Với công nghệ bây giờ thì việc chọn ra game có đồ họa đẹp và chân thực không phải là điều gì quá khó khăn như thời 2007 với game Crysis nữa. Tuy nhiên, những game có phong cách đồ họa không theo đuổi lý tưởng trên không nhất thiết là sẽ nhìn xấu tệ.

Ngược lại, những game đó còn có phong đồ họa khác biệt, nếu không muốn nói là tách biệt so với phần còn lại của thế giới. Sau đây là 10 tựa game với phong cách đồ họa độc nhất vô nhị khiến game thủ phải trầm trồ.

Killer7

Đối với một số game ra mắt đầu thế kỉ 21 thì cel shading là một trong những phong cách đồ họa nổi bật tại thời điểm đó. Trong khi đa số game cố gắng nhìn làm sao cho giống thực tế nhất thì có một số lại không theo xu hướng, rẽ lối đi riêng.

Killer7 là một tựa game như thế. Do game có cốt truyện khá là “chuối” và cơ chế điều khiển kì quặc nên bị nhận nhiều ý kiến trái chiều. Bạn phải chơi nhiều lần mới quen được cơ chế trong game và hiểu được những thứ đang xảy ra trong Killer7.

Dù vậy, phong cách đồ họa của nó là một điểm sáng mà bạn nên ghé qua chơi thử một lần để chiêm ngưỡng. Hoặc nếu bạn đã từng chơi qua series No More Hero thì sẽ thấy game này có nhiều nét tương đồng, vì cùng được làm ra bởi một người mà.

Cuphead

Game này nổi tiếng một phần là vì nó… rất khó, phần còn lại là nhờ có phong cách đồ họa thuộc dạng “cổ điển” (classic) như phim hoạt hình vào thời những năm 1930.

Việc lên ý tưởng và bắt tay vào phát triển Cuphead bắt đầu từ năm 2010. Mỗi màn chơi và cử động (animation) của nhân vật trong game đều được vẽ bằng tay rất tỉ mỉ và được chăm chút từng li từng tí. Nếu hồi nhỏ bạn có xem những phim hoạt hình của Looney Tunes (thỏ Bugs Bunny, vịt Daffy Duck) thì sẽ thấy Cuphead nhìn y chang kiểu vậy. Ngoài ra thì thời này còn có nhạc jazz nên nhà phát triển cũng cho nó vào game luôn, góp phần tạo nên một “bầu không khí” không khác gì những năm “1900 hồi đó”.

Game còn có phong cách bắn súng 2D giống như trò Contra huyền thoại: Bạn (cùng với đồng đội) sẽ dùng “súng” để bắn hạ các con trùm trong khi cố gắng né đạn của nó. Như ban đầu mình có nói, nghe thì dễ vậy thôi chứ chơi thì không hề nhé.

Skullmonkeys

Vào những năm 90 của thế kỉ 20, do những game có ngân sách “khủng” không nhất thiết phải thành công rực rỡ nên nhiều nhà phát triển đã thoải mái “bung lụa”, tạo ra những thứ mới lạ. Kết quả là game thủ được đón nhận Skullmonkeys: một tựa game có con trùm với cái bụng là phần đầu của một người trong nhóm phát triển.

Đây là một game platformer vừa “đáng yêu” vừa khá là khó chơi. Bởi vì designer chính của game là Doug TenNapel nên chuyện Skullmonkeys có phong cách đồ họa giống giống Earthworm Jim cũng không quá khó hiểu. Do đó, game nhìn vừa lạ mắt, vừa khá là buồn cười.

Nếu bạn thích một game giải trí đơn giản với phong cách đồ họa “lạ mắt” một chút thì Skullmonkeys là một ứng cử viên đáng chú ý.

Shadow Of The Colossus

Mặc dù game được remake cho PS4 vào năm 2018 với đồ họa đẹp hơn, phiên bản đầu tiên ra mắt năm 2005 mới thật sự gây ấn tượng.

