Hễ mỗi khi hãng game sẩy chân một cái là y như rằng sẽ có một đống “anh hùng bàn phím” vào giễu cợt và chế ảnh meme các kiểu, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu hãng đó tính toán vô cùng sai lầm, sẩy chân xong rồi lao xuống vực sâu luôn, khiến không chỉ danh tiếng mà còn những tựa game sau này của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng?
Thật ra thì trong ngành game thì không thiếu những chuyện như này đâu anh em ạ. Qua các năm đều có một vài hãng game đưa ra quyết định sai lầm mà “dư chấn” của nó vẫn còn vang vọng đến tận nhiều năm sau đó. Nó có thể là một tựa game, một hệ máy console, hoặc thậm chí là cả một công ty bị lụn bại chỉ vì sai lầm của một số cá nhân. Sau đây là danh sách 10 quyết định tai hại khiến các hãng game từ điêu đứng đến thân bại danh liệt.
Cố tình ghép Kinect với thương hiệu Xbox để rồi phải tự tay khai tử – Microsoft
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng ghi nhận nhưng sự thật là Xbox One không hấp dẫn như PS4 vì số lượng game độc quyền nghèo nàn, rồi còn màn ra mắt thất bại thảm hại nữa chứ. Thật ra, Xbox đã bắt đầu tuột dốc từ khoảng đầu những năm 2010 luôn rồi, hay nói chính xác hơn thì từ khi thiết bị Microsoft Kinect ra mắt là thương hiệu Xbox đã bắt đầu lung lay rồi.
Game thủ không thể tin vào mắt mình khi mà các hội nghị E3 đáng xấu hổ, các tựa game điều khiển bằng chuyển động vô cùng tệ hại, và những quyết định sai trái dần chất đống. Star Wars: Kinect, Steel Battalion: Heavy Armour, và Fighters Uncaged là một vài cái tên điển hình cho thấy camera của Kinect có chất lượng tệ đến mức nào, nếu không muốn nói là nó cực kì khó chịu. Dần dần Kinect trở thành một gánh nặng mà thương hiệu Xbox phải vác trên vai.
Sau nhiều năm phản đối thì Microsoft cuối cùng cũng chịu nhường 1 bước vào năm 2014, ra mắt Xbox One phiên bản không bán kèm Kinect rồi sau đó thiết bị này bị trôi vào quên lãng luôn. Vào tháng 1/2018, Microsoft chính thức cho Kinect về hưu. Có thể nó đã từng giúp Microsoft tăng doanh thu, nhưng dưới góc độ người dùng thì nó thực sự là một vết sẹo to tướng khi nói về Xbox.
Khiến người dùng rối mù với cái tên Wii U – Nintendo
Nintendo đã rạng danh nhờ chiếc máy Wii, và họ đã quyết định thừa thắng xông lên, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dùng để phát triển hệ máy tiếp theo. Mọi chuyện tưởng chừng như đâu vào đó hết rồi, nhưng nào ai ngờ rằng ngày định mệnh của Nintendo chính là tại sự kiện E3 2011. Lúc đó, họ đã vén màn bí mật, cho biết “Project Café” có tên gọi chính thức là Wii U.
Như một điềm báo cho những chuyện sắp xảy ra, cổ phiếu của Nintendo rớt 10% với lý do là dù có chất lượng đồ họa được cải thiện, chiếc console này vẫn không thể đuổi kịp các đối thủ của nó. Ngoài ra còn một vấn đề lớn hơn nữa là cái tên Wii U; hầu hết người dùng đều không biết nó là cái gì khi nghe đến Wii U, nó là tablet phụ kiện cho Wii, hay là một hệ máy mới hoàn toàn luôn vậy? Vì không biết cách marketing cho chính xác nên năm 2012 là một năm thảm họa cho Nintendo. Thậm chí, fan còn gọi đây là thời kì đen tối của Nintendo là đằng khác.
Doanh số thì thảm hại; game thì thượng vàng hạ cám, thiếu những game chất lượng khiến cộng đồng fan ngày càng quay lưng ngoảnh mặt. 5 năm sau đó Nintendo vẫn chưa thể hồi phục được. Đã thế, hãng phát hành game bên thứ ba cũng dần không còn hỗ trợ hệ máy này, nhà bán lẻ thì từ chối không nhập thêm máy nữa, và thế là Wii U trở thành một trong những dự án có doanh số tệ nhất trong lịch sử của Nintendo.
