Thường thì khi nhắc đến game ăn theo phim, nhiều bạn sẽ nghĩ rằng đây chỉ là những trò chơi để giết thời gian là chính chứ cũng chả có gì đặc sắc, chủ yếu giúp nhà phát triển “đu trend” để thu về càng nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên, trong mớ đó vẫn có những tựa game rất đáng để chơi chứ không tệ như bạn nghĩ. Thậm chí, nó còn giúp người chơi hiểu rõ hơn về dòng phim mà họ yêu thích, mang đến những góc nhìn thú vị và mới lạ. Sau đây là top 10 tựa game cực hay được lấy ý tưởng từ những bộ phim đình đám.
Die Hard Trilogy
Có thể nói bộ 3 game Die Hard Trilogy là những trò ăn theo phim vô cùng kì quặc. Đồng ý là nó có chứa những yếu tố chính được lấy ra từ 3 phim Die Hard tương ứng, nhưng thứ khiến nó thú vị ở đây là thời điểm ra mắt các bạn ạ.
Vì là bộ 3 game nên nhiều người đoán rằng nó sẽ ra mắt đâu đó chung thời điểm với phần 3 là phim Die Hard With A Vengeance (1995). Nhưng không, mãi đến tận 1 năm sau đó thì bộ game này mới được tung ra, ngay lúc mà cái tên Die Hard có thể nói là đã nguội lạnh trong cộng đồng fan. Tuy ra mắt trễ, nhưng bù lại cả 3 game này đều quái dị đến mức bạn phải tận tay trải nghiệm thì mới tin được.
Nổi bật nhất là Die Hard 2, nếu không muốn nói là thuộc hàng kinh điển, với cơ chế gameplay bắn súng theo kiểu on-rail, tức là nhân vật sẽ tự động di chuyển, bạn chỉ cần bắn hoặc làm những hành động hiện trên màn hình. Game có tạo hình cực kì bóng bẩy, chứa đầy yếu tố bạo lực, thậm chí cảnh cháy nổ trong game này còn nhiều hơn cả 3 phim cộng lại nữa. Ngoài ra, phần âm thanh hiệu ứng cũng góp phần lớn trong việc tạo ra thương hiệu cho game này.
The Mummy Demastered
Trong khi cả thế giới đều cười nhạo The Mummy (2017) phiên bản reboot thì studio WayForward đang cật lực phát triển tựa game The Mummy Demastered. Và khi ra mắt, nó đã khiến giới phê bình khen ngợi hết lời và cộng đồng fan hưởng ứng nhiệt liệt. Đây được xem như là một trong những tựa game hay nhất theo phong cách Metroidvania – một thể loại game hành động phiêu lưu với cơ chế được lấy cảm hứng từ series Metroid và Castlevania.
Cơ bản thì game này được lấy cảm hứng từ những gì tinh túy nhất của Super Metroid và kết hợp nó, biến tấu nó với phong cách thiết kế và motif của bộ phim The Mummy. Yếu tố hành động trong game được phân bố một cách hợp lý, tạo thử thách cho người chơi. Mặc dù đồ họa trong game nhìn không quá xịn sò nhưng xét về khía cạnh chi tiết thì The Mummy Demastered cũng không phải dạng vừa đâu.
Trong khi bạn đang căng não chiến đấu với kẻ địch thì phần nhạc nền sẽ khiến tim bạn càng đập mạnh, tạo tiết tấu nhanh và tăng phần kịch tính cho màn chơi. Đó là chưa kể những lúc đánh trùm, con nào con nấy đều rất “khó nuốt” nhưng một khi đã xử được nó rồi thì cảm giác mãn nguyện lại tuôn trào các bạn ạ. Đáng tiếc là bộ phim The Mummy thất bại toàn tập nên nhiều game thủ đã bỏ qua game này luôn, chứ không thì The Mummy Demastered đã tỏa sáng rồi.
Spider-Man 2
Game Spider-Man 2 ra mắt năm 2004, cùng lúc với bộ phim cùng tên, và nó hay đến mức ngay cả khi game Spider-Man ra mắt trên nền tảng PS4 vào năm 2018 thì cộng đồng fan vẫn còn bàn tán sôi nổi về phần Spider-Man 2 các bạn ạ. Tuy ra mắt đã lâu nhưng cơ chế bắn tơ bay lượn từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, cơ chế đánh đấm đã tay đã mắt, kết hợp với yếu tố giải trí vui vẻ đã tạo ra một công thức giúp nhà phát triển chiếm trọn được trái tim của fan Spider-Man lẫn game thủ.
Điều quan trọng nhất trong game này là phải vui, vì thế cho nên hầu như yếu tố nào trong game cũng đều khiến game thủ cảm thấy thoải mái và thú vị. Chuyện bạn tốn hàng giờ liền chỉ để bắn tơ bay lượn khắp thành phố trong game này là điều hoàn toàn bình thường. Đồ họa trong Spider-Man 2 giờ nhìn lại tuy rất thô kệch nhưng vào thời đó thì đây là tinh hoa của cả một thế hệ đó các bạn ạ.
