Nếu các bạn để ý thì trong những năm gần đây, các hãng game thường hay có xu hướng remake các tựa game kinh điển, khoác lên mình một chiếc áo mới nhằm thu hút fan gạo cội lẫn người chơi mới. Tuy nhiên, vẫn còn kha khá tựa game ngày xưa được rất nhiều fan đón nhận nhưng đến giờ vẫn chưa được remake. Sau đây là top 10 tựa game kinh điển cần được remake để thỏa lòng mong ước của fan.
Beyond Good & Evil
Beyond Good and Evil ra mắt vào năm 2003 và được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, doanh số của game lại không được như mong đợi nên nó bị cho là thất bại. Tựa game hành động – phiêu lưu này được Ubisoft phát triển, và sở dĩ nó được khen ngợi là nhờ có cốt truyện thu hút và phong cách đồ họa khá là ấn tượng.
Tựa game này có một lượng fan nhất định, và đến năm 2011 thì đã xuất hiện thêm bản HD remaster dành cho Xbox và PlayStation. Phiên bản này tiếp tục được fan khen ngợi nhờ có đồ họa được cải thiện và đồng thời vẫn giữ được cái hồn của bản gốc. Tuy nhiên, bản remaster chỉ nâng cấp đồ họa và nhìn chung thì vẫn cảm nhận được rằng đây là một tựa game ra mắt từ lâu, chứ nó vẫn không hợp thời cho lắm.
The Elder Scrolls III: Morrowind
Trước khi series Elder Scrolls có được thành công vang dội với The Elder Scrolls V: Skyrim và The Elder Scrolls IV: Oblivion thì dòng game này không thật sự phổ biến cho lắm, trừ khi bạn là fan của thể loại nhập vai.
Trong đó, phần ba Morrowind nhận được nhiều lời khen ngợi và được game thủ rất yêu thích nhờ tính năng cho phép người chơi di chuyển khắp bản đồ và có thể nhận thêm nhiệm vụ phụ ngay từ khi bước chân vào thế giới game. Morrowind cho phép bạn tự do khám phá rất nhiều thứ, nhưng khi xét trong bối cảnh hiện đại thì game này có hơi bị cổ lỗ sĩ các bạn ạ, mặc dù đây là một trong những tựa game được thiết kế công phu nhất thời bấy giờ.
Do đó, việc giữ nguyên giá trị cốt lõi của tựa game này và nâng cấp chất lượng đồ họa sẽ là một điều khiến fan vô cùng hứng khởi. Có một nhóm modder đã bắt tay vào việc cập nhật đồ họa game này với engine Skyrim rồi, nhưng bản remake chính chủ thì hiện tại vẫn bặt vô âm tín.
SSX Track
Tựa game trượt tuyết này được phát triển bởi EA Sports Big và phát hành vào năm 2001 trên nền tảng PS2, GameCube, và Xbox. Vì đây là phần thứ nhì trong series SSX nên nó được bổ sung rất nhiều thứ hay ho dựa trên nền tảng của phần trước. Ngoài ra, vì game có chế độ local multiplayer (chơi nhiều người thông qua mạng nội bộ) để game thủ so tài với nhau nên SSX Tricky lại càng trở nên phổ biến.
Lúc ra mắt, game nhận được rất nhiều lời khen ngợi và doanh số cũng thuộc dạng cao ngút ngàn, tạo tiền đề cho những phần SSX tiếp theo. Vào năm 2012, phần SSX được reboot với những chiêu trượt tuyết đẹp mắt cùng đồ họa chân thật hơn. Tuy nhiên, series này hiện đã chìm nghỉm, chẳng thấy tăm hơi đâu cả mặc dù nó vẫn được đánh giá cao. Hi vọng rằng trong thời gian tới EA sẽ cân nhắc remake tựa game này để chúng ta có cơ hội được trải nghiệm tựa game trượt tuyết đình đám một thời này.
Alpha Protocol
Vào năm 2010, Obsidian Entertainment đã cho ra mắt 2 game, một là game nhập vai Fallout: New Vegas được game thủ cực kì yêu mến, và hai là Alpha Protocol. Alpha Protocol là tựa game nhập vai với nhân vật chính là một gián điệp “gà mờ” vừa mới được tuyển vào trụ sở. Nhiệm vụ của bạn là đi vòng quanh thế giới để khám phá bí mật của một băng nhóm khủng bố, và tất nhiên trên hành trình sẽ đầy ắp bất ngờ đang chờ đón người chơi.
Tuy nhiên, game thủ lại không mấy mặn mà với Alpha Protocol khi nó ra mắt, phần lớn là vì game không được trau chuốt và gameplay thì cũng chỉ tầm tầm nên doanh số không có gì đáng tự hào cho lắm. Dù vậy, game vẫn có một lượng fan trung thành nhất định vì game cho phép bạn lựa chọn thoải mái, và đồng thời cơ chế nhập vai trong Alpha Protocol cũng được làm khá là tốt.
