Mặc dù trong game bạn được chém giết rất nhiều kẻ địch, nhưng đối với những game được liệt vào hàng cực phẩm thì có những cái chết lại mang tính chất quyết định.
Nhiều game hiện nay có cốt truyện phi tuyến tính, cho phép game thủ tự do hành động và đưa ra quyết định mà mình muốn, chẳng hạn như ra tay cứu một nhân vật nào đó mà lẽ ra người đó phải chết theo đúng cốt truyện ban đầu.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thiếu những game bắt buộc người chơi phải tận mắt chứng kiến cảnh nhân vật mà mình yêu thương bị sát hại mà không thể làm được gì để ngăn chặn nó.
Cảnh báo cực mạnh: Có Spoiler
Sau đây là danh sách 10 game có cái chết mà người chơi chỉ có thể ngồi nhìn một cách lực bất tòng tâm.
Aerith Gainsborough – Final Fantasy VII
Đây có lẽ là một trong những cái chết đau lòng và thương tâm nhất trong tất cả các game. Một nhân vật dễ mến, ngây thơ như Aerith lại phải bỏ mạng trong game Final Fantasy VII, và Cloud không thể làm gì để ngăn cản được điều này.
Cái chết cũng Aerith đến rất nhanh, chỉ trong tích tắc. Sephiroth từ đâu bỗng dưng xuất hiện, đâm xuyên lưỡi kiếm Masamune qua người Aerith, và thế là cô ấy ra đi chỉ trong 1 nốt nhạc. Cloud chỉ còn biết ôm Aerith khóc thương mà thôi.
Đây là một trong những khoảnh khắc gây xúc động tột cùng, đến nỗi nhiều game thủ còn rỉ tay nhau tìm cách hồi sinh Aerith. Hiện tại thì chỉ có cách xài mod hoặc cheat thì Aerith mới có thể sống lại. Hi vọng là trong phiên bản Final Fantasy VII Remake sắp ra mắt thì Cloud có thể xoay chuyển được tình thế này.
Eli Vance – Half-Life 2: Episode Two
Half-Life 2: Episode Two kết thúc với cảnh Alyx và Gordon chuẩn bị ghé qua tàu nghiên cứu Borealis của Aperture Science, và bên cạnh kết thúc bỏ lửng thì Valve còn quyết định đập vào mặt người chơi một bất ngờ cuối cùng.
Trong cảnh cuối cùng của game, khu nhà xưởng bị hai Advisor phát hiện ra, và một trong hai con quái vật đó đã nhanh chóng bắt lấy cha của Alyx là Eli và đâm một nhát xuyên qua đầu của ông, ngay trước mặt Alyx. May mắn là là Alyx thoát chết nhờ có Dog, và game kết thúc với cảnh Alyx ngồi ôm xác cha mình.
Không những Valve bắt buộc người chơi phải chứng kiến cảnh Eli bị sát hại, mà còn để cho game thủ bị chưng hửng trong suốt 13 năm trời. Phần tiếp theo Half-Life: Alyx sẽ ra mắt vào tháng 3/2020, nhưng được biết nó lấy bối cảnh diễn ra trước sự kiện trong Half-Life 2 nên cũng không giúp ích được gì cho cái kết kia.
Lee Everett – The Walking Dead
Mặc dù series game The Walking Dead cho phép người chơi đưa ra lựa chọn của riêng mình, nhưng đến phân cảnh nhân vật chính Lee đưa ra 2 sự lựa chọn cho con gái mình thì mọi chuyện lại rẽ sang hướng khác.
Lúc đó, Lee bị nhiễm bệnh, và đưa ra 2 sự lựa chọn cho người con gái nuôi Clementine: hoặc là giết anh ấy trước khi anh bị biến thành lũ Walker, hoặc là bỏ mặc Lee và chạy trốn ngay lúc đó. Tuyệt nhiên, cả 2 sự lựa chọn này đều tồi tệ, và game thủ chỉ có thể lựa chọn phương án nào ít tồi tệ hơn thôi.
