Dù là game thành công hay thất bại thì chí ít nó cũng được ra mắt, nhưng có những game thậm chí còn không được thấy ánh sáng ban ngày, bị hủy ngay từ khâu phát triển luôn các bạn ạ. Tuy nhiên, khi dự án game chưa được công bố rộng rãi thì còn đỡ, chứ fan mà biết về sự tồn tại của nó rồi sau đó hay tin game đã bị hủy thì kiểu gì cũng sẽ có người cảm thấy tiếc nuối. Đôi lúc, fan càng tức hơn khi biết nguyên nhân bị hủy nghe rất buồn cười, thậm chí không thể chấp nhận được. Sau đây là top 10 tựa game bị hủy vì lý do vô cùng ngớ ngẩn.
Star Wars: Battlefront III – LucasArts và Free Radical Design bất đồng quan điểm về mọi thứ
Sau 2 phần Star Wars: Battlefront đầu tiên ra mắt vào 2004 và 2005, nhiều người đã dự đoán rằng sẽ có thêm phần 3 vào năm 2006 hoặc 2007 để kết thúc là vừa đẹp. LucasArts đã thuê Free Radical Design để thay thế Pandemic Studios – nhà phát triển của 2 phần đầu tiên. Nhưng vào năm 2008, sau khi Battlefront III được phát triển khoảng 2 năm thì Free Radical công bố là họ đã mất quyền để hoàn thành tựa game này.
Theo Steve Ellis – nhà đồng sáng lập Free Radical – thì Battlefront III đã làm gần xong rồi, nhưng LucasArts vẫn không đồng ý chi khoản tiền cần thiết để quảng bá tựa game này. Trong khi đó, một nhân viên của LucasArts lại nói rằng Free Radical không chịu dồn hết tâm huyết cho Battlefront III, đã vậy còn bị trễ deadline nữa. Chúng ta vẫn không thể nào đổ lỗi cho 1 bên được, mà rõ ràng là do cả 2 bất đồng quan điểm với nhau, và mỗi bên đều có nhiều thứ khiến bên kia “chướng tai gai mắt”. Hệ quả là fan không được chơi phần 3, và cả series này bị “đắp chiếu” gần 1 thập kỷ.
Ant Simulator – Ngân sách được chi vào rượu bia, nhà hàng, và… gái!
Ant Simulator tuy không quá nổi nhưng nó cũng đủ “hot” để khiến một bộ phận game thủ thích thú với ý tưởng “những gì bạn thấy là những gì mà bạn sẽ có được”. Đây là dự án game của Eric Tereshinski, và ông từng thu được 4400 USD tiền vốn thông qua việc đăng video hướng dẫn làm game trên trang Kickstarter.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2016 thì Tereshinski có đăng video công bố rằng 2 người đồng nghiệp Tyler Monce và Devon Staley đều đã dùng số tiền đó, cộng thêm một khoản tiền khác dùng cho việc phát triển Ant Simulator để “xuống phố”, uống rượu bia, ăn nhà hàng, vào quán bar, và thậm chí là chi tiền cho gái. Phe Tyler Monce và Devon Staley thì chối bay chối biến, và còn tính đến chuyện lôi đối phương ra tòa. Tuy nhiên cho dù chuyện sau đó có ra sao thì dự án Ant Simulator đầy hứa hẹn cũng đã có một kết cục chẳng thể nào vô duyên hơn – Hết tiền!
Fallout: Van Buren – Nhà phát hành đang làm thì bỗng dưng muốn làm game khác
Fallout: Van Buren là phiên bản gốc của tựa game Fallout 3, được phát triển bởi Black Isle Studios, trước khi công ty mẹ Interplay Entertainment phá sản. Tuy nhiên vào thời điểm bấy giờ, nhà phát hành Interplay Entertainment lại quyết định quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố các tựa game trên hệ máy tay cầm như Brotherhood of Steel rồi mới dành thời gian cho Van Buren. Trên thực tế, Interplay đã đánh giá cao Brotherhood of Steel tới nỗi lên cả dự định để làm phần tiếp theo ngay từ khi tựa game này còn đang được phát triển.
