vì trí tưởng tượng của chúng ta thường “bay cao bay xa”, nên những hình phạt kia cũng vì thế mà trở nên ghê rợn hơn gấp bội phần.
Đúng là không có gì hiệu quả bằng trí tưởng tượng của con người.
Undertale
Vào cuối game, bạn sẽ phải đánh bại một kẻ tâm thần vô cùng tàn bạo, đó là Flowey the Flower. Flowey cực kì mạnh, có thể giết người chơi chỉ trong tích tắc trong lần chơi đầu tiên. Và khi bạn chết thì màn hình sẽ hiện lên chữ “Game Over”.
Đây cũng là lúc mà game khiến bạn bối rối nhất. Flowey bất ngờ reset savegame của bạn về lúc trước khi bạn chết, cho phép bạn thử lại. Đây dường như là một cử chỉ thiện lành của Flowey, cho đến khi hắn ta thừa nhận rằng mình làm vậy là để có thể giết bạn lần nữa, lần nữa, và lần nữa.
Mặc dù Undertale có lối chơi dạng theo lượt, màn đấu trùm cuối này thì chả có lượt nào ở đây cả nên bạn sẽ chẳng biết phải đấu với hắn như thế nào. Hơn nữa, nếu bạn né đòn thì Flowey cũng sẽ reset savegame của bạn, đặt bạn ngay trước đường đạn của hắn.
Nhưng đây không phải là cách duy nhất mà Flowey có thể can thiệp vào savegame của bạn. Khi người chơi biết được rằng tha thứ cho kẻ địch sẽ khiến mạch game tiến triển theo chiều hướng khác nhau, một vài game thủ đã mở savegame cũ để chơi lại mà không giết một ai cả.
Và đến khi bạn gặp Flowey, hắn sẽ nhắc bạn nhớ rằng bạn đã giết những ai trong lần chơi đầu tiên, chỉ để khiến đầu óc bạn bị rối bời mà thôi.
Silent Hill
Đúng thật là Silent Hill có rất nhiều quái vật khiến bạn mất ăn mất ngủ, nhưng ác mộng thật sự không xuất hiện trước mặt bạn đâu. Các yếu tố như bầu không khí ngột ngạt, nhạc nền rùng rợn đã khiến cho game thủ đứng ngồi không yên. Đã thế, sương mù trong game còn khiến game thủ vô cùng bất an vì không tài nào biết được rằng kẻ địch đang ở xa hay ở gần.
Khi bạn nghe tiếng móng tay đang cào cấu phía bên trong tủ đồ hoặc là tiếng em bé đang kêu khóc ở phía xa xa, người chơi thường sẽ do dự, tự hỏi rằng mình có thật sự muốn khám phá “bí mật” đó hay không. Người chơi sẽ không thể nào quên được cái cảm giác mà lần đầu tiên bước vào cái thang máy, và đột nhiên nhận ra rằng có thêm một tầng lầu mà trước đây chẳng hề có.
Lý do mà những khoảnh khắc như thế này rất ghê sợ là bởi vì bạn đang mong chờ một điều gì đó, chỉ là bạn chẳng biết điều đó là điều gì mà thôi. Và thường thì bạn sẽ tưởng tượng ra những thứ còn ghê sợ hơn rất nhiều so với thứ mà bạn tìm thấy.
Five Nights At Freddy’s
Trong Five Nights At Freddy’s, bạn sẽ vào vai Mike Schmidt – một bảo vệ làm ca đêm tại một nhà hàng tên là Freddy FazBear’s Pizza. Chỉ trong tích tắc, bạn sẽ biết được rằng nhà hàng này có đầy rẫy những con thú luôn tìm mọi cách tiêu diệt bạn. Bằng cách kiểm tra các camera an ninh, bạn cần phải xác định được vị trí của những con thú này để sống sót.
Nhiệm vụ trong game rất đơn giản: mỗi đêm, bạn cần phải sống sót trong 6 tiếng đồng hồ (thời gian trong game là 8,5 phút) trước khi các con thú tiến đến phòng của bạn. Nếu chúng tiến đến quá gần thì bạn cần phải đóng một trong số các cánh cửa.
Vì nguồn điện có hạn nên bạn phải lựa chọn xem nên đóng cửa vào lúc nào và đóng trong bao lâu. Nhưng bạn sẽ không thể nào biết là bạn đã an toàn hay chưa, trừ khi bạn xem camera. Và xài camera thì… tốn điện. Mấu chốt là ở đó đó.
Cách tốt nhất để tiết kiệm điện là không kiểm tra camera, đồng nghĩa với việc bạn chẳng tài nào biết được lũ thú vật kia đang đi tới đâu. Nếu bạn không kiểm tra camera thì sẽ chẳng tài nào biết được rằng những con thú kia đang ở trong phòng của chúng, hay là chỉ còn 2 giây nữa là lấy được mạng của bạn. Chúng không đáng sợ, mà cái đáng sợ ở đây là việc bạn suy nghĩ quá nhiều.
Eternal Darkness: Sanity’s Requiem
Mở đầu game là Alexandra Roivas trở về nhà sau khi ông của cô bị sát hại. Sau khi lục tung căn nhà của ông để tìm manh mối thì Roivas biết được rằng cái chết của ông có liên quan đến một thực thể ngoài vũ trụ với ý định là sẽ tiêu diệt thế giới.
Xuyên suốt game, người chơi sẽ được điều khiển 12 nhân vật tương ứng với 12 thời kì. Đây là những người đã từng gặp con quái vật này. Trên hành trình, bạn sẽ bắt gặp yêu quái, ma quỉ, zombie, quái thú, và cả những vị thần nữa.
Tuy nhiên, “chướng ngại vật” lớn nhất trong game lại chính là bản thân game thủ. Eternal Darkness là tựa game đầu tiên có thanh Sanity Meter để đo độ tỉnh táo của nhân vật. Mỗi khi mà bạn nhìn thấy một sự kiện siêu linh (paranormal) nào đó thì thanh Sanity Meter sẽ bị giảm xuống. Nếu tuột quá mức thì bạn sẽ bắt đầu bị ảo tưởng. Nhưng những ảo tưởng này lại rất là “khôn khéo”, có thể đánh lừa người chơi dễ như trở bàn tay.
Thanh Sanity Meter mà cạn kiệt thì bạn còn có thể nghe tiếng trẻ em gào thét hoặc nghe thấy tiếng ruồi muỗi bay ngang màn hình. Thậm chí, nó còn khiến cho người chơi nghĩ rằng savegame của bạn đang bị xóa. Khoảnh khắc khiến người chơi giật bắn người là lúc Rovias tiến vào phòng tắm để kiểm tra, và thấy chính bản thân mình đang nằm trong một cái bồn đầy máu.
Nguồn: What Culture