Obsidian có dự định làm phần tiếp theo của tựa game này, nhưng còn phải chờ xem SEGA có cho phép hay không đã. Do đó, một phiên bản remake sẽ hợp lý hơn trong trường hợp này. Đây cũng sẽ là cơ hội để Obsidian sửa sai, khắc phục những cái chưa tốt và cải thiện những gì được game thủ yêu thích trong bản gốc để tạo ra một Alpha Protocol hoàn chỉnh hơn cho game thủ.
Psychonauts
Có nhiều tựa game trong bài viết này được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng khi phát hành thì doanh số lại lẹt đẹt. Và Psychonauts là một tựa game điển hình như thế.
Tựa game được đánh giá cao về phong cách đồ họa, hệ thống cấp độ độc đáo cũng như cốt truyện thú vị và dàn nhân vật đa dạng. Lúc game mới ra phần đầu thì có lẽ là nó còn hơi lạ lẫm với game thủ. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện đại thì rất có thể những phần tiếp theo sẽ được đón nhận như một làn gió mới mẻ. Và điều này khiến nó nên được làm lại để các thế hệ game thủ sau này còn được thưởng thức. Bên cạnh đó thì những nhà thiết kế nghệ thuật ban đầu của tựa game cũng xứng đáng được thấy đứa con của họ tái sinh và tỏa sáng trong một nền đồ họa hiện đại, để rồi giành lấy vinh quang vốn dĩ phải thuộc về nó.
Phần tiếp theo của tựa game đã được công bố vào năm 2015 và sẽ được ra mắt trong năm nay. Nếu phần này bán chạy thì rất có thể phần game gốc sẽ được remake để fan của của tựa game này được trải nghiệm nơi mọi thứ bắt đầu thêm một lần nữa, đương nhiên với một diện mạo mới mẻ và đẹp mắt hơn.
Conker’s Bad Fur Day
Được phát hành trên Nintendo 64 vào năm 2001. Conker’s Bad Fur Day mang đến một bước trưởng thành rõ rệt cho thể loại đi cảnh (platform) đang cực kì phổ biến tại thời điểm đó. Với nhân vật chính là con sóc “thối mồm” hay ăn nói bậy bạ Conker, tựa game hướng đến đối tượng game thủ trưởng thành. Đây chắc chắn là một nét chấm phá độc đáo cho thể loại đi cảnh vốn đã quá bão hòa với mấy con game “thân thiện với trẻ em”.
Nhưng mà xui một cái, Conker’s Bad Fur Day có doanh số không mấy khả quan. Phần lớn nguyên nhân là do ra mắt vào cuối vòng đời của Nintendo 64. Tuy nhiên tựa game này vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng game thủ. Đó chính là lý do nó đã được làm lại một lần vào năm 2005 trên Xbox dưới tên gọi Conker: Live and Reloaded.
Mặc dù đúng là được nâng cấp về mặt đồ họa cũng như chỉnh sửa lại gameplay nhưng nó vẫn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều do sự hài hước của tựa game gốc đã bị cắt xén quá nhiều trong khâu kiểm duyệt, làm vậy hết vui rồi. Thế nên đến tận ngày hôm nay, nhiều fan chân chính của của tựa game này vẫn hy vọng nó được remake một cách đàng hoàng tử tế, giữ nguyên cái chất hài của con sóc “thối mồm” Conker.
Viewtiful Joe
Được ra mắt vào năm 2003 cho hệ máy Nintendo gamecube và PlayStation 2 tựa game hành động đi cảnh Viewtiful Joe đã nhận được rất nhiều thành công về mặt thương mại lẫn truyền thông của giới phê bình và đã trở thành một trong những series game thành công nhất mọi thời đại của được phát hành bởi Capcom.
Với đồ họa mang phong cách cel-shaded, tựa game được phát triển bởi đội ngũ nhân viên mà sau này đã lập nên hãng game PlatinumGames nổi tiếng với những tựa game hành động tiết tấu nhanh.
Với những lợi thế về mặt đồ họa lẫn gameplay của mình, Viewtiful Joe để nhanh chóng nhận được những lời có cánh từ các nhà phê bình. Tuy nhiên, chóng nở chóng tàn, phần game thứ 3 lại bị huỷ vào năm 2006 và nhóm phát triển cũng bị giải tán trong năm 2007.
Cựu giám đốc Hideki Kamiya, người đồng sáng lập PlatinumGames, rất hứng khởi trong việc hồi sinh tựa game này với 1 bản remastered hoành tráng, nhưng quyết định cuối cùng vẫn đang bị bỏ ngỏ bởi Capcom. Với sự trở lại mạnh mẽ của dòng game hành động màn hình ngang thời gian gần đây, có lẽ đã đến lúc thích hợp để Capcom khởi động lại series game đình đám một thời này.