Mặc dù game có một số lỗi (bug) và cơ chế điều khiển rất khó để làm quen, Shadow Of The Colossus là một tuyệt tác mà Team ICO đã tạo ra cho hệ máy PS2. Game có cách dẫn chuyện đơn giản dễ hiểu và nó được đặt để khéo léo trong một thế giới mở vô cùng rộng lớn. Nhiệm vụ của bạn đơn giản chỉ là hạ gục những pho tượng khổng lồ để hồi sinh một cô gái tên là Mono.

Bên cạnh việc truy tìm những pho tượng đó thì bạn còn có thể khám phá mảnh đất bạt ngàn trong game. Đối với lúc bấy giờ thì đây là một thách thức về mặt kỹ thuật mà trước đó chưa có tiền lệ. Ngoài ra thì cử động của các pho tượng kia cũng được đầu tư kĩ lưỡng, góp phần giúp Shadow Of The Colossus càng trở nên độc đáo hơn.

Superhot

Nếu chỉ nhìn lướt qua thì Superhot không có gì quá nổi bật cả, nhìn kiểu như là một bản demo của một phần mềm kỹ thuật nào đó.

Nhưng đó cũng chính là cái hay và cái đẹp của tựa game này. Nhìn đơn giản vậy thôi chứ để chơi thì không đơn giản đâu. Thời gian trong game chỉ “di chuyển” khi bạn di chuyển, do đó bạn cần phải tính toán đường đi nước bước chứ không là phải chơi lại.

Cốt truyện trong game cũng khá là “hack não”. Ban đầu thì bạn chỉ là một người bình thường mở game này lên chơi thôi, nhưng càng về sau thì mọi thứ càng chồng chéo lên nhau. Game còn hỗ trợ kính VR nên nếu bạn cần có một “góc nhìn” rõ hơn về game này thì có thể đeo kính vào và tận hưởng thôi.

Okami

Nếu Killer7 có phong cách đồ họa cel shading theo kiểu tối giản thì ở đầu cầu bên kia là Okami theo kiểu ngược lại. Màu sắc trong game rất sặc sỡ, hài hòa, góp phần tôn vinh lên gameplay của Okami.

Hiểu một cách nôm na thì nó nhìn giống như là game Zelda 3D với hình ảnh được lấy cảm hứng từ những bức tranh thủy mạc của Nhật Bản.

Bạn sẽ vào vai Thần Mặt Trời dưới hình dạng một con sói Amaterasu. Nhiệm vụ của bạn là tiêu diệt những con yêu quái bằng cách sử dụng cọ vẽ Celestial Brush. Không những thế, cây cọ này còn giúp bạn giải những câu đố trong game nữa.

Thời điểm Okami ra mắt thì game phiêu lưu 3D cũng đã phổ biến hơn trước, nhưng nó nổi bật hơn hẳn nhờ có đồ hoạt bắt mắt và ấn tượng. Những yếu tố combat, khám phá, cơ chế gameplay trong Okami đều được “buff” lên thêm một bậc nhờ phong cách đồ họa màu nước này.

The Unfinished Swan

Phong cách đồ họa của The Unfinished Swan phải nói là có một không hai. Thế giới trong game gần như là một trang giấy trắng cho đến khi bạn tô điểm thêm cho nó.

The Unfinished Swan kể về câu chuyện của một đứa bé bị “hút” vào thế giới của một bức tranh mà mẹ cậu bé đang vẽ dang dở.

Vào vai Monroe, bạn sẽ tìm đường đi tiếp bằng cách tự tay mình tạo ra con đường đó. Để làm được điều này, Monroe sẽ phải hất những cục mực đen lên trên nền trắng và xem xem phần nào mực bị dính lại, phần nào không. Và một khi tòa nhà đã bị dính sơn thì bạn sẽ có xu hướng “tô” luôn nguyên căn nhà trước khi đi khỏi.