Trớ trêu thay, Brother Hood of Steel 2 mãi chỉ là giấc mơ hoang đường sau sự thất bại ê chề của phần đầu vào năm 2004. Với các gánh nặng về tài chính, Interplay phải sa thải toàn bộ nhân viên của Black Isle Studio vào năm 2003, kéo theo đó là ngõ cụt của tựa game Fallout: Van Buren. Fallout 3 cuối cùng được Bethesda thực hiện và phát hành vào năm 2008, trong khi các thành viên cũ của Black Isle thì lại tập trung vào dự án Fallout: New Vegas, thuộc công ty Obsidian Entertainment, với một số ý tưởng được thai nghén từ trước của phần game Van Buren. Cả 2 phần của Fallout là 3 và New Vegas đều gặt hái được một số thành công nhất định.
Anthem Next – Bị hủy vì đại dịch COVID-19
Anthem là một quả bom xịt của BioWare vì gameplay nhạt nhẽo, cốt truyện một màu, tối ưu phần cứng quá tệ. Và dự án tiếp theo của nó: Anthem Next thì phải bị hủy vì COVID-19. Vào tháng 2 năm 2020, một năm sau khi bom xịt Anthem ra mắt, BioWare đã dự định cho tựa game này một “cú đột phá ngoạn mục”, với đội ngũ hơn 30 thành viên, nhằm mục đích mang đứa con cưng được kỳ vọng trở lại thị trường.
Nhưng hiện tại, BioWare vừa công bố dự Anthem Next phải bị hủy đi vì những khó khăn từ dịch COVID-19. “Làm việc tại nhà trong suốt thời gian giãn cách xã hội đã làm năng suất của cả đội đi xuống rõ rệt, mọi thứ cứ thế trượt đi khỏi kế hoạch dự tính.” Mặc dù đại dịch đã gây ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng, tuy nhiên có vẻ như đây chỉ là lý do bình phong của BioWare dành cho việc hủy đi tựa game Anthem Next. Trong thực tế, có lẽ như việc reboot lại một tựa game AAA đã nguội lạnh từ lâu quả thực là một thử thách lớn, cho kinh phí và cho cả sự kiên nhẫn của các chủ đầu tư lẫn game thủ.
Castlevania: Resurrection – Konami chê máy Dreamcast cùi bắp
Ban đầu thì Castlevania: Resurrection được dự tính sẽ phát hành vào tháng 3 năm 2000. Ngoài việc là một tựa game Castlevania tập trung vào yếu tố hành động nhiều hơn, tựa game cũng được cho là bước đột phá đầu tiên của series trên hệ máy Sega Dreamcast.
Nghe thú vị là thế nhưng tựa game này cuối cùng cũng bị lẳng lặng hủy bỏ. Theo giám đốc nghệ thuật của tựa game, ông Greg Orduyan thì việc này có một phần nguyên nhân là do Konami không tin tưởng rằng máy Dreamcast có thể sống được trong một thị trường game đầy cạnh tranh. Ừ thì đúng là hệ máy Dreamcast có bước khởi đầu không mấy khả quan. Nhưng chính tư duy không dám mạo hiểm của các nhà làm game trên một hệ máy đầy tham vọng như vậy mới là thứ đã giết chết nó.
Quay lại với việc Castlevania: Resurrection bị hủy. Cái ngày mà nó bị tuyên bố hủy cũng là ngày Sony cho ra mắt máy PS2. Cứ như 2 cái đinh đóng vào quan tài của máy Dreamcast cùng lúc vậy. Lo ngại về các hệ máy mới là một chuyện, nhưng phát triển một tựa game đến lúc gần xong chỉ để hủy bỏ nó chắc chắn là chuyện rất tào lao.
Project Ragtag – EA bảo tựa game này quá tuyến tính (trong khi vẫn ra mắt Jedi Fallen Order)
Mấy bạn sẽ không thấy nhiều dự án hủy thường xuyên bị cộng đồng game thủ lôi ra “tế” như Project Ragtag đâu. Con game này được phát triển bởi Visceral Games (nhà phát triển của Dead Space), lấy bối cảnh là một vụ cướp trong Star Wars: Episode IV – A New Hope. Với việc nhà biên kịch của Uncharted, Amy Hennig chỉ đạo sáng tạo, tựa game này đáng lẽ phải cực kỳ hứa hẹn. Tuy nhiên tiếc thay là tựa game này lại nằm trong tay EA.
