Trước khi một game nào đó ra mắt thì anh em sẽ được xem các đoạn trailer gameplay ngầu lòi, và rồi game thủ bắt đầu cảm thấy háo hức, ngóng trông ngày tựa game mà mình yêu thích ra mắt. Biết được điều này, các nhà phát triển và phát hành game thường dồn nhiều tiền cho khâu marketing, vẽ ra một bức tranh vô cùng hoành tráng để thu hút game thủ.
Tuy nhiên, cũng có những game không quảng bá rầm rộ, khiến nó chìm nghỉm giữa biển game. Nhưng khi ra mắt thì nó lại tạo nên một cơn “địa chấn”, bán được hàng triệu bản và giành được nhiều danh hiệu Game of the Year, và quan trọng hơn hết là chiếm được cảm tình của fan. Sau đây là danh sách 10 tựa game không quảng bá rầm rộ nhưng hay đến mức đi vào lòng game thủ.
Batman: Arkham Asylum
Ban đầu thì đã có nhiều người cứ nghĩ rằng đây chẳng qua là một tựa game ăn theo phim Dark Knight, và trong khoảng thời gian đó cũng chả có mấy game Batman nào mà chơi ra trò cả. Chưa kể Arkham Asylum còn được phát triển bởi Rocksteady Studios – một hãng không hề nổi tiếng chút nào. Do đó, game thủ không mấy hứng thú với game này cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng một khi trên mạng xuất hiện các bài review rồi thì cộng đồng game thủ đã vô cùng bất ngờ. Nhìn chung thì game có cơ chế combat rất mượt mà, lồng tiếng đanh thép, và cốt truyện rất cuốn hút, khiến nhiều trang báo công nhận đây là tựa game siêu anh hùng hay nhất mọi thời đại. Nếu Rocksteady không ra tiếp Arkham City thì có lẽ Arkham Asylum vẫn đứng ở vị trí dẫn đầu. Arkham Asylum đã giành được nhiều giải thưởng Game of the Year và doanh số cũng thuộc hàng khủng.
GoldenEye 007
Tương tự, GoldenEye 007 cũng bị “dán mác” là game ăn theo phim Điệp viên 007, và game ăn theo phim thường dở ẹc nên người chơi ban đầu cũng chả mấy mặn mà với GoldenEye 007. Chưa kể, thời đó game FPS trên console cũng không mấy hoành tráng cho lắm, và GoldenEye 007 cũng bị hoãn mấy lần; điều này càng khiến game thủ tỏ ra hoài nghi về chất lượng của nó. Đến sự kiện E3 1997, màn trình diễn game cũng chả cứu vãn được gì, coi như là game này chết từ trong trứng luôn rồi.
Tuy nhiên, khi game ra mắt, nó đã xuất hiện trên rất nhiều tựa báo như là một game bom tấn nhờ có cốt truyện được đầu tư kỹ lưỡng và chế độ multiplayer có chiều sâu, hỗ trợ chế độ 4 người chơi split-screen mới lạ. Nó nổi tiếng đến mức nhắc đến hệ máy N64 là nhắc đến GoldenEye 007 và game đã bán được 8 triệu bản, biến nó trở thành tựa game bán chạy thứ 3 trên nền tảng N64 trong mọi thời đại. Tất nhiên, nó cũng đạt được nhiều giải thưởng Game of the Year và được xem như là một trong những tựa game có sức ảnh hưởng lớn nhất cho đến tận ngày hôm nay. Không có nó thì chắc game FPS trên console khó thể nào mà phát triển được như bây giờ.
Rocket League
Đây là một ví dụ điển hình cho việc một tựa game bất ngờ xuất hiện và tạo ra một cơn chấn động trong ngành game. Rocket League là một tựa game indie, được phát triển bởi Psyonix. Trước đó, họ có ra mắt tựa game Supersonic Acrobatic Rocket-Powered Battle-Cars nhưng phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều từ giới phê bình lẫn game thủ. Do đó, khi họ công bố Rocket League thì không có mấy ai quan tâm cho lắm. Lúc mở đợt beta thì nó có thu hút được một số lượng game thủ nhất định, nhưng nhìn chung thì nó vẫn không quá nổi tiếng.
Bất ngờ thay, Psyonix đã thỏa thuận đưa Rocket League vào trong bộ sưu tập Instant Game Collection trên PlayStation Plus ngay trong ngày đầu tiên. Mặc dù nhiều game thủ không hi vọng gì nhiều với những tựa game trên PS+, thỏa thuận kia đã giúp hướng hàng triệu con mắt về tựa game này, đơn giản chỉ là vì nó đang là game miễn phí đối với thành viên của PS+. Sau đó, Rocket League đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng trên PS4, và trên nền tảng Steam thì nó cũng bán đắt như tôm tươi.