Bán PS3 giá 599USD vì “liều thì mới ăn nhiều” – Sony
Khoảng năm 2005-2008 là thời kì mà Sony đã rơi xuống vực sâu tưởng chừng như không có đáy. Sau sự thành công vang dội của PS2 thì Sony bắt đầu trở nên ngạo mạn và tham tiền hơn. Họ đổ dồn tiền để tạo vi xử lý mới cho hệ máy tiếp theo, biến nó thành chiếc máy console mạnh nhất thời bấy giờ. Như một hệ quả tất yếu, dồn tiền vô bên này thì sẽ có một bên khác chịu thiệt hại, và bên khác trong trường hợp này chính là game. Tại sự kiện E3 2006, mọi người đều thấy rõ mồn một bản chất kiêu ngạo của Sony.
Tại buổi họp báo, Kaz Hirai đã tiến lên sân khấu và dõng dạc nói rằng người dùng sẽ phải xùy ra một số tiền lớn, tới tận 599USD (khoảng 14.000.000VNĐ), vì phải liều thì mới ăn nhiều được. Chỉ cần vậy thôi là quá đủ để một lượng lớn game thủ từ chối mua PS3 và gắn mác Sony là một công ty vô cùng tham tiền. Cư dân mạng đã nhanh chóng bàn tán sôi nổi, chế giễu cả Sony lẫn PS3 theo đủ mọi cách khác nhau. Không chỉ phải đối đầu với Xbox 360 và Nintendo Wii mà khi ra mắt PS3 còn có một kho game nghèo nàn, không được phong phú như đối thủ của mình. Và rồi Sony quyết định hạ giá thành vào năm 2008, các tựa game độc quyền đỉnh cao cũng dần xuất hiện. Nhưng những gì đã xảy ra cũng đã xảy ra, và game thủ thì nhớ dai lắm Sony ạ.
Bản cập nhật NGE trong Star Wars Galaxies cho phép game thủ làm Jedi ngay và luôn – SOE và Lucasarts
Star Wars Galaxies được phát triển bởi Sony Online Entertainment và Lucasarts, và nó đã trở thành một trong những tựa game online multiplayer phổ biến nhất khi ra mắt vào năm 2003 với cộng đồng game thủ lên đến 400.000 người. Ban đầu thì mọi chuyện vẫn suôn sẻ, nhưng khi Star Wars Galaxies bắt đầu chịu áp lực từ các tựa game đối thủ và buộc phải cải thiện chất lượng hơn nữa thì ngay chính lúc này, Galaxies bị banh xác.
Được tung ra vào ngày 08/11/2005, New Game Enhancements đã thay đổi toàn bộ cách mà người chơi tạo và cày level cho nhân vật. Gameplay bị “nhạt hóa”, tinh giản hết mức có thể, nhưng tệ hơn nữa là phần tạo nhân vật. Fan cứng đã vô cùng sửng sốt khi biết được rằng ngay từ đầu game bạn đã có thể làm Jedi được luôn, chả cần phải cày cuốc chi cho cực nhọc cả (còn ai đã lỡ cày rồi thì… ráng nuốt nước mắt vào trong vậy). Trước đó, Jedi giống như là một thành tích mà người chơi đạt được, cho họ một niềm tự hào và kiêu hãnh. Muốn trở thành Jedi thì người chơi phải bỏ công tìm kiếm một vài thứ nhất định để mở thêm slot kỹ năng mới. Vì thế nên mỗi khi nhìn thấy Jedi trong game là ai nấy cũng đều phải ngưỡng mộ.
Vì thế, bản cập nhật New Game Enhancements đã khiến người chơi vô cùng phẫn nộ và quyết định bỏ game. Nhà phát triển sau đó có bổ sung lại một số tính năng cũ để níu kéo nhưng mọi thứ đã quá muộn màng. Galaxies không thể tìm lại ánh hào quang xưa và bị đóng cửa vào năm 2011, được thay thế bằng Star Wars: The Old Republic của BioWare. Nhìn theo một chiều hướng khác thì hiếm có game MMO nào mà có khả năng bóp phát chết luôn như pha New Game Enhancements của Star Wars Galaxies.
Quảng bá Daikatana khiến người xem bị xúc phạm – Ion Storm
Daikatana là một minh chứng điển hình của việc hứa thật nhiều, rồi thất hứa cũng thật nhiều khiến hãng game làm ra nó bị thân bại danh liệt luôn. Game ra mắt vào năm 1998 và đây có thể xem như là một vết nhơ trong lịch sử thể loại FPS. John Romero – người tạo ra game này – đã lợi dụng vị thế của mình trong ngành game để tâng bốc đứa con tinh thần của mình. Bề ngoài là thế, nhưng văn hóa trong công ty lại có dấu hiệu lao dốc và nó đã “chạm đáy” khi bài quảng cáo Daikatana đầy tai tiếng xuất hiện đầy rẫy trên các mặt báo. Câu “John Romero’s about to make you his b*tch” đã khiến người đọc vô cùng sửng sốt, và thế là mọi người có một cái nhìn không mấy thiện lành về hãng Ion Storm và đồng thời tựa game sắp ra thế nào cũng bị gièm pha.