Game đẹp hay không là phụ thuộc vào sự sáng tạo của bạn. Tất nhiên là bạn có thể tìm đường đi tiếp cho xong màn rồi thôi, nhưng cái thú vị của game này không chỉ nằm ở đó mà còn nằm ở việc tô điểm cho khung cảnh trắng bóc xung quanh.

The Unfinished Swan là một sự kết hợp hài hòa giữa mô phỏng đi bộ và “vẽ vời”, pha trộn với câu chuyện đầy thú vị và yếu tố tìm tòi khám phá.

Inside

Khi Playdead ra mắt Limbo hồi năm 2010 thì nó đã tạo được ấn tượng trong cộng đồng gaming với lối chơi sáng tạo và phong cách đồ họa theo kiểu trắng đen độc đáo. Đến khi họ ra mắt Inside (2016) thì Playdead đã tiếp tục áp dụng phong cách đồ họa này.

Cụ thể, hình ảnh trong game nhìn rất là ảm đạm và tối giản, không quá nhiều chi tiết và cũng chẳng màu mè hoa lá hẹ. Và cũng chính nhờ sự đơn điệu trong cách phối màu như thế đã tạo ra một cảnh sắc u ám, đen tối bao trùm toàn bộ game này.

Game đẹp, nhưng đồng thời nó cũng rất ám ảnh. Mỗi khi nhìn thấy một thứ gì đó màu mè thì bạn sẽ bị thôi thúc và tò mò muốn khám phá xem nó là cái gì, và vì sao nó lại tồn tại trong cái game này.

Hyper Light Drifter

Thể loại game Rogue-like, dungeon crawler (hành động thám hiểm) có đồ họa theo phong cách pixel không có gì là mới mẻ trong những năm gần đây. Nhưng Hyper Light Drifter vẫn nổi bật hơn cả nhờ nó có yếu tố giống game Zelda huyền thoại và đồng thời kể được một câu chuyện rất thuyết phục mà không cần một câu thoại nào.

Ngoài ra thì “ma thuật” của Hyper Light Drifter còn nằm ở cơ chế gameplay và những bản nhạc game theo phong cách synthwave. Nhìn một cách đơn giản thì đây là một phiên bản hiện đại hơn của Zelda với những pha combat nghẹt thở đầy kịch tính, vừa tung chiêu chặt chém vừa khéo léo né những cơn “mưa đạn”.

XIII

Bạn đã bao giờ đọc truyện tranh và suy nghĩ rằng nếu những khung truyện kia cũng phát ra được âm thanh thì hay biết mấy? Thế thì XIII là câu trả lời dành cho bạn.

Vào năm 2003 thì Ubisoft đã quyết định làm một tựa game dựa trên series truyện tranh XIII của Bỉ. Game có cốt truyện và bối cảnh giống như trong phim Jason Bourne: một siêu điệp viên bị mất trí nhớ và hành trình tìm ra thân phận thực sự của mình.

Game XIII đã hoàn thành xuất sắc công việc chuyển thể những trang truyện tranh thành hình ảnh 3D sống động với góc nhìn thứ nhất theo thể loại bắn súng FPS. Game không đòi hỏi cấu hình khủng, nhưng nó cũng chả cần phải như thế. Vì là dựa theo truyện tranh nên phong cách đồ họa cũng chỉ cần đơn giản, bắt mắt, vậy là đủ rồi.

Bên cạnh đó thì cơ chế combat trong game cũng rất thú vị. Chẳng hạn như lúc đội tuần tra đi ngang qua thì hiện lên tiếng chân “TAP TAP TAP”, còn mỗi khi bắn trúng kẻ địch thì ngoài việc máu phun ra còn có thêm chữ “BAM BAM”, y như là đang đọc một cuốn truyện tranh vậy.

Nếu bạn muốn “đổi gió” với một tựa game được thiết kế theo phong cách truyện tranh thì XIII rất đáng để chơi thử.

Nguồn: What Culture