Và cho dù game thủ lựa chọn phương án nào đi chăng nữa thì cũng đều phải đối mặt với một sự thật là Lee – một nhân vật mà người chơi đã gắn bó xuyên suốt mạch truyện – sẽ ra đi và không bao giờ quay trở lại. Không một ai có thể cứu anh ấy thoát khỏi tình cảnh này.
John Marston – Red Dead Redemption
Red Dead Redemption là game có cốt truyện đưa người chơi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đặc biệt là vào cảnh cuối của game, khi quá khứ của nhân vật chính John Marston đã bắt kịp anh ấy, thì Marston bị một toán người xử bắn, ghim hàng chục viên đạn vào người anh ta.
Cái hay của phân cảnh kết thúc này là trước khi đón nhận cái chết, game cho phép người chơi kích hoạt chế độ slo-mo Dead-Eye để hạ gục càng nhiều kẻ địch càng tốt, trước khi đám người còn lại xả súng vào Marston. Cho dù game thủ lão làng đến đâu, có sử dụng thuần thục Dead-Eye tới mức nào thì cũng thay đổi được số phận của nhân vật chính.
Nhưng sau cảnh đó thì Rockstar cũng đền bù cho game thủ bằng cách cho phép họ điều khiển con trai của John là Jack đi báo thù cho cha của mình.
Bạn, Sarah Lyons, hoặc tất cả mọi người – Fallout 3
Trong phiên bản gốc của Fallout 3 thì game kết thúc với cảnh người chơi bị ép buộc phải chọn một ai đó để tiến vào phòng điều khiển và nhập đoạn mã để giải cứu thế giới. Tuy nhiên, người đó phải hi sinh bản thân vì bị nhiễm phóng xạ.
Mặc dù xung quanh người chơi có khá nhiều đồng đội, nhưng họ đều đưa ra những lý do khá là buồn cười để từ chối nhiệm vụ này. Do đó, bạn chỉ còn lại một vài “option” mà thôi: hi sinh bản thân mình, cho Sarah Lyons tiến vào phòng điều khiển, hoặc là không làm gì cả và chờ nhà máy phát nổ sau vài phút.
Kết thúc này khiến người chơi khá là ức chế nên Bethesda đã thay đổi nó trong bản mở rộng Broken Steel, cho phép game thủ phái Fawkes đi vào căn phòng đó (Fawkes là một dị nhân và không bị ảnh hưởng bởi phóng xạ) hoặc chọn một người khác miễn nhiễm với phóng xạ để đi làm nhiệm vụ cao cả này.
The Boss – Metal Gear Solid 3: Snake Eater
Con trùm cuối trong game là người đã từng dạy bảo cho Snake – The Boss, một đặc vụ Mỹ đào tẩu sang Liên Xô. Và chính vì thế nên khi đối đầu với con trùm này, Snake đã chiến đấu một cách do dự. Khi The Boss sắp chết thì game bắt buộc người chơi phải bắn phát đạn kết liễu mạng sống của cô ta.
Bạn có thể tắt máy vào lúc đó để tránh không phải bắn phát đạn kia, còn không thì bạn chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là bóp cò mà thôi. Oái oăm hơn là game thủ sẽ biết được sự thật là The Boss chỉ giả vờ đào tẩu để trà trộn vào hàng ngũ của Volgin và tìm ra Philosopher’s Legacy.
Đau lòng hơn, The Boss hi sinh dưới cái mác là một kẻ phản quốc và chỉ có bạn, Eva, và số ít người khác biết được sự thật.
Edith Finch – What Remains Of Edith Finch
What Remains of Edith Finch là một tựa game mô phỏng đi dạo (walking simulator) tập trung vào yếu tố cái chết. Nguyên cả game xoay quanh câu chuyện nhân vật chính đi khám phá ngôi nhà của gia đình mình bị nguyền rủa. Họ đều chết vì những nguyên nhân bí ẩn, sâu xa nào đó.