Nhờ cơ chế gameplay dễ chơi nhưng khó “master”, Rocket League đã thu hút được lượng lớn game thủ, bán được 10,5 triệu bản trong vòng 2 năm đầu tiên, và vừa rồi đã thu hút được tổng cộng 75 triệu người chơi. Đồng thời, do được cập nhật thường xuyên và được nhiều hãng tài trợ, Rocket League đã trở thành một tựa game eSports cực kì phổ biến.
The Witcher
Khi The Witcher ra mắt vào năm 2007 thì nó được xem như là một tựa game chỉ dành cho fan thôi chứ khó thể nào mà mở rộng ra cho những game thủ khác được. Game ra mắt độc quyền trên PC bởi nhà phát triển CD Projekt Red – một studio không quá nổi tiếng ở thời điểm bấy giờ. Và vì game dựa theo bộ tiểu thuyết fantasy của Ba Lan nên chẳng mấy game thủ người Mỹ biết về nó. Vì thế, không mấy người quan tâm đến nó khi game được cho lên kệ.
Nhưng nhờ những bài đánh giá khen ngợi yếu tố nhập vai có chiều sâu, The Witcher đã bán được hơn 1 triệu bản trong năm đầu tiên. CD Projekt Red ngay trong năm sau đó đã ra mắt thêm phiên bản Enhanced Edition và cũng bán rất chạy. Nhờ thành công vang dội này mà 2 phần The Witcher đình đám tiếp theo đã được cho ra đời. Không chỉ vậy, nó còn thôi thúc nhiều người tìm đọc bộ tiểu thuyết kia, và đặc biệt còn xuất hiện cả phim The Witcher trên Netflix thu hút vô số người xem. Mặc dù gameplay The Witcher có hơi cồng kềnh so với thời đó, nó đã vượt kì vọng của mọi người và là tiền đề cho phần 3 – Wild Hunt.
Deus Ex
Đây là game thứ 3 được phát triển bởi studio Ion Storm đầy tai tiếng. Hai phần game trước của họ bị chê bai thậm tệ nên đến phần này thì mọi người đã nghĩ rằng nó sẽ chẳng khá khẩm hơn là bao. Vả lại, cái tên Deus Ex cũng chẳng khơi gợi được điều gì cả, nói chung là không cần quan tâm làm chi.
Ít ai biết được rằng vũ khí bí mật của Deus Ex là nhà thiết kế game lão làng Warren Spector – nổi tiếng với Wing Commander và System Shock. Ion Storm đã mời ông về, cho ông toàn quyền sáng tạo và cung cấp chi phí marketing khổng lồ. Kết quả là họ đã tạo ra một tựa game được đánh giá cao ngút trời. Cho đến tận ngày nay thì vẫn có nhiều game lấy cảm hứng từ Deus Ex. Đây là một game có chiều sâu, nhiều thử thách, có tính đột phá cao, cho phép game thủ tự do khám phá thế giới bên trong. Game đã giành được nhiều giải thưởng Game of the Year và bán được hơn 1 triệu bản, tạo động lực để nhà phát triển làm tiếp những phần Deus Ex sau này.
Life Is Strange
Life Is Strange ra mắt theo từng tập (episode), trải dài trong năm 2015. Lúc này thì thể loại game phiêu lưu theo tập (episodic adventure) cũng đang dần chạm đến ngưỡng bão hòa. Trên giấy tờ thì Life Is Strange có vẻ như là một tựa game ăn theo trend đơn thuần nên người chơi cũng không hứng thú lắm với nó; vả lại họ cũng đang bận chơi những game khác của Telltale Games rồi.
Sau khi ra mắt thì bắt đầu có nhiều lời nhận xét tích cực về tựa game này. Họ đánh giá cao yếu tố đồ họa mang tính trực quan đối với thể loại này, đồng thời khen ngợi cách mà nhà phát triển khắc họa diễn biến tâm lý của các nhân vật trong game, và cốt truyện vô cùng xúc động. Fan ngay sau đó đã tỏ ra đồng cảm với câu chuyện của Max và Chloe, dẫn đến kết quả là hơn 3 triệu bản được bán ra và nhận được hàng chục lời khen ngợi khác.
Titanfall 2
Titanfall là một tựa game FPS multiplayer được nhiều người khen ngợi nên khi phần 2 ra mắt 2 năm sau đó, game thủ đã nghĩ rằng chẳng qua nhà phát triển Respawn chỉ muốn nhanh chóng kiếm thêm tiền mà thôi. Mặc dù được hứa hẹn là sẽ có thêm phần chơi chiến dịch hoành tráng, game thủ vẫn không thấy được Titanfall 2 có thêm cái gì khác hay ho ngoài chế độ story mode đó ra. Tệ hơn nữa là game được phát hành ngay lúc hàng loạt game bom tấn khác ra mắt như Gears of War 4, Battlefield 1, Call of Duty: Infinite Warfare, Dishonored 2, và Watch Dogs 2, càng khiến Titanfall 2 bị chìm nghỉm giữa đám đông luôn.