Song song đó, nội dung game cũng cực kì phong phú, đi một chốc là có cướp bóc, vụ án xảy ra cho Spider-Man “khởi động chân tay”. Còn bản thân cốt truyện chính thì nó giúp mở rộng nội dung trong phim Spider-Man 2, biến nó trở thành người bạn đồng hành tuyệt vời nhất với phim Spider-Man 2 nói riêng và series Spider-Man nói chung.
Cars
Nghe thì cứ tưởng chuyện đùa, nhưng game Cars thật sự không uổng tiền đâu các bạn ạ. Bản thân dòng phim Cars bị rất nhiều người không ưa vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn ban đầu nó được tạo ra là để bán đồ chơi, còn cốt truyện thì không có gì đặc sắc cả, thêm nữa là series này càng về sau thì càng dở, cốt truyện càng mờ nhạt vì chủ yếu Disney chỉ muốn bán đồ chơi mà thôi.
Dù vậy, phiên bản game lại rất đáng chơi các bạn ạ. Nó không chỉ có cơ chế đua xe rất “ổn áp” mà còn mang đến cho game thủ một thế giới rộng mở để tự do khám phá, song song đó là hàng tá nhiệm vụ và thú vui khác nhau giúp game thủ không bị ngán ngẩm. Đặc biệt, tuy là game hoạt hình nhưng cơ chế đua xe trong đây được thiết kế khá là tỉ mỉ, tích hợp cơ chế “drift” lết bánh hẳn hoi. Tùy vào địa hình mà xe sẽ có độ bám đường khác nhau, cho nên các bạn phải kiểm soát tốc độ, đạp thắng đúng lúc để thực hiện những khúc cua mượt mà nhất có thể. Chưa dừng lại ở đó, những tay đua khác cũng không cho bạn vượt mặt một cách dễ dàng đâu. Bạn phải biết nắm bắt thời cơ thì mới giành được cơ hội chiến thắng.
Còn nếu phần này không phù hợp với bạn thì có thể thử qua Cars 2 vì nó được thiết kế theo kiểu Mario Kart nên sẽ hấp dẫn với nhiều người hơn. Và cũng chính vì thế nên phần 2 này thành công hơn so với phần 1.
GoldenEye 007
Mặc dù game đã quá cổ rồi nhưng thế giới chắc chắn sẽ không quên được sức hấp dẫn tuyệt vời của GoldenEye 007 hồi mới ra mắt vào năm 1997 trên hệ máy Nintendo 64, đè bẹp gần hầu hết mọi tựa game đối thủ.
Tựa game được dựa trên một trong những bộ phim James Bond ăn khách nhất mọi thời đại. Đây là một trong những tựa game hiếm hoi nằm ngoài quy luật “game ăn theo phim thường dở ẹc”. Nó đã xuất hiện trên rất nhiều tựa báo như là một game bom tấn nhờ có cốt truyện được đầu tư kỹ lưỡng và chế độ multiplayer có chiều sâu, hỗ trợ chế độ 4 người chơi split-screen mới lạ. Tựa game nổi tiếng đến mức nhắc đến hệ máy N64 là nhắc đến GoldenEye 007.
Game đã bán được 8 triệu bản, biến nó trở thành tựa game bán chạy thứ 3 trên nền tảng N64 trong mọi thời đại. Tất nhiên, nó cũng đạt được nhiều giải thưởng Game of the Year và được xem như là một trong những tựa game có sức ảnh hưởng lớn nhất cho đến tận ngày hôm nay. Không có nó thì chắc game FPS trên console khó thể nào mà phát triển được như bây giờ.
The Lord Of The Rings: Two Towers
Khi nói đến tựa game The Lord Of The Rings xuất sắc nhất thì sẽ thật khó để chọn giữa Two Towers, Return Of The King hay là tựa game vui nhộn Lord Of The Rings Lego. Tất cả những tựa game.
Một tác giả trên trang What Culture đã viết thế này: Mặc dù biết rõ rằng Return Of The King là phần game đỉnh nhất vì nó có đồ họa đẹp hơn bản tiền nhiệm và bổ sung chế độ 2 người chơi, trái tim tôi sẽ luôn hướng về The Two Towers. Ngay khi được một người bạn giới thiệu tựa game này, tôi đã lập tức bị mê hoặc.
Chiến đấu trên những địa danh mang tính biểu tượng của series chắc chắn sẽ mang đến cho người chơi một cảm giác rất “Chúa Nhẫn”, như chính bạn được tham gia vào những cuộc chiến tranh vĩ đại y như trong phim vậy. Tựa game cũng nhận được đánh giá cao từ giới chuyên gia cũng như người chơi trên Metacritic, cụ thể là 87 Metascore và 9.0 User Score.
Disney’s Aladdin
Quay trở lại nhiều năm về trước, cái thời mà Disney và Capcom còn hợp tác để tạo những tựa game hay. Duck Tales, Darkwing Duck, Goof Troop và nhiều cái tên khác nữa đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những ai đã từng chơi qua.
