Top 10 tựa game ép game thủ phải làm điều “trái với lương tâm”, đâu là tựa game khiến bạn cảm thấy áy náy nhất khi chơi?

Trong khi có nhiều game giúp người chơi xả stress, làm khuây khỏa đầu óc, thì bên cạnh đó có nhiều game mà khi chơi xong, anh em sẽ cảm thấy mình là một đứa vô cùng tồi tệ. Lý do là thay vì giúp game thủ cảm thấy phấn chấn, vui vẻ hơn, những game này lại đưa người chơi vào một thế giới ảm đạm, u ám, và rồi bắt ép game thủ phải làm những việc “trái với lương tâm” hoặc buộc người chơi phải đưa ra quyết định mà chọn kiểu nào thì kết cục cũng đều tệ hại cả. Sau đây là danh sách Top 10 tựa game ép game thủ phải làm điều “trái với lương tâm”.


Cảnh báo: Có Spoiler!!!


Silent Hill 2

Mới bước vô game này là anh em đã có thể cảm nhận được ngay bầu không khí ảm đạm bao trùm khắp mọi nơi. Đây không chỉ đơn thuần chỉ là một tựa game sinh tồn – kinh dị đầy rẫy những con quái vật gớm ghiếc, và bạn sẽ điều khiển nhân vật chính đi giết những con quái vật này. Thay vào đó, game này thực chất là một phép ẩn dụ cho sự trầm cảm đau buồn của nhân vật chính James Sunderland bởi vì anh ta đã giết người vợ Mary của mình.

Mặc dù Silent Hill 2 không nói rõ về cái chết của Mary (là do bị sát hại hay là muốn được trợ tử), việc vào vai một nhân vật chính với gánh nặng tâm lý đầy tuyệt vọng thì nó chẳng hề dễ dàng cho người chơi một chút nào. Đó là chưa kể các nhân vật phụ và các cốt truyện phụ cũng thường xuyên nhắc đến những thứ như lạm dụng tình dục và nghiện chất kích thích. Tệ hơn nữa, phần lớn đoạn kết của game khá là ảm đạm, và cho dù anh em có cố gắng xem được cái kết “tốt đẹp” nhất thì thực chất nó chỉ là “ít đau khổ” nhất mà thôi. Cơ bản mà nói thì anh em không nên chơi Silent Hill 2, hoặc là bất cứ game nào trong series này, khi bản thân đang cảm thấy buồn bã.

Life Is Strange

Tuy mùa đầu tiên của Life Is Strange tập trung vào mối quan hệ thân thiết giữa 2 bạn trẻ Max và Chloe, nó lại là tiền đề cho một cái kết thúc vô cùng ảm đạm. Mặc dù nhân vật chính Max có khả năng quay ngược thời gian, trong một tập cao trào thì cô ta đã không thể nào tìm được cách ngăn chặn cơn bão đang ập đến Arcadia Bay, và vì thế nên buộc phải đưa ra lựa chọn: hoặc là cứu thị trấn, hoặc là cứu Chloe. Cả 2 đều là sự lựa chọn tồi: một cái là bạn sẽ mặc do cơn bão hoành hành, phá banh mọi thứ trong thị trấn và khiến vô số người phải bỏ mạng; cái còn lại là bỏ mặc người bạn thân thiết nhất của Max. Không có kết cục nào là vui tươi cả, chỉ đơn thuần là anh em thấy cán cân bên nào nặng hơn mà thôi: người dân, hay là bạn thân.

Papers, Please

Đây là một tựa game khá là sáng tạo, cho phép người chơi vào vai một người đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra khâu xuất nhập cảnh tại nước Arstotzka. Là một “con rối” của chính phủ, bạn phải đóng dấu các cuốn hộ chiếu, xem xét các tài liệu khác, và thấy ai có dấu hiệu khả nghi là có quyền cấm nhập cư ngay và luôn. Kết quả là người chơi bị cuốn vào vòng xoáy của việc quan liêu, cho thấy lý do vì sao các chế độ áp bức lại có thể phát triển.