Đúng là chế độ multiplayer của Titanfall 2 được khen ngợi rất nhiều – một điều cũng dễ hiểu, cái mà khiến cho game thủ vô cùng ngỡ ngàng đó chính là chế độ chơi chiến dịch được đầu tư vô cùng kỹ lưỡng. Những ai không chơi thì thôi, chứ một khi đã ngồi vào buồng lái robot trong Titanfall 2 rồi thì bảo đảm sẽ không muốn bước ra ngoài. Thời lượng chế độ chơi đơn có phần hơi ngắn, nhưng nhiêu đó đã là quá đủ để biến nó thành một trong những cốt truyện tuyệt vời nhất trong thể loại FPS, đồng thời giúp game đạt được một vài danh hiệu Game of the Year. Tiếc một điều là vì canh “timing” ra mắt không chuẩn nên game chỉ bán được 4 triệu bản. Khi mới cập bến Steam gần đây thì game này đã được “hồi sinh” một lần nữa, thu hút thêm một lượng fan ủng hộ Respawn ra mắt tiếp phần 3.
Hellblade: Senua’s Sacrifice
Hellblade: Senua’s Sacrifice ra mắt vào mùa hè năm 2017 và lúc đó không mấy ai thèm để ý đến game này, thậm chí còn xem nó như là một tựa game AA tầm thường như bao game khác. Game được phát triển bởi Ninja Theory – từng khiến cộng đồng game thủ bức xúc với bản DmC: Devil May Cry reboot vào năm 2013 – nên tình hình lại càng bi đát hơn. Và vì có ngân sách marketing không nhiều như những game khác nên Hellblade: Senua’s Sacrifice không có kèn trống rình rang được, dẫn đến việc không có nhiều người biết sự tồn tại của game này.
Nhưng một khi bài review xuất hiện thì mọi thứ quay ngoắt 180o, xác nhận đây là một tựa game rất đáng chơi thử. Ngay cả những nhà phê bình khó tính cũng phải công nhận rằng nội tâm nhân vật nữ chính trong game được khắc họa một cách rất tỉ mỉ, trau chuốt. Chủ đề bệnh tâm thần (mental illness) không được nhiều người khai thác cho lắm, huống hồ chi là khai thác nó một cách triệt để và làm ra một tựa game đến nơi đến chốn. Nhưng Ninja Theory đã chứng minh được khả năng của họ với Hellblade: Senua’s Sacrifice, khiến cộng đồng game thủ khen ngợi không ngớt. Doanh số game khả quan đến mức chỉ trong 3 tháng là họ đã có thể hoàn vốn, và đồng thời giành được nhiều giải thưởng như Best Audio Design, Best Performance (Melina Juergens), và Games for Impact tại sự kiện 2017 Game Awards.
Doom (2016)
Trước khi Doom (2016) ra mắt thì cộng đồng fan đã khá là bi quan về tựa game này. Lý do là vì khâu marketing rất hời hợt, chế độ multiplayer trong bản beta thì bị chỉ trích rất nhiều, và nhà phát hành không chịu gửi mã game cho các bên review cho đến tận trước khi game ra mắt 1 ngày.
Bất ngờ thay, Doom đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ các trang đánh giá nhờ có nhịp độ nhanh, điên loạn, và gameplay cực kì bạo lực. Vào thời điểm đó thì thể loại FPS đang rất thiếu thốn game với mục chơi đơn chất lượng và có thời lượng dài, do đó Doom đã là một liều adrenalin cần thiết cho game thủ. Bên cạnh doanh số ấn tượng, nó còn xuất hiện trong nhiều danh sách top game trong năm 2016, nói chung là thành công mỹ mãn anh em ạ.
PlayerUnknown’s Battlegrounds
Vào tháng 3/2017 thì PUBG ra mắt trên Steam dưới dạng Early Access. Lúc đó thì game thủ chẳng hề mong đợi gì nhiều vì nghĩ rằng đây cũng chỉ là một tựa game bắn súng multiplayer đơn thuần mà thôi. Thậm chí họ còn chẳng nghĩ rằng nó sẽ “thoát kiếp” Early Access nữa cơ.
Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt thì PUBG đã trở thành một cơn chấn động với số lượng người chơi tăng nhanh một cách chóng mặt, đến mức vượt mặt cả tựa game Dota 2 đình đám. Đến cuối năm 2017 thì lượng người chơi của PUBG đạt 3 triệu và rời khỏi giai đoạn Early Access. Vào tháng 3/2018 thì game đã bán được 40 triệu bản trên toàn cầu và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Nhưng mấu chốt ở đây là PUBG đã giúp phổ biến hóa thể loại bắn súng battle royale, tạo thành trend cho nhiều hãng khác “đu” theo; kể cả Call of Duty cũng phải bổ sung chế độ Blackout trong phần Black Ops 4.
Nguồn: What Culture