Thật vậy, doanh số của Daikatana chỉ vỏn vẹn 8190 bản tại thị trường Mỹ. Romero sau đó đã lên tiếng xin lỗi về thái độ của mình nhưng Daikatana vẫn bị xem như là một trong những tựa game tệ nhất từ trước đến nay. Mặc dù sau đó Ion Storm đã cho ra mắt tựa game đình đám Deus Ex (2000) nhưng vết thương về mặt tài chính vẫn chưa thể lành lại được. Ion Storm đóng cửa vào năm 2005 khiến nhiều game thủ tiếc nuối vì họ vẫn chưa thể tận dụng hết tiềm năng của mình.
Đổ 100 triệu USD vào game APB: All Points Bulletin để rồi… chẳng mấy ai chơi – Realtime Worlds
Sau Crackdown thì David Jones – nổi tiếng với Grand Theft Auto (1997) – đã tạo ra một tựa game được cho là thứ mà ông đã muốn làm từ 15 năm qua: một tựa game nhập vai MMO với nhiều phe nhóm đấu chọi lẫn nhau. Thế là 100 triệu USD đã đổ vào giai đoạn phát triển cho dự án tầm cỡ này. Tuy nhiên, khi ra mắt vào năm 2010 thì reviewer đánh giá trò này không cao và lượng game thủ chơi trò này cũng không nhiều như dự kiến. Sau khi buộc phải bán bản quyền APB thì Realtime Worlds dần kiệt quệ và nộp đơn xin phá sản vào tháng 8/2010, chỉ vài tháng sau khi game ra mắt.
David Jones không làm thêm game cho đến phần Crackdown 3 (2013). Điều đáng nói ở đây là cả ABP lẫn Realtime Worlds đều rất có tiềm năng. All Points Bulletin có thể mở rộng thể loại MMO hơn nữa để tạo ra một quy chuẩn mới thật sự khác biệt so với những tựa game cùng thời. Tuy nhiên, vì quá tham vọng mà lại quên những chi tiết nhỏ, Realtime Worlds đã sụp đổ và để lại phía sau là bản quyền của trò ABP.
Vay tiền chính phủ Rhode Island để phát triển Kingdoms Of Amalur: Reckoning rồi tiêu xài phung phí – 38 Studios
Sau thất bại với tựa game nhập vai Kingdoms of Amalur: Reckoning (phát hành bởi EA) thì 38 Studios chuyển địa điểm từ Boston sang Rhode Island vào tháng 4/2011, và bi kịch bắt đầu từ đây. Để có kinh phí phát triển và đồng thời tạo thêm việc làm, Curt Schilling – nhà sáng lập 38 Studios – đã vay 75 triệu USD từ chính phủ của bang Rhode Island. Với số tiền này, studio bắt đầu tuyển nhân viên hàng loạt, thậm chí họ còn mua lại cả nhà phát triển Big Huge Games và chi phí bắt đầu đội lên dần dần.
Nguồn tiền của 38 Studios bắt đầu cạn kiệt khi gần đến ngày ra mắt của game, tức tháng 2/2012. Khi doanh số không được như mong đợi, chính xác là thiếu 3 triệu bản nữa thì mới hoàn vốn được, 38 Studios rơi vào tình trạng nguy kịch. Nhân viên thì không được trả lương, ngoài kia thì bắt đầu có lời ra tiếng vào. Sau khi tính toán tất cả mọi thứ thì 38 Studios nợ 150 triệu USD và phải đóng cửa vào tháng 6/2012. Bên cạnh đó, không chỉ nhân viên của 38 Studios phải chịu thiệt mà chính phủ Rhode Island cũng phải “chịu trận” chung luôn. Hàng triệu USD đổ sông đổ bể và Curt Schilling bị kiện, trả lại 61 triệu USD.
Buộc game thủ phải nối mạng mới cho chơi SimCity (2013) – Maxis và EA
Được thành lập năm 1987 bởi Will Wright, Maxis là ngọn cờ đầu trong thể loại mô phỏng xây dựng thành phố và cho đến bây giờ họ vẫn là một ví dụ điển hình. Hãng này được EA mua lại vào năm 1997, mở đường cho The Sims tiếp cận với đại đa số game thủ vào những năm 2000. Ngoại trừ trò Spore (2008) ra thì Maxis không mấy khi dính phốt… cho đến những năm 2010. Khi Maxis giới thiệu phần SimCity mới, ai nấy cũng đều rất háo hức mong chờ. Rồi game cũng ra mắt vào tháng 3/2013, game thủ hí hửng mở lên chơi thì đùng một phát, SimCity đòi hỏi bạn phải kết nối mạng mới cho vào game. Cộng với các lỗi máy chủ nghiêm trọng, việc này đã tạo ra một làn sóng phản ứng vô cùng gay gắt trên các diễn đàn vì chẳng mấy ai mua SimCity về để chơi mạng cả.