Lần hợp tác thành công nhất giữa họ chính là khi Disney’s Aladdin được ra mắt cho 2 hệ máy là SNES và Mega Drive. Với đồ họa bắt mắt, vui nhộn và lối chơi kịch tính đầy thử thách, Disney’s Aladdin dễ dàng chinh phục được người chơi từ nhiều độ tuổi khác nhau. Tựa game nổi tiếng đến độ trở thành một trong những dấu ấn quan trọng trong ký ức tuổi thơ của nhiều game thủ trên toàn thế giới.
Có thể 2 phiên bản SNES và Mega Drive sẽ cho trải nghiệm khác biệt đôi chút. Tuy nhiên dù hồi xưa bạn chơi bản nào đi nữa thì chắc chắn Disney’s Aladdin cũng là một viên ngọc sáng trong kho game của bạn.
John Carpenter’s The Thing
Game thông thường sẽ biến bạn thành những nhân vật bá đạo, có khả năng cân cả thế giới. Tuy nhiên, đối với game kinh dị thì lối chơi này bị đảo ngược hoàn toàn, bạn chẳng khác gì một con thỏ nhỏ nhắn cảm thấy sợ hãi mọi thứ mà nhà làm game quăng vào mặt bạn. Và tựa game The Thing chính là minh chứng hùng hồn nhất cho điều này.
Bạn sẽ không chỉ cảm thấy hoàn toàn bất lực trước những khó khăn và sợ hãi, mà mối nghi ngờ của bạn dành cho những người đồng đội sẽ ngày càng lớn dần thêm, đến nỗi bạn sẽ chẳng biết đâu là thực đâu là giả và đâu là người nên tin và người nào không. Đây cũng chính là lối chơi chính của The Thing, những người lính phục tùng bạn có thể bất ngờ chống lại bạn bất cứ lúc nào, một phần là vì họ bị đồng hóa với các loài sinh vật ghê tởm kia, và một phần là vì họ đã bắt đầu đánh mất khả năng nắm bắt thực tế của chính họ.
Chính vì thế, bạn phải luôn chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng tặng cho những người đồng đội của mình những viên đạn chì tình bạn, nếu không thì tình anh em đồng đội không chỉ biến mất mà các bạn cũng sẽ lên bảng đếm số. Đây là một tựa game rất hay, nó không chỉ tạo cho chúng ta một cảm giác áp lực và sợ hãi mọi lúc mọi nơi mà nó còn là một món quà trải nghiệm cho những fan hâm mộ tác phẩm kinh điển The Thing của John Carpenter.
The Warriors
Là một tựa game hành động, phiêu lưu, sinh tồn được làm bởi Rockstar lấy cảm hứng từ bộ phim The Warriors cùng tên ra mắt vào năm 1979. Game chủ yếu tập trung vào yếu tố đánh nhau với các cuộc ẩu đả quy mô lớn. Tuy nhiên thì đáng lẽ ra game chỉ cần mô phỏng lại những đã gì xảy ra trong phim là được, nhưng không, Rockstar đã đưa câu chuyện của The Warriors lên một tầm cao hơn nữa, và điều này không những giúp cho cốt truyện của bộ phim đạt tới đỉnh cao mà còn cung cấp những thông tin, những câu chuyện khiến cho người chơi có thể thấy được chiều sâu của nhân vật thông qua các mini game.
Tựa game này không chỉ là một bức thư tình gửi đến các fan hâm mộ của bộ phim mà còn là một cuốn nhật ký đẫm máu với những cuộc ẩu đả bạo lực sẽ hằn sau trong tâm trí của người chơi. Game cho phép các bạn tự do đâm và đánh hoặc sử dụng cocaine một cách điên cuồng và mù quáng, miễn sao là bạn có thể hạ gục được nhóm đối thủ.
Ratchet & Clank
Ratchet & Clank là một tựa game được dựa trên bộ phim cùng tên ra mắt vào năm 2016. Có thể nói, đây là một tựa game có thể khiến cho người chơi cảm thấy hoàn toàn hài lòng sau khi trải nghiệm. Không chỉ là về những hình ảnh, đồ họa đẹp mang tính chất “mát xa” mắt cho người chơi mà còn về thiết kế âm thanh “chuẩn đét” đã tai nữa.
Ngoài ra thì lối chơi còn được game thủ ví như một miếng bơ bởi độ mượt mà của nó. Một phần cũng là do vào thời đó ít có bản remake hay remaster nào có thể mang lại một cảm giác vừa hoài cổ mà vừa sảng khoái đến như vậy. Tuy nhiên chỉ đáng tiếc là không giống như game, bộ phim cùng tên đã không thể đạt được “cảnh giới” cao như vậy. Do đó, tựa game Ratchet & Clank đã tách riêng ra và được coi như là một trong những ví dụ điển hình nhất của series Ratchet & Clank.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 người cha tuyệt vời nhất thế giới game
- Top 10 tựa game siêu dị nhưng cực kỳ thú vị trên Steam
- Top 8 nhân vật với tuyệt kỹ “tay không” bắt đạn khiến vạn game thủ trầm trồ
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!