Thành công thương mại của Star Wars Battlefront hồi năm 2015 đã khiến cho EA không còn hứng thú với Ragtag nữa, thế là họ chuyển nguồn lực sang phát triển Battlefront II. Đồng thời EA cũng ngăn không cho Visceral Games tuyển thêm nhân sự. Trong suốt năm 2016, nhiều nhân viên của Visceral đã bị sa thải hoặc nghỉ việc. Và mặc dù những thành viên còn lại đã rất cố gắng để làm nốt tựa game nhưng họ không còn đủ sức để hoàn thành nó. Vào tháng 10 năm 2017, Visceral bị đóng cửa và việc phát triển được giao cho EA Vancouver.
EA lúc đầu bảo họ làm như thế vì tựa game này quá tuyến tính và nặng cốt truyện, họ muốn tái khởi động dự án để nó có thể mang lại những trải nghiệm rộng mở hơn. Nhưng cuối cùng thì vào năm 2019, theo nhiều nguồn tin thì nó đã bị hủy bỏ luôn rồi. Đến đây là đã thấy có vấn đề rồi nhé nhưng chưa đâu. Mọi chuyện lại còn khó hiểu hơn khi trong cùng năm 2019, EA lại cho ra mắt Jedi Fallen Order – một con game rất tuyến tính và chỉ có phần chơi đơn (hay lắm EA).
Indiana Jones & The Iron Phoenix – Vì nó không bán được ở Đức
Trước khi một dự án nào đó chính thức được bật đèn xanh thì việc của nhà phát triển và nhà phát hành là liệu mà khảo sát thị trường thật kỹ. Và trong câu chuyện của tựa game Indiana Jones & The Iron Phoenix chính là tấm gương cho việc không tuân thủ quy tắc này. Tựa game này là phần tiếp theo của tựa game phiêu lưu point-and-click Indiana Jones and the Fate of Atlantis (1992). Câu chuyện lấy bối cảnh sau Thế Chiến thứ 2, Đức Quốc xã cố gắng lấy Hòn đá Phù thủy để hồi sinh Hitler và Wehrmacht, buộc Indy phải hành động.
Việc phát triển tưởng chừng như rất gọn gàng, song khi triển khai thì lại khá lộn xộn. Lập trình viên chính Aric Wilmunder ra đi ngay trong quá trình sản xuất. Đội ngũ làm game cũng không giải quyết được vấn đề về thiếu nhất quán về mặt mỹ thuật. Tuy nhiên đó không phải là lý do dẫn đến việc cả tựa game bị hủy bỏ. Cái chính ở đây là do nhà phát triển LucasArts nhận thấy nó sẽ khó bán ở thị trường đức do tràn ngập những hình ảnh biểu tượng của phát xít như đại bàng sắt, chữ thập ngoặc… nên họ quyết định hủy toàn bộ dự án sau cả năm trời phát triển. Kết cuộc của tựa game là nó được chuyển thể thành một series truyện tranh của Dark Horse Comics. Đồng ý thị trường Đức khi đó rất béo bở, nhưng việc hủy đi công sức cả năm trời chỉ vì nó không bán được ở Đức thì đúng là dở hơi.
Animal Wars – Sony khiến cho nhà phát triển tập trung vào làm game Lair thay vì Animal Wars
Animal Wars là một tựa game hành động nhập vai độc quyền trên PS3 được đưa vào phát triển bởi Factor 5 vào năm 2004. Và đúng như tên gọi của mình, Animal Wars là một tập hợp của những con thú ăn mặc giống như con người và chiến đấu trong bối cảnh chiến tranh thế giới. Mặc dù tựa game này bị lộ ra những tấm hình concept nhìn khá là đẹp và cũng đang trên đà gần như hoàn thành, mối quan hệ giữa Factor 5 và Sony lại dần tan vỡ do tựa game Lair độc quyền trên PS3 đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển.