Kết quả là studio Maxis Emeryville đã bị EA cho “dẹp tiệm” hồi tháng 3/2015, khiến danh tiếng của nhà phát triển này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau đó SimCity được chuyển sang nền tảng mobile với tựa game SimCity Build-It (2014). Đến năm 2015 thì Cities: Skylines của Colossal Order ra đời, vượt mặt SimCity và lấp đầy khoảng trống trong lòng game thủ mà tựa game này đã để lại.
Quyết định tung Sonic The Hedgehog (2006) để kịp ăn mừng kỷ niệm 15 năm dù game vẫn chưa hoàn thiện – SEGA
Ngay từ đầu những năm 2000 là Sonic the Hedgehog có dấu hiệu hụt hơi rồi. SEGA và Sonic Team có hứa hẹn là sẽ vực dậy series này, nhưng lần nào cũng đều thất bại ê chề. Và đến năm 2006, kỷ niệm 15 năm Sonic xuất hiện trên màn ảnh game, thì chú nhím xanh của chúng ta bị SEGA cho ăn một đòn chí mạng luôn. Sonic The Hedgehog (2006) là một trong những tựa game bị người chơi ghét cay đắng nhất vì có gameplay cồng kềnh, cốt truyện hời hợt, lỗi kỹ thuật tràn lan, màn hình loading rất phiền phức, và còn nhiều vấn đề khác nữa.
SEGA đã yêu cầu game ra mắt đúng vào tháng 11/2006 để kịp ăn mừng dịp kỷ niệm, nhưng đồng thời cũng cắt bớt đội ngũ làm game để phát triển Sonic and the Secret Rings cho hệ máy Wii. Thay vì cho thêm khoảng 1 năm nữa để hoàn thiện Sonic The Hedgehog, SEGA đã quyết định ra mắt game này luôn và thế là bị hàng loạt người chơi và giới phê bình ném đá không thương tiếc. Lúc đó SEGA vẫn chưa nhận ra được mức độ thiệt hại mà game này đã gây ra. Sonic đã phải trượt xuống một con dốc cực kì dài, và dù rằng Sonic Generations và Sonic Mania đều là 2 tựa game chất lượng nhưng vẫn không đủ để vực dậy series này. Sonic đã lặt lìa rồi mà SEGA còn chơi thêm một nhát chí mạng như thế kia thì hỏi sao mà Sonic không thể tỏa sáng như ngày xưa.
Tạo ra tablet gaming Udraw vẽ vời nhưng lại nhắm đến thị trường game thủ hardcore – THQ
THQ từng là một hãng game được nhiều người biết đến, và với mục đích tạo ra trải nghiệm mới cho game thủ, THQ đã giới thiệu tablet gaming uDraw như là một món phụ kiện nhằm tăng tính tương tác và khuyến khích game thủ sáng tạo hơn trong một số tựa game nhất định. Nó có giao diện rất trực quan, dễ hiểu nên cũng được nhiều người ưa chuộng, bán được 1 triệu chiếc cho hệ máy Wii. Tuy nhiên, khi chuyển sang thị trường console “hardcore” hơn thì nó lại thất bại thảm hại. Dù đã có hẳn một chiến dịch marketing rầm rộ, game thủ vẫn không mảy may quan tâm đến uDraw. Đã thế, số lượng game hỗ trợ thiết bị này cũng rất ít.
Và nó đã giáng một đòn chí mạng vào THQ, buộc họ phải dừng sản xuất uDraw vào tháng 2/2012. Mặc dù trên nền tảng Wii thì chiếc tablet này rất là phù hợp, đối với PS3 và Xbox 360 thì nó lại là một quyết định vô cùng tai hại của THQ. Hậu quả là có đến 1,6 triệu chiếc uDraw bị tồn kho, khiến doanh thu bị thâm hụt khoảng 100 triệu USD. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc THQ phá sản vào tháng 12/2012. Dù có bề dày phát triển 22 năm, chỉ với một nước đi sai lầm thôi mà khiến cả công ty phải lụn bại, đây ắt hẳn là một bài học xương máu cho các hãng game khác rút kinh nghiệm.
Nguồn: What Culture