Tệ hơn nữa là người chơi cũng bị không nằm trong vùng an toàn: nếu bạn phạm sai lầm quá nhiều và bị phát hiện ra là đang cố tình giúp những người đang bị áp bức, hoặc những người đang có ý định chống đối chinh quyền, thì bản thân bạn và gia đình bạn sẽ khó thể nào mà sống yên ổn được. Cho dù anh em có đi đến đoạn kết như thế nào đi chăng nữa thì cũng khó thể nào mà cảm thấy mình là một người tốt khi game kết thúc.

Shadow Of The Colossus

Shadow of the Colossus là một trong những game có đồ họa “nghệ” nhất mọi thời đại, và bên dưới vẻ đẹp huyền bí đó là cả một câu chuyện đầy ma mị, u ám. Vào vai Wander, bạn sẽ dành phần lớn thời gian trong game đi tiêu diệt 16 pho tượng khổng lồ, gọi là Colossi, để hồi sinh người yêu của mình là Mono. Tuy nhiên, đời không như là mơ, và bạn đã bị lừa. Người chơi sẽ biết được rằng việc giết những con Colossi kia sẽ giải thoát cho một linh hồn ác quỷ tên là Dormin, bởi vì mỗi con Colossi chính là sinh vật cai quản một mảnh linh hồn của Dormin.

Cơ bản mà nói thì những gì mà bạn đã làm xuyên suốt game là đi giết những sinh vật vô tội, cốt chỉ là để hồi sinh một người. Mặc dù sau đó Mono có sống lại, số mệnh của Wander lại không được may mắn bằng và khi kết thúc game người chơi cũng không cảm thấy thỏa đáng cho lắm.

Brothers: A Tale Of Two Sons

Brothers: A Tale of Two Sons là một tựa game phiêu lưu rất độc đáo, đưa người chơi vào vai 2 anh em (mỗi người sẽ tương ứng với một cần gạt analog) cùng nhau tìm đến cây Tree of Life và cứu lấy người cha đang ngày một yếu dần đi. Dù game có thời lượng chỉ vài tiếng, Brothers vẫn mang đến cho game thủ những phút giây sâu lắng. Nhưng đến cuối game thì mọi thứ lại tối sầm lại, khi mà người anh lớn bị giết chết bởi một con nhện khổng lồ. Sau đó, chính tay game thủ phải điều khiển người em đem anh của mình đi chôn cất, và tiếp tục cuộc hành trình này một mình. Người cha sau đó cũng được cứu sống, nhưng đổi lại người con cả phải hi sinh thì kết cục này cũng không vui một chút nào.

That Dragon, Cancer

That Dragon, Cancer được phát triển bởi Ryan và Amy Green, dựa trên câu chuyện có thật của họ về việc nuôi nấng đứa con trai Joel đang mắc bệnh nan y, và đến năm 5 tuổi thì cậu con trai này qua đời. Về mặt thiết kế thì game sẽ cho bạn biết được cảm giác của Ryan và Amy Green khi đối mặt với căn bệnh của con trai Joel là như thế nào, và cũng chính vì vậy nên sẽ có nhiều người chơi không thể nào chịu đựng nổi gánh nặng về mặt tâm lý này. Do đó, sau khi chơi xong game thì anh em nên tìm một việc gì đó để làm cho khuây khỏa đầu óc, chứ không là tối sẽ phải nằm trên giường trằn trọc, băn khoăn nhiều lắm đó.

Spec Ops: The Line

Cái hay của Spec Ops: The Line là lúc quảng bá ai cũng nghĩ đây chỉ là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba thông thường, tuy nhiên khi chơi rồi mới biết game còn có tầng ý nghĩa sâu xa hơn rất nhiều về sức tàn phá của chiến tranh. Ban đầu chỉ là một tựa game bắn súng, nhưng qua từng nhiệm vụ anh em sẽ dần nhận ra được cái giá phải trả cho những cuộc chiến tranh, cả về mặt người dân vô tội và tâm trí của một con người.