Kết quả là Sony chuyển hết tiền tài trợ của Animal Wars sang cho Lair, cũng như ép tất cả nhân viên Factor 5 chuyển sang phát triển cho Lair khiến chi Animal Wars rơi vào tình trạng bị hủy. Tuy nhiên, trớ trêu thay đó là Lair sau khi ra mắt lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người chơi. Các nhà phát triển Animal Wars cũng khẳng định rằng tựa game này là một dự án hứa hẹn hơn rất nhiều so với Lair.
Scalebound – Microsoft đã đặt kỳ vọng quá cao để rồi phải hủy bỏ
Scalebound là một tựa game hành động nhập vai của PlatinumGames ra mắt tại E3 vào năm 2014. Hầu hết các thông tin về Scalebound lúc đó đều im ắm một cách đáng ngờ nên khi tựa game này bị tuyên bố hủy vào năm 2017 đã tạo nên một cú sốc khá lớn cho ngành game. Mặc dù dựa vào các đoạn gameplay bị lộ ngoài thì có thể biết rằng Scalebound vẫn còn một quãng đường rất xa mới phát triển xong. Tuy nhiên, vẫn không thể tưởng tượng được rằng bằng cách nào hay sai lầm nào có thể khiến cho tựa game này bị hủy hoàn toàn.
Theo như Phil Spencer, người đứng đầu Xbox cho rằng nguyên nhân khiến cho Scalebound bị hủy là do Microsoft nhận ra rằng tựa game này đã không thể đạt được kỳ vọng đúng như các fan hâm mộ mong đợi nên đã tự động cho hủy quá trình phát triển. Anh ta cũng thừa nhận rằng do Scalebound đã được tiết lộ quá sớm, trong khi đó thì Atsushi Inaba, người đứng đầu studio PlatinumGames lại cảm thấy rằng việc Scalebound bị hủy là do cả 2 bên đã không thực hiện đúng lời hứa của mình.
Sonic X-Treme – Hai thành viên trong đội phát triển xém nữa làm việc kiệt sức tới mất mạng
Sonic X-Treme lần đầu được đưa vào sản xuất vào năm 1994 và dự định sẽ trở thành tựa game 3D Sonic the Hedgehog đầu tiên và cũng là phiên bản game Sonic gốc đầu tiên của Sega Saturn. Tuy nhiên, dù đây là một dự án hấp dẫn và đầy tham vọng, quá trình phát triển vẫn gặp rất nhiều khó khăn từ việc chia rẽ chính trị trong bên trong học viện kỹ thuật của Sega cho đến nhưng thách thức trong việc phát triển 3D, đó là còn chưa kể nền tảng Saturn còn là một nền tảng khó lập trình nữa.
Để có thể đáp ứng được deadline căng thẳng do Sage đề ra, lập trình viên Chris Coffin đã phải hủy hợp đồng thuê căn hộ để chuyển thẳng đến văn phòng làm việc và làm từ 16-20 tiếng mỗi ngày để hoàn thành tựa game. Và chỉ sau 4 tháng trước thời hạn tháng 12 năm 1996 của Sonic X-Treme, Coffin đã mắc một căn bệnh viêm phổi nặng và nhà thiết kế Chris Senn cũng bị ốm đến kiệt sức cũng như bị sụt cân đến nỗi ông được bác sĩ báo rằng ông có thể chết trong vòng 6 tháng.
Cũng chính vì lý do này mà tới 2 tháng trước thời hạn, nhà sản xuất Mike Wallis đã rút khỏi dự án với lý do không thể hoàn thành vì 2 trong số những thành viên tài năng nhất đã không còn tham gia nữa. Đương nhiên là chẳng có tựa game nào đáng giá bằng sức khỏe hoặc mạng sống của con người. Chính vì vậy nên nó hoàn toàn không hợp lý khi Sega ép nhân viên của mình suýt tí nữa phải bỏ mạng chỉ để làm ra một tựa game hấp dẫn. Nếu deadline được kéo dài ra vào đâu đó giữa năm 1997 thì Coffin và Senn đã có thêm thời gian đã hoàn thành Sonic X-Treme và người hâm mộ cũng sẽ có cơ hội được trải nghiệm tựa game này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game đẹp xuất sắc nhờ có công nghệ ray tracing
- Top 10 tựa game 2D hay nhất trên Steam
- Top 10 tựa game mang tâm hồn bạn theo những câu chuyện không lời
Nguồn: Whatculture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!