Eternal Darkness: Sanity’s Requiem
Vào thời hoàng kim của mình thì GameCube đã cho ra đời rất nhiều tựa game thu hút đông đảo fan và rất nhiều series mà bây giờ vẫn sống khỏe. Tuy nhiên, thành công lại không đến với tựa game kinh dị góc nhìn thứ ba Eternal Darkness: Sanity’s Requiem ra mắt trên hệ máy này vào năm 2002.
Tựa game kinh dị này được nhiều game thủ khen nhờ vào cốt truyện thu hút và có thêm thanh đo lường sự tỉnh táo của nhân vật chính, nhìn vào là biết ngay chỉ có Eternal Darkness: Sanity’s Requiem mới làm trò này. Nếu game thủ chơi không khéo thì nhân vật chính sẽ bị điên loạn và mất tỉnh táo. Một số tựa game kinh dị khác cũng có cơ chế tương tự, nhưng Eternal Darkness: Sanity’s Requiem có lẽ là game làm tốt tính năng này nhất.
Với sự thành công của máy chơi game cầm tay Nintendo Switch, song song đó là việc công ty này đang hồi sinh dần những tựa game cũ và đưa lên Switch, fan đang rất ngóng trông Eternal Darkness sẽ có bản remake thật hoành tráng.
Tenchu: Stealth Assassins
Tenchu: Stealth Assassins là một tựa game thuộc thể loại phiêu lưu hành động lấy bối cảnh Nhật Bản thời phong kiến. Dù rất thành công và mang lại được nhiều tiếng tăm khi phát hành vào năm 1998 trên hệ máy PlayStation đời đầu, Tenchu: Stealth Assassins lại chìm dần theo thời gian sau một số phiên bản tiếp theo ra mắt trên hệ máy Xbox 360, Wii và PlayStation Portable được đánh giá kém.
Trong phần đầu tiên của Tenchu, các bạn sẽ phải bám sát theo cơ chế ám sát của game, cũng như thực hiện các nhiệm vụ có độ phức tạp cao theo phong cách chơi của riêng bạn trong suốt quá trình Campaign. Một điểm thú vị khác nữa đó là các bạn còn thể lựa chọn một trong 2 nhân vật là Rikimaru hoặc là Ayame để hoàn thành trò chơi. Trong đó, Rikimaru sẽ mạnh thiên về thể chất còn Ayame sẽ mạnh thiên về tốc độ và số lượng combo mà nhân vật này có thể thực hiện. Cốt truyện game theo đó cũng sẽ thay đổi đáng kể tùy theo nhân vật mà bạn lựa chọn khiến cho bạn có thể chơi đi chơi lại Tenchu: Stealth Assassins nhiều lần mà không cảm thấy chán.
Hiện bản quyền của Tenchu đang thuộc quyền sở hữu của FromSoftware, nhà phát triển đã cho ra mắt tựa game lừng lẫy Sekiro: Shadow Die Twice như một bước khởi đầu cho những phần tiếp theo của dòng game Tenchu. Chính vì thế, chúng ta vẫn có thể hy vọng rằng nhà phát triển sẽ có kế hoạch remake lại loạt game Tenchu trong một tương lai không xa.
Vampire the Masquerade: Bloodlines
Vampire the Masquerade: Bloodlines không được dân tình đón tiếp một cách nhiệt tình cho lắm khi mới ra mắt vào năm 2004. Một phần là do tựa game này dính phải một số lỗi kỹ thuật lớn làm ảnh hưởng tới trải nghiệm người chơi, và một phần là vì tựa game này lại ra mắt cùng lúc với một tựa game nóng hổi hơn lúc bấy giờ đó là Half Life 2.
Tuy nhiên, dù không chỉ nhiều lỗi và còn có một màn ra mắt mờ nhạt, Vampire: The Masquerade – Bloodlines vẫn sở hữu cho mình lượng fan đáng kể từ lúc phát hành. Đơn giản là vì Vampire: The Masquerade – Bloodlines cho phép người chơi thoải mái xây dựng hình tượng nhân vật sao cho phù hợp nhất với phong cách chơi của từng người, cũng như tạo sự tự do trong việc lựa chọn phương án xử lý các nhiệm vụ mà tựa game đưa ra. Đến nổi thậm chí nhiều người sau khi chơi xong còn đánh giá đây là một trong những tựa game nhập vai mang lại trải nghiệm đỉnh nhất mọi thời đại.
Để có thể trải nghiệm Vampire: The Masquerade – Bloodlines ở thời điểm hiện tại, các bạn sẽ cần phải tải và cài đặt một bản vá do fan làm để sửa hàng tá lỗi xuất hiện trong game, và đương nhiên là bạn vá này sẽ không phải của chính chủ. Tuy nhiên, với việc các phần tiếp theo đang trong quá trình thực hiện để tiếp nối nội dung của phần đầu tiên thì mình nghĩ đây sẽ là một thời điểm rất thích hợp để “khởi động” lại Vampire: The Masquerade – Bloodlines để mọi người có thể trải nghiệm được cái hay của tựa game này trong lúc chờ các phần tiếp theo hoàn thành.
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!