Ở cuối game, người chơi sẽ biết được rằng Edith đang mang thai và sẽ qua đời khi hạ sinh đứa con của mình. Sau đó, game còn cho người chơi biết rằng nhân vật mà mình đang điều khiển không phải là Edith mà là đứa con trai Christopher – người còn sống duy nhất của họ nhà Finch – của cô ta.
Biết được gần như cả gia phả nhà mình đã qua đời trước khi game bắt đầu là một chuyện, biết được rằng nhân vật mình nghĩ là mình đang điều khiển đã qua đời nhiều năm trước, và nguyên nhân cái chết cơ bản là do mình, là một chuyện hoàn toàn khác. Nó cho ta thấy một quan điểm sâu sắc và khác lạ về sự vô thường của mọi thứ trên đời.
Sarah – The Last Of Us
The Last of Us của Naughty Dog là mọt game có khả năng khiến người chơi cảm thấy gánh nặng mà từng nhân vật trong game phải gồng gánh xuyên suốt cuộc hành trình, cũng như cái chết của những nhân vật đó. Đặc biệt, đó là cái chết của Sarah – con gái của nhân vật chính Joel – trong phần mở màn.
Phần đầu game là một khung cảnh rất náo loạn vì dịch bệnh bùng phát, và nó đã giúp game thủ cảm nhận được tâm trạng cũng như tình thế mà Joel đang lâm vào.
Chỉ trong phòng 15 phút đó, người chơi phải cố gắng vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để đưa Sarah đến nơi an toàn, nhưng cuối cùng thì con gái của mình cũng bị kẻ địch vô tình bắn chết.
Thay vì làm thành một đoạn cutscene cho game thủ ngồi xem, Naughty Dog đã cho game thủ tham gia vào khung cảnh đó, cho phép họ “sống” trong hoàn cảnh đó để đẩy bản năng của một người cha lên đỉnh điểm khi con gái của mình đang bị chĩa súng vào người.
Fergus hoặc Wyatt – Wolfenstein: The New Order
Phần mở màn của game này có kết thúc rất ảm đạm, khi mà nhân vật chính “B.J.” Blazkowicz cùng với 2 người đồng đội Fergus và Wyatt bị bắt khi đột nhập vào phòng thí nghiệm vũ khí của Deathshead.
Deathshead sau đó bắt B.J. phải chọn lựa giữa Fergus và Wyatt xem hắn nên giết người nào. Kết quả là người mà bạn chọn sẽ bị Deathshead móc mắt, bị khoan một lỗ vào sọ và hút bộ não ra ngay khi họ đang còn sống.
Dù chọn ai đi chăng nữa thì người chơi cũng không thể can thiệp được gì để thay đổi số phận của họ. Cho dù bạn chọn ai thì kết quả vẫn đẫm máu y như nhau. Tệ hơn nữa, vào cuối game bạn sẽ phải tiêu diệt bộ não đó vì nó được Deathshead gắn vào con robot đang bắn đạn xối xả vào người bạn.
Vaas – Far Cry 3
Với trường hợp của Vaas trong Far Cry 3 thì hơi khác biệt với những game trên một chút. Cụ thể đó là cái cách mà Vaas bị giết chết đã khiến game thủ rất bực bội, bởi vì Vaas không bị giết chết bởi chính tay người chơi mà là bị giết trong một đoạn cutscene sau khi người chơi bấm nút để takedown (hạ gục) tên này.
Xuyên suốt game, Vaas là một tên vô lại khiến game thủ cảm thấy căm phẫn và quyết tâm dùng chính đôi tay của mình để tiêu diệt cho bằng được con trùm cuối này. Tuy nhiên, cái quyền đó lại bị tước đi bởi một đoạn… cutscene, khiến họ cảm thấy vô cùng khó chịu và không hài lòng.
Nguồn: What Culture