Trong game, nhân vật chính Martin Walker thì cứ phục tùng mệnh lệnh cấp trên, còn người chơi thì cứ đi theo nhiệm vụ như bao trò bắn súng khác. Nhưng đến gần cuối game, bạn mới phát hiện ra rằng Walker đang bị ảo giác và bị hậu chấn tâm lý (PTSD), cho dù sau đó bạn chiến đấu như thế nào đi chăng nữa thì mọi thứ cũng đã an bài hết cả rồi. Game khiến cho người chơi suy nghĩ lại về việc lấy đề tài chiến tranh và biến nó thành một hình thức để giải trí.

Undertale

Undertale là một tựa game nhập vai độc nhất vô nhị. Bạn sẽ điều khiển một đứa trẻ bị rơi vào cõi gọi là The Underground phía bên dưới Trái đất, và phải tìm đường để quay trở lại mặt đất. Trên đường đi, anh em sẽ phải đối mặt với rất nhiều kẻ địch, và anh em có thể giết, bỏ chạy, hoặc kết bạn với chúng. Vì trong những game nhập vai khác anh em thường giết kẻ địch để tăng chỉ số nhân vật nên với Undertale nhiều người cũng làm như vậy để tăng EXP và LOVE mà không mảy may suy nghĩ về hậu quả của nó.

Tuy nhiên, cuối game anh em mới biết được rằng EXP nghĩa là “Execution Points” (điểm sát hại), còn LOVE là “Level of Violence” (mức độ bạo lực). Thế là trên đường trở về mặt đất, anh em sẽ gặp nhiều nhân vật liên tục chỉ trích, quở mắng vì có lối chơi quá tàn bạo, gặp ai cũng lao vào giết.

The Last Of Us Part II

The Last of Us Part II là một thành tựu rất đáng ngưỡng mộ của Naughty Dog, nhưng đồng thời đây cũng là một trong những tựa game mang màu sắc ảm đạm và buồn bã nhất từng xuất hiện trong lịch sử. Đặc biệt, mỗi khi anh em gặp những pha chạm trán với người khác là thế nào cũng đầy cảnh máu me bạo lực. Thậm chí, việc giết một nhân vật NPC vô danh cũng khiến người chơi cảm thấy nhói lòng khi thấy họ đang trút hơi thở cuối cùng, và thậm chí là còn nghe thấy người thân của họ đang gào thét thảm thiết.

Còn về mặt cốt truyện thì đại ý của nó là việc trả thù sẽ rất là tệ, nhất là khi người chơi cảm thấy được sự tốn công vô ích khi Ellie cố gắng phục thù cho cái chết của Joel do Abby gây ra. Xuyên suốt hơn 20 tiếng đồng hồ là cả một hành trình đầy căng thẳng với nhiều cung bậc cảm xúc, vì thế nên nhiều anh em chơi xong rồi muốn dẹp game qua một bên luôn cũng là điều dễ hiểu.

Cart Life

Cũng giống như Papers, Please, trong Cart Life anh em sẽ được điều khiển 1 trong 3 người bán hàng rong đang cố gắng từng ngày để tìm kế sinh nhai và chăm lo cho gia đình của họ. Các công việc có thể là bán bánh mì, bán báo, cà phê, mỗi trường hợp đều buộc anh em phải rơi vào một vòng lặp, và mặc dù nó không “nguy hiểm” như những trò khác, chính vì sự đơn giản, gần gũi, mang tính cá nhân của game này mà người chơi lại càng cảm thấy đồng cảm hơn với các nhân vật trong Cart Life.

Nó đã khắc họa một cách chân thực bức tranh của cuộc sống mưu sinh nó khó khăn và vất vả đến mức nào. Đối với những ai đã từng cảm thấy rằng mình làm việc quá mức hoặc bị trả lương thấp thì sẽ rất dễ cảm thấy đồng cảm khi chơi tựa game này. Cart Life có thể không phải là game để giải trí, nhưng nó chắc chắn là một trong những game dám nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống theo một khía cạnh cực kì sâu sắc.

Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:

Nguồn: What Culture


Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!

GVN 360